Saturday, December 1, 2018

Những giới luật mà người cư sĩ Phật tử cần biết khi hộ độ chư Tăng


1. Tất cả các đồ ăn, thức uống đều phải được dâng (trừ nước lọc và tăm xỉa răng không nhất thiết phải dâng tận tay chư Tăng). Khi dâng không đứng quá xa, tránh để cho chư Tăng khỏi với tay.

2. Đồ ăn, thức uống đã dâng cho chư Tăng, nếu cư sĩ đụng vào thì phải dâng lại mới hợp lệ.

3. Thuốc trị bệnh có thành phần đường chỉ được giữ tối đa bảy ngày. Nếu trong thuốc không có đường thì được giữ lâu dài.

4. Có năm loại được coi là thuốc, được phép dùng vào buổi chiều (sau 12g trưa) và được giữ tối đa bảy ngày là: Bơ lỏng, bơ đặc, dầu, mật ong và đường.

5. Cà phê không đường, sữa hoặc sô cô la được phép dùng vào buổi chiều (theo truyền thống Thái Lan).

6. Không được uống trà vào buổi chiều (theo truyền thống Miến Điện).

7. Chư Tăng được phép xả đồ không dùng đến cho cha mẹ hoặc người hộ Tăng (kappiya).

8. Không mượn vật dụng của chư Tăng dùng cho cá nhân.

9. Chư Tăng được phép xin hoặc yêu cầu người thân trong gia đình trong phạm vi 7 đời (cả bên nội lẫn bên ngoại) hoặc người đã tác bạch thỉnh mời. Chẳng hạn có người thỉnh rằng: “Nếu Sư cần loại thuốc nào trong ba tháng hạ thì con xin cúng dường” hay “Nếu Sư có cần đi đâu, con xin thu xếp xe”. Như vậy, nhà sư có thể yêu cầu khi có nhu cầu.

10. Chư Tăng không được phép yêu cầu đồ ăn trừ khi có bệnh và không được phép cất giữ đồ ăn qua đêm – để nhấn mạnh sự phụ thuộc của nhà sư đối với hàng cư sĩ, và mặt khác giúp cho nhà sư không bị dính mắc vào các đồ ăn mà mình ưa thích.

11. Không nên hỏi nhà sư muốn ăn món gì. Người xuất gia phải là người dễ nuôi, có thể bất kỳ vật thực nào nhận được, không phải là người kén chọn. Muốn có đồ ăn chay hay bất kỳ đồ ăn nào cũng là đòi hỏi, trừ trường hợp có bệnh.

12. Có tám vật dụng cơ bản của một vị sư gồm: Tam y (y thường, y nội và Y Tăng già lê), bát, dao cạo, kim chỉ, dây lưng và đồ lọc nước.

13. Trái cây trước khi dâng phải làm theo luật bằng cách đốt, khía bằng dao hoặc móng tay hay bỏ hết hạt.

14. Chư Tăng không được phép trực tiếp nhận tiền bạc. Người muốn cúng dường phải nói trước: “Ai là người hộ tăng (kappiya) cho sư?”. Sau khi gửi tứ vật dụng (tiền) cho người kappiya, thí chủ quay trở lại tác bạch rằng: “Con đã cúng dường tứ vật dụng cho sư trị giá… hiện nay người hộ tăng của sư đang cất giữ. Bất cứ khi nào có nhu cầu gì, thỉnh sư yêu cầu người hộ tăng để thu xếp”. Hoặc người hộ tăng sẽ thay mặt thí chủ cúng dường để tác bạch. Chỉ sau khi được tác bạch thì vị sư mới được yêu cầu.

15. Chư Tăng không được phép ngồi chung với nữ nhân trong chỗ khuất.

16. Một số sư có hạnh nguyện chỉ ăn trong bát các đồ ăn sau khi đã nhận. Tất cả cơm, thức ăn, bánh, trái cây đều được cho vào trong bát (không ăn đồ ăn dâng thêm sau đó).

17. Nhà sư không được phép nhận lời nếu thí chủ thỉnh mời tới thọ trai mà có nói tên đồ ăn, ví dụ nói: “Xin thỉnh quý sư dùng phở/ bún chả/ bữa cơm” là không hợp lệ. Chỉ nên nói: “Xin thỉnh quý sư đến trai tăng/ thọ trai”.

Nói chung, không dùng các từ như “cơm, bánh” hoặc tên các món ăn cụ thể khi thỉnh mời các vị sư đến trai tăng, có thể nói như trên hoặc đơn giản là: “Xin thỉnh sư đi thọ thực”.

18. Có thể ở qua đêm chung mái nhà với chư Tăng nếu có tường ngăn hoặc lối đi riêng.

19. Thí chủ có tác bạch hộ độ chư Tăng theo kỳ hạn hoặc không kỳ hạn.

20. Không dâng đồ ăn, vật thực phi thời (sau 12g trưa), trừ nước ép một số trái cây đã lọc hết xác, tép (nước mía, cam, bưởi…). Nước hoa quả đó chỉ còn lại nước trong là hợp lệ.

21. Không nên chạm trực tiếp hoặc gián tiếp vào chư Tăng.

22. Có bốn yếu tố để việc cúng dường thành tựu từ phía thí chủ:

i. Giữ giới trong sạch (năm giới hoặc tám giới).

ii. Vật cúng dường có được do làm ăn lương thiện.

iii. Tâm trong sạch (không xuất phát từ việc mưu cầu hoặc tâm tham).

iv. Có đức tin nơi Tam bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp.

23. Không dâng đồ ăn trước khi mặt trời mọc (mùa hè khoảng 5g30, mùa đông khoảng 6g). Một cách để kiểm tra thời gian hợp lệ là thấy rõ chỉ tay vào sớm bình minh.

24. Một vị Sư đang nhập hạ được phép đi không quá 7 ngày. Tuy nhiên, nếu Phật tử hay người bất kỳ nào yêu cầu: “Xin thỉnh pháp Sư đến nói pháp” thì vị sư được phép ra đi hợp lệ.

25. Một vị sư thuyết pháp, nói đạo cần sự có mặt của ít nhất của một nam cư sĩ.

26. Khi Tỳ khưu thấy người ta giết thịt con vật cho mình ăn, hoặc nghe thấy tiếng con vật kêu, hoặc nghi người ta giết con vật đó cho mình ăn thì không được thọ dụng thịt đó.

27. Tỳ khưu không nhận thịt sống, thịt tái. Có mười loại thịt Tỳ khưu không được ăn là: Thịt người, thịt hổ, báo, rắn, voi, ngựa, gấu, chó, sư tử, mèo rừng (để tránh bị chúng ngửi thấy mùi đồng loại và tấn công khi tỳ khưu ở rừng hoặc đi khất thực và tránh thế gian chê trách).

28. Khi thỉnh sư đến tư gia lưu trú, cần tác bạch như sau: “Chúng con xin dâng cúng tư gia này được coi là ngôi chùa tạm cùng toàn bộ các vật dụng đến chư Đại đức Tăng. Mong các ngài hoan Hỉ thọ lãnh và tùy nghi sử dụng trong thời gian lưu trú”. Như vậy, nhà sư có thể mặc y và sử dụng các tiện nghi (điện, nước, nhà vệ sinh…) mà không bị ái ngại.

(Tuệ Ân sưu tầm)

Tham khảo thêm: https://www.accesstoinsight.org/lib/authors/ariyesako/layguide.html

Trả Lại Thời Gian (Ns. Thanh Sơn)

Đây là bài hát của nhạc sĩ Thanh Sơn, được ông sáng tác giai đoạn trước năm 1975. Giai đoạn đó, hầu hết các sáng tác của Thanh Sơn đều là trữ tình lãng mạn. Nếu là người yêu thích nhạc của ông, chắc hẳn mọi người đều để ý được một đặc điểm rất nổi bật trong các bài hát do ông viết là ngoài phần nhạc không nói đến, phần ca từ bài hát rất thơ và nhiều lời ca cũng là một bài thơ trữ tình với những gieo vần nhuần nhuyễn. Trả lại thời gian cũng như vậy. Nếu chỉ xét phần lời, đây là một bài thơ hoàn chỉnh.

Thanh Sơn đã từng tâm sự rằng, bài hát là nỗi lòng của ông về một mối tình dang dở với một người con gái ông gặp ở Đà Lạt. Tuy là một mối tình ngắn ngủi nhưng lại là một mối tình để lại trong ông nhiều khắc khoải, tâm sự nhất, cũng là một mối tình mang biết bao day dứt, tuyệt vọng.

“Xin trả lại những kỷ niệm buồn vui
Ngày xanh đã theo thời gian qua mất rồi
Ngồi viết tâm sự nhớ ngược về quá khứ
Chợt lên nét suy tư
Bao năm thầm kín trót thương tà áo tím
Những đêm sương lạnh nghe trái sầu rớt vào tim…”

Phần đầu của bài hát nói về thời điểm hiện tại và sự hiện diện của nỗi nhớ về mối tình năm xưa cùng những ký ức về những kỷ niệm buồn vui đã trải qua. Đặc biệt là câu cuối của phần đầu: Những đêm sương lạnh nghe trái sầu rớt vào tim. Phải chăng là bởi vì nhạc sĩ gặp người con gái năm xưa đó trong chính màn sương lờ lững của xứ lạnh cho nên mỗi khi sương xuống, tim ông lại không thể ngăm được cơn sầu tựa như đổ xuống làm nghẹn ngào khắc khảo tâm can.

“Thương rất nhiều mái tóc xõa bờ vai
Tình khôn lớn nuôi chờ mong ôi quá dài
Lòng vẫn u hoài thấy chuyện tình đổi thay
Đời ai biết được ai
Chia ly là hết, xót xa nhiều cũng thế
Nếu mai sau gặp xin cúi mặt làm ngơ.”

Phần tiếp theo của bài hát, Thanh Sơn vẽ nên những nét tự sự về chuyện tình quá khứ. Người con gái với mái tóc dài ấy là hình ảnh kiều diễm dịu dàng đầy tính Việt Nam. “Mái tóc dài xõa bờ vai” để lại bao niềm thương nỗi nhớ. Nhưng chẳng phải đó là tình cảm hời hợt kiểu ong bướm si tình như ta thường thấy ở các nhạc sĩ. Đây là một thứ tình cảm bền chặt, thực tình hơn và chỉ với chữ THƯƠNG, ta biết được tác giả không chỉ là yêu đương thoảng qua mà thực tâm muốn gắn bó cuộc đời với người ấy. Chính câu hát tiếp theo nói rõ hơn về những ước đợi, chờ mong đến khi tình yêu chín muồi, “khôn lớn”. Tuy vậy, đời nào như mơ, chẳng biết vì điều gì, tình yêu đó rồi cũng đến lúc đổi thay mà chẳng ai biết rõ lý do. Đến lúc nhận ra thì nhạc sĩ phải bằng hoàng và u sầu rằng thứ tình cảm một thời đã không còn nữa. Cuộc đời là chốn vô thường mà, có thứ gì là tồn tại mãi được đâu. Tình yêu lại càng dễ thay đổi, lụy tàn. Cho dù có ai đó nỡ nặng tình rồi thì sau khi nói lời chia ly, mọi chuyện đã kết thúc. Có lẽ tác giả chính là người nặng tình đó, để rồi cho dù muốn hay không, người con gái ông thương cuối cùng cũng cất bước ra đi, cho dù có gặp lại cũng chỉ “cúi mặt làm ngơ”. “Cúi mặt làm ngơ” chẳng phải là hành động của cô gái ấy mà chính là điều mà tác giả tự dặn mình: cho dù còn vương vấn biết bao thì nếu có cơ may gặp lại, ông cũng sẽ cúi mặt làm ngơ để mọi dĩ vãng chôn vùi quá khứ. Ở trong câu này, có thể dùng nhiều từ thay thế như ngoảnh mặt làm ngơ, tuy nhiên, cúi mặt lại mang một sắc thái nói lên sự bất lực, cay đắng, ngậm ngùi. Chẳng phải là vô tình, chỉ là chẳng có đủ dũng cảm để đối diện lại với gương mặt người ta đã và đang thương nhớ nữa.

Cuộc đời dài rộng xa xăm, kiếp nhân sinh đầy khắc khoải. Thời gian thì chẳng bao giờ có thể ngừng lại, cũng như năm xưa khoảnh khắc yêu đương rồi cũng tan theo dòng chảy của tạo hóa. Những câu hát tiếp theo trong đoạn điệp khúc nói lên tình cảnh của một người yêu đơn phương người cũ. Giờ cô ấy đã trở thành “người nơi đó”, tình yêu thì cũng đã trở thành tình chia phôi. Ấy thế mà người ôm mộng chẳng thể quên đi, để nỗi nhớ thương vô vọng cứ dằn vặt ngày qua ngày. Tác giả nhiều lần tìm cách để quên đi lắm chứ, nhưng rồi đêm đến, tất cả mọi nỗ lực đều vô nghĩa, nỗi nhớ ấy chưa bao giờ vơi đi, lại sống lại sống động như chưa từng phôi pha. Đến mức tác giả vô vọng hỏi mình: “Biết cuộc đời mình ra sao?”. Biết sống làm sao khi cả đời sẽ ôm nặng một mối tuyệt tình này chứ?

Phần cuối cùng cũng là lời tạ từ của ông đối với dĩ vãng ấy:
“Ôm kỷ niệm chẳng nửa lời thở than
Một tâm khúc cho người thương, cho tiếng đàn
Đời đã không màng những gì mình mơ ước,
mà sao khó tìm quên?
Xa nhau thì nhớ lúc đến gần xao xuyến
Nhớ thương bây giờ xin trả lại thời gian.”

Tình yêu đâu phải là thử thách đâu mà nói đến chuyện đạt được hay không? Nó cũng chẳng phải một câu đố để tìm ra đáp án rõ ràng. Người ta biết rằng thật sự rất ngu khờ khi cứ ôm trọn mãi những kỷ niệm, ảo vọng quá khứ đó nhưng có tự nói với mình bao nhiêu lần hãy quên đi, người phụ tình, đời bạc bẽo ta cần chi phải níu kéo, ấy vậy mà có làm được đâu. “Đời đã không màng những gì mình mơ ước, mà sao khó tìm quên?”. Bóng người thương năm ấy giờ đã trở thành người dưng rồi ấy vậy mà ông vẫn cứ tương tư xa gần không thôi, cho dù chẳng thể giáp mặt, gặp nhau chỉ dám làm ngơ nhưng ông nào có thể lẫn bước đi được đâu, vẫn loanh quanh để nghe thấy trái tim mình còn xao xuyến nhiều lắm.

Câu hát cuối cùng là lời tạ từ với dĩ vãng mà dứt khoát lắm tác giả mới có thể nói ra. Ông nguyện xin gửi lại tất cả những nhớ thương, ký ức, niềm khổ đau tình yêu này lại cho thời gian. Ông nguyện sẽ không mang theo nói cho phần đời còn lại nữa. Nếu thời gian đã vô tình với tình yêu đến thế thì những dằn vặt này thời gian hãy giữ lấy đi, hãy giữ lấy đi để lòng người thanh thản. “Xin trả lại thời gian”

Một nhạc phẩm thật sâu lắng và khắc khoải.

(Theo Sơn Đoàn)

Như Quỳnh - Trả Lại Thời Gian (Thanh Sơn). Paris By Night 103 - Tình Sử Trong Âm Nhạc Việt Nam:
https://youtu.be/la_p7iSZb10

Đăng Đàn Cung

Giai điệu mà mình thích nghe từ thuở nhỏ trong các dịp tế lễ, ma chay ở dưới quê, giờ mới biết là Quốc ca của Triều Nguyễn!
http://loibaihat.mobi/loi-bai-hat/IWAEB8D0/dang-dan-cung-ban-dai-nhac.html

Theo trang Wikipedia:

Đăng đàn cung (chữ Hán: 登壇宮,diễn nghĩa: Giai điệu đăng đàn) là tên của quốc thiều thời nhà Nguyễn, có tiết tấu dựa trên ngũ cung.
Lịch sử
Khi vua Gia Long lên ngôi, ông đã tổ chức ngay một nghi lễ triều chính cho công việc nhận tước vị này. Có một chuyên gia người Pháp tên là J.B. Chaigneau được lệnh nhà vua soạn thảo bản quốc thiều để sử dụng trong các đại lễ của triều đình. Ông đã dựa theo hình thức bản Marche Militaire để dựng lên bản "Đăng đàn cung" quốc thiều nhà Nguyễn.[cần dẫn nguồn]
Từ thời vua Gia Long trở đi, Đăng đàn cung còn được dùng mỗi khi vua du xuân hoặc khi xa giá từ Đại Nội lên đàn Nam Giao.
Sang thế kỷ 20 triều Khải Định, người trưởng ban nhạc trong Đại Nội bấy giờ là ông J. Tịnh (tức bác sĩ Nguyễn Đương Tinh) cho soạn lại Đăng đàn cung theo ký âm pháp của nhạc phương Tây để dễ sử dụng trong quân nhạc của Đại Nội. Theo Nguyễn Khoa Toàn, việc ký âm điệu Đăng đàn cung theo lối Tây phương làm cho bài hát nghe không còn hồn nhạc Việt Nam thuần túy.[cần dẫn nguồn]
Khi vua Bảo Đại hồi loan năm 1932, bản nhạc này đã được sử dụng để nghênh đón, đặc biệt lần này có thêm cả lời. Lời bài hát do Ưng Thiều soạn. Mấy câu mở đầu bài là:
Dậy, dậy, dậy mở mắt xem toàn châu
Đèn khai hóa rọi khắp toàn cầu
Ngọn đường thông thương ngàn dặm
Xe tàu điện, tàu nước, tàu bay...
Vào năm 1945, khi Trần Trọng Kim lên làm thủ tướng của Đế quốc Việt Nam thì bài Đăng đàn cung vẫn được dùng làm quốc thiều và có dự định đặt lời mới nhưng chưa kịp thì chính phủ bị giải thể.
Kể từ sau thời gian trên thì bài Đăng Đàn Cung chỉ còn xuất hiện trong các đám tế lễ cổ truyền và ngày nay chúng ta còn được nghe mỗi khi có biểu diễn nhã nhạc Cung đình Huế hay trong Festival Huế 2004. Trong cuộc sống đời thường, trẻ em Huế thường hát theo điệu Đăng đàn cung nhưng với lời dân gian khác.
Dàn nhạc
Để thể hiện bài này, dàn nhạc triều Nguyễn phải dùng cả trống đại, trống con, xập xoã (cymbale), kèn, sáo và đàn hoà nhịp với nhau. Tiếng kèn và sáo là nổi trội nhất.
Phần ký âm
Phần ký âm bao gồm các nốt nhạc được đọc theo cách của người xưa như sau:
Họ phạn họ, xàng xê cống cống xê xàng xê
Cồng xàng xê cống, họ cống liu cống xê xàng
Xự xàng cống xê xàng xự, xê xàng xự xàng cống xàng xê
Cồng xàng xê cống, họ cống liu cống xê xàng
Xự xàng cống xê xàng xự, xê xàng xự họ phạn, họ
Xự họ phạn họ xự, xê xàng họ, phạn, họ
Xự họ phạn xự, xê xàng xự xàng cống xàng xê.
Phần lời
Phần lời bài hát dưới đây lấy từ trong cuốn Hymnes et Pavillon d'Indochine.
Kìa... núi vàng bể bạc,
Có sách Trời, sách Trời, định phần:
Một dòng ta gầy non song vững-chặt.
Đã ba ngàn, mấy trăm năm,
Bắc Nam cùng một nhà con Hồng cháu Lạc.
Văn-minh đào-tạo:
Màu gấm hoa càng đượm.
Rạng vẻ dòng-giống Tiên-Long.
Ấy, công gầy dựng,
Từ xưa đà khó-nhọc,
Nhớ công dày-nặng,
Lòng trung-quân đã sẵn.
Cố yêu nhau, với nhau một niềm
Nguyện nhà Việt Nam muôn đời thạnh-trị.
Lời sửa đổi
Lời bài hát do ông Nguyễn Phúc Ưng Thiều viết, dùng trong thập niên 1940:
1.
Dậy dậy dậy mở mắt xem toàn châu,
Đèn khai hóa rạng khắp hoàn cầu.
Ngọn đường thông thương ngàn dặm, xe tàu điện, tàu nước, tàu bay.
Nghề khôn khéo chạy khắp phương trời,
Càng ngày văn minh càng rộng, tranh cạnh lợi quyền.
Đất càng ngày càng rộng, dân giàu nước mạnh.
Nước càng ngày càng thịnh, của có thêm người khôn.
2.
Người Nam Quốc, một giống Tiên Rồng,
Thiệt giòng giai nhân tài tử, xưa rày gọi là nước tài ba.
Nền văn hiến, nặn đúc anh hùng,
Sẵn tài thông minh trời dựng, thêm nghề học hành.
Học càng ngày càng tiến, nghề nghiệp mở rộng.
Nước càng giàu càng mạnh, nòi giống thêm vẻ vang.
3.
Này Âu Á, gặp lúc phong trào,
Sẵn thấy gia công rèn tập, trăm nghề nghiệp đều biết đều hay.
Đường tiến hóa chạy suốt Tam Kỳ,
Càng ngày non sông càng đẹp, cảm ơn bù trì.
Chúc Đại Pháp bình an, nước nhà thịnh trị,
Chúc Nam Việt vạn tuế, trường thọ vô cương.
Lời mới
Nguyễn Đình Thi năm 1945 cũng đặt lời cho bản này như sau:
Sông núi ta còn thắm nhường kia,
Chúng ta còn yêu đồng bào.
Gương người xưa, lòng ta há phút giây nào phai,
Đồng bào! Mau chung sức nhau nắm tay ta thề,
Yêu thương non nước, dìu dắt nâng cao nòi giống nước Nam nhà.
Chung sức và chung lòng, không ngại ngùng ta ra đời.
Tin tài ta, tin chắc nơi ngày mai...
Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, nhạc sĩ Ngọc Phan đã hòa âm và soạn lại lời mới cho điệu "Đăng đàn cung", tựa đề "Non Sông Vang Câu Ca Mừng":
1.
Khắp đất trời quê ta rộn rã lời ca,
Mừng đất nước đổi mới chan hoà.
Nhịp nhàng gái trai trẻ già, nắn cung đàn cùng hát lời ca,
Mừng đất nước đổi mới chan hoà,
Đời vui ấm no muôn nhà, tiếng ca cùng hoà.
Khắp đất trời quê ta tiếng ca đậm đà.
2.
Các dân tộc Việt Nam cùng đón niềm vui,
Mừng đất nước rộn rã tiếng cười.
Bạn bè khắp nơi trao lời, chúc mừng đất nước đẹp tươi,
Mừng Thủ đô - Thành phố bao đời,
Sử xanh vẫn luôn rạng ngời chiến công tuyệt vời.
Bao bạn bè năm châu hát chung niềm vui.
3.
Đây đất trời Thăng Long, Rồng chiếu hiển linh,
Ngàn năm sáng dải đất ân tình.
Cùng nhau sống trong thanh bình, tô thêm màu mảnh đất đẹp xinh,
Ngàn năm sáng dải đất ân tình,
Cùng vui sống trong thanh bình, tiếng ca ngọt lành.
Vui hát mừng Thủ đô xứng danh Hoà Bình.
4.
Vui hát mừng Thủ đô xứng danh Hoà Bình,
Vui hát mừng Thủ đô xứng danh Hoà Bình.
Tham khảo
Đôi điều về Đăng đàn cung quốc thiều của triều Nguyễn, Thiện Mộc Lan, Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ, số 1(27), 2000.
Bài : dậy dậy dậy, mở mắt xem toàn châu ....... mới chính là bài Đăng đàn cung. Phật giáo Huế đã dùng nhạc này thay lời trong một đám rước ngày vía Thích ca mồng 8 tháng tư (vào khoảng năm 1933). Nó hay dùng trong các đám rước như Nam giao chẳng hạn.
Bài: Kìa núi vàng bể bac ....xuất hiện ở Huế dưới thời chính phủ Pétain. Nguyền khoa Toàn (hình như là tá lý Bộ Học) đã ra sức phổ biến bài này trong học sinh. Trước đó chỉ có quôc thiều Pháp (bài Marseillaiise) Để mị dân. trong lễ lược đều đánh 2 bài: Marseillaiise trước rồi Kìa núi vàng sau...Thậm chí lá trước đó là màu vàng có tam tài (xanh trắng đỏ) ở góc trên trong cũng được gỡ bỏ, chỉ còn màu vàng.

Tuesday, October 9, 2018

Ca từ trong nhạc xưa: Trên dốc đá tôi tình cờ quen nàng...!


Cuộc gặp gỡ hy hữu giữa một nhóm nam và nữ ở thành phố biển Vũng Tàu đã làm nên tác phẩm độc đáo của một tác giả bí hiểm.

Từ năm 1966 – 1975, tại 102/8 Hai Bà Trưng (Tân Định, Sài Gòn) có lớp nhạc “Lê Minh Bằng” quy tụ hàng trăm học viên. Lớp nhạc này do 3 nhạc sĩ: Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng tổ chức và trực tiếp đứng lớp (Lê Minh Bằng là ghép từ tên của 3 người).

Chính “lò nhạc” này đã đào tạo được những ca sĩ nổi tiếng như: Kim Loan, Giáng Thu, Trang Mỹ Dung, Mạnh Quỳnh (tác giả ca khúc Gõ cửa hiện sống ở Sài Gòn, không phải ca sĩ trẻ Mạnh Quỳnh ở hải ngoại), Hải Lý, Nhật Thiên Lan, Thu Thủy… Ngoài dạy nhạc, Lê Minh Bằng còn là bút danh chung của nhóm 3 nhạc sĩ này ký dưới những bài hát rất quen thuộc như: Hai mùa mưa, Lẻ bóng, Sầu lẻ bóng, Chuyện hai chúng mình, Đôi bóng, Tình đời…

Gặp gỡ “Mai – Bích – Dung”

Một ngày cuối tuần của năm 1970, ba nhạc sĩ rủ nhau đi ô tô ra Vũng Tàu chơi. Khi xe đến Bãi Trước, họ thấy ba cô gái mặc áo dài đi giữa trưa nắng nóng. Khi ấy nhạc sĩ Anh Bằng lái xe, nhạc sĩ Minh Kỳ ngồi phía trước, nhạc sĩ Lê Dinh ngồi ghế sau. Bất ngờ Minh Kỳ nói với Anh Bằng: “Bằng ơi, dừng xe lại cho ba cô đó lên đi chung với mình. Nắng như vầy mà 3 cô đi bộ tội nghiệp quá!”. Do tính hơi nhát, Anh Bằng bảo: “Thôi, ông đi mời đi, tôi không đi đâu”. Thấy 2 người bạn cứ đùn đẩy nên nhạc sĩ Minh Kỳ nói: “Thôi, dừng xe lại để tôi đi cho”.

Nhạc sĩ Lê Dinh kể lại: “Anh Minh Kỳ xuống xe và không biết ảnh nói gì với 3 cô đó mà trông 3 cô rất vui vẻ và họ đồng ý lên xe. Vì phía băng trước có anh Minh Kỳ ngồi, nên 3 cô phải ngồi ở băng sau với tôi. Tôi hỏi tại sao 3 cô đi bộ dưới nắng trưa như vậy, thì được biết cả 3 cô đều là sinh viên, đi Vũng Tàu tìm con sứa để về trường thí nghiệm. Rồi họ tự giới thiệu tên lần lượt là Mai (ngồi kế bên nhạc sĩ Lê Dinh), Bích và ngồi ngoài cùng là Dung”.

Cuộc gặp gỡ tình cờ đó rất ngắn ngủi, nhóm nam mời 3 cô ra Bãi Sau dùng cơm trưa. Ăn xong, 3 cô xuống mé biển tiếp tục tìm sứa. Và rồi họ ra Bến xe Vũng Tàu để trở về Sài Gòn.

Linh hồn tượng đá…

Đêm đó về khách sạn, nhạc sĩ Anh Bằng là người đề xướng viết bài hát Linh hồn tượng đá, lấy tên tác giả là Mai Bích Dung (tên của 3 cô gái ghép lại). Ngay đêm đó ca khúc ra đời với những ca từ: “Trên dốc đá tôi tình cờ quen nàng. Ngồi bên nhau, gọi tên nhau để rồi yêu nhau. Em đã đến và đã đến, như áng mây bay, như cánh chim qua bầu trời, ôi hình hài một vài giờ vui… (rồi nức nở) Em ơi, em ơi… Thời gian gặp gỡ nào được bao nhiêu, mà khi rời gót lòng đầy cô liêu, nên xa em rồi, tôi nhớ em nhiều… Em ơi, em ơi… Thà không gặp gỡ, thà đừng quen nhau, đừng cho hình bóng, đừng nhìn nhau lâu, tôi không ôm ấp kỷ niệm đớn đau…”.

Sau khi nhạc phẩm được in ra, nhạc sĩ Anh Bằng đích thân mang đến ngôi trường các cô đang học, tặng mỗi người một bản Linh hồn tượng đá còn thơm mùi mực in và có chữ ký của cả 3 chàng nhạc sĩ hào hoa. Từ một cái duyên đưa đẩy mà một tình khúc lãng mạn đã ra đời… Cũng cần nói thêm, nhóm nhạc sĩ này còn lấy nhiều “tên chung” khác ký dưới nhiều bản nhạc như: Chuyện tình Lan và Điệp 1, 2, 3 (ký tên Mạc Phong Linh – Mai Thiết Lĩnh), Cô hàng xóm (Giang Minh Sơn), Đà Lạt hoàng hôn (Dạ Cầm), Mưa trên phố Huế (Tôn Nữ Thụy Khương) hoặc các tên khác như: Vũ Chương, Dạ Ly Vũ, Hoàng Minh, Trần An Thanh, Tây Phố, Trúc Ly, Phương Trà, Huy Cường, Mặc Vũ…

Tuy là ký tên chung Lê Minh Bằng nhưng hầu hết đều do Anh Bằng sáng tác, các nhạc sĩ Lê Dinh và Minh Kỳ chỉ góp ý, sửa sang một vài lời ca, thêm bớt vài chi tiết. Nhưng với sự thân thiết và tôn trọng lẫn nhau nên những sáng tác này đều được ký tên chung: Lê Minh Bằng.

Điều thú vị là 3 thành viên của nhóm này, mỗi người sinh trưởng từ một miền của đất nước (Bắc – Trung – Nam): Nhạc sĩ Anh Bằng tên thật là Trần An Bường, sinh năm 1925 tại Thanh Hóa (ông mất năm 2015 tại California, Mỹ). Nhạc sĩ Minh Kỳ tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, sinh năm 1930 tại Nha Trang (ông vốn thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn, ông mất năm 1976). Nhạc sĩ Lê Dinh tên thật Lê Văn Dinh, sinh năm 1934 tại Gò Công, hiện sinh sống tại Montreal, Canada.

Còn 3 cô gái ngày xưa? Được biết sau mấy mươi năm bây giờ cô Mai (tên thật Mai Xuân Lan) hiện đang ở tiểu bang Ohio (Mỹ). Cô Bích đang cư ngụ tại tiểu bang Arizona (Mỹ). Cô Dung (tên thật Lưu Dung Anh) đang sống ở TP.HCM, chơi rất thân với giới văn nghệ sĩ xưa.

Theo Thanh Niên
(Nguồn: https://nhacxua.vn/ca-tu-trong-nhac-xua-tren-doc-da-toi-tinh-co-quen-nang/)

Nghe bài hát: Linh hồn tượng đá. Ca sĩ: Đan Nguyên