Saturday, April 25, 2015

Suy nghĩ về việc bỏ ăn tối



Chiều nay, tôi nghe bạn nói “ đúng là bỏ ăn tối sướng ghê” , và tôi chợt nhớ có mấy người hỏi tôi cách làm sao bỏ ăn tối, không biết vì bận hay vì thấy người hỏi chưa thành tâm mong muốn nên tôi chỉ cười và nói dễ lắm, bỏ được ngay ấy mà…Cũng lâu rồi…

Và h...ôm nay tôi viết, và hy vọng bài viết này sẽ giúp những người chưa bỏ được ăn tối sẽ bỏ được, và ai bỏ được thì có thêm thông tin để hướng dẫn người khác cũng bỏ được và được hưởng những lợi ích thiết thực của việc bỏ ăn tối…

Tại sao không nên ăn tối.

Tôi đã không hỏi câu hỏi này trước khi bỏ ăn tối, chỉ đơn giản xuất phát từ lòng tin vào Đức Phật mà tôi bỏ. Bỏ xong tôi mới nghiên cứu, hơi ngược nhưng dù sao thì cũng có thể trả lời thế này:
- Không ăn tối giúp chúng ta khỏe hơn.
- Không ăn tối giúp chúng ta đẹp hơn, không bị tích mỡ.
- Không ăn tối giúp chúng ta minh mẫn hơn.
- Không ăn tối giúp chúng ta hướng thượng hơn.
- Không ăn tối giúp chúng ta có nhiều thời gian hơn.
- Không ăn tối giúp chúng ta tiết kiệm được tiền bạc.
- Với người tu, không ăn tối là điều bắt buộc.

Đây là điều mà bao giờ tôi cũng bị phản đối khi người khác biết tôi không ăn tối.., ít nhất trong đầu mọi người thì tôi là người không bình thường. Bữa tối vốn là bữa ăn chính, là lúc mà cả gia đình quần tụ, cả ngày làm việc mệt mỏi, tối là lúc nạp năng lượng, thế mà không ăn thì lấy đâu ra năng lượng. Chưa kể tới chuyện, bỏ ăn tối thì nhà hàng, khách sạn, quán ăn “nó chết hết à”.

Thực ra, nếu phải trả lời cho câu hỏi “tại sao?” thì đa số những người đưa ra những ý trên sẽ nhanh chóng đi vào ngõ cụt. Ví dụ tại sao lại phải ăn tối, tại sao ăn tối lại mang lại năng lượng, tại sao ăn lại mang lại năng lượng, quá trình tiêu hóa, dị hóa thế nào để có năng lượng.. năng lượng nhận được và năng lượng mất đi để tiêu hóa thức ăn thế nào…
Ăn là cả một quá trình vô cùng phức tạp, từ việc nhai thức ăn đã được chế biến, việc tiết nước bọt để “tiền xử lý” thức ăn; việc nuốt và đưa thức ăn xuống dạ dầy; việc thức ăn đã được nhai nhỏ và thấm nước bọt được “ đốt” bằng axit trong dạ dầy và được nghiền, bóp; việc thức ăn được đẩy xuống tá tràng để được thấm mật , dịch tụy và các enzim (men) tiêu hóa khác rồi đẩy vào ruột non, tiếp tục được nghiền mịn bằng cơ chế tinh vi trong ruột; việc các chất bổ được chuyển qua các mao mạch vào máu, đẩy lên gan để tảy độc và về tim, từ đó theo động mạch đi nuôi cơ thể; việc chất bã được đẩy xuống ruột già rồi chuyển xuống tích lại thành phân, rồi đẩy ra ngoài…

Đây là cả một quá trình vô cùng phức tạp, và cơ thể rất cần có năng lượng để chuyển hóa thức ăn thô thành chất bổ dưỡng. Và không chỉ cần năng lượng, một loạt tuyến nội tiết được kích hoạt để thực hiện quá trình tiêu hóa và dị hóa, bắt đầu từ các tuyến gan, tụy, mật, thượng thận cho tới các tuyến cao cấp hơn như tuyến tùng rồi vùng dưới đồi. Cả một bộ máy khổng lồ được huy động để ăn. Rồi sao? Rõ ràng là bạn đã làm xong hết việc vào ban ngày rồi mà, tại sao không nạp trước và trong khi làm việc, trong ngày làm việc, mà làm xong rồi lại cần năng lượng?

Rồi chưa hết, đã mệt mà còn cần năng lượng để tiêu hóa, còn năng lượng làm ra thì lại chưa cần dùng tới. Rõ ràng tối nếu bạn nghỉ và ngủ, thì đâu cần nhiều năng lượng thế. Sáng mai mới cần, còn tối ngủ rồi đâu cần, không cần mà cứ ăn vào thì nó sẽ ra cái gì?

Đấy là chỗ cần phải bình tĩnh đặt câu hỏi tại sao?

Bất hợp lý thứ nhất là đang mệt mà lại làm mệt hơn vì phải ăn…
Bất hợp lý thứ hai là chưa cần năng lượng mà lại nạp…

Bạn sẽ nói là chưa cần thì mai cần… tôi sẽ nói là nếu mai cần thì sao không ăn vào buổi sáng ??? Bạn sẽ nói là sáng tôi bận , không ăn đủ… tôi sẽ hỏi là tại sao bạn lại bận..bạn sẽ nói là tôi muốn ngủ nhiều hơn… tôi sẽ hỏi tại sao bạn lại phải ngủ nhiều ??? Bạn sẽ trả lời là tôi phải ngủ đủ 8 tiếng.. và tôi sẽ hỏi là tại sao 8 tiếng mới là đủ mà không phải là 7 là 6 hay là 5? Câu trả lời của bạn là gì? Tôi chắc là bạn sẽ rất khó mà trả lời câu hỏi này…

Tại sao phải ngủ nhiều thế nhỉ , hay là …
Đúng, do ăn tối nên phải ngủ nhiều.

Do ăn tối nên cơ thể không thể đi vào trạng thái nghỉ ngơi và tập trung xử lý các phần việc mà chỉ có thể làm được khi cơ thể được ngủ. Do phải hoạt động, mà là một hoạt động nặng nhọc là tiêu hóa thức ăn thô, nên giấc ngủ không ngon, mà giấc ngủ không tốt, thể hiện qua mơ nhiều, ngủ dậy miệng đắng và mệt mỏi sẽ khiến giấc ngủ phải kéo dài thêm.

Do ăn tối nên phải ngủ nhiều hơn, tốn thời gian hơn và ngay bản thân giấc ngủ cũng không mang lại sự thoải mái mong muốn. Đó là chúng ta chưa bàn sâu về khía cạnh tinh thần của một giấc ngủ không chất lượng.

Không chỉ có thể, thức ăn được nạp vào buổi tối và chỉ được sử dụng vào ngày hôm sau, sẽ buộc phải dự trữ ở dạng mỡ… và bạn sẽ có một cái kho để chứa “nguyên liệu tinh” ở bụng, ở đùi… nôm na là bạn sẽ béo.. sẽ tăng cân. Và ăn tối càng muộn thì càng nhiều mỡ.

Trước khi đi vào phân tích tại sao không ăn tối khiến người ta thông minh hơn, chúng ta hãy thử nghiên cứu cơ chế này một chút.

Bạn có để ý là ăn no xong thường thấy mí mắt nặng xuống, đặc biệt là nếu không bận làm gì ngay, thì chúng ta rất dễ buồn ngủ. Tại sao vậy? Nếu để ý thêm chút nữa, thì ăn càng no, thì càng dễ buồn ngủ.

Cũng không phải khó hiểu lắm nếu chúng ta có ít kiến thức về nội tiết. Buồn ngủ là do do tuyến tùng, một tuyến nội tiết nằm trong đầu, tiết ra một loại hormone tên là melatonin, chất này sẽ tác động tới các tế bào đích trong não và cơ thể, khiến các tế bào này giảm khả năng hoạt động. Nôm na là ép các tế bào này nghỉ, để dồn năng lượng cho hệ thống tiêu hóa, vốn đang rất cần năng lượng để tiêu hóa thức ăn thô. Melatonine sẽ khiến chúng ta buồn ngủ, giảm trương lực cơ, mí mắt trùng xuống.

Khi buồn ngủ chúng ta có nghĩ được không, có minh mẫn không?

Nếu thường xuyên nhận một liều lượng chất an thần như vậy, liệu có thông minh không

Bạn ăn tối, sau khi ăn, bạn nhận được một liều melatonin, mà đúng ra không phải nhận… Vài tiếng sau, khi bạn đi ngủ, bạn sẽ nhận được thêm một liều melatonin nữa..

Lý do phải cho cơ thể “uống thuốc” an thần, là hệ thống vệ sinh nội tạng không thể hoạt động tốt, khi cơ thể còn hoạt động nặng nhọc như tiêu hóa thức ăn thô, hoặc phải suy nghĩ , làm việc trí óc. Như hệ thống vệ sinh công cộng chỉ có thể làm việc vào ban đêm , khi không có ai đi lại trên đường hoặc rất ít người đi lại trên đường. Chúng ta chỉ cần hình dung Hà Nội hoặc Sài Gòn một ngày mà không được dọn vệ sinh? Rất nhiều thông tin rác mà chúng ta tiếp nhận trong ngày, khi ngủ cơ thể cần phải xử lý, cái nào cho vào đâu, cái nào lưu trữ, cái nào bỏ… rất nhiều chất độc tiếp nhận trong ngày qua thức ăn, qua không khí cần được xử lý, thanh lọc ( tại sao nước tiểu vào buổi sáng bao giờ cũng có màu đậm và rất khai?) ..

Chúng ta đã hiểu phần nào giá trị của giấc ngủ .. vậy hãy làm sao để mình có một giấc ngủ tốt hơn. Và bỏ ăn tối là một giải pháp rất hiệu quả.

Nếu bạn còn lo không ăn tối sẽ thiếu năng lượng, thì hãy suy nghĩ thêm… thứ nhất, tôi bỏ cả ăn sáng lẫn ăn tối, tôi vẫn sống và làm việc bình thường, thậm chí còn nhiều hơn nhiều người. Và rất nhiều người bỏ ăn tối, họ vẫn khỏe mạnh, thanh thoát, nước da sáng và hoạt động cả thể lực và trí tuệ đều hiệu quả.

Thứ nhì, nhiều người đã bỏ ăn sáng, thay vào đó ăn tối rất no. Sao không đổi lại, ăn sáng cho đầy đủ và bỏ ăn tối. Cùng một số lượng thức ăn thô được nạp vào, thay vì tích mỡ khi ăn tối muộn, sẽ được sử dụng ngay nếu được ăn vào sáng sớm, khiến cơ thể làm việc được hiệu quả hơn. Hãy ăn sáng cho đủ, và bạn sẽ không thiếu năng lượng để làm việc và nghỉ ngơi.

Kết thúc phần này, nếu bạn có thể tự đặt câu hỏi “ Ăn để làm gì, ngủ để làm gì”, và nghĩ thật kỹ câu trả lời, tự mình trả lời chứ đừng trả lời kiểu “ vì sách họ viết là phải thế”. Chỉ cần nghĩ kỹ, thế là thành công lớn.

Tiếp theo , tôi sẽ giải thích thêm về cơ chế “đói”, để chúng ta có thể bỏ ăn tối mà không bị đói cồn ruột. Về năng lượng thì bạn có thể yên tâm rồi, vì chúng ta sẽ vẫn có đủ năng lượng, bằng cách sử dụng nhiên liệu vào đúng lúc cần, và tiêu thụ năng lượng ít đi. Cái vướng sẽ là cơn đói.

Tại sao người ta lại đói?

Cũng ít khi chúng ta tự hỏi mình câu hỏi đó, cứ thấy đói là ăn cho hết đói.

Bạn sẽ nghĩ là tôi đang làm phức tạp hóa vấn đề đơn giản, đó là đói thì ăn chứ sao. Không phải vậy, chính vì chúng ta bỏ qua ý nghĩa, nguyên nhân, mà chỉ lo giải quyết cái hiện tượng, nên vấn đề không được giải quyết. Ví như người bị bệnh đau đầu, chỉ lo uống Paracetamol để cắt cơn đau, mà không chịu tìm hiểu do đâu mà đầu nó phải đau, và trị ở gốc, cái nguyên nhân gây ra đau.

Đói, tôi thấy đói, đó là một cảm giác… Ban đầu nó là một cảm giác đúng, báo hiệu cơ thể cần được bổ sung thức ăn, làm nhiên liệu cho việc tái tạo ra năng lượng và dưỡng chất cho các hoạt động của nó. Ban đầu là như vậy, ở trẻ em là như vậy..

Cơ chế nó là: Tùy thuộc vào loại thức ăn , tính toán thời gian cần thiết để chuyển hóa thức ăn thô thành năng lượng.
Tùy vào nhu cầu năng lượng, tính toán thời điểm cần bắt đầu tiếp nhận thức ăn.

Khi có dấu hiệu bắt đầu tiếp nhận thức ăn, ví dụ như theo thói quen tới giờ ăn, như mắt thấy thức ăn đã được chuẩn bị, như mũi ngửi thấy mùi thức ăn được nấu chín, cơ thể bắt đầu tiết ra các hóa chất cần thiết. tuyến nước bọt được chuẩn bị; axit HCL trong dạ dầy bắt đầu tiết ra, tuyến mật và tuyến tụy bắt đầu hoạt động, tiết ra mật, ra các enzim cần thiết, bộ máy tiêu hóa được khởi động từ từ….

Và nếu được ăn vào lúc này, người ta sẽ không có cảm giác đói…

Và nếu không được ăn vào lúc này… khi bộ máy tiêu hóa đã được kích hoạt… thì cảm giác đói sẽ xuất hiện. Nó càng mãnh liệt khi bộ máy được kích hoạt mạnh, chứ nó không phụ thuộc vào việc có được ăn thật hay không. Đói chỉ là phản ứng của cơ thể khi bộ máy tiêu hóa đã được kích hoạt mà không nhận được thức ăn – một phản xạ có điều kiện.

Chúng ta chắc có nhiều kinh nghiệm về việc không ăn mà không thấy đói… hoặc chỉ nghĩ tới ăn mà thấy đói … hoặc cồn cào ruột gan vì phải chờ ăn…. Điều đó nói lên rằng đói chỉ là hiện tượng, không phải bản chất. Và không phải cứ đói là thiếu năng lượng, mặc dù thiếu năng lượng thì sẽ đói.

Đây là một điểm khá tế nhị, vì một người cố tình lờ cơn đói khi thiếu năng lượng, sẽ làm cơ thể kiệt quệ và sinh bệnh. Còn chúng ta sẽ cắt cơn đói khi đó là tín hiệu giả, là khi bộ máy tiêu hóa được khởi động do thói quen ăn tối hàng ngày. Đây là hai việc hoàn toàn khác nhau. Nhịn đói là phản khoa học. Chúng ta sẽ không nhịn đói, thay vào đó, chúng ta đang tìm hiểu cơ chế của việc ăn, tiêu hóa, và từ đó có cách ăn đúng, đúng thức ăn, đúng thời điểm.

Sau khi đã hiểu cơ chế tạo ra cảm giác đói, đã hiểu những hệ quả của việc ăn tối, chúng ta sẽ làm sao để không phải ăn tối mà không bị đói. Việc đó hoàn toàn không khó.

Chúng ta có cái đầu… Ý thức quyết định mọi thứ

Nếu ý quyết là không ăn, ý nhắc cơ thể là tối sẽ không ăn…sẽ từ bỏ việc ăn tối. Nhắc càng rõ ràng, càng quyết tâm, thì tới giờ ăn tối thường lệ, cơ thể sẽ ngưng, sẽ giảm việc khởi động bộ máy tiêu hóa…. Nhất là axit HCL, chất cần thiết để tiêu hóa thức ăn thô trong dạ dày sẽ ngưng, hoặc giảm tiết ra.

Ngày đầu, bộ máy đã quen chạy hàng chục năm sẽ khó mà tuân lệnh ngay. Nó sẽ vẫn vận hành, và chúng ta sẽ đói. Cách tốt nhất để hủy hoại dạ dày, làm thủng dạ dày là “lờ” cơn đói, dùng ý chí áp bức cơ thể. HCL không có thức ăn thô để tạo phản ứng hóa học, nó sẽ tác động mạnh tới lớp “đờm” bảo vệ thành trong của dạ dày, và làm lớp này mòn đi nhanh chóng… trong điều kiện thông thường, lớp này sẽ thay hoàn toàn sau mỗi ba ngày… còn trong điều kiện bị lờ như thế, tôi nghĩ chúng sẽ phải thay chỉ trong một tới hai ngày… Vì lý do nào đó mà chúng không kịp tái tạo? thế thì sẽ loét dạ dày…. Đó là còn nhẹ… Đó mới chỉ nói về dạ dầy…

Ngày đầu, nó sẽ vận hành, và nó sẽ đói… chúng ta sẽ làm gì? Chỉ uống nước, và uống nước sạch , nước trắng… nó vừa làm loãng axit, vừa làm đầy dạ dầy , làm giảm việc gửi tín hiệu đói do dạ dầy rỗng….

Ngày thứ hai, bộ máy tiêu hóa sẽ giảm hoạt động so với ngày đầu, nó đã biết là bạn nói là bạn làm, tín hiệu bạn gửi nó trưa hôm qua là đúng. Bạn đã nói là bỏ ăn tối, và quả thực là tới bữa tối, nó chẳng nhận được loại thức ăn nào ngoài nước trắng.

Ngày thứ ba, nó sẽ giảm nữa… vì nó thấy là thay vì thức ăn, nó vẫn chỉ nhận được nước, và để tiêu hóa nước, thì nó không cần phải khởi động bộ máy phức tạp như vậy. Nó bắt đầu tin bạn, nói cách khác, bạn bắt đầu hòa nhập được với cơ thể nhiều hơn.

Ngày thứ tư, nó sẽ hầu như không khởi động…

Vài ngày sau, bạn sẽ thấy cảm giác yên bình, sung sướng khôn tả của việc không ăn tối..
Đã thành công?

Không, chưa đâu, chúng ta còn phải ăn sáng cho tốt hơn để có năng lượng trong ngày lao động
Chúng ta phải tiết kiệm năng lượng trong sinh hoạt….

Đó là một vấn đề khác, tôi sẽ trình bày ở một lần nào đó, chỉ biết rằng, nếu làm được tốt, thì ăn một bữa là đủ. Các học trò của Đức Phật ngày xưa cũng chỉ ăn một bữa… và không ăn quá ngọ…” vị ấy chỉ ăn ngày một bữa, từ bỏ ăn phi thời, không ăn quá ngọ”

Chúng ta còn nhiều việc phải quan tâm, chưa biết cách bảo vệ cơ thể khỏi việc lãng phí năng lượng, thì việc chỉ bỏ ăn tối và ăn tốt hơn vào buổi sáng là hoàn toàn đủ….Hãy ăn ngày hai bữa sáng và trưa, đặc biệt để ý tới bữa sáng…

Tóm tắt lại thế này:
Bỏ được ăn tối thì sẽ khỏe và đầu óc minh mẫn hơn, bỏ được là tốt Muốn bỏ được thì ngoài quyết tâm, phải có hiểu biết Đừng sợ thiếu năng lượng Dùng nước sạch thay thức ăn vào bữa tối ở những ngày đầu Tác ý sau giờ ăn trưa, là tối sẽ không ăn. Điều này rất quan trọng, không tác ý trước thì sẽ rất đói. Thành công rồi thì đừng ăn lại…từ bỏ là như vậy, nếu ăn lại thì sẽ khó mà bắt cơ thể nghe theo. “Con người ta tồn tại được là nhờ thức ăn….”

Ngày 2/5/2011
Trương Hồng Hạnh

Nguồn trích dẫn: Facebook Hạnh Trương.

Tái Lập Ni Đoàn. Tại Sao Không?


Sống trên đời, với từ tâm, con người chúng ta có thể nâng đỡ, tha thứ cho nhau mọi lỗi lầm. Tuy nhiên, với quy luật nghiệp quả, rất đơn giản là thiện nghiệp thì cho quả lành, bất thiện nghiệp thì cho quả dữ. Như vậy, từ tâm cần phải được đi cùng với trí tuệ, để ta cùng dẫn dắt nhau gặt hái quả lành, chứ không phải cùng dắt díu nhau đi vào cõi dữ. Từ tâm đi cùng với sự bao che, bao biện các bất thiện nghiệp của nhau hóa ra bằng ngàn lần hại nhau. Do vậy, ta hãy cùng tìm hiểu sự thật về nghiệp quả của việc tái lập Ni đoàn.

Tăng Bảo bao gồm hội chúng Tỳ-kheo, hội chúng Tỳ-kheo-ni từ lúc Đức Phật chuyển pháp luân cho nhóm năm vị Koṇḍañña (Kiều-Trần-Như) đến lúc chấm dứt Giáo Pháp. Ngày nay, do vô thường mà hội chúng Tỳ-kheo-ni không còn nữa. Tứ chúng (Tăng, Ni, Cận sự nam, Cận sự nữ) nay chỉ còn có ba (Tăng, Cận sự nam, Cận sự nữ) vì chư Tỳ-kheo-ni đã không thể duy trì hệ thống truyền thừa của mình theo các quy định của Đức Phật về phép xuất gia và thực hành giới Tỳ-kheo-ni.

Sự xuất hiện Ni đoàn trên thế gian không phải là một điều dễ dàng hay tất yếu. Bà nữ thánh Tu-đà-hoàn Mahāpajāpati Gotamī (Kiều-Đàm-Di, dì mẫu của Đức Thế Tôn) và sau đó là Đại Đức Ānanda đều đã 3 lần thỉnh cầu Đức Phật “người nữ có thể đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố” đều không thành tựu. Và Đại Đức Ānanda phải nghĩ “có lẽ ta nên cầu xin đức Thế Tôn việc người nữ rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố bằng một phương thức khác?”. Cuối cùng chính vì nguyên nhân người nữ có khả năng đắc thánh và vì công đức của dì mẫu Gotamī mà đức Phật quyết định thành lập Ni đoàn.

Cung kính tuân thủ tám Trọng Pháp trọn đời là điều kiện tiên quyết để Ni Đoàn xuất hiện trên thế gian. Vì tám Trọng Pháp liên hệ đến cả Pháp và Luật nên đã được kết tập đầy đủ và rõ ràng cả trong Tạng Kinh (Tăng Chi Bộ Kinh – Chương Tám Pháp – Kinh Mahāpajāpati Gotamī (AN 8.51)) lẫn Tạng Luật (Tiểu Phẩm – Chương Tỳ-kheo-ni). Trong đó, quy định quan trọng nhất liên quan đến sự truyền thừa của Tỳ-kheo-ni là phải xuất gia trước hai hội chúng, TăngNi.

Cô ni tu tập sự (sikkhamānā) đã thực hành sự học tập về sáu pháp trong hai năm nên tầm cầu sự tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời. (Tám Trọng Pháp - điều thứ 6)

Sự thành lập Ni đoàn đã được đức Phật tiến hành qua hai giai đoạn.

1. Bà Gotamī được tu lên bậc trên, T-kheo-ni, bằng cách thọ trì 8 Trọng Pháp của đức Thế tôn. Bà là Tỳ-kheo-ni đầu tiên xuất hiện trong giáo pháp của đức Thế tôn.

2. Sự xuất gia Tỳ-kheo-ni của 500 người nữ cư sĩ dòng họ Sakya trước Tăng chúng vì bà Gotamī không thể đại diện cho Ni chúng được.

Sau đó, đức Phật cũng hiện thực hóa sự xuất gia trước 2 hội chúng, học nữ trước Ni chúng và Tỳ-kheo-ni (người đã xuất gia thành tựu trước hội chúng Tỳ-kheo-ni) trước Tăng chúng bằng như quy định.

- Này các Tỳ khưu, ta cho phép các Tỳ khưu được ban phép tu lên bậc trên đến các Tỳ-khưu-ni. (Tạng Luật - Tiểu Phẩm - Chương Tỳ khưu Ni)

Bối cảnh mà đức Phật cho phép những người nữ dòng Sakya chỉ tu lên bậc trên trước Tăng chúng là sau 6 lần bác bỏ sự tồn tại của Ni đoàn trong Giáo Pháp của Ngài, đức Phật quyết định thành lập Ni đoàn và trên thế gian lúc đó có sự tồn tại của một vị tỳ-kheo-ni, đó là bà nữ Thánh Gotamī.

Và từ hơn 2000 năm nay, chúng ta chẳng còn có một vị Tỳ-kheo-ni nào cả. Bối cảnh đức Phật quyết định thành lập Ni đoàn này và bối cảnh các Tỳ-kheo tái lập Ni chúng sau khi Ni chúng được hình thành viên mãn và rồi vô thường, mất gốc thực sự là khác nhau hoàn toàn.

Nếu gượng ép tái lập Ni đoàn bằng cách cho người nữ xuất gia trực tiếp với chư Tỳ kheo Tăng như đức Phật đã chỉ định cho trường hợp người nữ dòng Sakya thì ta thiếu một Tỳ-kheo-ni tồn tại từ trước cũng như chư Tăng không phải là đức Phật để có thể tự mình ra quyết định này. Hơn nữa, các quy định về thông báo, đề nghị, tuyên ngôn Tăng sự bằng tiếng Pāḷi mà đức Phật đã quy định cho lần xuất gia 500 người nữ Sakya không hề được ghi chép lại trong tạng Luật. Nếu cho người nữ xuất gia trực tiếp, chư Tăng phải tự biên, tự diễn Tăng sự phi pháp, phi luật này. Và trong thực tế, đây lại là cách mà Ni đoàn được tái lập trong lần truyền giới thứ hai trở về sau. Tất nhiên, Tăng sự phi pháp, phi luật này không thể thành tựu.

[1340] Bốn loại hành sự: hành sự công bố, hành sự với lời thông báo, hành sự với lời thông báo đến lần thứ nhì, hành sự với lời thông báo đến lần thứ ba. Bốn loại hành sự này bị hư hỏng vì bao nhiêu nguyên nhân?
- Bốn loại hành sự này bị hư hỏng vì năm nguyên nhân: hoặc là vì sự việc, hoặc là vì lời đề nghị, hoặc là vì lời thông báo, hoặc là vì ranh giới (sīmā), hoặc là vì tập thể. (Vinaya Pitaka - Bộ Tập Yếu Parivāra - NĂM PHẦN)

Lại nữa, đức Phật đã có quy định rõ ràng rằng các Tỳ khưu được ban phép tu lên bậc trên đến các T-khưu-ni, những người đã thành tựu sự tu lên bậc trên trước Ni chúng, chứ không phải được ban phép tu lên bậc trên đến các nữ cư sĩ hay nữ đạo sĩ. Tỳ-kheo-ni và nữ cư sĩ, nữ đạo sĩ tất nhiên là những hạng người khác nhau hoàn toàn.

Nếu gượng ép tái lập Ni đoàn bằng cách cho xuất gia Tỳ-kheo-ni lần thứ nhất với Ni đoàn Đại Thừa, lần thứ hai với Tăng đoàn Theravāda thì lại vi phạm quy định ăn trộm Ni tướng và kẻ chuyển sang ngoại đạo. Và đây chính là cách mà Ni đoàn được thành lập trong lần truyền giới đầu tiên.

Này các Tỳ khưu, kẻ trộm tướng mạo (T-khưu) chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã được tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất.
Này các Tỳ khưu, kẻ đã chuyển sang ngoại đạo chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã được tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất.
Này các Tỳ khưu, kẻ làm chia rẽ hội chúng chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã được tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất. (Tạng Luật - Đại Phẩm - Chương Trọng Yếu (Mahākhandhakaṃ))

Để đảm bảo Tăng sự được thành tựu, Đạo Phật Nguyên Thủy luôn luôn chỉ dùng đúng Phật ngôn bằng tiếng Pāḷi. Vì tất cả các ngôn ngữ trên thế giới đều biến đổi theo thời gian, nếu Tăng sự được phép tiến hành bằng các loại tiếng bản địa thì Đức Phật sẽ chế định điều này và cũng sẽ xác định luôn bản dịch nội dung Tăng sự cho ngôn ngữ ấy. Tất nhiên điều này không bao giờ xảy ra. Chính vì các quy định, điều kiện, thủ tục, trình tự cụ thể cho các loại Tăng sự, đặc biệt là các tuyên ngôn, đề nghị, thông báo của Tăng sự được Đức Phật dạy bằng tiếng Pāḷi đã khiến Đại Thừa trở thành một tôn giáo mới. Cụ thể hơn, vì giới bổn Pātimokkha, nghi thức Tăng sự, hình thức y phục, phương cách nuôi mạng, giáo lý, con đường tu tập và mục đích chứng ngộ tối hậu của Nguyên Thủy khác biệt với Đại Thừa nên Đại Thừa là ngoại đạo của Nguyên Thủy và Nguyên Thủy là ngoại đạo của Đại Thừa. Bộ y thật sự là biểu tượng của đạo giáo, được bậc Đạo sư quy định bằng nhiều điều luật khác nhau, mà bị biến hoại thì có giáo lý nào còn được nguyên vẹn? Ta hãy thử hình dung hình ảnh bộ đội VN mặc quân phục của TQ thì sẽ hiểu rõ vai trò của bộ y. Ta hãy nhìn bộ y mà đức Phật đắp thì mới hiểu được mức độ hòa trộn của tín ngưỡng dân gian vào trong Đại Thừa.

Lại nữa, mãi cho đến hạ thứ năm, sau sáu lần bác bỏ sự ra đời của Ni đoàn, chỉ nhờ vào lời thỉnh cầu của ngài Ānanda với các yếu tố về người nữ có thể đắc thánh và về công đức của bà dì mẫu là nữ thánh Nhập lưu Gotamī mà Đức Phật mới quyết định thành lập Ni đoàn. Vì vậy có thể nói rằng sự tồn tại của Ni đoàn trong Tăng bảo không phải là một điều bắt buộc phải có, không có không được, nó chỉ là thứ yếu mà thôi. Do vậy, không có lý do nào khiến Đức Phật phải dự trù tình huống phải làm mọi giá để nó được sống lại trong tương lai sau khi nó vô thường một cách tự nhiên đúng theo cách của thời suy giảm với thiện pháp.

Này Ānanda, nếu nữ nhân không đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, này Ānanda, Phạm hạnh có thể sẽ được tồn tại lâu dài, Diệu Pháp (saddhamma) có thể tồn tại một ngàn năm.
Này Ānanda, bởi vì nữ nhân đã xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, này Ānanda, giờ đây Phạm hạnh sẽ không tồn tại lâu dài, này Ānanda, giờ đây Diệu Pháp sẽ tồn tại chỉ còn năm trăm năm. (Tạng Luật - Tiểu Phẩm - Chương Tỳ Khưu Ni)

Ở đây, Diệu Pháp chính là sự hiện hữu toàn vẹn của pháp học, pháp hành, pháp thành với đầy đủ lục thông và bốn tuệ phân tích.

Như vậy thì hà cớ gì trong thời chúng sanh suy giảm đối với thiện pháp, không còn bà Gotamī nữa, không còn sự tồn tại của Ni đoàn chánh truyền, không có ai trong số ứng viên Tỳ-kheo-ni là người nữ dòng Sakya hay thánh nhân gì cả, năng lực đắc thánh thì không thể bằng thời Đức Phật nhưng trí tuệ tham, sân, si nhào nặn giới luật, làm rối ren Giáo Pháp thì vượt trội, thế thì việc gì phải dựng đứng lại cái đã làm suy giảm tuổi thọ của Diệu Pháp? Để Giáo Pháp diệt vong sớm hơn chăng?

Trong thực tế, với những ai muốn “tái lập” Ni đoàn Nguyên Thủy, họ cần phải bác bỏ không phải chỉ tám Trọng Pháp mà còn cần phải biên soạn lại các điều học liên quan đến sự tu lên bậc trên của người nữ. Trước tiên, họ cần phải xoá các quy định về Tăng sự hư hỏng, Ni sư tế độ là ngoại đạo, hội chúng Ni là ngoại đạo, tu lên bậc trên trước 2 hội chúng (chân chánh), điều pārājika (trục xuất) thứ bảy (xu hướng theo kẻ bị phạt án treo). Bên cạnh đó, họ phải quy định lại vấn đề về cô ni tu tập sự (học nữ) phải thực hành viên mãn 6 pháp trong suốt 2 năm, “Ni sư Nguyên Thủy” không cần đủ 12 năm thâm niên (hạ - vassa), “Ni sư Nguyên Thủy” có thể tiếp độ hàng năm và tiếp độ hơn 1 tân “Tỳ-kheo-ni” mỗi năm để có thể gia Tăng dân số nhanh chóng.

Sự thực, chối bỏ tám Trọng Pháp (là “pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời”) có nghĩa là chối bỏ Bậc Đạo Sư:

“Này Ānanda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Ðạo Sư của các Ngươi.” (Kinh Trường Bộ - Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn)

Đức Thế Tôn cũng như tất cả các chúng sanh không ai ép người nữ xuất gia trong Giáo Pháp của Đức Thế Tôn. Tuy nhiên, để trở thành một Tỳ-kheo-ni, học nữ, sadini trong Giáo Pháp của Đức Thế Tôn thì cần phải tuân thủ các điều luật về sự xuất gia, về sự sinh hoạt và tu học.

Không thành tựu phép xuất gia theo Giới Luật của Đức Phật nhưng vẫn sinh sống bằng danh xưng, bằng bộ y “Tỳ-kheo-ni, học nữ, sadini” nên đó là sự lừa đảo, tà mạng.
Tự biên, tự diễn, tự nhào nặn các luật lệ riêng cho mình rồi tự xưng là Tỳ-kheo-ni, học nữ, sadini thì đó chính là kẻ ăn cắp Ni tướng.

“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tà mạng? Lừa đảo, nói lời mê ly, hiện tướng, gian trá, lấy lợi cầu lợi; như vậy, này các Tỷ-kheo, là tà mạng.” (Trung Bộ Kinh - Đại Kinh Bốn Mươi (MN117))

Thực ra, nhờ có nhóm các Tỳ-kheo chia rẽ khỏi Theravāda làm hội chúng Tỳ-kheo Nguyên Thủy mà các “Tỳ-kheo-ni” Nguyên Thủy thời hiện đại mới “thành tựu” sự tu lên bậc trên.

“Bạch ngài, có điều nói rằng: ‘Sự chia rẽ hội chúng, sự chia rẽ hội chúng.’ Bạch ngài, cho đến như thế nào thì hội chúng bị chia rẽ?”
- “Ở đây, này Upāli, các Tỳ khưu tuyên bố phi Pháp là ‘Pháp;’
tuyên bố Pháp là: ‘Phi Pháp;’
tuyên bố phi Luật là: ‘Luật;’
tuyên bố Luật là: ‘Phi Luật;’
tuyên bố điều đã không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai;’
tuyên bố điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai;’
tuyên bố điều đã không được thực hành bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã được thực hành bởi đức Như Lai;’
tuyên bố điều đã được thực hành bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã không được thực hành bởi đức Như Lai;’
tuyên bố điều không được quy định bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã được quy định bởi đức Như Lai;’
tuyên bố điều được quy định bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã không được quy định bởi đức Như Lai;’
tuyên bố vô tội là: ‘Phạm tội;’
tuyên bố phạm tội là: ‘Vô tội;’
tuyên bố tội nhẹ là: ‘Tội nặng;’
tuyên bố tội nặng là: ‘Tội nhẹ;’
tuyên bố tội còn dư sót là: ‘Tội không còn dư sót;’
tuyên bố tội không còn dư sót là: ‘Tội còn dư sót;’
tuyên bố tội xấu xa là: ‘Tội không xấu xa;’
tuyên bố tội không xấu xa là: ‘Tội xấu xa.’
Do mười tám sự việc này, các vị ấy tách ra và tách rời hẳn, chúng thực hiện lễ Uposatha riêng rẽ, chúng thực hiện lễ Pavāraṇa riêng rẽ, chúng thực hiện hành sự của hội chúng riêng rẽ. Này Upāli, cho đến như vậy thì hội chúng bị chia rẽ. (Tạng Luật - Tiểu Phẩm - Chương Chia Rẽ Hội Chúng)

Như vậy, những tỳ-kheo đã cho tu lên bậc trên những nữ đạo sĩ, nữ cư sĩ và những kẻ đã chuyển sang ngoại đạo trộm tướng mạo (T-khưu-ni), đã làm viên mãn nghiệp chia rẽ Tăng bằng hành sự riêng rẽ phi pháp. Cộng nghiệp với những kẻ đó là những ai tùy hỷ với hành sự ấy.

Thế Nào Là Mục Đích Xuất Gia Trong Giáo Pháp Của Đức Thế Tôn?

Để thành tựu Tỳ-kheo-ni thì cần hội đủ các tiêu chuẩn về nội thân và lễ xuất gia thành tựu. Để thành tựu mục đích tột cùng là sự giải thoát (cho cả tại gia lẫn xuất gia) thì cần phải tu tập miên mật nghiêm túc Giới, Định, Tuệ. Bằng cách xem thường Phật, Pháp, Tăng, phớt lờ Giới luật chỉ để nhằm thỏa mãn danh xưng, bản ngã rằng ta đây cũng thực hành Giới hạnh, Phạm hạnh, các Tỳ-kheo-ni, sadini tân thời đã trở thành những kẻ ngoại đạo tà mạng, những đứa con phi pháp, vô thừa nhận.

Sự giải thoát, chấm dứt khổ sanh tử luân hồi không phải là độc quyền của người xuất gia trong Giáo Pháp của Đấng Chiến Thắng. Trong thời Đức Phật, có hàng triệu vị cận sự nam, cận sự nữ cư sĩ tại gia là các bậc thánh Nhập lưu, Nhất lai, Bất lai. Như vậy, danh xưng tỳ-kheo-ni, học nữ, sadini không giúp được gì cho mục đích giải thoát khỏi sanh tử luân hồi mà chính sự thực hành viên mãn tam học Giới, Định, Tuệ sẽ giúp người tại gia hay xuất gia thành tựu mục đích này.

Với người ác giới, này các Tỷ-kheo, với người phá giới, chánh định do vậy bị phá hoại. Khi chánh định không có mặt, với người chánh định bị phá hoại, như thật tri kiến do vậy bị phá hoại. Khi như thật tri kiến không có mặt, với người như thật tri kiến bị phá hoại, nhàm chán, ly tham do vậy bị phá hoại. Khi nhàm chán ly tham không có mặt, với người nhàm chán ly tham bị phá hoại, giải thoát tri kiến do vậy bị phá hoại.
Với người có giới, này các Tỷ-kheo, với người gìn giữ giới, chánh định do vậy được đầy đủ. Do chánh định có mặt, với người chánh định được thành tựu, như thật tri kiến do vậy được thành tựu. Do như thật tri kiến có mặt, với người như thật tri kiến có mặt, nhàm chán, ly tham do vậy được thành tựu. Do nhàm chán, ly tham có mặt, với người nhàm chán ly tham được thành tựu, giải thoát tri kiến do vậy được thành tựu. (Tăng Chi Bộ - Chương V - Kinh Ác Giới)

Tuy nhiên, vì lòng tham với danh xưng nên bằng nỗ lực (tà tinh tấn) của cái tâm làm nô lệ cho các phiền não tham, sân, si, các tỳ-kheo-ni, học nữ, sadini tân thời đã chối bỏ bậc Đạo sư, chà đạp giới luật, ăn cắp Ni tướng, sinh sống tà mạng, họ đã tự mình chặt đứt con đường giải thoát của chính mình.

Vì bản chất của sự việc phi pháp này đã chỉ ra một con đường duy nhất dành cho những ai tham gia và ủng hộ nó là cõi dữ nên không thể có một sự biện hộ chân chánh nào có thể dành cho họ để có thể nói rằng vì muốn phát triển giáo pháp, vì muốn gầy dựng lại truyền thống tốt đẹp của Đạo Phật, vì muốn được giải thoát, họ buộc phải tái lập lại Ni đoàn. Nếu không thể biện hộ được những điều đó thì sự đấu tranh cho danh xưng “Tỳ-kheo-ni, học nữ, sadini có ý nghĩa gì ngoài mục đích khoác lác, lừa đảo và kiếm ăn tà mạng?

Một kẻ sống dối trá, ăn cắp Ni tướng, trộm cắp miếng cơm của đàn na tín thí thì sao có thể có tư cách truyền tam quy, ngũ giới cho một người cư sĩ sống chân chánh? Một người có 3 giới có tư cách truyền 5 giới cho người khác được chăng? Họ có xứng đáng để người Phật tử đứng chắp tay hay không chứ đừng nói gì đến việc truyền giới.

Con người rồi ai cũng phải chết. Vấn đề mà chúng ta cần phải biết là vì nguyên nhân nào mà sau cái chết chúng ta sẽ đi lên cõi lành hay đi xuống cõi dữ. Và đức Phật đã chỉ rõ bằng cách nào, bằng nguyên nhân nào mà ta đi xuống cõi dữ.

Ta tuyên bố cho các Thầy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rõ cho các Thầy, này các Tỷ-kheo, với một người ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh, đáng nghi ngờ những hành vi che đậy, không phải Sa-môn, nhưng tự nhận là Sa-môn, không sống Phạm hạnh, nhưng tự nhận sống Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất tịnh. Thật là tốt hơn bị một người lực sĩ với các kềm sắt nóng đang cháy đỏ, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa ngọn, mở miệng và nhét vào miệng một hòn sắt nóng đang cháy đỏ, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa ngọn. Hòn sắt ấy đốt cháy môi của người ấy, đốt cháy miệng, đốt cháy lưỡi, đốt cháy cổ họng, đốt cháy bụng đem theo ruột non, ruột già và thoát ra ngoài từ phần ở dưới. Vì cớ sao? Vì do nguyên nhân ấy, này các Tỷ-kheo, người ấy đi đến chết hay đi đến khổ gần như chết, nhưng không vì nhân duyên ấy, sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nhưng này các Tỷ-kheo, khi một người ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh... tánh tình bất tịnh, hưởng thọ các đồ ăn khất thực do các Sát-đế-lỵ đại phú, các Bà-la-môn đại phú, do các gia chủ đại phú, vì lòng tin cúng dường; Như vậy, này các Tỷ-kheo, khiến cho vị ấy bất hạnh, đau khổ lâu dài, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. (Tăng Chi Bộ - Chương Bảy Pháp - Kinh Lửa)

Ở đây, ta có thể thấy được sự khác biệt giữa người tu nữ giữ10 giới chân chánh và người sadini, tỳ-kheo-ni sống tà mạng, hạ đẳng là một đằng đi lên thiện giới, Niết bàn, một đằng đi xuống cõi dữ. Chúng ta cũng nên thương xót cho những chiến binh của Ma Vương phiền não, những kẻ đang hết lòng hy sinh kiếp người khó có được này để giành cho bằng được tấm vé định cư nơi khổ cảnh, những kẻ đang hết lòng hại mình, hại người, hại Giáo Pháp.

Chùa chiền của Tam bảo nhất định không thể là nơi nuôi dưỡng các ung nhọt của Giáo Pháp ngang nhiên tồn tại trong nội thân mình. Dù các ung nhọt ấy còn nhỏ và ít, nhưng rồi chúng sẽ sớm làm bại hoại Giáo Pháp vì cái sảy nó nảy cái ung. Vì bản chất của sự thọ trì chỉ có 3 giới, chúng sẽ làm mất lòng tin ở nơi những người có ít lòng tin nơi Tam bảo, làm các Phật tử có trí khởi sanh lòng thương hại vì sự thiếu trí và cả sự khinh bỉ vì sự tà mạng, hạ đẳng của chúng. Chúng thực sự là những kẻ nội xâm trong Giáo Pháp của đức Phật.

Theo quy luật của nghiệp, đã cúng dường đúng pháp là có phước, nhưng vấn đề là phước ấy như thế nào?

Tại đây, này Ananda, sau khi bố thí cho các loại bàng sanh, cúng dường này có hy vọng đem lại trăm phần công đức.
Sau khi bố thí cho những phàm phu theo ác giới, cúng dường này có hy vọng đem lại ngàn phần công đức.
Sau khi bố thí cho các phàm phu gìn giữ giới luật, cúng dường này có hy vọng đem lại trăm ngàn lần công đức.
Sau khi bố thí cho các người ngoại học đã ly tham trong các dục vọng, cúng dường này có hy vọng đem lại trăm ngàn ức lần công đức. (Trung Bộ Kinh - Kinh Phân biệt cúng dường)

Như vậy, ta có thể thấy rằng bố thí cho những kẻ tà mạng sẽ có phước báu lớn hơn bố thí cho súc vật và nhỏ hơn so với cúng dường người Phật tử đang thọ trì 5 giới hay những vị chứng đắc thiền định, đoạn trừ 5 triền cái (dục ái, sân, hôn trầm - thụy miên, trạo cử - hối quá và hoài nghi).

Ví như một người có trí khi buộc phải chọn lựa giữa thân thể và tài sản thì họ sẽ chọn thân thể, khi buộc phải chọn giữa tính mạng và thân thể thì họ sẽ chọn tính mạng. Cũng vậy, một người có trí sẽ từ bỏ bàn tay lỡ nhúng chàm và chọn lấy con đường thiện giới cõi đời này và họ cũng biết rằng không ai có thể làm thay đổi được quá khứ.

Sống trên cõi đời này, có ai dám tự xưng rằng mình chưa bao giờ phạm sai lầm? Nhưng có phải vì ta lỡ phạm sai lầm, vì sĩ diện tự ái, ta quyết định sẽ không quay đầu và chọn mất mạng, sống lâu dài, thường trú trong cõi dữ? Những ai còn có chút ít lý trí nhất định sẽ sám hối với Tam Bảo vì sự vô minh của mình và quay về hộ trì Chánh Pháp. Con người chân chánh chỉ đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại”, đơn giản là vì họ tôn trọng những kẻ có bản lãnh, có trí và biết sống có lý trí.

Bộ y của người tu nữ rất đẹp và cao thượng. Nhưng bộ y có được không đúng giới luật thì chỉ đem lại khổ đau cho người chủ nhân của nó cũng như cho Chánh Pháp mà thôi.

Đặc biệt, trong giai đoạn gần đây, có nhiều tu nữ hay nữ cư sĩ, do không thân cận các bậc thiện trí thức, thiếu hiểu biết kinh điển nên đã làm vỡ phép Tam Quy bằng việc bác bỏ tám Trọng Pháp, ủng hộ và xuất gia sadini hay Tỳ-kheo-ni. Tuy vậy, chúng ta vẫn luôn mong chờ họ quay lại vì chúng ta luôn mong họ có được phước báu xuất gia cũng như mong Chánh Pháp mãi trường tồn.

- Người ngu biết mình ngu,
Nhờ vậy thành có trí.
Người ngu cho mình trí,
Thật xứng gọi chí ngu. (PC 63)

- Nếu thấy bậc hiền trí,
Chỉ lỗi và khiển trách,
Như chỉ chỗ chôn vàng
Hãy thân cận người trí!
Thân cận người như vậy,
Chỉ tốt hơn, không xấu. (PC 76)

- Những người hay khuyên bảo,
Ngăn người khác làm ác,
Ðược người hiền kính yêu,
Bị người ác không thích. (PC 77)

- Chớ thân với bạn ác,
Chớ thân kẻ tiểu nhân.
Hãy thân người bạn lành,
Hãy thân bậc thượng nhân. (PC 78)

- Người ác thấy là hiền.
Khi ác chưa chín muồi,
Khi ác nghiệp chín muồi,
Người ác mới thấy ác. (PC 119)

- Người hiền thấy là ác,
Khi thiện chưa chín muồi.
Khi thiện được chín muồi,
Người hiền thấy là thiện. (PC 120)

- Cả hai pháp, phi pháp,
Kết quả không giống nhau;
Phi pháp, dẫn địa ngục,
Pháp đưa đến cõi lành. (Dhammika (Thera. 35))

- Dễ làm các điều ác,
Dễ làm tự hại mình.
Còn việc lành, việc tốt,
Thật tối thượng khó làm. (PC 163)

Trích từ FB Chánh Pháp