Tuesday, July 31, 2012

SỰ KHÁC NHAU GIỮA THIỀN ĐỊNH VÀ THIỀN TUỆ

Pháp thiền trong Phật giáo có hai loại, gọi chung là tham thiền (bhāvanā) đó là:
1) Thiền Định (Samathabhāvanā);
2) Thiền Tuệ (Vipasanābhāvanā).
Thiền Định là một pháp thiện làm cho tâm yên tịnh, mát mẻ, an lạc và có quả báo là tái sinh vào cõi Phạm thiên (Brahma). Tuy nhiên pháp thiện này cũng đang còn ở trong vòng sinh tử luân hồi, và con người đã từng tu tập được ngay trước thời Đức Phật ra đời.
Thiền Tuệ là pháp hành khác biệt với thiền định, là pháp thiện được tu tập để thoát khỏi luân hồi tử sinh. Pháp này chỉ có kể từ khi Đức Phật xuất hiện mà thôi và đây cũng là pháp mà Ngài mong muốn mọi chúng sanh, tứ chúng Phật tử đạt đến trí tuệ thiền tuệ này.
Nếu hành giả không thấu hiểu thì sẽ đem cả thiền tuệ và thiền định ra cùng thực hành hoặc sẽ nghĩ rằng cả hai loại này là cùng một pháp hành và cho kết quả như nhau. Do vậy thiền tuệ sẽ không thể phát sinh và sẽ không thoát khỏi khổ được, bởi vì thiền định chỉ làm cho tâm mát mẽ, yên tịnh, an lạc. Hành giả sẽ dính mắc vào an lạc, sống với an lạc, đấy là nhân làm cho trí tuệ không thể thấy được khổ theo phận sự của Thánh Đế được và sẽ làm cho hiểu nhầm rằng sự yên tịnh đã đạt được ấy là Niết-bàn.
Người nào quan tâm đến định thì cần hiểu các điểm này trước, định có ba loại là:
- Sát-na định: định trong chốc lát (hay phiến thời định).
- Cận hành định: định sắp đến trạng thái của thiền.
- An chỉ định: là trạng thái thiền định, tâm ổn cố, trụ vững trên một đối tượng trong thời gian dài.
Thực hành thiền tuệ sử dụng sát-na định, lúc mà đang nhận mỗi một đối tượng hiện tại, đang diễn ra. Hành giả đang nhận đối tượng hiện tiền có thể chuyển đối tượng được nhận theo cả sáu cửa (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý). Chẳng hạn lúc mắt đang theo dõi sắc (thân) ngồi, nếu nghe tiếng động lớn thì tâm tự động quay sang theo dõi ở tai, tức là danh (tâm) đang nghe,…
Sát-na định là nền tảng làm phát sinh thiền tuệ và nhiệm vụ của thiền tuệ là đoạn trừ phiền não, cấu uế tại những nơi mà chúng gá vào để sinh trưởng (sáu cửa: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) (nơi phát sinh thất tình lục dục).
Xin đừng hiểu nhầm về thiền định, hãy tự đọc và tự hiểu lấy, hiểu được rồi thì tự mình thực hành lấy, kiểm chứng lấy; sự thật nằm ở chính bản thân mình. Tâm ta thanh tịnh rồi thì quả sẽ tự có, nghe xong cần suy xét, đừng tin điều gì một cách dễ dàng mà không qua kiểm chứng. So sánh giữa thiền định và thiền tuệ, thử tìm hiểu, học hỏi hai pháp này để đừng nhầm lẫn nhau. Hãy nhìn rõ nhân và quả rồi tự mình quyết định lấy rằng sẽ muốn trở thành Phạm thiên để phải sinh tử luân hồi tiếp tục hay là đạt đến Niết-bàn thoát ly khổ não.
Để tránh khỏi bị đánh lừa, cần phải hiểu đúng và biết rõ, cần xác định cái đúng để tự quyết định. Đúng hay sai tùy thuộc vào trí tuệ của mình, không phải tin vào người khác, có tin thì cũng đem ra kiểm chứng trước đã rồi mới hẳn tin.
Thiền định có từ trước rồi, còn thiền tuệ thì ra đời kể từ khi Đức Chánh Đẳng Giác thành đạo. Hai pháp này khác nhau đến chín điểm, nhân tạo ra không giống nhau nên quả cũng không giống nhau:
Đặc điểm của pháp hành thiền định:
1) Thực tánh: Diễn tiến theo năng lực của định.
2) Đối tượng: Dùng đối tượng là pháp chế định (paññatti) làm nền tảng của thiền, ví dụ mười đề mục tùy niệm.
3) Tính chất: Không phóng dật (phóng tâm).
4) Nhiệm vụ: Diệt trừ các pháp chướng ngại (nivāraṇa).
5) Quả hiện hữu: Là sự không dao động trước đối tượng (đề mục), tâm trụ vững trên đối tượng, giống như ngọn đèn không bị gió làm lay động.
6) Nhân gần: Sự an lạc là nguyên nhân gần làm phát sinh định, bởi vì khi tâm an lạc rồi thì sẽ không dao động trước các dục trần nên tâm được tĩnh lặng.
7) Ích lợi: Dẫn đến các định (samāpatti), làm cho tâm mát mẻ, yên lành, an lạc, bởi lẽ lúc đó tâm thoát ly tham và sân, dễ dàng đắc ngũ thông, cho quả tái sinh vào các cõi trời Phạm thiên trong tương lai.
8) Pháp hành: Cần phải thực hành trên một đối tượng mà thôi bằng cách giữ tâm yên định trên đối tượng đó, thiền định chỉ sử dụng ba cửa giác quan là: thân môn, nhãn môn và ý môn.
9) Phân loại hành giả: Có sáu loại là Tham hành giả (hành giả có tánh tham), Sân hành giả, Si hành giả, Tín hành giả, Giác hành giả và Tầm hành giả. Do vậy người thực hành cần chọn đề mục thích hợp với tâm tánh của mình.
Đề mục của thiền định có tất cả 40 loại, nhưng chỉ có 30 loại đề mục mà hành giả đem ra thực hành là đưa đến đắc định, số còn lại (10 đề mục tùy niệm) chỉ đưa đến cận định mà thôi.
Đặc điểm của pháp hành thiền định chỉ có bấy nhiêu, phương pháp thực hành thì cũng nhiều, tùy theo người chỉ dạy sẽ bày cho cần làm gì. Nghĩ cho kỹ, xem kết quả của người bày cho mình làm trước rồi hãy tin, nói trống không chỉ là gió thoảng, ngôn ngữ chế định thì tin vào đâu được, lời Phật dạy đang còn hiện hữu đấy.
Đặc điểm của pháp hành thiền tuệ:
1) Thực tánh: Diễn tiến theo năng lực của tuệ.
2) Đối tượng: Dùng đối tượng là pháp chân nghĩa (paramattha) trong Tứ Niệm Xứ làm nền tảng của thiền minh sát tuệ.
3) Tính chất: Có trí tuệ thấy rõ như chân như thật của thực tánh vạn pháp.
4) Nhiệm vụ: Diệt trừ tham ái đã che lấp sự thật của thực tánh pháp.
5) Quả hiện hữu: Là sự không hiểu sai về thực tánh của vạn pháp.
6) Nhân gần: Thiền tuệ có định là nguyên nhân gần làm phát sinh, như trong kinh điển có ghi nhận rằng định là nền tảng làm phát sinh tuệ, ở đây chính là sát-na định làm nền tảng phát sinh tuệ (trí tuệ thiền tuệ).
7) Ích lợi: Dẫn đến Lậu tận trí (Āsavakkhayañāṇa) tức là diệt tận các lậu hoặc, đoạn trừ vĩnh viễn các phiền não, cấu uế đã dẫn dắt chúng sanh trong sinh tử luân hồi.
8) Pháp hành: Đối tượng của pháp hành diễn tiến qua cả sáu cửa giác quan, lấy Tứ Niệm Xứ làm đề mục bước đầu. Thiền tuệ không chú trọng đến đối tượng là vi tế hay thô tháp, chỉ quán sát ở sự sinh diệt của danh và sắc (vật chất và tâm), ngay cả các chướng ngại pháp (nivāraṇa) cũng đem ra làm đối tượng của pháp hành thiền tuệ được như đã thấy trong phần Quán Niệm Pháp (Dhammānupassanāsatipaṭṭhāna), mục Chướng Ngại (Nivāraṇapabba).
9) Phân loại hành giả: Có hai loại là Tham ái hành giả và Tà kiến hành giả, phân chia theo tâm tánh của từng người. Trong mỗi loại còn chia ra hai hạng nữa, ấy là hạng đa trí và hạng thiểu trí. Việc thực hành thiền tuệ cần phải lựa chọn đề mục cho phù hợp với tâm tánh của mình.
Các đặc điểm của thiền tuệ đã được nêu rõ ở trên, chúng ta cần phải lựa chọn bởi vì hiện tại mỗi chùa, mỗi một thiền viện đều nói là thực hành thiền tuệ cả. Vào đến nơi nào cần tìm xem cách thực hành của họ, thấy kết quả của họ, quan trọng là ở kết quả của bản thân họ, xem môi trường chung quanh cho thấy là “thiền tuệ chế định” (vipassanāpaññatti) hay “thiền tuệ chân nghĩa” (vipassanāparamattha). Nếu là “thiền tuệ chế định” thì ngay cả con người, trú xứ, môi trường chung quanh được tạo dựng nhằm mục đích kinh tế, lợi lộc, danh tiếng, địa vị, sung túc, đầy đủ bề thế cả nơi khuất lấp lẫn nơi dễ thấy, trước sau bất nhất (trừ những trung tâm đào tạo, giáo dục và quan hệ quốc tế). 
Lời giáo huấn đúng đắn là mỗi khi đã vào thực hành pháp hành thiền tuệ thì lợi, danh, quyền, lạc phải tận trừ. Ăn uống, sử dụng đồ vật chỉ nhằm mục đính giải trừ khổ mà thôi, nên có thể nói rằng: Ra sao cũng được, không dính mắc vào cái gì, mọi thứ chỉ để để diệt khổ mà thôi. Ngày ngày tích lũy phước thiện, giới hạnh trong sạch, hướng đến thanh tịnh, huân tập thiện pháp cho đời kiếp tương lai nhằm đoạn trừ sanh tử luân hồi.
Thiền tuệ chân nghĩa cho quả là diệt tận phiền não, cấu uế, là pháp đoạn trừ phiền não một cách trực tiếp. Công đoạn đầu tiên là diệt tận cái “ta”, cái “của ta” để không còn dính mắc. Chỉ có trí tuệ thiền tuệ mới đoạn trừ phiền não được thôi, thiền tuệ chỉ dành cho người có trí vậy!
 ** Tác giả: Archarn Nép**
(Sư Tường Nhân dịch từ tiếng Thái)

Tuesday, July 17, 2012

VUI HỌC VI DIỆU PHÁP

* Tất cả đều là Pháp, Pháp chia làm 2: Chân Đế và Tục Đế.
- Chân Đế là sự thật tuyệt đối, Tục Đế chỉ là tên gọi. Tục Đế để qua một bên, ta học Chân Đế.

Ví dụ minh họa: Con tên là gì? Dạ Hào! Con lấy tay sờ trên cơ thể coi chỗ nào là Hào đâu! Như vậy tên Hào chỉ là Tục Đế thôi. Còn Chân Đế là gì? Sờ vào cơ thể thấy nóng nóng, lạnh lạnh, cứng, mềm,... cái đó mới gọi là Chân Đế. Do đó khi đang hành thiền với oai nghi đi, nếu chúng ta chú ý đến khái niệm "cái chân của tôi bước đi, cái chân của anh bước đi" là chú ý Tục Đế; còn chú ý sự cứng, mềm, nóng, lạnh,... nơi bàn chân khi tiếp xúc với mặt đất là đang ghi nhận Chân Đế. Chúng ta chỉ chú ý đến Chân Đế thôi, vì Chân Đế là đối tượng của pháp hành Thiền Tuệ - Vipassanā Bhāvanā.

- Chân Đế chia làm 2: Hữu vi và Vô vi. Vô vi là Niết-bàn, để qua một bên, ta học Hữu vi.
- Hữu vi chia làm 2: Vật chất và Tâm. Vật chất là Đất, Nước, Gió, Lửa. Ta ưu tiên học phần Tâm:

* Tâm chia làm 2: Tâm vương và Tâm sở. Tâm vương là tâm chính, tâm sở là những thành phần của tâm vương.

Ví dụ minh họa: Tâm vương ví như nồi súp, tâm sở như các thành phần nguyên liệu để nấu súp. Tâm vương như là nước súp, tâm sở là các loại gia vị trong nước súp. Muốn thử nước súp ngon hay dở thì phải dựa vào gia vị của nước súp để nhận biết. Sự nhận biết ngon dở chung chung đó ví như tâm vương, thử xem súp này có cay không, có ngọt không, có mặn không?... Những chi tiết nhỏ như vậy ví như tâm sở. Vì vậy tâm vương không thể tách rời tâm sở được, hay tâm vương và tâm sở luôn luôn đi cùng với nhau.

(Học tâm vương hay tâm sở trước đều được)
* Tâm sở gồm có 52, chia làm 3 nhóm: 13 tâm sở ba phải (thiện cũng được, bất thiện cũng được), 14 tâm sở bất thiện, và 25 tâm sở thiện. (13, 14, 25)
- Nhóm 13 tâm sở ba phải chia làm 2: 7 tâm sở ba phải chung, 6 tâm sở ba phải riêng.
- Nhóm 7 tâm sở ba phải chung là: Xúc, Thọ, Tưởng, Tác (Cố ý) (Cố ý tạo tác các tất cả mọi việc), Định, Mạng, Chủ (Chủ ý) (Huy động tất cả các tâm sở đến thực hiện nhiệm vụ mà mình đã cố ý thực hiện).
- Nhóm 6 tâm sở ba phải riêng là: Tầm, Tứ, Quyết, Tấn, Hỷ (Phỉ), Dục.

Ví dụ minh họa: Một người lấy một chai nước để ở trên bàn. Nếu cái chai nước không phải của người đó, người đó là ăn cắp, thì tâm lấy đó là tâm bất thiện. Nếu người đó lấy chai nước rồi đem đi cúng dường, thì tâm cúng dường đó là tâm thiện. Chúng ta xét đến các thành phần của tâm lấy chai nước. Khi muốn lấy chai nước, đầu tiên phải nhìn thấy cái chai, tức tâm phải tiếp xúc được với cái chai, gọi là Xúc. Thấy chai nước liền có cảm giác vui vẻ hay cảm giác thản nhiên, gọi là Thọ. Nhìn cái chai biết đây là chai đựng nước để uống do trước đó thường hay kinh nghiệm rồi, gọi là Tưởng. Khi lấy có sự cố ý để lấy, gọi là Tác (Cố ý). Rồi phải ổn định tâm trên cái chai mới lấy được, thấy rõ nhất là người bị chứng run tay càng phải định tâm hơn nữa mới lấy được, không thì tay có thể bị trật ra khỏi chai nước, gọi là Định. Lúc xảy ra hành động lấy chai nước thì tâm phải sống, không giống như người đang ngủ sẽ không biết gì cả, gọi là Mạng. Cuối cùng người lấy đó phải có chủ ý, mục đích lấy để làm gì, lấy để uống giải khát hay mang đem cho, gọi là Chủ (Chủ ý). Những thành phần, chi tiết nhỏ tạo nên việc lấy chai nước đó gọi là các tâm sở. Sự việc lấy chai nước là ăn cắp (bất thiện) hay mang đi cúng dường (thiện) gọi là tâm vương, hay tâm chính, tâm chủ đạo.

Nhóm tâm sở ba phải chung là bắt buộc phải có trong tất cả các tâm vương, còn các tâm sở ba phải riêng có cũng được, không có cũng được. Ví như bát bún bò thì bắt buộc phải có bún, có thịt bò mới ra bún bò, tâm sở ba phải chung là như bún và thịt bò; còn có thể bỏ thêm tiêu, thêm ớt hay không là tùy theo sở thích của người dùng, tâm sở ba phải riêng như là tiêu và ớt.

Các tâm sở ba phải riêng có trong các tâm vương bình thường và phát triển mạnh mẽ trong các tâm thiền. Tầm là hướng tâm đến đối tượng, Tứ là chà xát trên đối tượng. Ví như con ong đi tìm mật. Ban đầu nó bay tìm thấy bông hoa, gọi là Tầm. Tiếp đến là nó bay xung quanh bông hoa một hồi và đậu lên nhụy hoa, gọi là Tứ. Nó thấy cái nhụy hoa thì vui thích, hoan hỷ, gọi là Hỷ. Nó hút hết nhựa hoa một cách no đầy khoan khoái, gọi là Lạc. Xong nó trú và ngủ trên ngụy hoa một lúc, gọi là Định. Ở đây chỉ xét hai yếu tố là Tầm và Tứ thôi. Người mới hành thiền thì đạt được Tầm và Tứ lâu hơn, khó khăn hơn. Sau khi hành thiền giỏi rồi, thuần thục rồi thì có Tầm, có Tứ rất dễ dàng, có thể ngồi xuống là có ngay liền, không cần phải cố gắng nhiều. Nếu thuần thục hơn nữa thì chỉ cần hướng đến đề mục là định tâm trên nó liền, gần như bỏ qua luôn giai đoạn Tầm và Tứ.
Tâm sở Quyết là thể hiện sự quyết tâm, ý chí mạnh mẽ của tâm, sự ý chí quyết tâm này sẽ bị thối lui khi tâm có sự nghi ngờ hay Hoài nghi. Tâm sở Tấn là thể hiện sự cố gắng, nổ lực của tâm. Tâm sở Dục là thể hiện sự mong muốn của tâm.

- Nhóm 14 tâm sở bất thiện chia làm 4: 4 tâm sở bất thiện chung, 3 tâm sở bất thiện nắm giữ, 4 tâm sở bất thiện từ chối, 3 tâm sở bất thiện lờ đờ. (4, 3, 4, 3)
- Nhóm 4 tâm sở bất thiện chung là: Si, Không hổ thẹn tội lỗi (Vô tàm), Không ghê sợ tội lỗi (Vô quý), và Bất an.
- Nhóm 3 tâm sở bất thiện nắm giữ là: Tham, Tà kiến, Mạn.
- Nhóm 4 tâm sở bất thiện từ chối (đẩy ra) là: Sân, Ganh tỵ, Bủn xỉn, Hối hận.
- Nhóm 3 tâm sở bất thiện lờ đờ là: Dã dượi, Buồn ngủ, Hoài nghi.

Nhóm tâm sở bất thiện chung đều có mặt trong tất cả các loại tâm bất thiện. Người mà làm ác được là do vì Si – không phân biệt được thiện ác, tốt xấu, không thấy rõ thực tính pháp, cũng như không Hổ thẹn, không Ghê sợ tội lỗi và Bất an. Người làm ác thì gây ra đau khổ cho người, cho mình và cho cả hai. Nhiều người có thể ghê sợ tội lỗi nhưng hổ thẹn tội lỗi thì tiềm ẩn và luồn lách như con lươn. Ví như một người đổ rác, người này đổ ra ngoài thùng rác thì sợ bị phạt nên ban ngày không dám đổ, nhưng lại chờ đến tối 12 giờ đêm mới đổ rác vung vãi không đúng nơi đúng chỗ, đối với người này thì có sự sợ hãi nhưng không có sự hổ thẹn đối với việc làm sai trái của mình.

Nhóm tâm sở nắm giữ: Tham thì đương nhiên là nắm giữ rồi. Tà kiến thuộc loại nắm giữ ví như mình sai mà cứ cho rằng đúng, ai nói gì cũng không nghe, nắm giữ cái sai của mình (Tà kiến nói cho dễ hiểu là không tin Nghiệp và quả của nghiệp, Chánh kiến là tin Nghiệp và quả của nghiệp). Mạn là so sánh mình với người, cũng thuộc loại nắm giữ, như kiêu mạn là luôn cho rằng mình hơn người; mình bằng người cũng kiêu, như cô ấy có nhà tôi cũng có nhà, cô ấy có xe tôi cũng có xe nên tôi cũng ngon lành; mình thua người cũng kiêu, như xe tôi cũ kỹ không ai ăn cắp, nhà tôi nghèo tối ngủ không cần khóa cửa nên tôi ngon lành hơn; nói chung là nắm giữ sự ngon lành, hơn người của mình, cái gì cũng tìm cách hơn người ta. Vì Tà kiến nên sinh sự dính mắc hay tham đắm, cũng như vì kiêu mạn nên sinh dính mắc hay tham đắm. Nhưng Tà kiến và Mạn không bao giờ đi chung với nhau, chúng như hai con hổ dữ vậy, không bao giờ ở chung trong cùng một khu rừng hay trong cùng một cái hang.

Nhóm tâm sở từ chối: Sân là vì việc xảy ra không như ý mình, muốn đẩy ra. Ganh tỵ, tức là không muốn người ta hơn mình, không muốn người khác giàu có hơn mình, không muốn người khác thành công hơn mình; thường chỉ làm cha làm mẹ mới không ganh tỵ với con cái thôi. Bủn xỉn, tức là không muốn người khác có những cái như mình có, không cho ai những cái mà mình đã có, nghe người ta có những cái như mình thì sinh bực tức. Hối hận, tức là không muốn chuyện đã xảy ra trong quá khứ, muốn trốn tránh hay đẩy đi chuyện đó đi, hay lo lắng chuyện sẽ xảy ra trong tương lai mà không theo ý mình cũng thuộc sự từ chối, đẩy ra.

Nhóm tâm sở lờ đờ: Dã dượi, Buồn ngủ là các trạng thái tâm mê mờ, mệt mỏi, yếu ớt, lờ đờ, xiêu vẹo. Hoài nghi là trạng thái tâm nghi ngờ, nghi Nghiệp và quả của nghiệp, nghi Nhân Quả; như nghi ngờ rằng không biết làm thiện có đem lại sự an vui không, làm ác có đưa đến sự đau khổ hay không.

- Nhóm 25 tâm sở thiện chia làm 3: 7 tâm sở thiện chung, 6 cặp tâm sở thiện chung, và 6 tâm sở thiện. (7, 6 cặp, 6).
- Nhóm 7 tâm sở thiện chung là: Tín, Niệm, Hổ thẹn tội lỗi (Tàm), Ghê sợ tội lỗi (Quý), Không tham, Không sân (Từ), Xả.

Các tâm sở này đối trị với các tâm sở bất thiện. Hổ thẹn tội lỗi và Ghê sợ tội lỗi là hai pháp bảo vệ thế gian. Khi chúng ta làm bất cứ một việc phước thiện gì thì cả thảy 7 tâm sở thiện chung này cùng với 6 cặp tâm sở thiện chung đều sinh lên cùng lúc, hay chúng luôn đi cùng nhau. Do vậy, nếu người hành thiền chỉ cần phát triển Niệm là sự chú ý ghi nhận rõ ràng đề mục hành thiền của mình thôi thì 18 tâm sở thiện còn lại tự động sinh lên luôn, rất lợi lạc, gọi là đi buôn 1 vốn mà 19 lời. Đây là điểm chúng ta cần lưu ý để trau dồi việc phước thiện của mình.

- Nhóm 6 cặp tâm sở thiện chung là:
+ Khinh an, Thư thái, Mềm dẻo, Thích ứng, Điêu luyện, Chánh trực. (Các tâm sở làm cho tâm đồng sinh có trạng thái nhẹ nhàng, điêu luyện,... khi làm việc thiện);
+ Thân khinh an, Thân thư thái, Thân mềm dẻo, Thân thích ứng, Thân điêu luyện, Thân chánh trực. (Các tâm sở này làm cho các tâm sở đồng sinh với nó có trạng thái nhẹ nhàng, mềm dẻo,... khi làm việc thiện).
- Nhóm 6 tâm sở thiện là: 3 Chánh (hay Tiết chế) là Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng; 2 Vô lượng là Bi, Hỷ (Bi vô lượng, Hỷ vô lượng); 1 Huệ (Tuệ) (Trí).

Trong Tứ Vô Lượng Tâm, tức là 4 tâm có đối tượng nhiều vô lượng, có đối tượng là tất cả các chúng sanh, gồm có Từ, Bi, Hỷ, Xả thì Từ ở đây đồng nghĩ với tâm sở Không sân hay Vô sân; Bi là tâm sở Bi vô lượng; Hỷ là tâm sở Hỷ vô lượng, cần phân biệt với tâm sở Hỷ ba phải (Phỉ) ở trên; Xả là tâm sở Xả, tâm bình thản hay tâm không thiên vị trước tất cả chúng sanh, coi mọi chúng sanh đều có Nghiệp là tài sản riêng của họ, thành công hay thất bại tùy thuộc vào Nghiệp riêng của họ. Tâm sở Huệ là trí thấy đúng thực tánh của sự vật hay thấy đúng thực tánh pháp, thấy Nhân quả Ngiệp báo hay biết Nghiệp và quả của Nghiệp, Huệ đồng nghĩa với Chánh kiến, đối trị với Tà kiến.

(Học qua tâm vương)
* Tâm vương có 89, chia làm 2: 8 tâm siêu thế và 81 tâm hiệp thế.
- Tâm siêu thế có 8 là: 4 Đạo, 4 Quả.
- 4 Đạo là: Tu-đà-hoàn đạo, Tư-đà-hàm đạo, A-na-hàm đạo, A-la-hán đạo.
- 4 Quả là: Tu-đà-hoàn quả, Tư-đà-hàm quả, A-na-hàm quả, A-la-hán quả.

Bậc Thánh đắc Đạo một lần là hưởng Quả liền và hưởng mãi, không mất Quả. Ví như một người học xong đại học y khoa, được cấp bằng tốt nghiệp đại học một lần thì có thể làm bác sỹ suốt đời vậy. Bậc Thánh cũng luôn hành thiền khi cần để nghĩ dưỡng và để hưởng Quả Thánh của mình, ví như xạc lại pin để lấy lại năng lượng vậy.

- Tâm hiệp thế có 81, chia làm 2: 27 tâm thiền và 54 tâm không thiền.
- Tâm thiền có 27, chia làm 2: 15 tâm thiền hữu sắc và 12 tâm thiền vô sắc.
- Tâm thiền hữu sắc có 5 là: Nhất thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, và Ngũ thiền.
- Tâm thiền hữu sắc sẽ cho quả ngay lập tức gọi là tâm thiền quả, ngoài ra có thêm tâm thiền duy tác của bậc Thánh A-la-hán do các ngài tu thiền hữu sắc, tổng cộng 5x3 = 15 tâm thiền hữu sắc.
- Tâm thiền vô sắc có 4 là: Không vô biên xứ thiền, Thức vô biên xứ thiền, Vô sở hữu xứ thiền, và Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền.
- Tâm thiền vô sắc cũng sinh tâm quả liền sau đó và tâm thiền duy tác của bậc Thánh A-la-hán nếu các ngài có tu thiền vô sắc, tổng cộng có 4x3 = 12 tâm thiền vô sắc.
- Tâm không thiền có 54, chia làm 3: 12 tâm bất thiện, 24 tâm thiện, và 18 tâm vô nhân (tâm dị thục vô nhân).
- Tâm bất thiện có 12 là: 8 tâm tham, 2 tâm sân, và 2 tâm si.
- Tâm sân có 2: đi với Ưu (cảm thọ buồn) và Hận (Sân), một tâm tự động; một tâm bị xúi giục.
- Tâm si có 2: đi với Xả (cảm thọ xả, không vui không buồn), một tâm Hoài nghi; một tâm Bất an.
- Tâm tham có 8 là:
+ Tâm tham thứ 1: Hỷ, Tà , Tự động. (Hỷ: cảm thọ vui; Tà: Tà kiến, không tin Nghiệp) 
+ Tâm tham thứ 2: Hỷ, Tà, Xúi giục. (Chẵn là bị xúi giục, đi hai người mới bị xúi giục, đi một mình không bị!) 
+ Tâm tham thứ 3: Hỷ, Không Tà, Tự động. (Biết sai trái nhưng vẫn làm ác do tham mạnh hơn) 
+ Tâm tham thứ 4: Hỷ, Không Tà, Xúi giục.
+ Tâm tham thứ 5: Xả, Tà, Tự động. (Xả: cảm thọ xả)
+ Tâm tham thứ 6: Xả, Tà, Xúi giục.
+ Tâm tham thứ 7: Xả, Không Tà, Tự động.
+ Tâm tham thứ 8: Xả, Không Tà, Xúi giục.
(tương ứng học 8 tâm thiện liền, để thấy làm việc thiện cũng có 8 tâm và có Hỷ, có Xả)
- Tâm thiện có 24, chia làm 3: 8 tâm thiện, 8 tâm thiện quả, và 8 tâm thiện duy tác.
- Tâm thiện có 8 là:
+ Tâm thiện thứ 1: Hỷ, Trí, Tự động. 
+ Tâm thiện thứ 2: Hỷ, Trí, Khuyên bảo. (Thay Xúi giục bằng Khuyên bảo để hợp với điều thiện)
+ Tâm thiện thứ 3: Hỷ, Ly Trí, Tự động.
+ Tâm thiện thứ 4: Hỷ, Ly Trí, Khuyên bảo.
+ Tâm thiện thứ 5: Xả, Trí, Tự động.
+ Tâm thiện thứ 6: Xả, Trí, Khuyên bảo.
+ Tâm thiện thứ 7: Xả, Ly Trí, Tự động.
+ Tâm thiện thứ 8: Xả, Ly Trí, Khuyên bảo.
(Tâm thiện thì cho quả liền, thêm chữ quả sau tâm thiện)
- Tâm thiện quả có 8 là:
+ Tâm thiện quả thứ 1: Hỷ, Trí, Tự động, Quả.
+ Tâm thiện quả thứ 2: Hỷ, Trí, Khuyên bảo, Quả.
+ Tâm thiện quả thứ 3: Hỷ, Ly Trí, Tự động, Quả.
+ Tâm thiện quả thứ 4: Hỷ, Ly Trí, Khuyên bảo, Quả.
+ Tâm thiện quả thứ 5: Xả, Trí, Tự động, Quả.
+ Tâm thiện quả thứ 6: Xả, Trí, Khuyên bảo, Quả.
+ Tâm thiện quả thứ 7: Xả, Ly Trí, Tự động, Quả.
+ Tâm thiện quả thứ 8: Xả, Ly Trí, Khuyên bảo, Quả.
(Trường hợp bậc Thánh A-la-hán sau khi đắc Đạo Quả và còn đang sống trên đời cũng làm việc thiện, nhưng việc thiện này không cho quả nữa, chỉ thuần là việc làm tự nhiên, gọi là duy tác. Như vậy thêm duy tác sau tâm thiện).
- Tâm thiện duy tác có 8 là:
+ Tâm thiện duy tác thứ 1: Hỷ, Trí, Tự động, Duy tác.
+ Tâm thiện duy tác thứ 2: Hỷ, Trí, Khuyên bảo, Duy tác.
+ Tâm thiện duy tác thứ 3: Hỷ, Ly Trí, Tự động, Duy tác.
+ Tâm thiện duy tác thứ 4: Hỷ, Ly Trí, Khuyên bảo, Duy tác.
+ Tâm thiện duy tác thứ 5: Xả, Trí, Tự động, Duy tác.
+ Tâm thiện duy tác thứ 6: Xả, Trí, Khuyên bảo, Duy tác.
+ Tâm thiện duy tác thứ 7: Xả, Ly Trí, Tự động, Duy tác.
+ Tâm thiện duy tác thứ 8: Xả, Ly Trí, Khuyên bảo, Duy tác.
- Tâm vô nhân có 18, chia làm 3: 7 tâm quả vô nhân khổ, 8 tâm quả vô nhân lạc, 3 tâm duy tác vô nhân.

Tâm vô nhân (hay còn gọi là tâm dị thục vô nhân; dị là sai khác, biến đổi; thục là chín; dị thục là chín và biến chất thành cái khác) là những tâm không thiện không ác, hay không có các nhân là tham, sân, si, vô tham, vô sân, và vô si. Như một người sau khi sinh vào cõi tốt lành thì tự nhiên là mắt thấy cảnh đẹp, tai nghe tiếng hay, mũi ngửi hương thơm,... là do kiếp trước đã tạo nghiệp tốt lành. Người đã tạo nghiệp xấu ác thì sinh vào nơi hay cõi xấu xa, nơi đầy đau khổ, nơi thường hay gặp cảnh chiến tranh, trộm cướp,... Hoặc người có nghiệp tốt thì đi đâu cũng nghe lời tốt tiếng lành, người có nghiệp xấu thì đi đâu cũng nghe lời xấu tiếng ác.

- Nhóm 7 tâm quả vô nhân khổ là: Nhãn thức, thọ Xả; Nhĩ thức, thọ Xả; Tỷ thức, thọ Xả; Thiệt thức, thọ Xả; Thân thức, thọ Khổ; Tiếp thọ (Thu nhận), thọ Xả; Suy đạt (Xem xét), thọ Xả. (Thân rất mạnh và diện rộng, đụng vào là khổ liền).
- Nhóm 8 tâm quả vô nhân lạc là: Nhãn thức, thọ Xả; Nhĩ thức, thọ Xả; Tỷ thức, thọ Xả; Thiệt thức, thọ Xả; Thân thức, thọ Lạc; Tiếp thọ, thọ Xả; Suy đạt, thọ Xả; Suy đạt, thọ Hỷ. (Tâm thiện rất mạnh, nên ngoài cho quả thọ xả còn cho thêm quả thọ hỷ nữa).
- Nhóm 3 tâm duy tác vô nhân:
+ 1 ngũ môn hướng tâm thọ xả.

Ví như sau khi (các ngũ song thức đã ghi nhận rồi) nghe một tiếng động lớn thình lình đến thì mắt sẽ hướng tới, tai sẽ hướng tới, mũi sẽ hướng tới (nếu có mùi),... một cách tự động, tức cả 5 giác quan trên thân đều hướng tới chỗ có tiếng động đó cùng một lúc, và hành động này xảy ra một cách tự nhiên, thuần phản xạ tự nhiên (gọi là duy tác), không thiện không ác.

1 ý môn hướng tâm thọ xả.

Ví như cũng tiếng động trên là do cái thước đập xuống mặt bàn, sau khi Ngũ môn hướng tâm hướng đến rồi thì thấy cái thước, lúc này chỉ còn một cửa nhận thức thôi là tâm biết cái thước đó, sự hay biết này cũng diễn ra ngay sau ngũ môn hướng tâm và có sự cố gắng để nhận biết, và tâm này cũng không thiện không ác.

+ 1 tiếu sanh tâm thọ hỷ.

Tiếu sanh tâm là tâm duy tác vô nhân làm thành nụ cười của bậc Thánh A-la-hán, các ngài cười như thể hưởng sự an vui do đã hết phiền não trong tâm. (Việc này để vị A-la-hán lo, chúng ta chỉ việc lo hành thiền!).

 (Phần chữ đậm ở trên nên học thuộc lòng).

* Phần tương ưng giữa 89 tâm vương và 52 tâm sở. (Sự kết hợp giữa tâm vương và tâm sở) 
Như vậy là chúng ta đã học các loại món ăn, công thức chế biến và nguyên liệu chế biến món ăn đã có sẵn, công việc tiếp theo là chúng ta xem xét từng món ăn cần thứ nguyên liệu gì, hoặc một loại nguyên liệu thì dùng được cho bao nhiêu món ăn.
Trước hết, chúng ta cần chú ý các điểm sau:
+ 7 tâm sở ba phải chung luôn luôn đi cùng trong tất cả các tâm vương;
+ 4 tâm sở bất thiện chung luôn luôn có mặt trong tất cả các tâm vương bất thiện;
+ 19 tâm sở thiện chung (7 tâm, 6 cặp) luôn luôn sinh lên cùng lúc trong tất cả các tâm thiện, tâm thiền và tâm Đạo Quả;
+ Các ngũ song thức (10 tâm) vì là tâm quả và vô nhân nên tất cả các tâm sở có tính chất chủ động và tính chất đạo đức như thiện hay bất thiện đều không có mặt, nên chúng chỉ có 7 tâm sở ba phải chung mà thôi;
+ Trong các tâm tham thì hai tâm sở Tà kiến và Mạn nếu có mặt cái nào thì các kia mất, như hai con hổ dữ không thể ở cùng chung một chuồng.
+ Các tâm vương không thể tự quyết hay cần có sự tác động thì luôn có các tâm sở lờ đờ là Dã dượi, Buồn ngủ; hai tâm sở Hoài nghi và Quyết không thể ở chung với nhau vì tâm có sự nghi ngờ thì không thể quyết định được việc gì;
+ Các tâm xảy ra một cách tự động, không cần nổ lực gì thì không có tâm sở Tấn; Tâm si thì bị mê mờ, bị che lấp và tâm quả vô nhân thì thụ động nên không cần một sự mong muốn nào, do đó không có tâm sở Dục;
+ Tâm thiện quả, Tâm ngũ thiền thì bỏ hỷ và lạc, và tâm Đạo Quả thì có Xả vô lượng nên các loại tâm này không có hai tâm sở thiện vô lượng là Bi và Hỷ;
+ Tâm thiện và tâm Đạo Quả mới có 3 Chánh (3 tiết chế), còn các tâm thiện quả, thiện duy tác không có, các tâm thiền thì không cần tiết chế vì đối tượng của chúng là các quang tướng nên không cần phải tiết chế, các đối tượng có liên quan tới chúng sanh mới cần có sự tiết chế;
+ Tâm sở Huệ có trong các tâm thiện hợp trí, tâm thiền và tâm Đạo Quả;
+ Cuối cùng tùy theo các chi phần nổi trội mà các tâm vương phải tương ưng với các tâm sở nổi trội đó, như tâm hợp Trí thì có tâm sở Huệ, tâm hợp Tà thì có tâm sở Tà kiến.

- Tâm tham thứ nhất (Hỷ, Tà, Tự động) có bao nhiêu tâm sở? Gồm: 7 tâm sở ba phải chung bắt buộc phải có, 6 tâm sở ba phải riêng cũng đều có mặt, 4 tâm sở bất thiện chung cũng bắt buộc phải có, cuối cùng là sự góp mặt của 2 tâm sở bất thiện nắm giữ là Tham và Tà kiến. Tổng cộng có cả thảy 19 tâm sở.
- Tâm tham thứ hai (Hỷ, Tà, Xúi giục) có bao nhiêu tâm sở? Gồm: 7 tâm sở ba phải chung, 6 tâm sở ba phải riêng, 4 tâm sở bất thiện chung, hai tâm sở bất thiện nắm giữ là Tham và Tà kiến, vì tâm bị xúi giục nên có thêm hai tâm sở bất thiện lờ đờ là Dã dượi, Buồn ngủ. Tổng cộng có cả thảy là 21 tâm sở.
- Tâm tham thứ ba, thứ tư: Vì không Tà nên Mạn sẽ nhảy vào thế chỗ nên cũng tương tự như tâm tham thứ nhất và thứ hai, tâm tham thứ ba có 19 tâm sở, tâm tham thứ tư có 21 tâm sở.
- 4 tâm tham còn lại: Vì cả 4 tâm tham này đều là thọ xả, nên tâm sở Hỷ (Phỉ) bị loại trừ, còn lại thì tương tự 4 tâm tham đầu, nên tâm tham thứ năm có 18 tâm sở, tâm tham thứ sáu có 20 tâm sở, tâm tham thứ bảy có 18 tâm sở, tâm tham thứ tám có 20 tâm sở.
- Hai tâm sân: Cả hai tâm sân đều là thọ ưu (buồn) nên không có tâm sở Hỷ (Phỉ), hợp với hận (Sân) nên cả 4 tâm sở bất thiện từ chối đều có mặt. Như vậy tâm sân thứ nhất bao gồm 7 tâm sở ba phải chung, 5 tâm sở ba phải riêng trừ Hỷ, 4 tâm sở bất thiện chung, 4 tâm sở bất thiện từ chối, tổng cộng là có 20 tâm sở; tâm sân thứ hai vì có xúi giục nên thêm hai tâm sở Dã dượi, Buồn ngủ nữa tổng cộng là 22 tâm sở.
...

Thuận Pháp ghi chép phỏng theo bài giảng của Sư Khánh Hỷ, tại Khóa thiền Vipassana, chùa Huyền Không, tháng 7 năm 2012.


Saturday, July 14, 2012

KINH NGHIỆM HÀNH THIỀN - 003

Trích lời bài kinh Mahā-Satipaṭṭthāna (Đại Niệm Xứ):

Kāye kāyānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā, vineyya loke abhijjhādomanassaṃ;
Vedanāsu vedanānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā, vineyya loke abhijjhādomanassaṃ;
Citte cittānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā, vineyya loke abhijjhādomanassaṃ;
Dhammesu dhammānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā, vineyya loke abhijjhādomanassaṃ.

"Kāye kāyānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā, vineyya loke abhijjhādomanassaṃ": Vị ấy trú nơi thân, có quán sát thân, tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm (có niệm) để được lìa xa tham, ưu ở đời. (viharati,đt, vị ấy trú, vị ấy ở; kāyānupassī, có sự quán sát thân; kāye, định sở cách, trên thân, nơi thân; ātāpī, tinh tấn, nhiệt tâm; sampajāno, tỉnh giác, thấy đúng, thấy như thực; satimā, có niệm, có ghi nhận rõ; vineyya, để được lìa xa, để được bỏ đi; abhijjhā, tham, domanassaṃ, ưu; loke, đsc, trên đời, trên thế gian).
Trong thiền minh sát, chúng ta cần chú trọng đến sự chánh niệm trên các đề mục vật chất và tâm. Các đề mục vật chất và tâm còn được gọi là năm uẩn bao gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức; trong Kinh Đại Niệm Xứ gọi là các đề mục thân, thọ, tâm, pháp. Vì sao chỉ cần chú trọng đến chánh niệm trên đề mục vật chất và tâm để hành thiền! Lý do là:
Thứ nhất, chánh niệm là một trong tám chi phần của Bát Chánh Đạo, là con đường dẫn đến sự giác ngộ Niết-bàn, giải thoát khỏi mọi phiền não từ thô đến vi tế.
Thứ hai, chánh niệm là một thuộc tính của tâm, có tác dụng làm quân bình các căn và hoàn toàn thiện lành. Theo Vi Diệu Pháp, chánh niệm hay tâm sở niệm (Niệm - Sati, là sự ghi nhận các đối tượng một cách đúng đắn rõ ràng) có mặt trong tất cả các loại tâm thiện (tâm đại thiện, tâm thiền và tâm siêu thế). Khi có chánh niệm rồi thì tất nhiên có luôn sự vô tham, vô sân,... nên các bất thiện không có cơ hội xen vào chiếm ngự tâm (Các bất thiện tâm, chúng rất lịch sự, sẽ không bao giờ nhảy vào chiếm chỗ ngồi của các thiện tâm khi các thiện tâm này vẫn đang còn an tọa!!!). Do đó, mọi người ai cũng có thể sẵn sàng sử dụng chánh niệm được nếu chỉ cần cố gắng hành thiền, không phải mất công tìm kiếm chánh niệm ở đâu xa bên ngoài thân tâm này. Một người muốn làm phước thiện bố thí cúng dường phải mất công làm việc thật tốt để tạo ra vật thực, tịnh tài mới thực hiện được việc bố thí ấy. (Mặc dầu vậy, người hành thiền cũng cần có phước bố thí cúng dường để làm duyên lành thanh lọc tâm, dễ dàng tái sinh cõi trời người, mong đạt được chánh niệm và chánh trí). Chánh niệm vì vậy như là một món quà quý báu miễn phí mà tạo hóa đã ban tặng cho người hành thiền, đức Phật chỉ là người đã dẫn ra cho chúng sanh thấy rõ chánh niệm thôi, và chỉ người hành thiền minh sát mới sử dụng chánh niệm để thực hành đưa đến sự giác ngộ giải thoát mà thôi; người tu định ngoài đạo Phật sử dụng chánh niệm để chứng đắc các tầng thiền và dừng lại ở đó, không giải thoát khổ được nếu không hướng tâm đến sự giác ngộ giải thoát; còn người không biết hành thiền nói rằng họ đi cũng biết đi, ngồi cũng biết ngồi,... nhưng sự thật tâm họ không an trú mạnh mẽ trên đề mục được và luôn vọng động ra bên ngoài đề mục, vọng động đến những chuyện quá khứ và tương lai của họ một cách không cần thiết.
Đức Phật dạy rằng đề mục của thiền minh sát phải là các đề mục dễ kiếm, dễ thấy và dễ ghi nhận nhất, đó là các đề mục chứa sẵn trong thân và tâm của chúng ta, cũng gọi là vật chất và tâm; quan trọng hơn là các đề mục này phải giúp người hành thiền minh sát dễ dàng phát triển chánh trí là thấy được tính chất vô thường, bất toại nguyện và vô ngã của đề mục ấy. Vô thường là vì bị biến đổi, sinh diệt. Khổ là vì không bền vững, mất mát. Vô ngã là vì không điều khiển được, không có thực tính. Đề mục tâm thì vô hình vô tướng, luôn thay đổi, sinh diệt rất nhanh, khó ghi nhận, nên lúc mới hành thiền chúng ta nên ưu tiên chọn đề mục vật chất để dễ ghi nhận.
Vì vậy cho nên người hành thiền minh sát cần phải tinh cần để phát triển chánh niệm trên đề mục chính của mình. Đề mục của thiền minh sát là vật chất và tâm, cách dễ nhất là chọn đề mục vật chất . Đề mục vật chất dễ thấy rõ nhất để ghi nhận là sự phồng xẹp ở bụng. Vật chất có các đặc tính cơ bản của nó là nóng, lạnh, cứng, mềm, chuyển động và sức hút. Có thể kể thêm đề mục vật chất khác là sự nóng lạnh hay sự chuyển động của hơi gió nơi lỗ mũi. Như vậy chúng ta đã phát triển hai phương tiện sẵn có là chánh tinh tấn và chánh niệm bên trong chúng ta. Kế tiếp chúng ta cần ý thức sáng suốt (tỉnh giác) để hay biết sự biến đổi, hay biết sự sinh diệt của đề mục. Ngoài ra còn có sự hay biết phụ khác là hay biết tâm bị rời khỏi đề mục chính do phóng dật và dã dượi buồn ngủ. Khi tâm sáng suốt hay biết như vậy để làm duyên phát triển tuệ giác, như tuệ về nhân quả (Ví dụ thấy đề mục biến mất là nhân thì quả là tâm sẽ không ghi nhận được đề mục đó nữa, chánh niệm mạnh mẽ thì sẽ thấy sự phồng xẹp có đoạn chấm dứt là nhân và quả là tâm sẽ không ghi nhận được nên phải hướng tâm ghi nhận đề mục khác như sự xúc chạm, cảm thọ đau nhức tê ngứa,...). Yếu tố quan trọng nữa là chúng ta hành thiền minh sát để hướng đến sự giác ngộ giải thoát khổ nên phải hướng tâm để thấy rõ sự vô thường, vô ngã của đề mục. Từ đó chúng ta thấy đề mục là không bền vững, luôn biến hoại, vô vị, không nghĩa lý, không đáng để dính mắc, tham đắm vào chúng. Đề mục vật chất là vậy thì đề mục tâm là sự biết, là sự ra lệnh và điều khiển mọi hoạt động về thân, khẩu, ý này cũng như thế, cũng không bền, biến hoại, không thực chất, nhàm chán nếu tham đắm vào. Suy ra mọi sự vật hiện tượng trên thế gian này đều là không nghĩa lý, không có giá trị gì; là bấp bênh, là chất độc hại,...Vì thấy mọi sự là bấp bênh, là chất độc đáng sợ hãi như vậy nên chúng ta cần gấp rút vứt bỏ, tránh xa chúng càng sớm càng tốt. Ví như người mò cua bắt ốc ngoài ao hồ đầm lầy, do bị lầm tưởng con lươn mà bắt nhầm con rắn lên thì người ấy phải gấp rút mà vứt bỏ nó đi càng nhanh càng tốt. Chúng ta thực hành liên tục như vậy cho đến khi đạt được sự thản nhiên trước bất cứ sự đến đi nào của mọi đối tượng, của mọi hạnh phúc và khổ đau, diệt trừ được mọi tham đắm và ưu phiền, não hại liên quan đến thân và tâm của chúng ta trong cuộc đời (Hành Xả Tuệ).
Tóm lại, người hành thiền minh sát nhờ nhiệt tâm, tinh cần (có Chánh tinh tấn), ý thức sáng suốt (Tỉnh giác, hay trí tuệ thấy rõ sự sinh diệt của đề mục vật chất và tâm, thấy rõ nhân quả, thấy rõ tâm vọng động hay tâm mê mờ, tức có Chánh kiến) để ghi nhận đề mục phồng xẹp, đề mục chuyển động của gió nơi hơi thở (có Chánh niệm), và cuối cùng là hướng tâm đến sự giác ngộ giải thoát khổ ngay trong hiện tại (có thể gọi là Chánh tư duy, tư duy một cách chơn chánh đúng đắn đến sự giác ngộ giải thoát), thì người đó chắc chắn sẽ đạt được sự giải thoát giác ngộ một cách tốt đẹp, chấm dứt hay đoạn trừ được các phiền não từng phần hay không còn dư sót. Đương nhiên, muốn hành thiền minh sát để có được kết quả tốt đẹp và an tịnh, có lương tâm bình thản, hay có được sự quân bình của thân tâm thì hành giả phải giữ giới cho được trong sạch, xả bỏ mọi hối hận bất thiện trong quá khứ bằng cách phát triển tâm từ và tự tha thứ cho chính mình, có tâm xả ly chia sẻ (gọi là có Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng). Tiếp đến là hành giả ghi nhận đề mục chính một cách liên tục thì tâm sẽ ổn định được trên nó (có Chánh định). Như vậy chỉ cần bốn yếu tố ban đầu là tinh cần, tỉnh giác, hướng tâm đến sự giải thoát giác ngộ và đặc biệt là chánh niệm, mà tất cả tám yếu tố của Bát Chánh Đạo đều có mặt đầy đủ. Có thể nói là chỉ cần trở về chú ý ghi nhận sự phồng xẹp, hay trở về chú ý ghi nhận hơi gió nơi cái mũi không thôi cũng đưa đến giác ngộ, thoát khỏi khổ đau. Cũng có thể nói là chỉ cần có chánh niệm nơi sự phồng xẹp, chánh niệm nơi sự chuyển động của hơi thở cũng đưa tới giải thoát giác ngộ hay thành Phật được! Hành giả cố gắng hành thiền như vậy, không nên lo lắng, sợ hãi việc hành thiền (người phản đối việc hành thiền là người phá hoại đạo Phật vô cùng!). Vì đây là cách làm đúng theo con đường hay phương pháp chỉ dẫn trong Tam Tạng Pali của đức Phật Gotama và đã được kế thừa, lưu giữ, bảo trì qua bao thế hệ nơi các nước Nam truyền, chắc chắn sẽ đạt được giác ngộ Niết-bàn ngay trong kiếp sống hiện tại này.

**TP.PA**