Monday, May 4, 2020

Cách Niệm Ân Đức Phật - Tùy Niệm Phật - Buddhānussati


Buddhānussati hay tùy niệm Phật là pháp tùy niệm đầu tiên trong mười đề mục tùy niệm (Anussati). Nó là sự niệm tưởng đi niệm tưởng lại nhiều lần những ân đức của Phật.
Việc tu tập Niệm Ân Đức Phật này chỉ thành công nơi người có niềm tin tuyệt đối (aveccappasāda), chứ không nơi người khác. Niềm tin tuyệt đối là một trong ba yếu tố đầu của bậc Thánh nhập lưu (S.v. 196). Đó là niềm tin bất động đi kèm với tâm trong sáng do sự hiểu biết đúng về Thánh Đạo tạo ra. Niềm tin này không bị gió tà kiến làm cho lay chuyển. Tuy nhiên, niềm tin giống như niềm tin Thánh Đạo này (Ariya-magga saddhā) cũng có thể được xem như niềm tin tuyệt đối.
Ở đây người hành thiền với niềm tin tuyệt đối muốn thực hành Tùy Niệm Phật nên đi vào độc cư trong một trú xứ thuận lợi và hồi tưởng lại những ân đức đặc biệt của Đấng Giác Ngộ như sau:
“Itipiso Bhagavā
- Arahaṁ
- Sammāsambuddho
- Vijjācaranasampanno
- Sugato
- Lokavidū
- Anuttaropurisadammasarathi
- Satthā devamanussanaṁ
- Buddho
- Bhagavā”
Hành giả nên hồi tưởng đi hồi tưởng lại nhiều lần với sự hiểu biết đúng về các ân đức như sau:
1 - So Bhagavā itipi Arahaṁ
Đức Thế Tôn được gọi là Arahaṁ (Bậc Ứng Cúng) bởi vì ngài đã diệt tận mọi phiền não và và trở thành bậc thánh xứng đáng được các hàng chư thiên, phạm thiên và loài người cung kính.
2 - So Bhagavā itipi Sammāsambuddho
Đức Thế Tôn được gọi là Sammāsambuddho (Chánh Biến Tri) bởi vì ngài đã tự mình giác tri đầy đủ những pháp cần phái được giác tri.
3 - So Bhagavā itipi Vijjācaraṇasampanno
Đức Thế Tôn được gọi là Vijjācaraṇasampanno (Minh Hạnh Túc) bởi vì ngài có đầy đủ trí tuệ và đức hạnh tối thượng.
4 - So Bhagavā itipi Sugato
Đức Thế Tôn được gọi là Sugato (Thiện Thệ) bởi vì ngài đã ngự đến nơi ưu việt (tức Niết Bàn) và bởi vì ngài chỉ nói những lời chân thực và lợi ích.
5 - So Bhagavā itipi Lokavidū
Đức Thế Tôn được gọi là Lokavidū (Thế Gian Giải) bởi vì ngài hiểu biết rõ tam giới : chúng sanh thế giới (satta-loka), hữu vi thế giới (saṅkhāraloka) và không gian thế giới (okāsa-loka)
6 - So Bhagavā itipi Anuttaropurisadammasārathi
Đức Thế Tôn được gọi là Anuttaropurisadammasārathi (Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu) bởi vì ngài điều ngự (thuần phục) được những người đáng được điều ngự không ai sánh bằng.
7 - So Bhagavā itipi Satthā devamanussānaṁ
Đức Thế Tôn được gọi là Satthā devamanussānaṁ (Thiên Nhân sư) bởi vì ngài là bậc đạo sư của chư thiên (devas và brahmas) và con người.
8 - So Bhagavā itipi Buddho
Đức Thế Tôn dược gọi là Buddho (Phật) bởi vì ngài đã tự mình giác ngộ và có thể khai sáng cho người khác hiểu rõ Tứ Thánh Đế và trở thành các bậc thánh nhân (Ariyas).
9 - So Bhagavā itipi Bhagavā
Đức Thế Tôn được gọi là Bhagavā (Thế Tôn) bởi vì ngài là Đấng Tối Thượng và Phúc Đức nhất. Ngài có đầy đủ những đức đặc biệt như sáu loại vinh quang — Issariya (Tự Tại), Dhamma (Pháp), Yasa (Danh Xưng), Sīrī (Cát Tường), Kama (Phương Pháp), Payatta (Nỗ Lực).
Issariya (Tự Tại)— khả năng kiểm soát tâm mình một cách thiện xảo theo ý muốn (tự tại).
Dhamma (Pháp)— khả năng chứng đắc bốn Đạo Trí (magga ñāṇa), bốn Quả Trí (phala ñāṇa) và Niết Bàn (nibbāna), còn gọi là chín pháp siêu thế (Lokuttara dhammas) rất thiện xảo .
Yasa (Danh Xưng) — khả năng làm cho danh tiếng thực sự được lan truyền khắp muôn phương trên toàn cõi nhân giới, thiên giới và phạm thiên giới.
Sīri (Cát Tường)— khả năng để có được một thân hình cân đối và nở nang hoàn chỉnh với diện mạo đáng yêu, đoan trang, và siêu phàm, gồm ba mươi hai hảo tướng và tám mươi vẻ đẹp phụ trên con người của Đức Phật.
Kāma (Ước Muốn)— khả năng thực hiện các năng lực thần thông ngay tức thì theo ý muốn.
Payatta (Nỗ Lực) —nỗ lực tối thượng giúp một người đạt đến tột đỉnh.
Khi người hành thiền niệm tưởng đi niệm tưởng lại nhiều lần các ân đức của Phật như trên, tâm vị ấy sẽ không còn bị ám ảnh bởi tham, sân hoặc si, mà nó hoàn toàn chính trực với các ân đức của Phật như đối tượng của nó.
Khi tâm người hành thiền không còn bị tham, sân và si ám ảnh, vị ấy đè nén được tất cả năm triền cái, và tâm vị ấy hướng về đề mục thiền với sự chính trực. Lúc đó tầm (vitakka) và tứ (vicāra) xuất hiện với sự khuynh hướng về các đức đặc biệt của Phật. Bằng cách suy tưởng trên các ân đức của Phật, người hành thiền tiếp tục vận dụng tầm và tứ, và không bao lâu hỷ (pīti) sẽ sanh khởi trong vị ấy.
Với tâm tràn đầy hân hoan, và với hỷ như nhân gần, những trạo cử của thân và tâm được lắng dịu bằng tịnh (passaddhi). Khi các trạo cử đã được lắng dịu, lạc (sukha) cả ở thân và tâm sanh khởi. Khi có lạc, tâm vị ấy trở nên định tĩnh với các ân đức của Phật như đối tượng của nó. Và vì thế, cuối cùng các thiền chi sanh khởi trong một sát-na duy nhất.
Tuy nhiên, vì các ân đức của Phật vô cùng thâm sâu, và do người hành thiền phải dành hết thời gian để niệm tưởng nhiều loại ân đức Phật, nên thiền chỉ có thể đạt đến cận định chứ không an chỉ. Nói cách khác, cận định (upacāra-samādhi) là định cao nhất người ta có thể đạt đến khi hành pháp Tùy Niệm Phật. Và cận định này tự nó cũng được gọi là ‘Tùy Niệm Phật’, vì nó sanh cùng với sự niệm tưởng các đức đặc biệt của Phật kể như phương tiện vậy.
• Cách Tu Tập ‘Buddhānussati’ Nhanh Chóng
Đối với một người đã đắc tứ thiền do nhờ hành Hơi Thở hay Kasiṇa trắng, trước tiên vị ấy nên hành để đắc tứ thiền có ánh sáng rất rực rỡ và thể nhập đi kèm. Với sự trợ giúp của ánh sáng này vị ấy hồi tưởng hay mường tượng một hình tượng Phật mà vị ấy kính ngưỡng. Khi vị ấy thấy bức tượng Phật rõ ràng trong ánh sáng, vị ấy nên đảnh lễ bức tượng ấy, xem đó như một vị Phật thực hiện tiền. Nếu vị ấy đã từng thấy một vị Phật thực trong một kiếp quá khứ nào đó, hình ảnh của Đức Phật đó có thể xuất hiện trong thị lực của vị ấy.
Sau đó vị ấy nên chuyển sự chú ý từ hình ảnh Phật sang ân đức Phật và niệm tưởng ân đức ấy nhiều lần. Nếu hình ảnh của Đức Phật không xuất hiện, vị ấy nên xem bức tượng Phật xuất hiện trong ánh sáng thiền định của vị ấy như Đức Phật thực và niệm tưởng trên ân đức Phật nhiều lần.
Người hành thiền nên niệm tưởng cả chín ân đức Phật theo tuần tự từng ân đức một, và rồi chọn một ân đức nào mà mình thích nhất và niệm đi niệm tưởng lại ân đức ấy nhiều lần— chẳng hạn, ‘Arahaṁ, Arahaṁ’. Khi định của vị ấy tăng trưởng sức mạnh, hình ảnh Phật sẽ biến mất trong khi tâm vị ấy vẫn tập trung trên ân đức đặc biệt vị ấy đang niệm. Nếu sự việc diễn ra như vậy, vị ấy không nên cố gắng nhớ lại hay tìm kiếm hình ảnh Đức Phật; mà chỉ nên tập trung tâm mình trên ân đức Phật là đủ.
Với sự trợ giúp mạnh mẽ của định thuộc tứ thiền, không bao lâu vị ấy sẽ đạt đến cận định trong Tùy Niệm Phật. Khi tâm vẫn tập trung một cách an tịnh trên ân đức Phật trong một giờ hoặc hơn không có bất kỳ sự phóng tâm nào, vị ấy nên khởi quán các thiền chi. Vị ấy sẽ nhận ra rằng mình đã đạt đến cận định vì lúc này vị ấy có thể thấy các thiền chi đã được khéo phát triển vậy.
Sau đó vị ấy nên niệm tưởng các ân đức Phật còn lại theo tuần từ từng ân đức một cho đến khi đạt đến cận định cho mỗi ân đức. Vị ấy cũng nên hành pháp thuần thục đối với cận định này.
• Những Lợi Ích Của Tùy Niệm Phật (Buddhānussati)
Một người hành thiền đã đắc cận định trong pháp tùy niệm ân đức Phật sẽ có được những lợi ích sau:
1- Vị ấy tôn kính Đức Phật, bậc Đạo Sư, với lòng tôn kính vĩ đại.
2 - Vị ấy đạt đến niềm tin đầy đủ nơi Đức Phật.
3 - Vị ấy có được chánh niệm tốt.
4 - Vị ấy phát triển được trí tuệ và sự hiểu biết.
5 - Vị ấy có được nhiều phước báu.
6 - Vị ấy được nhiều hỷ lạc.
7 - Vị ấy vượt qua được sự sợ hãi và khiếp đảm.
8 - Vị ấy có khả năng chịu đựng được khổ đau.
9 - Vị ấy cảm thấy như thể mình đang sống trong sự hiện diện của bậc Đạo Sư.
10 - Thân vị ấy, được những ân đức Phật thấm nhuần và cư trú, trở nên xứng đáng với sự tôn trọng như một tháp thờ xá-lợi.
11 - Tâm vị ấy khuynh hướng về Phật giới.
12 - Khi gặp phải cơ hội có thể phạm vào một ác nghiệp, vị ấy cảm thấy hổ thẹn (tàm) và sợ (quý) phạm vào ác nghiệp ấy như thể đang đứng trước mặt bậc Đạo Sư.
13 - Ngay cả nếu không đắc một đạo quả nào trong kiếp sống này, ít nhất vị ấy cũng hướng đến một sanh thú an vui.

--- Trích từ: Thiền Định (Samadhi). TK Pháp Thông dịch.

Saturday, February 29, 2020

KHỔ DO AI LÀM?


-- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ do tự mình làm ra?
-- Không phải vậy, này Kassapa.Thế Tôn đáp.
-- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ do người khác làm ra?
-- Không phải vậy, này Kassapa. Thế Tôn đáp.
-- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ do mình làm ra và do người khác làm ra?
-- Không phải vậy, này Kassapa. Thế Tôn đáp.
-- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ không do tự mình làm ra, không do người khác làm ra, khổ do tự nhiên sanh?
-- Không phải vậy, này Kassapa. Thế Tôn đáp.
-- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ không có?
-- Này Kassapa, không phải khổ không có. Khổ có, này Kassapa.
-- Như vậy, Tôn giả Gotama không biết, không thấy khổ.
-- Này Kassapa, không phải Ta không biết, không thấy khổ. Này Kassapa, Ta biết khổ, này Kassapa, Ta thấy khổ.
-- Ðược hỏi: "Tôn giả Gotama, khổ có phải tự mình làm ra", Ngài trả lời: "Không phải vậy, này Kassapa". Ðược hỏi: "Tôn giả Gotama, khổ có phải do người khác làm ra?", Ngài trả lời: "Không phải vậy, này Kassapa". Ðược hỏi: "Tôn giả Gotama, khổ có phải do tự mình làm ra và do người khác làm ra?", Ngài trả lời: "Không phải vậy, này Kassapa". Ðược hỏi: "Tôn giả Gotama, có phải khổ không do tự mình làm ra và không do người khác làm ra, khổ do tự nhiên sanh?", Ngài trả lời: "Không phải vậy, này Kassapa". Ðược hỏi: "Tôn giả Gotama, có phải khổ không có?", Ngài trả lời: "Không phải khổ không có. Khổ có, này Kassapa". Ðược hỏi: "Như vậy Tôn giả Gotama, không biết, không thấy khổ?", Ngài trả lời: "Này Kassapa, không phải Ta không biết, không thấy khổ. Này Kassapa, Ta biết khổ, này Kassapa, Ta thấy khổ". Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy nói lên cho con về khổ, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết cho con về khổ.
-- Một người làm và chính người làm ấy cảm thọ (kết quả). Này Kassapa, như Ông gọi ban đầu "khổ do tự mình làm ra", như vậy có nghĩa là thường kiến.
Một người khác làm và một người khác cảm thọ. Này Kassapa, như vậy đối với người bị cảm thọ, được xảy ra như: "Khổ do người khác làm ra", như vậy có nghĩa là đoạn kiến.
Này Kassapa, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo con đường trung đạo: Vô minh duyên hành, hành duyên thức... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Nhưng do ly tham và đoạn diệt hoàn toàn vô minh, các hành diệt. Do các hành diệt nên thức diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
Khi được nghe nói vậy, lõa thể Kassapa bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Và nay con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, con xin xuất gia với Thế Tôn, con xin thọ đại giới.
-- Này Kassapa, ai trước kia là ngoại đạo nay muốn xuất gia, muốn thọ đại giới trong Pháp và Luật này, phải sống bốn tháng biệt trú; sau khi sống bốn tháng biệt trú, nếu chúng Tăng đồng ý sẽ cho xuất gia, cho thọ đại giới để thành vị Tỷ-kheo. Nhưng Ta nhận thấy cá tánh con người sai biệt nhau.
-- Bạch Thế Tôn, nếu những người xưa kia là ngoại đạo nay muốn xuất gia, muốn thọ đại giới trong Pháp và Luật này, phải sống bốn tháng biệt trú; sau khi sống bốn tháng biệt trú, chúng Tăng nếu đồng ý sẽ cho xuất gia, cho thọ đại giới, thời con sẽ xin sống biệt trú bốn năm, sau khi sống biệt trú bốn năm nếu chúng Tăng đồng ý, mong chúng Tăng cho con xuất gia, cho con thọ đại giới để thành vị Tỷ-kheo.
Và lõa thể Kassapa được xuất gia với Thế Tôn và được thọ đại giới.
Thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Kassapa ở một mình, an tịnh, không phóng dật, sống nhiệt tâm, tinh cần. Và không bao lâu vị này chứng được mục đích tối cao mà con cháu các lương gia đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến; đó là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh ngay trong đời sống hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị này chứng tri: "Sanh đã tận. Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa".
Và Tôn giả Kassapa trở thành một vị A-la-hán nữa.

(Tương Ưng Kinh, II)

("How is it, Master Gotama, is suffering created by oneself?"
"Not so, Kassapa," the Blessed One said.
"Then, Master Gotama, is suffering created by another?"
"Not so, Kassapa," the Blessed One said.
"How is it then, Master Gotama, is suffering created both by oneself and by another?"
"Not so, Kassapa," the Blessed One said.
"Then, Master Gotama, has suffering arisen fortuitously, being created neither by oneself nor by another?"
"Not so, Kassapa," the Blessed One said.
"How is it then, Master Gotama, is there no suffering?"
"It is not that there is no suffering, Kassapa; there is suffering."
"Then is it that Master Gotama does not know and see suffering?"
"It is not that I do not know and see suffering, Kassapa. I know suffering, I see suffering."
"When you are asked: 'How is it, Master Gotama, is suffering created by oneself?' you say: 'Not so, Kassapa.' When you are asked: 'Then, Master Gotama, is suffering created by another?'... 'Is suffering created both by oneself and by another?'... 'Has suffering arisen fortuitously, being created neither by oneself nor by another?' you say: 'Not so, Kassapa.' When you are asked: 'How is it then, Master Gotama, is there no suffering?' you say: 'It is not that there is no suffering, Kassapa; there is suffering.' When asked: 'Then is it that Master Gotama does not know and see suffering?' you say: 'It is not that I do not know and see suffering, Kassapa. I know suffering, I see suffering.' Venerable sir, let the Blessed One explain suffering to me. Let the Blessed One teach me about suffering."
"Kassapa, (if one thinks,) 'The one who acts is the same as the one who experiences (the result),' (then one asserts) with reference to one existing from the beginning: 'Suffering is created by oneself.' When one asserts thus, this amounts to eternalism. But, Kassapa, (if one thinks,) 'The one who acts is one, the one who experiences (the result) is another,' (then one asserts) with reference to one stricken by feeling: 'Suffering is created by another.' When one asserts thus, this amounts to annihilationism. Without veering towards either of these extremes, the Tathagata teaches the Dhamma by the middle: 'With ignorance as condition, volitional constructions (come to be); with volitional constructions as condition, consciousness.... Such is the origin of this whole mass of suffering. But with the remainderless fading away and cessation of ignorance comes cessation of volitional constructions; with the cessation of volitional constructions, cessation of consciousness.... Such is the cessation of this whole mass of suffering."
When this was said, the naked ascetic Kassapa said to the Blessed One:
"Magnificent, venerable sir! Magnificent, venerable sir! The Dhamma has been made clear in many ways by the Blessed One, as though he were turning upright what had been turned upside down, revealing what was hidden, showing the way to one who was lost, or holding up a lamp in the dark for those with eyesight to see forms. I go for refuge to the Blessed One, and to the Dhamma, and to the Bhikkhu Sangha. May I receive the going forth under the Blessed One, may I receive the higher ordination?"
"Kassapa, one who formerly belonged to another sect and desires the going forth and the higher ordination in this Dhamma and Discipline lives on probation for four months. At the end of four months, if the bhikkhus are satisfied with him, they give him the going forth and the higher ordination to the state of a bhikkhu. But individual differences are recognized by me."
"If, venerable sir, one who formerly belonged to another sect and desires the going forth and the higher ordination in this Dhamma and Discipline lives on probation for four months, and if at the end of the four months the bhikkhus, being satisfied with him, give him the going forth and the higher ordination to the state of a bhikkhu, then I will live on probation for four years. At the end of the four years, if the bhikkhus are satisfied with me, let them give me the going forth and the higher ordination to the state of a bhikkhu.")

(S.ii,17)
(Nguồn: Fb Vien Khong Tang)