Monday, March 30, 2015

Ngũ Giới Với Con Người


Ngũ giới là cơ bản của con người, những người được sinh ra trong cõi người này, chắc chắn kiếp trước ít nhất đã có ngũ giới trong sạch và trọn vẹn. Thật vậy, nếu kiếp trước không có giới, phạm giới, thì kiếp hiện tại này chắc chắn không thể tái sinh được làm người như thế này!

Như vậy, đã được tái sinh làm người, thì người ấy vốn dĩ có ngũ giới trong sạch đã được tích lũy từ kiếp quá khứ. (Tâm tục sinh của loài người và loài trời dục giới làm tâm quả đại thiện).

Trong kiếp hiện tại, nếu người nào không có giới, phạm giới, làm mất phẩm chất cao quý của con người, thì người ấy không chỉ lãnh chịu những hậu quả tai hại trong kiếp hiện tại, mà còn phải chịu hậu quả tai hại trong nhiều kiếp vị lai, do ác nghiệp ấy cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) chịu quả khổ cho đến khi mãn quả ác nghiệp ấy, mới mong thoát khỏi cõi ác giới.

Trong kiếp hiện tại, nếu người nào giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn là giữ gìn phẩm chất cao quý của con người, thì người ấy không những hưởng được những quả báu tốt lành trong kiếp hiện tại, mà còn hưởng được những quả báu tốt lành trong nhiều kiếp vị lai, do nhờ thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới (cõi người, cõi trời dục giới) hưởng được mọi sự an lạc trong cõi ấy; đặc biệt còn có thể tạo mọi pháp hạnh ba-la-mật để tạo duyên lành trên con đường giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài nữa.

Ngũ giới là nền tảng cho các pháp hành thiền định và thiền tuệ.

----------

Nghi Thức Thọ Pháp-Hành-Thiền

Lễ thọ pháp-hành-thiền là việc làm theo truyền thống từ thời kỳ Đức-Phật cho đến nay. Khi Đức-Phật còn hiện hữu trên thế gian, các tỳ-khưu đền hầu Đức-Phật kính xin thọ pháp-hành-thiền-định hoặc pháp-hành-thiền-tuệ, rồi tìm nơi thanh vắng để thực hành, hoặc đến xin thọ pháp-hành nơi vị Đại-trưởng-lão, hoặc Đại-đức, v.v..

Khi làm lễ thọ pháp-hành-thiền, nếu hành-giả là cận-sự-nam, cận-sự-nữ nên làm lễ thọ tam-quy và chánh-mạng-đệ-bát-giới (ājīvaṭṭhamakasīla) nghĩa là giới thứ 8 là giới-chánh-mạng từ vị Thiền-sư.

Trước khi thọ tam-quy, hành-giả nên làm lễ sám hối lỗi lầm của mình trước sự hiện diện vị Thiền-sư chứng minh, để tránh mọi sự trở ngại, trong khi thực hành pháp-hành-thiền-tuệ như sau:

1-  Nghi Thức Sám Hối  

Hành-giả nên thành tâm sám hối rằng:

- Kính bạch Ngài Đại-đức, xin phép Ngài, con xin thành tâm sám hối những lỗi lầm do cố ý hoặc vô ý phạm đến Đức-Phật, Đức-Pháp. Đức-Tăng, Tam-Bảo, cùng với các bậc Thầy tổ, cha mẹ,… từ trước cho đến hiện-tại này. Kể từ nay về sau, con hết sức cố gắng thu thúc giữ gìn không để tái phạm.

Kính xin Ngài chứng minh cho con, và nhận biết những lỗi lầm của con. Bạch Ngài.

Do tác-ý thiện-tâm này, nên tất cả mọi điều tai hại không xảy đến với con, và nguyện vọng thực hành pháp-hành-thiền-tuệ cho được thành tựu. (Đảnh lễ 3 lần)

Ngài Đại-đức Thiền-sư khuyên dạy:

- Này hành-giả! Con đã nhận biết những lỗi lầm do cố ý hoặc vô ý phạm đến Đức-Phật, Đức-Pháp. Đức-Tăng, Tam-Bảo, cùng với các bậc Thầy tổ, cha mẹ,… từ trước cho đến hiện-tại này.

Sư chứng minh và nhận biết sự thành tâm sám hối, sửa chữa những lỗi lầm của con.

Vậy, kể từ nay về sau, con phải nên cố gắng giữ gìn thân, khẩu, ý tránh không để tái phạm. Người nào đã nhận biết được lỗi lầm của mình, rồi biết sám hối, sửa chữa đúng theo pháp luật của Đức-Phật, thì người ấy chắc chắn sẽ tiến hoá mọi thiện-pháp trong giáo pháp của Đức-Phật. 

Hành-giả bạch rằng: “Sādhu! Bhante, Sādhu! Lành thay! Lành thay! Bạch Ngài”.

2- Lễ Thọ Tam-Quy Và Chánh-Mạng Đệ Bát-Giới

Hành-giả đảnh lễ vị Thiền-sư xong, rồi hành nghi lễ theo tuần tự như sau:

Lễ Sám Hối Tam-Bảo

* Lễ Sám Hối Đức-Phật-Bảo,

Uttamaṅgena vande’haṃ,
Pādapaṃsuṃ varuttamaṃ.
Buddhe yo khaliko doso,
Buddho khamatu taṃ mamaṃ.

Con hết lòng thành kính cuối đầu đảnh lễ,
Bụi trần dưới bàn chân cao thượng của Đức-Phật.
Lỗi lầm nào con đã phạm đến Phật-bảo,
Cúi xin Phật-bảo xá tội ấy cho con. (đảnh lễ).

* Lễ Sám Hối Đức-Pháp-Bảo,

Uttamaṅgena vande’haṃ,
Dhammañca duvidhaṃ varaṃ.
Dhamme yo khaliko doso,
Dhammo khamatu taṃ mamaṃ.

Con hết lòng thành kính cuối đầu đảnh lễ,
Hai hạng Pháp-bảo: pháp-học và pháp-hành,
Lỗi lầm nào con đã phạm đến Pháp-bảo,

Cúi xin Pháp-bảo xá tội ấy cho con. (đảnh lễ).

* Lễ Sám Hối Đức-Tăng-Bảo

Uttamaṅgena vande’haṃ,
Saṃghañca duvidhuttamaṃ.
Saṃghe yo khaliko doso,
Saṃgho khamatu taṃ mamaṃ.

Con hết lòng thành kính cuối đầu đảnh lễ,
Hai bậc Tăng-bảo: phàm-Tăng và Thánh-Tăng,
Lỗi lầm nào con đã phạm đến Tăng-bảo,
Cúi xin Tăng-bảo xá tội ấy cho con. (đảnh lễ).

Bài Kệ Cầu Nguyện

Iminā puññakammena,
Sabbe bhayā vinassantu.
Nibbānaṃ adhigantuṃ hi,
Sabbadukkhā pamuccāmi.

Do nhờ năng lực thiện-tâm sám hối này,
Cầu xin mọi tai hoạ hãy đều tiêu diệt,
Mong chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, 
Cầu mong giải thoát mọi cảnh khổ tái sinh.

* Lễ Thọ Tam-Quy Và Ājīvaṭṭhamakasīla

Nếu một hành-giả (số ít) thì đọc như sau:

Ahaṃ Bhante, tisaraṇena saha ājīvaṭṭhamakasīlaṃ dhammaṃ yācāmianuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me Bhante.

Dutiyampi, ahaṃ Bhante, tisaraṇena saha ājivaṭṭhamaka-sīlaṃ dhammaṃ yācāmianuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me Bhante.

Tatiyampi, ahaṃ Bhante, tisaraṇena saha ājivaṭṭhamaka-sīlaṃ dhammaṃ yācāmianuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me Bhante.

* Nếu nhiều hành-giả (số nhiều) thì đọc như sau:

Mayaṃ Bhante, tisaraṇena saha ājīvaṭṭhamakasīlaṃ dhammaṃ yācāmaanuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha no Bhante.

Dutiyampi, mayaṃ Bhante, tisaraṇena saha ājivaṭṭha-makasīlaṃ dhammaṃ yācāmaanuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha no Bhante.

Tatiyampi, mayaṃ Bhante, tisaraṇena saha ājīvaṭṭha-makasīlaṃ dhammaṃ yācāmaanuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha no Bhante.

Nghĩa:

- Kính bạch Đại-đức, Con xin thọ trì tam-quy cùng chánh-mạng-đệ-bát-giới. Kính xin Ngài Đại-đức từ bi hướng dẫn tam-quy cùng chánh-mạng-đệ-bát-giới cho con. Bạch Ngài.

- Kính bạch Đại-đức, Con xin thọ trì tam-quy cùng chánh-mạng-đệ-bát-giới. Kính xin Ngài Đại-đức từ bi hướng dẫn tam-quy cùng chánh-mạng-đệ-bát-giới cho con, lần thứ nhì. Bạch Ngài.

- Kính bạch Đại-đức, Con xin thọ trì tam-quy cùng   chánh-mạng-đệ-bát-giới. Kính xin Ngài Đại-đức từ bi hướng dẫn tam-quy cùng chánh-mạng-đệ-bát-giới cho con, lần thứ ba. Bạch Ngài.      

 (Hành-giả đảnh lễ 3 lần)

Vị Thiền-sư hướng dẫn

Ths: Yamahaṃ vadāmi, taṃ vadehi.

(Sư hướng dẫn từng câu nào, con nên đọc theo đúng từng câu ấy).

Hg:   Āma. Bhante. (Dạ, xin vâng. Bạch Ngài).

Ths:  Namo tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa! (3 lần).

* Thọ Phép Quy-Y Tam-Bảo

- Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi,
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật,

- Dhamaṃ saraṇaṃ gacchāmi,
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp,

- Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng,

- Dutiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi,
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật, lần thứ nhì,

- Dutiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi,
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp, lần thứ nhì,

- Dutiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng, lần thứ nhì,

- Tatiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi,
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật, lần thứ ba,

- Tatiyampi Dhamaṃ saraṇaṃ gacchāmi,
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp, lần thứ ba,

- Tatiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng, lần thứ ba.

Ths: Tisaraṇagamanaṃ paripuṇṇaṃ. (Phép quy y Tam-Bảo trọn vẹn bấy nhiêu)

Hg:  Āma. Bhante. (Dạ, xin vâng. Kính bạch Ngài).

* Thọ trì Ājīvaṭṭhamakasīla

1- Pāṇātipātā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự sát sinh.

2- Adinnādānā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự trộm cắp.

3- Kāmesu micchācārā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự tà dâm.

4- Musāvādā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự nói dối.

5- Pisuṇavācā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa nói lời chia rẽ

6- Pharusavācā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa nói lời thô tục.

7- Samphappalāpā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.  
Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa nói lời vô ích.

8- Micchājīvā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa cách sống tà mạng.

Tisaraṇena saha ājīvaṭṭhamakasīlaṃ dhammaṃ sādhukaṃ katvā, appamādena sampādetha.

(Các con đã thọ trì phép quy y Tam-Bảo cùng với chánh-mạng-đệ-bát-giới (ājīvaṭṭhamakasīla) xong, các con nên cố gắng giữ gìn cho được trong sạch và trọn vẹn, để

làm nền tảng cho mọi thiện-pháp phát sinh, bằng pháp không thất niệm, thực hành pháp-hành-tứ-niệm-xứ.)

Hg: Āma, Bhante. (Dạ, xin vâng. Kính bạch Ngài.

Ths: Sīlena sugatiṃ yanti, sīlena bhogasampadā.
       Sīlena nibbutiṃ yanti, tasmā sīlaṃ visodhaye.

Chúng sinh tái sinh cõi trời, nhờ giữ giới,
Chúng sinh đầy đủ của cải, nhờ giữ giới,
Chúng sinh giải thoát Niết-bàn, nhờ giữ giới,
Vậy, các con nên giữ giới, cho trong sạch!

Hg: Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!

Sau khi đã thọ phép quy-y Tam-Bảo cùng với ājīvaṭṭhamakasīla xong, tiếp theo hành-giả nên đọc 3 bài kệ khẳng định quy-y Tam-Bảo rằng:

“Natthi me saraṇaṃ aññaṃ,
Buddho me saraṇaṃ varaṃ.
Etena saccavajjena,
Hotu me jayamaṅgalaṃ.

Natthi me saraṇaṃ aññaṃ,
Dhammo me saraṇaṃ varaṃ.
Etena saccavajjena,
Hotu me jayamaṅgalaṃ.

Natthi me saraṇaṃ aññaṃ,
Saṃgho me saraṇaṃ varaṃ.
Etena saccavajjena,
Hotu me jayamaṅgalaṃ.”

Chẳng có nơi nào đáng cho con nương nhờ,
Phật-bảo nơi nương nhờ cao thượng của con,
Do nhờ năng lực của lời chân thật này,
Cầu mong cho con được hạnh phúc cao thượng.

Chẳng có nơi nào đáng cho con nương nhờ,
Pháp-bảo nơi nương nhờ cao thượng của con,
Do nhờ năng lực của lời chân thật này,
Cầu mong cho con được hạnh phúc cao thượng.

Chẳng có nơi nào đáng cho con nương nhờ,
Tăng-bảo nơi nương nhờ cao thượng của con,
Do nhờ năng lực của lời chân thật này,
Cầu mong cho con được hạnh phúc cao thượng.

Hoàn thành xong lễ thọ quy-y Tam-Bảo cùng với ājīvaṭṭhamakasīla: chánh-mạng-đệ-bát-giới.
Nhận Xét Về Giới Ājīvaṭṭhamakasīla

Hành-giả là bậc xuất gia sa-di, tỳ-khưu hoặc người tại gia cận-sự-nam, cận-sự-nữ đều có giới-hạnh theo phạm-hạnh của mình và còn phải nghiêm chỉnh thực hành Ājīvaṭṭhamakasīla: Chánh-mạng đệ-bát-giới-này nữa, bởi vì giới này còn có tên là Ādibrahmacariyakasīla: Giới-hành-phạm-hạnh-phần-đầu.

Chánh-mạng đệ-bát-giới nghĩa là chánh-mạng là giới thứ 8. Giới này gồm có 8 giới như sau:

1- Giới có tác ý tránh xa sự sát-sinh,
2-  Giới có tác ý tránh xa sự trộm-cắp,
3- Giới có tác ý tránh xa sự tà-dâm.
Ba giới này thuộc vềchánh-nghiệp.

4-  Giới có tác ý tránh xa sự nói-dối,
5- Giới có tác ý tránh xa sự nói lời chia-rẽ,
6-  Giới có tác ý tránh xa sự nói lời thô-tục,
7- Giới có tác ý tránh xa sự nói lời vô-ích.
Bốn giới này thuộc về chánh-ngữ

8- Giới có tác ý tránh xa cách sống tà-mạng thuộc về  chánh-mạng.

Như vậy, ājīvaṭṭhamakasīla: chánh-mạng đệ-bát-giới hoặc ādibrahmacariyakasīla: giới-hành-phạm-hạnh-phần-đầu gồm có 3 chánh: chánh-nghiệp, chánh-ngữ, chánh-mạng thuộc về phần-giới trong pháp-hành bát-chánh-đạotam-giới, bởi vì 3 chánh này là 3 tâm-sở sinh riêng với nhau (nānākadāci), mỗi tâm-sở đồng sinh với 8 dục-giới đại-thiện-tâm có đối-tượng khác nhau.     

Nhưng hành-giả thực hành pháp-hành-thiền-tuệ, cho đến khi phát sinh Thánh-đạo-tâm hợp đủ 8 chánh: chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới trong Thánh-đạo-lộ-trình-tâm. Khi ấy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng là 3 tâm-sở sinh chung với nhau (niyata ekato) trong Thánh-đạo-tâm thuộc về phần-giới trong pháp-hành bát-chánh-đạo siêu-tam-giới.

Cho nên, hành-giả nên giữ gìn ājīvaṭṭhamakasīla: chánh-mạng đệ-bát-giới hoặc ādibrahmacariyakasīla: giới-hành-phạm-hạnh-phần-đầu hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn để làm nền tảng cho pháp-hành-thiền-định, pháp-hành-thiền-tuệ.

3- Lễ Hiến Dâng Sinh-Mạng
* Lễ hiến dâng sinh mạng lên Đức-Phật

Hành-giả thực hành pháp-hành-thiền-định, hoặc pháp-hành-thiền-tuệ ở một mình nơi thanh vắng, phát sinh sợ hãi, hoặc các hàng phi nhân đến quấy nhiễu, hoặc các loài thú dữ có thể làm hại đến sinh mạng của mình.

Để tránh khỏi những trở ngại cho việc thực hành pháp-hành-thiền-định hoặc pháp-hành-thiền-tuệ, hành-giả nên làm lễ hiến dâng sinh mạng của mình lên Đức-Phật, trước khi thực hành pháp-hành-thiền-định hoặc pháp-hành-thiền-tuệ.
Trong bộ Visuddhimagga: Thanh-Tịnh-Đạo hướng dẫn đọc lời hiến dâng sinh mạng lên Đức-Phật rằng:

“Imā’haṃ Bhagavā, attabhāvaṃ tumhākaṃ pariccajāmi.” (3 lần, rồi đảnh lễ Đức-Phật)

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con xin thành kính hiến dâng sinh mạng của con lên Ngài.

Sau khi đã làm lễ hiến dâng sinh mạng của mình lên Đức-Phật rồi, hành-giả nên phát sinh đức tin trong sạch nơi Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, đó là thiện-pháp phát sinh.

Vì vậy, sinh mạng của hành-giả được an toàn, hành-giả thực hành pháp-hành-thiền-định hoặc pháp-hành-thiền-tuệ được thuận lợi, tiến hoá trong mọi thiện-pháp.

Đức-Phật dạy rằng:

“Dhammo have rakkhati dhammacāriṃ,..”
Thật vậy, thiện-pháp hộ trì người hành pháp.

* Lễ Hiến Dâng Sinh Mạng Đến Thiền-Sư

Hành-giả ban đầu thực hành pháp-hành-thiền-định hoặc pháp-hành-thiền-tuệ cần phải nương nhờ nơi vị Thiền-sư thông hiểu rành rẽ về pháp-học Phật-giáo và có đầy đủ kinh nghiệm về pháp-hành Phật-giáo, nhất là pháp-hành-thiền-định và pháp-hành-thiền-tuệ.

Để cho vị Thiền-sư tận tâm chỉ dạy tỉ mỉ các đề-mục- thiền-định, để hành-giả thực hành pháp-hành-thiền-định, và các đối-tượng-thiền-tuệ là tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadham-ma), để thực hành pháp-hành-tuệ.

Cho nên, hành-giả nên làm lễ hiến dâng sinh mạng của mình đến vị Thiền-sư.

Trong bộ Visuddhimagga: Thanh-Tịnh-Đạo, hướng dẫn đọc lời hiến dâng sinh mạng đến vị Thiền-sư rằng:

 “Imā’haṃ Bhante, attabhāvaṃ tumhākaṃ pariccajāmi.” (3 lần, rồi đảnh lễ Ngài)

- Kính bạch Ngài Đại-đức, con xin thành kính hiến dâng sinh mạng của con đến Ngài.

Sau khi đã làm lễ hiến dâng sinh mạng của mình đến vị Thiền-sư rồi, hành-giả tỏ ra là người đệ tử dễ dạy, biết vâng lời dạy dỗ của vị Thiền-sư ấy([16]), trong suốt thời gianthực hành.

* Lễ Thọ Pháp-Hành-Thiền-Tuệ

Phật-giáo gồm có 3 pháp:

- Pháp-học Phật-giáo đó là theo học Tam-tạng pāḷi và Chú-giải pāḷi gồm tất cả lời giáo huấn của Đức-Phật. 

- Pháp-hành Phật-giáo đó là pháp-hành-giới, pháp-hành-thiền-định, pháp-hành-thiền-tuệ.     
- Pháp-thành Phật-giáo đó là 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

Để tỏ lòng tôn kính Pháp-bảo, hành-giả cần phải làm “Lễ cầu pháp-hành,” với vị Thiền-sư, nên đọc câu:

 “Nibbānassa me Bhante, sacchikaraṇatthāya samathavipassanākammaṭṭhānaṃ detha.” (3 lần, đảnh lễ)  

- Kính bạch Ngài Đại-đức, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn, chỉ dạy cho con pháp-hành-thiền-định và pháp-hành-thiền-tuệ, để thực hành hầu mong chứng ngộ Niết-bàn, giải thoát khổ sinh. Bạch Ngài.

Sau khi hành-giả lễ cầu pháp-hành xong, vị Thiền-sư tận tâm chỉ dạy về pháp-hành-thiền-định và pháp-hành-thiền-tuệ cho hành-giả.

* Cúng-Dường Tam-Bảo Và Lời Phát-Nguyện

Cúng-dường Tam-Bảo là cúng-dường Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo là nơi quy-y nương nhờ đối với các hàng thanh-văn đệ tử, để tỏ lòng tôn kính ngôi Tam-Bảo, hằng ngày đêm, các hàng thanh-văn đệ tử thường lễ bái, cúng-dường đến ngôi Tam-Bảo.

Đức-Phật dạy cách cúng-dường:
- Amisapūjā: Cúng-dường bằng phẩm vật, …
-Paṭipattipūjā: Cúng-dường bằng pháp-hành: pháp-hành-thiền-định, pháp-hành-thiền-tuệ,…

Trong 2 cách cúng-dường, Đức-Phật tán dương ca tụng paṭipattipūjā là cao thượng hơn cả.

Để lòng tôn kính Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, hành-giả thành kính cúng-dường bằng pháp-hành-thiền-tuệ lên ngôi Tam-Bảo, đọc bằng lời như sau: 

* Imāya dhammānudhammapaṭipattiyā
   Buddhaṃ pūjemi.
Con đem hết lòng thành kính cúng-dường Đức-Phật-bảo bằng pháp-hành-thiền này,

* Imāya dhammānudhammapaṭipattiyā
   Dhammaṃ pūjemi.
Con đem hết lòng thành kính cúng-dường Đức-Pháp-bảo bằng pháp-hành-thiền này,

* Imāya dhammānudhammapaṭipattiyā
   Saṃghaṃ pūjemi.
Con đem hết lòng thành kính cúng-dường Đức-Tăng-bảo bằng pháp-hành-thiền này.

Lời Phát Nguyện
* Addhā imāya paṭipattiyā jāti-jarā-maraṇamhā  parimuccissāmi. (3 lần).
Chắc chắn, con sẽ giải thoát khỏi khổ sinh, lão, tử bằng pháp-hành-thiền này.

Như vậy, mục đích cứu cánh của hành-giả thực hành pháp-hành-thiền-tuệ cốt yếu là chứng ngộ Niết-bàn giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài.

(Xong nghi thức thọ pháp-hành-thiền)
Tỳ-khưu Hộ Pháp.
 


Friday, March 20, 2015

SỰ TÍCH NGƯỜI PHẠM ĐIỀU GIỚI SÁT SINH VÀ GÂY OAN TRÁI


Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi, khi ấy Đức Thế Tôn thuyết giảng đề cập đến nữ Dạ xoa Yakkhinī([*]), được tóm lược như sau:

Một đôi vợ chồng không có con, người vợ lớn đi tìm một người đàn bà về làm vợ nhỏ cho chồng, để sinh con nối dòng và giữ gìn của cải, tài sản gia đình. Khi tìm được người vợ nhỏ cho chồng, người vợ lớn lại nghĩ rằng: “Nếu người vợ nhỏ có con, thì tất cả của cải, tài sản đều thuộc về người vợ nhỏ”. Nên bà vợ lớn bảo với bà vợ nhỏ rằng:

─ Khi nào em có thai, hãy báo cho chị biết.

Vâng lời bà vợ lớn, khi có thai, bà vợ nhỏ liền báo cho bà vợ lớn biết. Bà vợ lớn làm thuốc phá thai trộn lẫn vào thức ăn, đồ uống cho bà vợ nhỏ dùng, nên người vợ nhỏ đã bị hư thai lần thứ nhất. Người vợ nhỏ có thai lần thứ nhì, cũng như lần trước người vợ nhỏ liền báo cho người vợ lớn biết, người vợ lớn làm thuốc phá thai làm cho người vợ nhỏ bị hư thai lần thứ nhì. Người vợ nhỏ có thai lần thứ ba, bà nghĩ rằng: “Ta đã bị hư thai hai lần là bởi do bà vợ lớn, lần này ta không báo cho bà vợ lớn biết”. Cái thai trong bụng của bà vợ nhỏ càng ngày càng lớn dần; bà vợ lớn biết vậy, liền quở trách bà vợ nhỏ rằng:

─ Tại sao em có thai, mà không báo cho chị biết!

Bà vợ nhỏ thưa rằng:

─ Hai lần trước em có thai, báo cho chị biết, chị cho uống thuốc làm cho em hư thai hai lần, cho nên, lần này em không dám báo cho chị biết.
Bà vợ lớn sẵn có mưu đồ đen tối xấu xa, nên bà tìm cơ hội lúc bà vợ nhỏ sơ hở, bà trộn thuốc vào thức ăn, đồ uống; bà vợ nhỏ không biết nên ăn uống vào, làm cho bào thai bị hư. Lần này bào thai không thể ra ngoài được, làm cho bà vợ nhỏ phải chết.

Trước khi chết, bà vợ nhỏ nguyện kết oan trái với bà vợ lớn rằng: “Kiếp này, ngươi đã hại ta hai lần bị hư thai, lần thứ ba này, ngươi không chỉ làm cho ta bị hư thai, mà còn sát hại sinh mạng của ta nữa. Kiếp sau ta sẽ sát hại con của ngươi và cả ngươi nữa”.

Sau khi bà vợ nhỏ chết, với tâm oan trái trả thù, do ác nghiệp ấy cho quả tái sinh làm con mèo cái trong gia đình ấy.

Người chồng biết được người vợ lớn là thủ phạm đã hai lần làm người vợ nhỏ bị hư thai, lần này không chỉ làm hư thai, mà còn làm người vợ nhỏ chết; ông nổi giận đánh đập người vợ lớn đến chết. Sau khi người vợ lớn chết, ác nghiệp sát sinh cho quả tái sinh làm con gà mái cũng ở trong gia đình ấy.

Khi gà mái đẻ trứng ra, cả hai lần đều bị con mèo cái đến ăn trứng; đến lần thứ ba, sau khi ăn trứng xong, con mèo cái vồ con gà mái cắn cổ chết rồi ăn thịt gà luôn. Con gà mái trước khi chết nguyện gây oan trái với con mèo cái rằng: “Kiếp này, ngươi đã ăn trứng của ta hai lần, lần thứ ba này, ngươi không chỉ ăn trứng của ta mà còn giết ta ăn thịt nữa. Kiếp sau ta sẽ sát hại con của ngươi và cả ngươi nữa”.

Con gà mái sau khi chết, ác nghiệp oan trái trả thù cho quả tái sinh làm con cọp cái. Còn con mèo cái sau khi chết, do ác nghiệp sát sinh cho quả tái sinh làm con nai cái. Khi con nai cái sinh con lần thứ nhất, con cọp cái tìm đến ăn thịt nai con; khi con nai cái sinh con lần thứ nhì, con cọp cái cũng tìm đến ăn thịt nai con; khi con nai cái sinh con lần thứ ba, lần này con cọp cái tìm đến không chỉ ăn thịt nai con, mà còn bắt nai mẹ giết chết ăn thịt nữa.

Con nai mẹ trước khi chết, nguyện kết oan trái với con cọp cái rằng: “Kiếp này, ngươi đã ăn thịt con của ta hai lần, lần thứ ba này, ngươi đã ăn thịt con ta lại còn giết ta ăn thịt nữa. Kiếp sau, ta sẽ sát hại con của ngươi và cả ngươi nữa”.

Con nai cái sau khi chết, thiện nghiệp khác cho quả tái sinh làm nữ Dạ xoa Yakkhinī ở phương Bắc thuộc cõi trời Tứ Đại Thiên Vương. Còn con cọp cái sau khi chết, thiện nghiệp khác cho quả tái sinh làm con gái của một gia đình trong kinh thành Sāvatthi. Khi nàng trưởng thành khôn lớn có chồng, và sống ở bên gia đình chồng. Lúc nàng sinh đứa con thứ nhất, nữ Dạ xoa theo dõi biết rõ, rồi biến hóa thành người bạn thân đến thăm nàng. Nhìn thấy con nàng, nữ Dạ xoa liền bắt đứa con của nàng để ăn thịt. Nàng sinh đứa con lần thứ nhì, nữ Dạ xoa theo dõi biết, liền xuất hiện đến bắt đứa con của nàng để ăn thịt như lần trước. Khi nàng có thai lần thứ ba, gần đến ngày sinh, nàng bàn tính với chồng, xin về nhà cha mẹ của nàng để sinh con; bởi vì nếu nàng sinh ở đây, thì nữ Dạ xoa sẽ đến bắt con của nàng để ăn thịt như hai lần trước. Người chồng đồng ý, hai vợ chồng cùng đưa nhau về bên nhà cha mẹ nàng để sinh con.

Khi nàng sinh đứa con và làm lễ đặt tên cho con xong, hai vợ chồng bồng đứa con trở về lại bên nhà chồng. Trên đường đang trở về nhà, khi đi ngang qua ngôi chùa Jetavana, nàng nhìn thấy nữ Dạ xoa đang đi tìm nàng, để bắt đứa con của nàng; nàng hoảng sợ quá, liền bồng đứa con chạy vào chùa trốn thoát.

Khi ấy, Đức Thế Tôn đang thuyết pháp tế độ chúng sinh, nàng bồng đứa con đến gần Đức Thế Tôn rồi đặt đứa con phía dưới đôi bàn chân của Ngài, bèn bạch rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, con xin kính dâng đứa con này đến Ngài, cầu xin Ngài rải tâm đại bi cứu mạng đứa con của con.

Lúc này, bên ngoài cửa ngôi chùa, chư thiên giữ cửa cấm không cho nữ Dạ xoa đi vào trong ngôi chùa Jetavana. Đức Thế Tôn truyền dạy Ngài Đại đức Ānanda cho gọi nữ Dạ xoa được phép vào hầu Ngài. Khi nữ Dạ xoa đi vào hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn. Nhìn thấy nữ Dạ xoa, nàng hoảng sợ vô cùng, khóc la bèn bạch rằng:

─ Kính bạch Đức Thế Tôn, nữ Dạ xoa.

Đức Thế Tôn khuyên dạy, trấn an tâm của nàng rằng:

─ “Này con! Con đừng sợ, không có điều tai hại nào xảy đến cho đứa con của con và con đâu!”

Khi ấy, Đức Thế Tôn khuyên dạy nữ Dạ xoa rằng:

─ “Này các con! Nếu các con không đến gặp Như Lai, thì sự oan trái giữa các con sẽ tiếp diễn mãi mãi. Tại sao các con oan trái trả thù lại bằng oan trái? Sự thật, sự oan trái được dập tắt bằng sự không oan trái, chứ không phải dập tắt bằng sự oan trái”.

Đức Phật thuyết câu kệ rằng:

“Na hi verena verāni,
sammantīdha kudācanaṃ.
Averena ca sammanti,
esa dhammo sanantano”([**]).

“Trong đời này những sự oan trái,
Chẳng bao giờ dập tắt oan trái,
Bằng hành động oan trái đáp lại.
Sự oan trái chỉ được dập tắt,
Bằng sự không oan trái mà thôi.
Đó là pháp có từ ngàn xưa,
Của chư bậc thiện trí cao thượng”.


Sau khi lắng nghe câu kệ xong, nữ Dạ xoa liền chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, và các hàng đệ tử cũng được nhiều lợi ích, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn tùy theo trí tuệ ba-la-mật của mỗi người.

Bắt đầu từ khi ấy, sự oan trái hoàn toàn bị dập tắt, tâm từ và nhẫn nại phát sinh giữa nữ Dạ xoa và nàng có đứa con, họ thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau thương yêu đứa con nhỏ.

----------
[*] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, sự tích Kāḷayakkhinīvatthu.
[**] Dhammapadagāthā thứ 5 trong tích Kāḷayakkhinīvatthu.

(Trích Sự Tích Giữ Gìn Ngũ Giới - Nền Tảng Phật Giáo: Hành Giới - Tỳ Khưu Hộ Pháp)

P/s: Đọc câu chuyện trên bỗng nghĩ về lịch sử nước Việt hơn 200 năm trở lại đây cũng một chuỗi dài gây oan trái: Oan trái Việt-Chiêm, Trịnh-Nguyễn phân tranh, Nguyễn-Nguyễn thanh trừng (Nguyễn Ánh-Nguyễn Huệ), Nam-Bắc nội chiến,... Nếu bằng sự không oan trái để dập tắt oan trái thì khi đó cuộc sống chúng ta mới yên bề và các vong linh oan trái mới hoan hỷ bỏ qua chuyện xưa cũ!
**TP.PA st