Monday, May 7, 2012

Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ NHÂN VĂN CỦA NGÀY ĐẠI LỄ VESAK – PL.2556 – DL.2012

Đạo từ Vesak 2556 của Ngài Giới Đức - Trưởng lão Tăng già Theravāda TT-Huế:

Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ NHÂN VĂN
CỦA NGÀY ĐẠI LỄ VESAK – PL.2556 – DL.2012
(Tổ chức tại chùa Thiền Lâm – Tp.Huế, ngày 5 tháng 5 năm 2012)

Namo Buddhāya,
Hôm nay, cử hành đại lễ Vesak, còn được gọi là ngày lễ Tam Hợp, kỷ niệm Bồ-tát đản sanh, Bồ-tát thành đạo và đức Phật Niết-bàn. Là cái ngày mà nhân loại nghiêng mình, đê đầu cung kính đón chào một hiện thân siêu việt, một bậc vĩ nhân đã có mặt trên trần hoàn. Để hòa chung niềm vui với nhân loại, với thế giới năm châu, chúng ta hãy thắp sáng lên một ước mơ cháy bỏng: Cầu cho thế giới hòa bình, trái đất khỏi phải điêu tàn, đổ nát và lòng người hướng đến điều thiện, lẽ chân, thương yêu nhau trong kỷ nguyên mới để hàn gắn tất thảy khổ đau, điêu linh cùng những xáo trộn đầy bất trắc, hoạn nạn, tai ương trên trần thế!

Kính thưa chư đại đức Tăng Ni, quý cô tu nữ, Phật tử các giới cùng quý vị quan khách,
Theo thông lệ, đại lễ Vesak, cả thế giới, ai cũng nhắc đến kỷ niệm ba sự kiện lớn cùng hội tụ trong một ngày trăng tròn tháng Vesak: Thứ nhất là nhân và duyên mà đức Bồ-tát của chúng ta từ cung trời Tusita (Đẩu Suất) hạ phàm vào lòng mẹ Mahāmāyā (Ma-da), kinh thành Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), đản sanh tại vườn Lumbinī (Lâm-tỳ-ni); thứ hai là đức Bồ-tát của chúng ta sau sáu năm lầm lạc tu tập khổ hạnh tại núi Gayāsisa (Tượng Đầu sơn), sau đó từ bỏ lối tu hành ép xác, thực hiện pháp hành trung đạo rồi đắc thành quả vị Chánh Đẳng Giác dưới cội bồ-đề, bên sông Nerañjārā (Ni-liên-thuyền) tại xứ Uruvelā; thứ ba là sau 45 năm hoàng hóa trên hằng chục quốc gia và tiểu quốc hai bên lưu vực sông Gaṅgā (Hằng), đem lại lợi lạc tối thượng là giải thoát và an vui cho trời và người – lúc 80 tuổi, đức Phật đã thị tịch Niết-bàn giữa hai cội cây sāla, tại Kusinārā, quốc độ Malla. Ở đây, chúng tôi không nhắc đến ba tích ấy, ba sự kiện lớn ấy, ba nội dung vĩ đại ấy – vì đã là Phật tử thì ai cũng đã biết rõ cả rồi. Chúng tôi muốn nói đến điều khác, cái khác, cái ẩn tiềm bên trong ba sự kiện ấy.
Trên thế gian, có những cái hình mất đi nhưng còn lưu lại bóng, có những âm thanh diệt mất nhưng còn lại tiếng vang, có một vài loại hoa đã tàn nhưng hương thơm còn phảng phất. Hiện thân của đức Phật và giáo pháp của ngài cũng tương tự như thế. Chính cái còn lại, chính cái tồn tại qua thời gian, chính cái ý nghĩa và giá trị nhân văn của đạo Phật mới nội hàm một sức sống mãnh liệt, một năng lượng tâm linh sung mãn, mát mẻ và an lành có thể cứu độ cho xã hội và con người trong thời đại hiện nay đang trên đà suy thoái văn hóa đạo đức, đang bị ô nhiễm cả tinh thần lẫn vật chất.

Kính thưa liệt quý vị,
Đạo Phật là đạo hòa bình, không đao, không trượng, không chia rẽ, không hận thù, không chiến tranh, không giết chóc. Đạo Phật là vì con người và cho cuộc đời. Hơn hai ngàn rưỡi năm qua, đạo Phật đi đến đâu thì mang đến đấy trí tuệ và từ bi. Thông điệp của đức Chánh Đẳng Giác từ ngàn xưa, bây giờ đã đi vào những trường thiền, những lớp học thiền trên khắp thế giới; đã đi vào những trại tù binh, những bệnh xá, bệnh viện và trên 250 trường đại học khắp các quốc gia tiên tiến; đã đi vào chương trình nghị sự của Liên Hiệp Quốc về những vấn nạn chiến tranh tôn giáo, sắc tộc, khủng bố, biến đổi khí hậu, thời tiết, ô nhiễm môi sinh,...Nơi nào khổ đau thì nơi ấy đạo Phật có mặt: Những khổ đau về tinh thần và thể xác. Những khổ đau vì dịch bệnh, bão lũ, động đất, sóng thần, núi lửa. Những khổ đau do xung đột quốc gia, chủng tộc, cha mẹ, vợ chồng, con cái. Những khổ đau do vô cảm, ích kỷ, bạo tàn. Những khổ đau vì si mê, cuồng tín, kiêu căng và độc ác. Những khổ đau do tham vọng tâm linh hay tham vọng quyền lực,... Tất thảy, tất thảy đều cần phương thuốc trí tuệ và từ bi của đạo Phật. Cũng từ trí tuệ và từ bi ấy mà những giá trị tinh thần tương thuộc như sáng suốt, tỉnh thức, giác niệm, tình thương, bao dung, nhân ái,... sẽ đi vào lòng người và xã hội – không phân biệt giai cấp, chủng tộc, nam nữ hay trẻ già,... Và những đóa hoa trí tuệ và từ bi có giá trị hiện thực ấy đang được nở rộ khắp mọi nơi. Thế giới đang ngưỡng vọng về đức Phật và giáo Pháp của ngài – một chân lý đại toàn và thực tiễn – có thể cứu độ khổ đau vô lượng cho muôn sinh. Do vậy, người tu Phật, mọi người tu Phật phải tu tập thực sự để chuyển hóa chính mình chứ không phải là trầm hương nghi ngút, cúng sao giải hạn, van vái cầu xin những ước mơ dung tục của đời thường. Mệnh lệnh tối hậu của giáo pháp Phật là giải thoát tất thảy mọi khổ đau nội tâm trong những hoàn cảnh tương sinh, tương thuộc. Rồi giúp đỡ cho mọi người xung quanh mình, người này và người kia, quốc độ này và quốc độ khác. Từ đó, những phẩm tính trong lành và tốt đẹp ở trong tôi, trong anh, trong chị, trong mọi gia đình, xã hội sẽ lây lan ảnh hưởng, tạo nên một năng lượng an lành phủ trùm mọi châu lục. Và khi ấy, cây khô cũng nẩy chồi, sa mạc cũng nở hoa, đêm tối cũng được thắp đèn, ngu dốt lại được sáng trí, độc ác cũng phải buông đao và tham vọng, ích kỹ cũng phải biết mở lòng độ lượng. Đấy mới chính là ý nghĩa đích thực và cao cả của ngày đại lễ Vesak có giá trị nhân văn ngàn đời mà không có một giáo chủ, một chân sư, một đại đạo sư, một chủ thuyết, một học thuyết, một triết lý, một tôn giáo nào trên thế gian này có thể thực hiện được, thành tựu được.
Cuối cùng, thay mặt chư tôn trưởng lão, đại đức Tăng Ni Phật giáo Nguyên Thủy Thừa Thiên – Huế, kính chúc chư Phật tử, quý vị quan khách cùng gia đình, thân quyến một mùa Vesak hỷ hoan, hiền thiện và an lành.
Xin kính chào và vô cùng trân trọng.
Namo Buddhāya.

Thursday, May 3, 2012

Lan man trước mùa Vesak 2556 về

Sống theo Pháp (Dhamma), hành theo Pháp, là những hành động không bình thường. Khác với mọi người chung quanh.

Khi đức Phật còn là Bồ tát ngồi dưới cội Bồ đề, trước khi thành Đạo Quả Chánh Đẳng Giác, khi nàng Sujātā mang dâng Ngài chiếc mâm vàng đựng cơm sữa, đức Bồ tát sau khi độ ngọ, đã thả chiếc mâm vàng xuống dòng sông trước mặt, và nguyện nếu như cái mâm trôi ngược so với dòng nước, thì Ngài sẽ giác ngộ. Và cái mâm đã trôi ngược dòng! Điều đó có lẽ muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng khi ta sống với Pháp, chúng ta phải đi ngược lại với dòng chảy của bản năng, của các khuynh hướng tự nhiên ở đời. Chúng ta phải đi ngược lại với những sự dễ dãi, thoải mái, những gì mà tất cả mọi người khác đều theo đuổi. Chảy ngược dòng bao giờ cũng khó hơn là thuận, xuôi theo dòng.

Thành công của việc sống thuận theo Pháp thật ý nghĩa, thù thắng, vĩnh hằng qua bao kiếp sống. Mọi sự thành công của lý trí và vật chất chỉ vỏn vẹn vài ba chục năm của kiếp người, nếu có rơi sót lại chỉ để người khác hưởng. Vì sao đi ngược lại với bản năng, với khuynh hướng đời thường cho chúng ta sự thù thắng, bởi chúng ta đã vượt thoát khỏi sự sợ hãi, vượt qua sự chi phối của thời gian, đã làm chủ bản thân là cái tâm bị phiền não làm ô nhiễm. Làm chủ tâm ý tức là chúng ta sở hữu tài sản là sự định tâm và tỉnh giác, là nhân để giải phóng khỏi mọi ràng buộc - một sự thành công mỹ mãn và xứng đáng cho việc sống thuận theo Pháp, ngược theo dòng đời.

** TP.PA **