Monday, November 24, 2014

Làm sao nghe được tiếng Anh

Bài viết dưới đây là của tác giả Trần Duy Nhiên, được post trên ETF (EnglishTime Forum - EnglishTime.us) và trên blog của chính tác giả. Hôm nay xin được post lại để chia sẻ với mọi người.
LÀM SAO NGHE ĐƯỢC TIẾNG ANH
(Và nói chung: MỘT NGOẠI NGỮ)
Phần 1: Bí quyết để nghe
Nhân một câu hỏi của một thành viên English Time Forum, về cách học nghe tiếng Anh, tôi đã viết một topic trong Forum ấy. Hôm nay đọc lại, tôi thấy rằng có thể một số em sinh viên thường ghé blog tôi cũng muốn tìm một cách học để mau tiến bộ trong kỹ năng nghe tiếng Anh, nên tôi chép sang blog mình. Và sau đây là bài tôi viết cách đây hai ngày trên ETF.
Một trong những trở ngại lớn nhất của chúng ta khi học một ngoại ngữ ấy là chúng ta quá … thông minh và có quá nhiều kinh nghiệm!
Quá thông minh: Vì mình không thể nào chấp nhận nghe một câu mà mình không hiểu: Cần phải hiểu một câu nói gì trước khi nghe tiếp câu thứ hai, nếu không thì mình không buồn nghe tiếp.
Quá kinh nghiệm: Cuộc đời đã dạy ta không nghe những gì người khác nói mà chỉ hiểu những gì mà nội dung chuyển tải. Nếu không hiểu nội dung, chúng ta không thể lặp lại lời người kia. Cũng vì thế mà - trong giai đoạn đầu học ngoại ngữ - mỗi lần nghe một câu tiếng Anh thì trong đầu phải dịch ra được tiếng Việt thì mới yên tâm, bằng không thì … câu ấy không có nghĩa.
Thế nhưng, đấy là lối học sinh ngữ ngược chiều. Tôi biết được 6 ngôn ngữ, trong đó có ba ngôn ngữ thành thạo nghe nói đọc viết: Việt - Anh - Pháp, và tôi thấy rằng trong các ngôn ngữ tôi biết thì, một cách khách quan, nghe và nói tiếng Việt là khó nhất. (Vì ở phương Tây, không có ngôn ngữ nào mà mình đổi cao độ của một từ thì ý nghĩa từ ấy lại thay đổi: ma - má - mà - mạ - mã - mả). Nhưng các bạn ở forum này, cũng như tôi, đều không có vấn đề gì cả với cái sinh ngữ khó vào bậc nhất ấy!
Thế nhưng những thầy cô dạy chúng ta nghe nói tiếng Việt chẳng phải là những vị chuyên viên ngôn ngữ như các thầy ngoại ngữ mà ta học tại các trường. Thầy dạy tiếng Việt chúng ta là tất cả những người quanh ta từ ngày ta ra đời: cha mẹ, anh chị, hàng xóm, bạn bè, … Nghĩa là đại đa số những người chưa có một giờ sư phạm nào cả, thậm chí không có một khái niệm nào về văn phạm tiếng Việt. Thế mà ta nghe tiếng Việt thoải mái và nói như sáo. Còn tiếng Anh thì không thể như thế được!
Ấy là vì đối với tiếng Việt, chúng ta học theo tiến trình tự nhiên, còn ngoại ngữ thì ta học theo tiến trình phản tự nhiên.
Từ lúc sinh ra chúng ta đã NGHE mọi người nói tiếng Việt chung quanh. (Mà chẳng bao giờ ta phản đối: "Tôi chẳng hiểu gì cả, đừng nói nữa"! Mới sanh thì biết gì mà hiểu và phản đối!). Sau một thời gian dài từ 9 tháng đến 1 năm, ta mới NÓI những tiếng nói đầu tiên (từng chữ một), mà không hiểu mình nói gì. Vài năm sau vào lớp mẫu giáo mới học ĐỌC, rồi vào lớp 1 (sáu năm sau khi bắt đầu nghe) mới tập VIẾT … Lúc bấy giờ, dù chưa biết viết thì mình đã nghe được tất cả những gì người lớn nói rồi (kể cả điều mình chưa hiểu). Như vậy, tiến trình học tiếng Việt của chúng ta là Nghe - Nói - Đọc - Viết. Giai đoạn dài nhất là nghe và nói, rồi sau đó từ vựng tự thêm vào mà ta không bao giờ bỏ thời gian học từ ngữ. Và ngữ pháp (hay văn phạm) thì đến cấp 2 mới học qua loa, mà khi xong trung học thì ta đã quên hết 90% rồi.
Nhưng tiến trình ta học tiếng Anh (hay bất cứ ngoại ngữ nào) thì hoàn toàn ngược lại.
Thử nhìn lại xem: Trước tiên là viết một số chữ và chứa thêm nghĩa tiếng Việt nếu cần. Và kể từ đó, học càng nhiều từ vựng càng tốt, kế đến là học văn phạm, rồi lấy từ vựng ráp vào cho đúng với văn phạm mà VIẾT thành câu! Rồi loay hoay sửa cho đúng luật! Sau đó thì tập ĐỌC các chữ ấy trúng được chừng nào hay chừng ấy, và nhiều khi lại đọc một âm tiếng Anh bằng một âm tiếng Việt! (Ví dụ fire, fight, five, file … đều được đọc là ‘phai’). Sau đó mới tới giai đoạn NÓI, mà ‘nói’ đây có nghĩa là Đọc Lớn Tiếng những câu mình viết trong đầu mình, mà không thắc mắc người đối thoại có hiểu 'message' của mình hay không vì mình chỉ lo là nói có sai văn phạm hay không. Lúc bấy giờ mới khám phá rằng những câu mình viết thì ai cũng hiểu, nhưng khi mình nói thì chỉ có mình và … Thượng Đế hiểu thôi, còn người bản xứ (tiếng Anh) thì ‘huh - huh’ dài cổ như cổ cò! Thế là học nói bằng cách sửa đổi phát âm những từ nào chưa chuẩn cho đến khi người khác nghe có thể hiểu được.
Sau thời gian dài thật dài, mình khám phá rằng mình từng biết tiếng Anh, và nói ra thì người khác hiểu tàm tạm, nhưng khi họ nói thì mình không nghe được gì cả (nghĩa là nghe mà không hiểu gì cả). Lúc bấy giờ mới tập NGHE, và rồi đành bỏ cuộc vì cố gắng mấy cũng không hiểu được những gì người ta nói.
Vấn đề là ở chỗ đó: Chúng ta đã học tiếng Anh ngược với tiến trình tự nhiên, vì quá thông minh và có quá nhiều kinh nghiệm. Tiến trình ấy là Viết - Đọc - Nói - Nghe!
Vì thế, muốn nghe và nói tiếng Anh, chuyện đầu tiên là phải quên đi kinh nghiệm và trí thông minh, để trở lại trạng thái ‘sơ sinh và con nít’, và đừng sử dụng quá nhiều chất xám để phân tích, lý luận, dịch thuật!
Và đây là bí quyết để Nghe:
A. Nghe thụ động.
1. ‘Tắm’ ngôn ngữ. Nghe không cần hiểu: Hãy nghe! Đừng hiểu!
Bạn chép vào CD một số bài tiếng Anh (ví dụ từ trên forum ETF). Mỗi bài có thể dài từ 1 đến 5 phút.
Khi nào bạn ở nhà một mình, thì mở các bài đó ra vừa đủ nghe, và cứ lặp đi lặp lại mãi, ra rả như âm thanh nền suốt ngày. Bạn không cần để ý đến nó. Bạn cứ làm việc của mình, đánh răng, rửa mặt, học bài làm bài, vào internet … với tiếng lải nhải của bài tiếng Anh. (Thậm chí, trong lúc bạn ngủ cũng có thể để cho nó nói!).
Trường hợp bạn có CD player, USB player hay iPod, thì đem theo để mở nghe khi mình có thời gian chết - Ví dụ, di chuyển lâu giờ trên xe, đợi ai hay đợi đến phiên mình tại phòng mạch.
Công việc ‘tắm ngôn ngữ’ này rất quan trọng, vì cho ta nghe đúng với từng âm của một ngôn ngữ lạ. Tai của chúng ta bắt rất nhanh một âm quen, nhưng loại trừ những âm lạ. Ví dụ, nếu bạn nghe câu: ‘Mặt trời mọc cánh khi chim voi truy cập chén chó’, một câu hoàn toàn vô nghĩa, nhưng bảo bạn lặp lại thì bạn lặp lại được ngay, vì bạn đã quá quen với các âm ấy. Nhưng khi một người nói một câu bằng chừng ấy âm (nghĩa là 11 âm/vần), trong ngôn ngữ bạn chưa từng học, và bảo bạn lặp lại thì bạn không thể nào lặp lại được, và bảo rằng … không nghe được! (Bạn có điếc đâu! Vấn đề là tai bạn không nhận ra được các âm!) Lối 'tắm ngôn ngữ' đó chỉ là vấn đề làm quen đôi tai, và sau một thời gian (lâu đấy chứ không phải vài ngày) bạn sẽ bắt được các âm của tiếng Anh, và thấy rằng âm ấy rất dễ nghe, nhưng hoàn toàn khác với âm Việt. Đừng nản lòng vì lâu ngày mình vẫn không phân biệt âm: Hãy nhớ rằng bạn đã tắm ngôn ngữ tiếng Việt ít ra là 9 tháng liên tục ngày đêm trước khi mở miệng nói được tiếng nói đầu tiên và hiểu được một hai tiếng ngắn của cha mẹ; và sau đó lại tiếp tục 'tắm ngôn ngữ' Việt cho đến 4, 5 năm nữa!
2. Nghe với hình ảnh động.
Nếu có thời giờ thì xem một số tin tức bằng tiếng Anh. (Một điều khuyên tránh: Đừng xem chương trình tiếng Anh của các đài Việt Nam, ít ra là giai đoạn đầu, vì xướng ngôn viên Việt Nam, phần lớn, nói rất gần với âm Việt Nam (kể cả pronounciation), nên mình dễ quen nghe, và từ đó lỗ tai mình lại hỏng, về sau lại khó nghe người bản xứ nói tiếng Anh - thế là phải học lại lần thứ hai!). Các hình ảnh đính kèm làm cho ta ‘hiểu’ được ít nhiều nội dung bản tin, mà không cần phải ‘dịch’ từng câu của những gì xướng ngôn viên nói. Bạn sẽ yên tâm hơn, sau khi nghe 15 phút tin tức, tự tóm lược lại, thì thấy rằng mình đã nắm bắt được phần chính yếu của nội dung bản tin. Và đây là cách thứ hai để tắm ngôn ngữ.
B. Nghe chủ động.
1. Bản tin special english.
Thu một bản tin, và nghe lại rồi chép ra nhiều chừng nào hay chừng nấy … nhớ là đừng tra cứu tự điển hay tìm hiểu nghĩa vội. Đoán nghĩa trong nội dung câu, và nhớ lại âm thanh của từ, hay cụm từ đó, sau này tự nó sẽ rõ nghĩa, nếu trở đi trở lại hoài.
(Ngày xưa, trên đài VOA, sau mỗi chương trình tôi thường nghe một cụm từ tương tự như: statue, statute hay statu gì đó, mà không biết viết thế nào, tuy vẫn hiểu đại loại là: hãy đợi đấy để nghe tiếp. Mãi sau này tôi mới biết rằng thuật ngữ rất quen thuộc ấy là 'stay tuned', nhưng một thời gian dài, chính tả của chữ ấy đối với tôi không thành vấn đề!)
2. Chăm chú nghe lại một số bài mình từng nghe trong giai đoạn ‘tắm ngôn ngữ’.
Lấy lại script của những bài mình từng nghe, đọc lại và nhớ lại trong tưởng tượng lời đọc mà mình từng nghe nhiều lần.
Sau đó xếp bản script và nghe lại để hiểu. Lần này: tự nhiên mình sẽ nghe rõ từng tiếng và hiểu. Trường hợp không hiểu một từ hay cụm từ, thì gắng lặp lại nhiều lần đúng như mình đã nghe, sau đó lật lại script để so sánh.
3. Một số bài Audio (trong ETF chẳng hạn).
Nghe nhiều lần, trước khi đọc script. Sau đó, đọc lại script, chủ yếu kiểm tra những từ mình đã nghe hoặc đoán, hoặc những từ mà mình có thể phát âm lại nhưng không hiểu viết và nghĩa thế nào. Qua việc này, nhiều khi ta phát hiện rằng một từ mình rất quen thuộc mà từ xưa đến nay mình cứ in trí là phải nói một cách nào đó, thì thực ra cần phải nói khác hẳn và phát âm như thế thì mới mong nghe đúng và nói cho người khác hiểu. Sau đó, xếp bản script và nghe lại một hai lần nữa. (Ví dụ, hai chữ tomb, bury, khi xưa tôi cứ đinh ninh là sẽ phát âm là 'tôm-b(ơ), bơri' - sau này nghe chữ 'tum, beri' tôi chẳng hiểu gì cả - dù cho tôi nghe rõ ràng là tum, beri -cho đến khi xem script thì mới vỡ lẽ!)
4. Học hát tiếng Anh, và hát theo trong khi nghe.
Chọn một số bài hát mà mình thích, tìm lyrics của nó rồi vừa nghe vừa nhìn lyrics. Sau đó học thuộc lòng và hát song song với ca sĩ, và gắng phát âm cũng như giữ tốc độ và trường độ cho đúng. Khi nào buồn buồn cũng có thể tự hát cho mình nghe (nếu không có giọng tốt và hát sai giọng một tí cũng không sao, vì chủ yếu là tập phát âm, tốc độ, trường độ và âm điệu tiếng Anh).
Và nói cho đúng giọng (qua hát) cũng là một cách giúp mình sau này nhạy tai hơn khi nghe, vì thường thường ngôn ngữ trong các bài hát khó nghe hơn những câu nói bình thường rất nhiều.
Trước khi tạm dừng topic này, tôi muốn nói thêm một điều:
Có bạn bảo rằng hiện nay mình chưa hiểu, nên cố gắng nghe nhiều cũng vô ích, để mình học thêm, khi nào có nhiều từ vựng để hiểu rồi thì lúc đó sẽ tập nghe sau.
Nghĩ như thế là HOÀN TOÀN SAI. Chính vì bạn chưa hiểu nên mới cần nghe nhiều hơn những người đã hiểu. Muốn biết bơi thì phải nhảy xuống nước, không thể lấy lý do rằng vì mình không thể nổi, nên ở trên bờ học cho hết lý thuyết rồi thì mới nhảy xuống, và sẽ biết bơi! Chưa biết bơi mà xuống nước thì sẽ uống nước và ngộp thở đấy, nhưng phải thông qua uống nước và ngộp thở như thế thì mới hy vọng biết bơi.
Muốn biết bơi, thì phải nhảy xuống nước, và nhảy khi chưa biết bơi. Chính vì chưa biết bơi nên mới cần nhảy xuống nước.
Muốn biết nghe và hiểu tiếng Anh thì phải nghe tiếng Anh, nghe khi chưa hiểu gì cả! Và chính vì chưa hiểu gì nên cần phải nghe nhiều.
Phần 2 – Nghe bằng tai
Khi tôi bảo rằng chúng ta gặp trở ngại khi học ngoại ngữ vì thông minh và có nhiều kinh nghiệm, có người cho rằng đó là nói theo nghĩa bóng. Không phải đâu, tôi nói theo nghĩa đen đó! Qua sự kiện sau (và ACE/anh chị em chắc chắn cũng từng gặp những trường hợp tương tự) ACE sẽ thấy ngay. Một người bạn từng dạy Anh Văn ở Trung Tâm Ngoại Ngữ với tôi, sau này sang định cư ở Mỹ. Anh cùng đi với đứa con 7 tuổi, chưa biết một chữ tiếng Anh nào. 11 năm sau tôi gặp lại hai cha con tại Hoa Kỳ. Con anh nói và nghe tiếng Anh không khác một người Mỹ chính cống. Trong khi đó anh nói tiếng Anh tuy lưu loát hơn xưa, nhưng rõ ràng là một người nước ngoài nói tiếng Mỹ. Khi xem chương trình hài trên TV, con anh cười đúng với tiếng cười nền trong chương trình, trong khi đó anh và tôi nhiều khi không hiểu họ nói gì đáng cười: Rõ ràng là kỹ năng nghe của con anh hơn anh rồi! Điều này chứng tỏ rằng khi sang Mỹ, anh đã có kinh nghiệm về tiếng Anh, và ‘khôn’ hơn con anh vì biết nhiều kỹ thuật, phương pháp học tiếng Anh, nên tiếp tục học tiếng Anh theo tiến trình phản tự nhiên; trong khi con anh, vì không ‘thông minh’ bằng anh, và thiếu kinh nghiệm, nên đã học tiếng Anh theo tiến trình tự nhiên mà không theo một phương pháp cụ thế nào để học vocabulary, grammar, listening, speaking cả.
Đi vào cụ thể từ vựng Anh.
(Những phân tích sau đây là để thuyết phục ACE đi vào tiến trình tự nhiên - và điều này đòi hỏi phải xóa bỏ cái phản xạ lâu ngày của mình là học theo tiến trình ngược - và công việc xóa bỏ cái phản xạ sai này lại làm cho ta mất thêm thì giờ. ACE đọc để tin vào tiến trình tự nhiên, chứ không phải để nhớ những phân tích ‘tào lao’ này, khiến lại bị trở ngại thêm trong quá trình nâng cao kỹ năng của mình)
- Xóa bỏ kinh nghiệm nghe nguyên âm: Tiếng Anh là tiếng phụ âm.
Tiếng Anh chủ yếu là ngôn ngữ đa âm: Một từ thường có nhiều âm. Lỗ tai chúng ta đã ‘bị điều kiện hóa’ để nghe âm tiếng Việt. Tiếng Việt là loại tiếng đơn âm, vì thế, mỗi tiếng là một âm và âm chủ yếu trong một từ là nguyên âm. Đổi một nguyên âm thì không còn là từ đó nữa: ‘ma, mi, mơ’ không thể hoán chuyển nguyên âm cho nhau, vì ba từ có ba nghĩa hoàn toàn khác nhau. Mặc khác, tiếng Việt không bao giờ có phụ âm cuối từ. Ngay cả những chữ mà khi viết có phụ âm cuối, thì người việt cũng không đọc phụ âm cuối; Ví dụ, trong từ ‘hát’, nguyên âm mới là ‘át’, h(ờ)-át, chứ không phải là h(ờ)-á-t(ơ), trong khi đó từ ‘hat’ tiếng Anh được đọc là h(ờ)-a-t(ờ), với phụ âm ‘t’ rõ ràng.
Trong tiếng Việt hầu như không có những từ với hai phụ âm đi kế tiếp (ngoài trừ ch và tr - nhưng thực ra, ch và tr cũng có thể thay bằng 1 phụ âm duy nhất). Vì thế, tai của một người Việt Nam - chưa bao giờ làm quen với ngoại ngữ - không thể nhận ra hai phụ âm kế tiếp. Do đó, muốn cho người Việt nghe được một tiếng nước ngoài có nhiều phụ âm kế tiếp, thì phải thêm nguyên âm (ơ) vào giữa các phụ âm; Ví dụ: Ai-xơ-len; Mat-xơ-cơ-va.
Với kinh nghiệm (phản xạ) đó, một khi ta nghe tiếng Anh, ta chờ đợi nghe cho đủ các nguyên âm như mình NHÌN thấy trong ký âm (phonetic signs), và không bao giờ nghe được cả. Ví dụ, khi học từ America ta thấy rõ ràng trong ký âm: (xin lỗi vì không thể ghi phonetic signs vào trang này) ‘ơ-me-ri-kơ’, nhưng không bao giờ nghe đủ bốn âm cả, thế là ta cho rằng họ ‘nuốt chữ’. Trong thực tế, họ đọc đủ cả, nhưng trong một từ đa âm (trong khi viết) thì chỉ đọc đúng nguyên âm ở dấu nhấn (stress) - nếu một từ có quá nhiều âm thì thêm một âm có dấu nhấn phụ (mà cũng có thể bỏ qua) - và những âm khác thì phải đọc hết các PHỤ ÂM, còn nguyên âm thì sao cũng được (mục đích là làm rõ phụ âm). Có thể chúng ta chỉ nghe: _me-r-k, hay cao lắm là _me-rơ-k, và như thế là đủ, vì âm ‘me’ và tất cả các phụ âm đều hiện diện. Bạn sẽ thắc mắc, nghe vậy thì làm sao hiểu? Thế trong tiếng Việt khi nghe ‘Mỹ’ (chấm hết!) không có gì trước và sau cả, thì bạn hiểu ngay, tại sao cần phải đủ bốn âm là ơ-mê-ri-kơ bạn mới hiểu đó là ‘Mỹ’? Tóm lại, hãy nghe phụ âm, đừng chú ý đến nguyên âm, trừ âm có stress!
Một ví dụ khác, từ interesting! Tôi từng được hỏi, từ này phải đọc là in-tơ-res-ting hay in-tơ-ris-ting mới đúng? Chẳng cái nào đúng, chẳng cái nào sai cả. Nhưng lối đặt vấn đề sai! Từ này chủ yếu là nói ‘in’ cho thật rõ (stress) rồi sau đó đọc cho đủ các phụ âm là người ta hiểu, vì người bản xứ chỉ nghe các phụ âm chứ không nghe các nguyên âm kia; nghĩa là họ nghe: in-trstng; và để rõ các phụ âm kế tiếp thì họ có thể nói in-tr(i)st(i)ng; in-tr(ơ)st(ơ)ng; in-tr(e)st(ư)ng. Mà các âm (i) (ơ), để làm rõ các phụ âm, thì rất nhỏ và nhanh đến độ không rõ là âm gì nữa. Trái lại, nếu đọc to và rõ in-tris-ting, thì người ta lại không hiểu vì dấu nhấn lại sang 'tris'!
Từ đó, khi ta phát âm tiếng Anh (nói và nghe là hai phần gắn liền nhau - khi nói ta phát âm sai, thì khi nghe ta sẽ nghe sai!) thì điều tối quan trọng là phụ âm, nhất là phụ âm cuối. Lấy lại ví dụ trước: các từ fire, fight, five, file phải được đọc lần lượt là fai-(ơ)r; fai-t(ơ); fai-v(ơ), và fai-(ơ)l, thì người ta mới hiểu, còn đọc 'fai' thôi thì không ai hiểu cả.
Với từ ‘girl’ chẳng hạn, thà rằng bạn đọc gơ-rôl / gơ-rơl (dĩ nhiên chỉ nhấn gơ thôi), sai hẳn với ký âm, thì người ta hiểu ngay, vì có đủ r và l, trong khi đó đọc đúng ký âm là ‘gơ:l’ hay bỏ mất l (gơ:) thì họ hoàn toàn không hiểu bạn nói gì; Mà có hiểu chăng nữa, thì cũng do context của câu chứ không phải là do bạn đã nói ra từ đó.
- Xóa bỏ kinh nghiệm nghe âm Việt.
Các nguyên âm Việt và Anh không hề giống nhau. Một âm rất rõ trong tiếng Anh sẽ rất nhoè với một lỗ tai người Việt, và một âm rất rõ trong tiếng Việt thì rất nhoè trong lỗ tai người Anh (người bản xứ nói tiếng Anh). Ví dụ, khi bạn nói: “Her name’s Hương!” Bạn đọc từ Hương thật rõ! Thậm chí la lên thật to và nói thật chậm thì người ấy vẫn không nghe ra. Vì ‘ươ’ đối với họ là âm rất nhoè. Nhưng nói là ‘Hu-ôn-gh(ơ)’ họ nghe rõ ngay; từ đó ta phải hiểu họ khi nói đến cô Huôngh chứ đừng đòi hỏi họ nói tên Hương như người Việt (phải mất vài năm!).
Tương tự như vậy, không có nguyên âm tiếng Anh nào giống như nguyên âm tiếng Việt. Nếu ta đồng hóa để cho dễ mình, là ta sẽ không nghe được họ nói, vì thế giới này không quan tâm gì đến cách nghe của người Việt Nam đối với ngôn ngữ của họ. Ví dụ, âm ‘a’ trong ‘man’ thì không phải là ‘a’ hay ‘ê’ hay ‘a-ê’ hay ‘ê-a’ tiếng Việt, mà là một âm khác hẳn, không hề có trong tiếng Việt. Phải nghe hàng trăm lần, ngàn lần, thậm chí hàng chục ngàn lần mới nghe đúng âm đó, và rất rõ! Ấy là chưa nói âm ‘a’ trong từ này, được phát âm khác nhau, giữa một cư dân England (London), Scotland, Massachusetts (Boston), Missouri, Texas!
Cũng thế, âm ‘o’ trong ‘go’ không phải là ‘ô’ Việt Nam, cũng chẳng phải là ô-u (như cách phiên âm xưa) hay ơ-u (như cách phiên âm hiện nay), lại càng không phài là ‘âu’, mà là một âm khác hẳn tiếng Việt. Phát âm là ‘gô’, ‘gơu’ hay ‘gâu’ là nhoè hẳn, và do đó những từ dễ như ‘go’ cũng là vấn đề đối với chúng ta khi nó được nói trong một câu dài, nếu ta không tập nghe âm ‘ô’ của tiếng Anh đúng như họ nói. Một âm nhoè thì không có vấn đề gì, nhưng khi phải nghe một đoạn dài không ngưng nghỉ thì ta sẽ bị rối ngay.
Đây cũng là do một kinh nghiệm tai hại xuất phát từ việc tiếp thu kiến thức. Trong quá trình học các âm tiếng Anh, nhiều khi giáo viên dùng âm Việt để so sánh cho dễ hiểu, rồi mình cứ xem đó là ‘chân lý’ để không thèm nghĩ đến nữa. Ví dụ, muốn phân biệt âm (i) trong sheep và ship, thì giáo viên nói rằng I trong sheep là ‘I dài’ tương tự như I trong tiếng Bắc: ít; còn I trong ship là I ngắn, tương tự như I trong tiếng Nam: ít - ích. Thế là ta cho rằng mình đã nghe được I dài và I ngắn trong tiếng Anh rồi, nhưng thực chất là chưa bao giờ nghe cả! Lối so sánh ấy đã tạo cho chúng ta có một ý niệm sai lầm; thay vì xem đấy là một chỉ dẫn để mình nghe cho đúng âm, thì mình lại tiếp thu một điều sai! Trong tiếng Anh không có âm nào giống âm I bắc hoặc I nam cả! Bằng chứng: ‘eat’ trong tiếng Anh thì hoàn toàn không phải là ‘ít’ trong tiếng Việt, đọc theo giọng bắc, và ‘it’ trong tiếng Anh hoàn toàn không phải là ‘ít’ trong tiếng Việt, đọc theo giọng nam! Vì thế, phải xóa bỏ những kinh nghiệm loại này, và phải nghe trực tiếp thôi!
- Xóa bỏ kinh nghiệm nghe bằng chữ viết.
Nếu ta hỏi một em bé: Cháu nghe bằng gì? Thì nó sẽ trả lời: Nghe bằng tai! Nếu ta bảo: “Cháu phải nghe bằng mắt cơ!” Chắc em bé tưởng ta … trêu cháu! Thế nhưng điều xảy ra cho nhiều người học tiếng nước ngoài là Nghe Bằng Mắt!
Thử nhìn lại xem. Trong giai đoạn đầu tiếp xúc với tiếng Anh, khi ta nghe một người nói: “I want a cup of coffee!”. Tức tốc, chúng ta thấy xuất hiện câu ấy dưới dạng chữ Viết trong trí mình, sau đó mình dịch câu ấy ra tiếng Việt, và ta HIỂU! Ta Nghe bằng MẮT, nếu câu ấy không xuất hiện bằng chữ viết trong đầu ta, ta không Thấy nó, thì ta … Điếc!
Sau này, khi ta có trình độ cao hơn, thì ta hiểu ngay lập tức chứ không cần phải suy nghĩ lâu. Thế nhưng tiến trình cũng chẳng khác nhau bao nhiêu, ta vẫn còn thấy chữ xuất hiện và dịch, cái khác biệt ấy là ta viết và dịch rất nhanh, nhưng từ một âm thanh phát ra cho đến khi ta hiểu thì cũng thông qua ba bước: viết, dịch, hiểu. Khi ta đi đến một trình độ nào đó, thì trong giao tiếp không có vấn đề gì cả, vì các câu rất ngắn, và ba bước đó được 'process' rất nhanh nên ta không bị trở ngại, nhưng khi ta nghe một bài dài, thì sẽ lòi ra ngay, vì sau hai, ba, bốn câu liên tục 'processor' trong đầu ta không còn đủ thì giờ để làm ba công việc đó. Trong lúc nếu một người nói bằng tiếng Việt thì ta nghe và hiểu ngay, không phải viết và dịch (tại vì ngày xưa khi ta học tiếng Việt thì quá trình là nghe thì hiểu ngay, chứ không thông qua viết và dịch, vả lại, nếu muốn dịch, thì dịch ra ngôn ngữ nào?), và người nói có nhanh cách mấy thì cũng không thể nào vượt cái khả năng duy nhất của chúng ta là 'nghe bằng tai'.
Vì thế, một số sinh viên cảm thấy rằng mình tập nghe, và đã nghe được, nhưng nghe một vài câu thì phải bấm ‘stop’ để một thời gian chết - như computer ngưng mọi sự lại một tí để process khi nhận quá nhiều lệnh - rồi sau đó nghe tiếp; nhưng nếu nghe một diễn giả nói liên tục thì sau vài phút sẽ ‘điếc’. Từ đó, người sinh viên nói rằng mình ‘đã tới trần rồi, không thể nào tiến xa hơn nữa! Vì thế giới này không stop cho ta có thời giờ hiểu kịp’!’(1)
Từ những nhận xét trên, một trong những việc phải làm để nâng cao kỹ năng nghe, ấy xóa bỏ kinh nghiệm ‘Nghe bằng Mắt’, mà trở lại giai đoạn Nghe bằng Tai, (hầu hết các du học sinh ở nước ngoài, sau khi làm chủ một ngoại ngữ rồi từ trong nước, đều thấy ‘đau đớn và nhiêu khê’ lắm khi buộc phải bỏ thói quen nghe bằng mắt để trở lại với trạng thái tự nhiên là nghe bằng tai! Có người mất cả 6 tháng cho đến 1 năm mới tàm tạm vượt qua).
- Xóa bỏ kinh nghiệm nghe bằng cấu trúc văn phạm.
Khi nghe ai nói, ta viết một câu vào đầu, và sửa cho đúng văn phạm, rồi mới dịch, và sau đó mới hiểu! Ví dụ: Ta nghe ‘iwanago’ thì viết trong đầu là ‘I want to go’, xong rồi mới dịch và hiểu; nếu chưa viết được như thế, thì iwanago là một âm thanh vô nghĩa.
Thế nhưng, nếu ta nghe lần đầu tiên một người nói một câu hằng ngày: igotago, ta không thể nào viết thành câu được, và vì thế ta không hiểu. Bởi vì thực tế, câu này hoàn toàn sai văn phạm. Một câu đúng văn phạm phải là ‘I am going to go’ hoặc chí ít là ‘I have got to go’. Và như thế, đúng ra thì người nói, dù có nói tốc độ, cũng phải nói hoặc: I'm gona go; hoặc I’ve gota go (tiếng Anh không thể bỏ phụ âm), chứ không thể là I gotta go! Thế nhưng trong thực tế cuộc sống người ta nói như vậy, và hiểu rõ ràng, bất chấp mọi luật văn phạm. Văn phạm xuất phát từ ngôn ngữ sống, chứ không phải ngôn ngữ sống dựa trên luật văn phạm. Do đó, ta cũng phải biết nghe mà hiểu; còn cứ đem văn phạm ra mà tra thì ta sẽ khựng mãi. (Tôi đang nói về kỹ năng nghe, còn làm sao viết một bài cho người khác đọc thì lại là vấn đề khác!)
Tóm lại, trong phần chia sẻ này, tôi chỉ muốn nhắc với ACE rằng, hãy NGHE ĐIỀU NGƯỜI TA NÓI, CHỨ ĐỪNG NGHE ĐIỀU MÌNH MUỐN NGHE, và muốn được như vậy, thì HÃY NGHE BẰNG TAI, ĐỪNG NGHE BẰNG MẮT!
Hai bài trước đây, tôi nói về việc nghe ‘âm thanh’ của tiếng Anh, có nghĩa là làm sao phân biệt được các âm với nhau đến nỗi, dù không hiểu câu ấy nói gì, cũng có thể lặp lại đúng lời người ta nói ra (câu càng dài thì kỹ năng nghe của mình càng cao). Dĩ nhiên, có những người được ‘lỗ tai âm nhạc’ thiên phú nên phân biệt âm thanh rất nhanh. Ví dụ em Wendy Võ, một nhi đồng gốc Việt tại North Carolina (tên Việt Nam là Võ thị Ngọc Diễm). Năm nay em mới 8 tuổi mà đã nói được 11 thứ tiếng và soạn 45 bản nhạc. Em có khả năng lặp lại một câu nói bằng bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới, mà không cần hiểu nghĩa. Thế nhưng thường thường, người ta phải mất nhiều thời gian để phân biệt các âm trong một ngôn ngữ mới, tuy nhiên TẤT CẢ MỌI NGƯỜI đều có khả năng này, bằng chứng là không một người nào trên trái đất (trừ người điếc) là không thể nghe và nói ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.
Nếu thời gian qua, các bạn đã lắng nghe âm thanh tiếng Anh thôi, thì đến nay, hẳn bạn đã nhận thấy rằng bỗng dưng có một số từ hay cụm từ mình nghe rõ ràng hơn xưa, đặc biệt là những con số và những danh từ riêng (của các nhân vật, các địa danh, …), và những từ mình đã quen thuộc. Có những đoạn bạn nghe một thời gian dài 5-15 phút (như trên TV) rồi bỗng thấy mình ‘hiểu’ cơ bản nội dung chương trình đó.
Như thế là các bạn đã nghe tiếng Anh. Nhưng dù muốn dù không, khi nghe một ngôn ngữ mà chỉ nghe âm thanh thôi, thì cũng giống như mình nghe nhạc (không lời), hay nghe tiếng gió, tiếng chim. Nếu chỉ nghe như thế thì không đáng bỏ công, vì ngôn ngữ cốt là để truyền tin (truyền một thông tin). Nếu ta không nắm được thông tin bên dưới âm thanh phát ra bằng tiếng Anh, thì kể như chúng ta không ‘nghe’ được tiếng Anh. Vì thế, điều chúng ta cần học lại trước hết là nghe tiếng Anh (như một âm thanh thuần túy) để tiến đến bước sau cùng (mà bình thường người học ngoại ngữ xem là bước đầu tiên), ấy là ‘nghe’ tiếng Anh, theo nghĩa là ‘hiểu’ một thông tin.
Vì thế, sau hai bài để nói về cách nghe tiếng Anh, hôm nay tôi sẽ đi sâu hơn, ấy là ‘nghe’ tiếng Anh, theo nghĩa là nắm bắt nội dung của thông tin qua một chuỗi âm thanh bằng tiếng Anh.
Phần 3: Nghe tiếng Anh và ‘nghe’ tiếng Anh
1. ‘Nghe’ trong ngữ cảnh.
Tôi từng nhắc đi nhắc lại rằng đừng bao giờ tra từ điển khi mình nghe một diễn từ. Điều chủ yếu là nghe và lặp lại được những âm thanh đã nghe, rồi dần dần hiểu được một từ mới, khi nó xuất hiện trong nhiều nội dung khác nhau (nếu cả năm mình mới nghe từ đó một lần, có nghĩa là từ ấy không thông dụng và, trong giai đoạn này, ta không cần phải bận tâm đến nó!). Ví dụ, bạn nghe nhiều lần (âm thanh) ‘oubou’ mà không hiểu nghĩa, lần lượt trong những câu sau:
- To play the ‘oubou’ you need to have strong arms.
- The ‘oubou’ is considered one of the most difficult instruments to play.
- The ‘oubou’ is very difficult to play, because Karen must force air at very high pressure into the tiny double reed.
Lần đầu tiên, bạn chẳng biết âm ‘oubou’ chỉ cái gì, nhưng vì đi với play nên bạn đoán rằng đó là một cái gì để ‘chơi’. Như thế là đã ‘hiểu’ một cách tổng quát. Lần 2, với từ ‘instrument’ bạn biết rằng đó là cái để ‘chơi’ nhưng không phải là trong thể thao, mà là trong âm nhạc. Lần thứ ba, với cụm từ ‘must force air’ thì ta biết rằng đó là một nhạc cụ thổi hơi (khí nhạc) chứ không phải là nhạc cụ dây hay gõ, … Và ta tạm hiểu như thế, mà không cần biết phải viết thế nào, cho đến khi đọc câu sau (chẳng hạn):
The oboe looks very similar to the clarinet, but sounds very different!
Thế là ta biết được rõ ràng đó là một nhạc khí tương tự như clarinet, và từ mà ta nghe là ‘oubou’ thì được viết là oboe (và ta đọc đúng ngay chứ không cần phải tra từ điển!)
P/s: Đây cũng là vấn đề ‘hiểu’ một từ. Chúng ta có cảm giác rằng nếu dịch được tiếng ấy ra là ta hiểu ngay, thế nhưng không có gì sai cho bằng. Nếu bạn học theo quá trình ngược, nghĩa là khởi sự biết từ ấy dưới dạng chữ viết, bạn sẽ tra từ điển và đọc là: kèn ô-boa! Bạn thấy hài lòng vì mình đã hiểu! Nhưng thực ra, nếu bạn không phải là một nhạc sĩ, thì ‘kèn ô-boa’ cũng chẳng thêm gì trong kiến thức bạn. Ngay trong tiếng mẹ đẻ, ta có thể hài lòng với khái niệm mơ hồ về một từ, nhưng khi học ngoại ngữ thì ta có cái cảm giác sai lầm là phải trở lại với từ mẹ đẻ mới gọi là hiểu. Đối với tôi, nightingale là một loại chim có tiếng hót hay và thường hót vào ban đêm, còn có dịch ra là ‘sơn ca’ hay ‘họa mi’ thì cũng bằng thừa, vì tôi chưa bao giờ thấy và biết chim ‘sơn ca’ hay ‘họa mi’. Thậm chí không biết là có phải một loài chim hay hai loài chim khác nhau, vì cả hai từ đều được dịch là nightingale.
2. Nghe trong toàn bộ bối cảnh.
Ta thường nghĩ rằng: ‘một từ thì có một nghĩa nhất định’. Hoàn toàn sai!
- Thử tra từ ‘tiêu cực’ trong từ điển: negative. Như thế, ‘một cán bộ tiêu cực’ phải được dịch là ‘a negative cadre’! Nếu cụm từ tiếng Việt có ý nghĩa rõ ràng thì cụm từ dịch ra tiếng Anh (như trên) là hoàn toàn vô nghĩa! Nói cách khác: khi người Anh nói ‘negative’, thì người Việt hiểu là ‘tiêu cực’; nhưng khi người Việt nói ‘tiêu cực’, thì người Anh không thể hiểu là ‘negative’.
- Từ đó ta không thể nào hiểu đúng nghĩa một từ tiếng Anh nếu không đặt vào trong bối cảnh của nó. Ví dụ, nếu không để ý rằng câu chuyện xảy ra ở Anh hay ở Mỹ, thì khi nghe từ corn ta có thể hiểu sai: Ở Anh là lúa mì, và ở Mỹ là bắp!
Nếu thấy một người mở nắp bình xăng lên mà nói ‘Oh my! No more gas’ thì ta hiểu ngay rằng ‘gas’ chính là ‘xăng’, mặc dù trước đó mình có thể học: petrol hay gasoline mới là xăng, còn gas có nghĩa là khí đốt!
Mà nhiều khi bối cảnh rõ đến nỗi, người ta dùng một từ sai mình cũng hiểu đúng. Bạn cứ thử đến cây xăng, mở bình và nói: đổ cho tôi 30.000 dầu!’ Tôi cam đoan là người ta không thắc mắc gì cả và sẽ đổ XĂNG chứ không đổ DẦU vào xe bạn; cao lắm là trong 100 lần, thì một lần người ta nhắc lại: đổ xăng phải không? Bạn nói là Dầu người ta vẫn hiểu là Xăng. Và trong tiếng Anh cũng thế! Bạn sẽ hiểu một từ trong toàn bộ bối cảnh của nó.
3. Nghe với tất cả giai điệu của câu.
Trong phần đầu tôi nói rằng khi ‘nghe’ một câu, chủ yếu là làm sao nắm bắt được thông tin của chuỗi âm thanh ấy. Nói cách khác, ngôn ngữ có nhiệm vụ là truyền tin. Nhưng ngoài nhiệm vụ truyền tin thì còn một nhiệm vụ thứ hai, vô cùng quan trọng, ấy là nhiệm vụ truyền cảm (truyền một cảm giác). Một câu nói giao tiếp hằng ngày, luôn chuyển tải một phần của thất tình (thất tình lục dục là bảy tình cảm con người, chứ không phải là bị tình phụ đâu: hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục). Vì thế, cao độ, tốc độ, cường độ của câu nói, trường độ (độ dài) và dấu nhấn của một từ, có thể là điều mình cần phải ‘nghe’ cùng một lúc với các âm thanh được phát ra, thậm chí nghe âm điệu là chính. Nếu không thì ta hiểu sai, hoặc không hiểu gì cả. Đừng tưởng rằng khi ta nghe được từ ‘hate’ là ta hiểu ngay là ghét’!
Vì dụ nghe một cô gái nói với một cậu trai: I hate you! Câu này không phải lúc nào cũng là ‘Em ghét anh'! Nói với một ngữ điệu nào đó thì có thể hiểu là: Tôi căm thù anh; hay Thôi, để tôi yên; hay Anh làm tôi bực mình; hoặc trái lại: Anh làm em cảm động quá; thậm chí: Em yêu anh quá chừng chừng!
Và cách nhấn câu cũng thế. Ví dụ trong câu sau đây:
I didn’t say Paul stole my watch!
Nếu người nói nhấn mạnh các từ theo 7 cách khác nhau, mỗi cách nhấn một từ ( I - didn’t - say - Paul - stole - my - watch) thì nghĩa sẽ khác nhau hoàn toàn:
I didn’t say Paul stole my watch! (Somebody else said that!)
I didn’t say Paul stole my watch! (No! I didn't act like that)
I didn’t say Paul stole my watch! (I disclosed by another way, but I didn't SAY) v.v
Khi học tiếng Việt, chúng ta nghe toàn bộ giai điệu, nên nghe (và nói) đúng cao độ của một từ (đúng các dấu); thế nhưng khi một người nước ngoài học tiếng Việt, chúng ta phải khổ công giải thích cho họ lên giọng, xuống giọng, uốn giọng như thế nào để nói các dấu sắc, huyền, nặng, hỏi - ngã (do học nghe bằng tai nên người Nam và người Trung đồng hóa dấu ? và ~, trong khi người Bắc phân biệt chúng rõ ràng). Vì thế, ngược lại, khi nghe tiếng Anh, cần phải nghe toàn bộ âm điệu để nắm bắt những tình cảm bên dưới câu nói.
Nghe với cả giai điệu, mình sẽ hiểu (và sau này sẽ dùng) những câu hay thành ngữ một cách chính xác như người bản ngữ, mà không cần phải dịch ra. Ví dụ, các câu ngắn như: Oh my God! Look at this! Hoặc No way! Hoặc You're joking/kidding! Với giọng điệu khác nhau, những câu nói hằng ngày đó có thể được hiểu là một tiếng khen hay chê, thán phục hay thất vọng, bằng lòng hay bất bình, chấp thuận hay từ chối!
Và từ đó, mình sẽ biết đối xử khi dùng tiếng Anh cho đúng nghĩa, chứ không chỉ đúng văn phạm. Ví dụ, khi tiếp một nhân vật quan trọng đến công ty bạn, bạn chuẩn bị nói một câu mời rất trân trọng và đúng nghi thức (formal): Would you please take a seat? Thế nhưng bạn căng thẳng đến độ nói theo một âm điệu nào đó khiến người kia bực mình với bạn (mà bạn không hề biết), vì ngỡ rằng bạn diễu cợt người ta! Thế là hỏng cả một cuộc đàm phán. Thà rằng bạn nói đơn sơ: Sit down! Với một giọng hòa nhã, thái độ tôn trọng, cử chỉ lịch thiệp và nụ cười nồng hậu, thì không ai lầm bạn! Trái lại, nói câu rất formal trên kia, với thái độ căng thẳng và giọng nói cộc lốc (vì sợ nói sai!), thì tai hại hơn nhiều.
4. Nghe với những gì một từ bao hàm.
Ngôn ngữ dùng để truyền tin, nhưng đồng thời cũng truyền cảm. Vì thế, mỗi danh từ vừa chỉ định một cái gì cụ thể (denotation), vừa kèm theo một tình cảm (connotation). Các từ this gentleman, this man, this guy, this rascal đều có một denotation như nhau là một người nam nào đó, nhưng connotation thì hoàn toàn khác; cũng như đối với một người nữ nào đó ta có thể dùng: a lady, a woman, a girl, a whore. Cùng một từ như communism chẳng hạn. Đối với một đảng viên đảng Cộng Sản hay một cảm tình viên, thì từ ấy gợi lên bao nhiêu điều dịu dàng cao đẹp, còn đối với người chống cộng, thì từ ấy gợi lên bao nhiêu điều xấu xa, độc ác! Trong khi denotation của nó chỉ là một triết thuyết như trăm ngàn thuyết thuyết khác, mà dù thích dù không, người ta cũng phải dùng để chỉ định triết thuyết do Karl Marx đề ra! Từ đó, câu nói 'You're a communist!' có thể là một lời khen nồng ấm hoặc là một lời chỉ trích thậm tệ, tùy theo connotation của nó.
Khi học tiếng Anh, muốn nâng cao vốn từ vựng thì ta cố học nhiều từ đồng nghĩa (synonyms). Thế nhưng, không bao giờ có synonyms đích thực cả: chỉ tương đương trong denotation chứ connotation hoàn toàn khác (và cũng vì thế mà không bao giờ có hai từ hoàn toàn có nghĩa giống nhau ở hai ngôn ngữ khác nhau: father/mother không hoàn toàn là cha/mẹ - và daddy/mummy không hoàn toàn là ba/má; vì tình cảm đính kèm với các từ ấy khác hẳn giữa người Việt và người Anh). "Nghe" tiếng Anh, chính là biết nghe những connotations trong các thuật ngữ mình nghe.
Cho đến nay, tôi chỉ đề nghị các bạn nghe tin tức. Nhưng đó là giai đoạn nghe để quen với các âm. Trong giai đoạn ‘nghe’ tiếng Anh này, phải bớt giờ nghe tin tức mà xem phóng sự hoặc các phim truyện. Trên thế giới, các speakers của các chương trình tin tức buộc phải nói với thái độ neutral, nghĩa là không được dùng từ kèm theo tình cảm, và không được xử lý âm điệu để bộc lộ tình cảm của mình, vì thế họ nói rất dễ nghe, nhưng chỉ nghe tin tức thôi thì ta bỏ sót một phần khá chủ yếu trong tiếng Anh.
5. Nghe bằng trái tim để cảm điều họ cảm.
Và cuối cùng, đối với các bạn muốn đi thật sâu vào tiếng Anh, thì có thể phối hợp tất cả các kỹ năng để hiểu những điều tiềm tàng bên dưới ngôn ngữ giao tiếp; và điều này hướng đến cách nghe văn học. Mọi ngôn ngữ đều gợi lên một cái gì đó vượt lên trên từ ngữ. Vì thế, thi ca là một ngôn ngữ đặc biệt. Người Việt nào, dù thích hay không thích, vẫn cảm được ngôn ngữ của thi ca. Do đó, muốn nâng cao kỹ năng ‘nghe’ tiếng Anh của mình thì cần tập nghe những bài thơ. Cho đến nay, khó tìm những bài thơ audio, nhưng không phải là không có. Tập nghe đọc thơ, dần dần, chúng ta sẽ cảm được cái tinh túy của tiếng Anh, từ đó ta cảm được vì sao cùng một tư tưởng mà diễn đạt cách này thì 'hay' hơn cách kia. Bấy giờ ta mới có quyền nói: tôi đã ‘nghe’ được tiếng Anh.
Ví dụ, khi muốn người ta cảm nhận tiếng gió mùa thu, thì Xuân Diệu đã sử dụng âm ‘r’ trong bài “Đây Mùa Thu Tới”:
Những luồng run rẩy rung rinh lá
Tương tự như vậy Robert L. Stevenson viết trong The Wind
I saw you toss the kites on high
And blow the birds about the sky;
And all around I heard you pass,
Like ladies’ skirts across the grass…
Tác giả đã làm cho ta cảm được làn gió hiu hiu với các âm ‘r’ và ‘s’ nối tiếp và quyện vào nhau trong câu cuối, kèm với hình ảnh độc đáo của váy các mệnh phụ lướt qua trên cỏ (điều mà người Việt Nam hoàn toàn không có kinh nghiệm, vì mọi nét yêu kiều đều gắn liền với tà áo dài).
Kết luận:
Tôi đã bắt đầu gợi ý nghe tiếng Anh để rồi đi đến vấn đề ‘nghe’ tiếng Anh. Tuy nhiên, tôi lặp lại, những gì tôi nói chỉ là lý thuyết, và không có lý thuyết nào có thể làm cho bạn nghe được tiếng Anh. Cách duy nhất ấy là bạn phải tự mình nghe và rút ra những phương pháp thích hợp với xu hướng, kinh nghiệm và sở thích của mình.
Qua loạt bài này, tôi luôn đả phá cách nghe dựa trên viết và dịch. Thế nhưng, những điều tôi cho là trở ngại, nhiều khi lại có ích cho bạn, vì những thứ ấy không cản trở mà còn giúp bạn những cột mốc để bám vào. vâng! Nếu các bạn thấy việc đọc script, hoặc học từ vựng, hoặc viết thành câu và tra từ điển - như vẫn làm từ trước đến nay - giúp cho bạn nghe và hiểu nhanh hơn thì cứ sử dụng phương pháp của mình. Tôi chỉ nhắc lại một điều này:
Tất cả những trợ giúp đó cũng giống như chiếc phao cho người tập bơi. Khi tập bơi, nhiều người cần có một cái phao để bám vào cho dễ nổi, từ đó bạo dạn xuống nước mà tập bơi. Và không ít người bơi giỏi đã khởi sự như thế. Bạn cũng vậy, có thể những cách nghe từ trước đến giờ (nhìn script - học từ - kiểm tra văn phạm) giúp bạn những cột chắc chắn để bám vào mà nghe. Vậy thì xin nhớ rằng: Chiếc phao giúp cho bạn nổi, nhưng không giúp cho bạn biết bơi. Đến một giai đoạn nào đó, chính chiếc phao lại cản trở bạn và không cho bạn bơi thoải mái.
Hãy vứt cái phao sớm chừng nào hay chừng nấy, nếu không nó trở thành một trở ngại cho bạn khi bạn muốn bơi nhanh và xa.
Hãy vứt những chữ viết khi nghe nói, nhanh chừng nào hay chừng nấy, nếu không chúng sẽ cản trở bạn và bạn không bao giờ thực sự 'nghe' được tiếng Anh!
**TP.PA sưu tầm

Friday, November 21, 2014

Mẹ, người thầy đầu tiên!

Thánh nhân dạy rằng: Ân đức của người thầy dạy đạo bằng ngàn lần người thầy dạy chữ, của người cha bằng ngàn lần thầy dạy đạo, của người mẹ bằng ngàn lần người cha. Người mẹ là người thầy đầu tiên của con, đã dạy cho con biết nói tiếng nói đầu tiên, đã dạy cho con biết viết chữ đơn giản đầu tiên.

Hôm nay con đã có thể đi thăm người thầy dạy chữ, đã đi thăm người thầy dạy đạo, nhưng con đã không thể về thăm người thầy đầu tiên của mình rồi:

"Xưa nay mẹ khổ nhiều rồi,

Chỉ mong mẹ khỏe, sống đời cháu con!"

Ngày tri ân Nhà giáo VN, 20/11/2014.

**TP

Saturday, November 8, 2014

Sức mạnh

Đức Phật và nàng Cinca
I) Sức Mạnh. (1)
1) - Này các Tỷ-kheo, có tám sức mạnh này. Thế nào là tám?
2) - Này các Tỷ-kheo, sức mạnh của con nít là khóc; sức mạnh của đàn bà là phẫn nộ; sức mạnh của người ăn trộm là vũ khí; sức mạnh của các vua chúa là uy quyền; sức mạnh của kẻ ngu là áp đảo; sức mạnh của bậc Hiền trí là cảm hóa; sức mạnh của vị Đa văn (nghe nhiều) là thẩm sát; sức mạnh của Sa-môn, Bà-la-môn là nhẫn nhục.
Này các Tỷ-kheo, đây là tám sức mạnh.

II) Sức Mạnh. (2)
1) Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Sàriputta đang ngồi xuống một bên:
- Này Sàriputta, có bao nhiêu sức mạnh của Tỷ-kheo đã đoạn trừ các lậu hoặc? Thành tựu với những sức mạnh gì, Tỷ-kheo đã đoạn trừ các lậu hoặc, tự nhận mình đã đoạn diệt các lậu hoặc: "Các lậu hoặc đã được ta đoạn tận"?
2) - Bạch Thế Tôn, có tám sức mạnh của Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc. Thành tựu với những sức mạnh gì, Tỷ-kheo đã đoạn trừ các lậu hoặc, tự nhận mình đã đoạn diệt các lậu hoặc: "Các lậu hoặc đã được ta đoạn tận". Thế nào là tám?
3) Ở đây, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc khéo thấy như thật với chánh trí tuệ rằng tất cả các hành là vô thường. Vì rằng, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, khéo thấy như thật với chánh trí tuệ rằng tất cả các hành là vô thường. Bạch Thế Tôn, đây là sức mạnh của Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc. Do sức mạnh này, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tự nhận mình đã đoạn diệt các lậu hoặc: "Các lậu hoặc đã được ta đoạn tận".
4) Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc khéo thấy như thật với chánh trí tuệ rằng các dục ví như hố than hừng. Vì rằng, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc khéo thấy như thật với chánh trí tuệ rằng các dục ví như hố than hừng. Bạch Thế Tôn, đây là sức mạnh của Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc. Do sức mạnh này, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tự nhận mình đã đoạn diệt các lậu hoặc: "Các lậu hoặc đã được ta đoạn tận".
5) Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, với tâm thuận xuôi về viễn ly, hướng về viễn ly, thiên về viễn ly, trú ở viễn ly, hoan hỷ về xuất ly, đoạn tận hoàn toàn tất cả pháp có thể làm trú xứ cho lậu hoặc. Bạch Thế Tôn, đây là sức mạnh của Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc. Do sức mạnh này, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tự nhận mình đã đoạn diệt các lậu hoặc: "Các lậu hoặc đã được ta đoạn tận".
6) Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, Bốn niệm xứ được tu tập, được khéo tu tập. Bạch Thế Tôn, vì rằng Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, Bốn niệm xứ được tu tập, được khéo tu tập. Bạch Thế Tôn, đây là sức mạnh của Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc. Do sức mạnh này, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tự nhận mình đã đoạn diệt các lậu hoặc: "Các lậu hoặc đã được ta đoạn tận".
7) Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, Bốn như ý túc được tu tập, được khéo tu tập... Năm căn được tu tập, được khéo tu tập... Năm lực được tu tập, được khéo tu tập (phần này trong tạng Pali không ghi!)... Bảy giác chi được tu tập, được khéo tu tập... Thánh đạo tám ngành được tu tập, được khéo tu tập... Ðây là sức mạnh của vị Tỷ-kheo ... "Các lậu hoặc đã được ta đoạn tận".
Bạch Thế Tôn, đây là tám sức mạnh của Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, thành tựu với tám sức mạnh này, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc. Do sức mạnh này, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tự nhận mình đã đoạn diệt các lậu hoặc: "Các lậu hoặc đã được ta đoạn tận".
(Bộ Kinh Tăng Chi, Chương Tám Pháp, Phẩm Gia Chủ - HT. Minh Châu dịch Việt)

PTS A,VI, 223

Bala suttaṃ
(Sāvatthinidānaṃ)
Aṭṭhimāni bhikkhave, balāni, katamāni aṭṭha: ruṇṇabalā bhikkhave, dārakā, kodhabalo mātugāmo, āvudhabalā corā, issariyabalā rājāno, ujjhattibalā bālā, nijjhattibalā (Nijjhantibalā, sīmu) paṇḍitā, paṭisaṅkhānabalā bahussutā, khantibalā samaṇabrāhmaṇā, imāni kho bhikkhave, aṭṭhabalānīti.

Khīṇāsavabala suttaṃ
(Sāvatthinidānaṃ)
Atha kho āyasmā sāriputto yena bhagavā tenupasaṅkami upasaṅkamitvā bhagavantaṃ abhivādetvā ekamantaṃ nisīdi. Ekamantaṃ nisinnaṃ kho āyasmantaṃ sāriputtaṃ bhagavā etadavoca:
Kati nukho sāriputta, khīṇāsavassa bhikkhuno balāni, yehi balehi samannāgato khīṇāsavo bhikkhu āsavānaṃ khayaṃ paṭijānāti khīṇā me āsavāti?
Aṭṭha bhante, khīṇāsavassa bhikkhuno balāni yehi balehi samantāgato khīṇāsavo āsavānaṃ khayaṃ paṭijānāti khīṇā me āsavāti. Katamāni aṭṭha:
1. Idha bhante, khīṇāsavassa bhikkhuno aniccato sabbe saṅkhārā yathābhūtaṃ sammappaññāya sudiṭṭhā honti. Yampi bhante khīṇāsavassa bhikkhuno aniccato sabbe saṅkhārā yathābhūtaṃ sammappaññāya sudiṭṭhā honti, idampi bhante, khīṇāsavassa bhikkhuno balaṃ hoti, yaṃ balaṃ āgamma khīṇāsavo bhikkhu āsavānaṃ khayaṃ paṭijānāti khīṇā me āsavāti.
2. Puna ca paraṃ bhante, khīṇāsavassa bhikkhuno aṅgārakāsūpamā kāmā yathābhūtaṃ sammappaññāya sudiṭṭhā honti, yampi bhante, khīṇāsavassa bhikkhuno aṅgārakāsūpamā kāmā yathābhūtaṃ sammappaññāya sudiṭṭhā honti, idampi bhante, khīṇāsavassa bhikkhuno balaṃ hoti, yaṃ balaṃ āgamma khīṇāsavo bhikkhu āsavānaṃ khayaṃ paṭijānāti khīṇā me āsavāti.
3. Puna ca paraṃ bhante, khīṇāsavassa bhikkhuno vivekaninnaṃ cittaṃ hoti. Vivekapoṇaṃ vivekapabbhāraṃ vavakaṭṭhaṃ (Vivekaṭṭhaṃ, machasaṃ) nekkhammābhirataṃ vyantībhūtaṃ sabbaso āsavaṭṭhānīyehi dhammehi, yampi bhante, khīṇāsavassa bhikkhuno vivekanintaṃ cittaṃ hoti vivekapoṇaṃ vivekapabbhāraṃ vavakaṭṭhaṃ nekkhammābhirataṃ vyantībhūtaṃ sabbaso āsavaṭṭhānīyehi dhammehi, idampi bhante, khīṇāsavassa bhikkhuno balaṃ hoti, yaṃ balaṃ āgamma khīṇāsavo bhikkhu āsavānaṃ khayaṃ paṭijānāti khīṇā me āsavāti.
4. Puna ca paraṃ bhante, khīṇāsavassa bhikkhuno cattāro satipaṭṭhānā bhāvitā honti subhāvitā. Yampi bhante, khīṇāsavassa bhikkhuno cattāro satipaṭṭhānā bhāvitā honti subhāvitā. Idampi bhante, khīṇāsavassa bhikkhuno balaṃ hoti yaṃ balaṃ āgamma khīṇāsavo bhikkhu āsavānaṃ khayaṃ paṭijānāti, khīṇā me āsavāti.
5. Puna ca paraṃ bhante, khīṇāsavassa bhikkhuno cattāro iddhipādā bhāvitā honti subhāvitā. Yampi bhante khīṇāsavassa bhikkhuno cattāro iddhipādā bhāvitā honti subhāvitā, idampi bhante, khīṇāsavassa bhikkhuno balaṃ hoti yaṃ balaṃ āgamma khīṇāsavo bhikkhu āsavānaṃ khayaṃ paṭijānāti, khīṇā me āsavāti.
6. Puna ca paraṃ bhante, khīṇāsavassa bhikkhuno pañcindriyāni bhāvitāni honti subhāvitāni. Yampi bhante khīṇāsavassa bhikkhuno pañcindriyāni bhāvitāni honti subhāvitāni, idampi bhante, khīṇāsavassa bhikkhuno balaṃ hoti yaṃ balaṃ āgamma khīṇāsavo bhikkhu āsavānaṃ khayaṃ paṭijānāti, khīṇā me āsavāti.
7. Puna ca paraṃ bhante, khīṇāsavassa bhikkhuno sattabojjhaṅgā bhāvitā honti subhāvitā. Yampi bhante khīṇāsavassa bhikkhuno sattabojjhaṅgā bhāvitā honti subhāvitā, idampi bhante, khīṇāsavassa bhikkhuno balaṃ hoti yaṃ balaṃ āgamma khīṇāsavo bhikkhu āsavānaṃ khayaṃ paṭijānāti, khīṇā me āsavāti.
8. Puna ca paraṃ bhante, khīṇāsavassa bhikkhuno ariyo aṭṭhaṅgiko maggo bhāvito hoti subhāvito. Yampi bhante khīṇāsavassa bhikkhuno ariyo aṭṭhaṅgiko maggo bhāvito hoti subhāvito, idampi bhante, khīṇāsavassa bhikkhuno balaṃ hoti yaṃ balaṃ āgamma khīṇāsavo bhikkhu āsavānaṃ khayaṃ paṭijānāti, khīṇā me āsavāti.
Imāni kho bhante, aṭṭha khīṇāsavassa bhikkhuno balāni, yehi balehi samannāgato khīṇāsavo bhikkhu āsavānaṃ khayaṃ paṭijānāti khīṇā me āsavāti.

Powers
First on powers
Bhikkhus, these eight are powers. What eight?
Bhikkhus, children have the power of crying, women the power of hatred, robbers the power of weapons, kings the power of supremacy, foolish the power of discontent, wise the power of understanding, learned the power of judgemental consideration, recluses and Brahmins the power of patience. Bhikkhus, these eight are the powers.

Second on powers
Venerable Sàriputta approached The Blessed One, worshipped and sat on a side. The Blessed One said to him:
Sàriputta, with how many powers is the bhikkhu who has destroyed desires endowed with, by which he acknowledges the destruction of desires.-'as my desires are destroyed?'
Venerable sir, the bhikkhu who has destroyed desires is endowed with eight powers, by which he acknowledges the destruction of desires.-'as my desires are destroyed.' What eight?
Here, venerable sir, the bhikkhu who has destroyed desires has thoroughly seen with right wisdom the impermanence of all determinations, as it really is. Venerable sir, this is a power of the bhikkhu who has destroyed desires by which he acknowledges the destruction of desires.-'as my desires are destroyed.'
Again, venerable sir, the bhikkhu who has destroyed desires has thoroughly seen with right wisdom that sensuality is comparable to a pit of burning coal, as it really is. Venerable sir, this is a power of the bhikkhu who has destroyed desires, by which he acknowledges the destruction of desires.-'as my desires are destroyed.'
Again, venerable sir, the mind of the bhikkhu who has destroyed desires is bent, inclined and turned to seclusion, it is attached to giving up, destroying all settlements of desires. Venerable sir, this bent, incline and turning of the mind to seclusion attached to giving up and destroying of desires is a power of the bhikkhu, who has destroyed desires, by which he acknowledges the destruction of desires.-'as my desires are destroyed.'
Again, venerable sir, to the bhikkhu who has destroyed desires the four establishments of mindfulness are well-developed. Venerable sir, this development of the four foundations of mindfulness is a power of the bhikkhu who has destroyed desires, by which he acknowledges the destruction of desires.-'as my desires are destroyed.'
Again, venerable sir, to the bhikkhu who has destroyed desires the four psychic attainments, ... re ... the five mental faculties, ... re.. the seven enlightenment factors, ... re.. the noble eightfold path, ... re ... is well-developed. Venerable sir, this development of the noble eightfold path is a power of the bhikkhu who has destroyed desires, by which he acknowledges the destruction of desires.-'as my desires are destroyed. Venerable sir, the bhikkhu who has destroyed desires is endowed with these eight powers, by which he acknowledges the destruction of desires.-'as my desires are destroyed.'

**TP.PA st

Sunday, November 2, 2014

Câu chuyện về “Những cái Chết”


Ông bà nội ngoại của tôi đều mất sớm trước khi tôi hiện diện trên cõi đời này. Thời thơ ấu của tôi không có ký ức đặc biệt về những cái chết của những người thân nhất trong dòng họ. Bản tính ưa thầm lặng ở nơi ngôi nhà cách biệt với xóm làng nhộn nhịp của ba mẹ và thời gian phần lớn dành cho việc học nên tôi cũng không ưa đến những đám tang ồn ào nhộn nhịp với tiếng khóc than và tiếng nhã nhạc cò cưa. Thi thoảng tôi chỉ đi theo cảnh đưa đám tang người chết ra nghĩa địa của thôn làng, nhưng trong tâm cũng chỉ xoay quanh cái “bốn dài hai ngắn” kín đáo và mơ hồ hình dung trong đó chứa những gì! Năm lớp 7 là lần đầu tiên tôi tiếp cận cảnh bạo bệnh và cái chết của đứa bạn thân trong lớp. Nó bị bệnh ung thư máu, căn bệnh hành hạ nó trong thời gian mấy tháng, cơ thể nó không lở loét gì đáng ghê tởm nhưng chỉ xanh xao teo dần nổi cộm cặp mắt to tròn trông như hình dáng phác thảo của người ngoài hành tinh thời nay. Lần thứ hai in đậm cảnh tẩm liệm thi hài ông bác họ bị tai nạn xe bò kéo, ông bị đánh bể lá gang, hình ảnh thi hài cứng đơ khi đưa vào miệng áo quan tồn tại trong tâm mấy đêm liền nhất là lúc mới nằm xuống ngủ. Lần thứ ba là cảnh tái liệm của đứa em con ông chú ở cạnh nhà bị chết đuối được đưa từ Vinh về Huế, cứ tưởng tượng cảnh mọi người tránh xa như tránh ma quỉ khi người ta bật chốt cái áo quan củ nhỏ hơn để lọt tõm vào cái áo quan mới to hơn cũng làm bao đêm chập chờn. Đó là ba ký ức mạnh mẽ nhất trước cái chết của một con người mà tôi không hiểu chuyện gì sau cái chết và vẫn lạnh sống lưng mỗi khi nghĩ về nó trong thời niên thiếu của mình. Những lúc khác lại có ký ức lạ lùng hơn là khi đi chơi về khuya phải vượt qua nghĩa địa vì nhà ở gần nghĩa địa của làng, hay lúc chứng kiến những hiện tượng tâm linh khó hiểu khi người ta đào một con mương thủy lợi ở phía sau lưng nhà và gặp những hố chôn tập thể thời chiến tranh ở một tảng cát trắng (người địa phương gọi là tạng MV!), trước đây người ta đã xóa đi dấu vết mồ mả nơi đó và người già trong làng chỉ kể chuyện bóng gió mà không dám công khai?

Phần lớn thời gian từ lúc trưởng thành đến nay là cảnh xa quê lên phố học trung học và đại học, rồi xây dựng nơi an cư mới nên tôi không còn chứng kiến và tiếp cận nhiều về những cái chết nữa. Nhưng đây là thời gian tôi tìm hiểu về sự chết nhiều nhất thông qua lý thuyết đó là sách báo và những bài học tâm linh tôn giáo. Có thể nói những lời dạy của Đức Phật, nhất là sau khi tham dự những khóa thiền của đạo Phật đã làm tâm tôi thay đổi đột ngột về cách nhìn vào cái chết, tôi có thể tự tin chứng kiến và sờ vào thân thể của những người sắp chết với thái độ hoàn toàn tích cực và không sợ hãi, và còn cầu mong cho họ bớt khổ tâm trong cơn hấp hối cũng như mong một kiếp sống kế tục được tốt lành hơn cho họ nếu họ chấm dứt kiếp sống hiện tại ở đó. Nhưng đến lúc sau này thì thái độ tâm của tôi về sự chết lại thay đổi khi nghĩ về cận tử nghiệp, tức là người ta kinh nghiệm hay cảm thọ về lúc sắp chết như thế nào! Khi ở bệnh viện, đối với những người mắc bạo bệnh, mạng sống chỉ tính theo tháng, theo ngày hay theo giờ phút, có người thì cầu mong cái chết đến sớm hơn vì họ không chịu đựng nổi cơn đau quằn quại, có người thì cầu mong các bác sĩ hãy cứu mạng mặc dù họ bị cơn bệnh ung thư hành hạ mà tâm tư vẫn còn bận bịu chuyện tình cảm rối rắm mù khơi và dính chặt vào sự sống lay lắc. Vì lẽ đó mà tôi có lúc liều mạng thử cảm giác đau đớn tới mức nào hay niệm sự chết một số lúc bị ốm đau, nhất là từ khi chứng kiến cái chết của một ông cậu bên vợ. Ông cậu bị tai nạn xe gắn máy và người ta đã khoét một lỗ ở cổ họng, đút ống trợ thở nhân tạo vào và người thân thì thay phiên nhau ép sự hô hấp cho ông mà không theo quy luật khi ta hít thở tự nhiên lúc khỏe mạnh, cứ mỗi lần như thế thì ông nhăn nhó ú ớ chắc phải chịu cơn đau dữ dội lắm, thiết nghĩ lúc đó tâm của ông làm sao mà tỉnh táo để nghe tiếng niệm Phật hay tiếng hộ niệm của người thân.

Tôi là một người bình thường nhưng được cái là có chút chánh kiến do đạo Phật mang lại và tự hào hơn người ta điều này dù họ có nhiều hơn chức phận và tiền tài, bảo đảm không thể đánh đổi được! Người đoạn kiến thì coi cái chết của mình sẽ chấm hết nên cố níu kéo mạng sống dù có chịu cơn đau đớn vô cùng lúc cận tử nghiệp tới, người thường kiến cũng không muốn chết dù họ được dạy bảo là sau khi chết họ sẽ được lên thiên đường. Hai loại người này đều rơi vào tà kiến đối ngược với chánh kiến của một người Phật tử thuần thành, biết rằng sinh tử sự đại là lẽ đương nhiên và biết chấp nhận thay đổi thân tâm ngũ uẩn khi thân thể đã già yếu và bệnh tật rả rời. Tôi sẽ cố gắng thản nhiên trước cái chết của mình, cố gắng tâm đồng nhất với cơn đau gọi là “phương pháp niệm thọ” trong Tứ Niệm Xứ của Chư Phật như đã từng kinh nghiệm có lúc khổ thọ biến mất hoàn toàn mà sự "tùy niệm" thì không thể lấn át nỗi cơn đau dồn dập, cố gắng ngăn người thân không được than khóc vương vấn, khuyến khích họ bình thản và làm mười thiện phước để chia phước trong lúc sự sống chết đang giằng co gọi là sự hộ niệm đúng nghĩa, cũng sẽ chọn phương pháp hỏa táng rải tro cốt ở bờ biển quê nhà để hòa quyện với tro cốt của bao nhiêu kiếp sống trước đó đã theo đất theo nước về với biển cả trong xanh; để thay thế bằng một thân tâm ngũ uẩn hoàn toàn mới, để tiếp tục thực hành “con đường đến bờ kia” cho đến khi đoạn tận mọi phiền não khổ đau; cái chết cuối cùng đó chỉ là một sự hóa sanh rồi thể nhập vào cảnh “an lạc tuyệt đối” không bao giờ nếm mùi sanh tử đớn đau nữa.

Qua đây tôi cũng xin trích lại câu chuyện tường thuật về cái chết của một “người bạn ảo” (người bạn qua mạng internet), là một vị bác sĩ nội khoa tốt bụng cũng là một hành giả tu tập tâm linh. Thực tế cuộc đời cho thấy rằng con người ta đã cam chịu đựng khổ đau nhằm lưu luyến vào những giá trị tình cảm và vật chất hảo huyền không thuộc về mình mãi mãi và chịu cảnh phí tổn bệnh viện để được nằm nếm mùi tử khí ở phòng hồi sức cấp cứu một cách vô lý chỉ để duy trì sự sống trong vô vọng! Lời khuyên là đừng lãng phí cơ hội tu tập tâm linh của mình, tạo tâm lý chuẩn bị cái chết cho bản thân trước khi cận tử nghiệp tìm tới bất cứ lúc nào mà ta không có quyền năng kiểm soát được; nếu không chuẩn bị tâm lý đó thì tâm tư chúng ta sẽ hoản loạn để nhận lãnh một khổ cảnh trong tương lai, sẽ chặn lối lên thiên đàng và mở đường xuống địa ngục.

“NHẬT KÝ NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA BÁC SĨ PHẠM DOÃN LUYỆN”

“Rồi ngày mai ấy em đi dạo
Sẽ thấy hồn ta trên cỏ xanh…”

Đã bao lâu rồi, có lẽ khoảng 6-7 năm nay anh tôi không còn làm thơ hay viết tùy bút nữa, từ năm 2008 anh đã close hết tất cả những bài viết có tính chất tình cảm, thay vào đó là những nghiên cứu chuyên đề về Phật giáo, tư tưởng, thần học và các topic khoa học. Bất chợt một ngày mùa hạ, tháng 05/2014, tôi nhận được lời comment của anh trên trang FB của tôi là 2 câu thơ trên, có lẽ chỉ đơn giản là vì bức ảnh tôi chụp bãi cỏ xanh lác đác những xác lá nâu khô đã gợi cho anh một sự liên tưởng… Tôi không biết anh đã làm 2 câu thơ ấy từ khi nào, nhưng tôi thật sự ngạc nhiên, vì đã lâu lắm rồi tôi không thấy anh làm thơ nữa, và hầu như anh tôi không bao giờ comment những chủ đề có chất romantic. Và trong 1 các entry từ giã bạn bè FB, anh đã post 2 câu thơ này, rất dung dị mà đầm đẫm nỗi buồn…

Cách đây đúng 2 tuần, tôi đến thăm anh, sửng sốt trước đôi mắt và nước da màu nghệ, bụng anh to một cách khác thường. Khi ấy anh vẫn tiếp tục khám bệnh ở phòng mạch tại nhà. Liên tiếp những ngày sau, đều đặn tôi qua thăm anh, anh vẫn nói một cách hăng say về các vấn đề tôn giáo và mặt trái của  những tiến bộ y học hiện nay. Anh bảo với chúng tôi rằng “Hiện nay trên thế giới đã xuất hiện 1 vị đại sư với năng lực phi thường, đó chính là Ngài Google”. Anh nói và cười hề hề một cách tếu táo như anh vẫn thường như vậy. Sau đó, khi có mặt đầy đủ, chúng tôi trao đổi với anh một cách nghiêm túc và cụ thể về ý nguyện của anh nếu chẳng may anh không qua khỏi lần này, đấy là tang lễ sẽ không mời Sư đọc kinh, không hộ niệm, chỉ cần cho anh nghe các em  hát, nghe nhạc vào đêm cuối cùng giống như đám tang của bố tôi là đủ, và hài cốt của anh sau khi hỏa thiêu sẽ được rải vào lòng đại dương…Còn nếu như anh may mắn bình phục thì sẽ đưa anh lên một nơi thật cao, có không khí trong lành để anh dưỡng sức và thực hiện những công việc còn dang dở.  Ngay lúc ấy tôi đã linh cảm rất xấu. Cầm trên tay lá số Tử vi của anh, của con gái Thiên Lương và của chính mình, tôi đoán đến 90% là anh sẽ ra đi trong tháng 9 âm lịch này và ngày 30/10 DL sẽ là ngày xấu nhất! Có thể nói tôi đã bàng hoàng đến run rẩy khi tất cả các hướng luận đoán kết hợp đều cho ra lời giải tệ hại nhất! Tôi đã thông báo cho gia đình mình về cái ngày 30/10 tức 7/9 AL rất đáng sợ này. Và ngay cả giờ xấu nhất trong ngày tôi cũng đã đoán trước. Như vậy chắc rằng đó là “lập trình” của phần mềm cuộc đời, không thể sửa được, như anh đã thường xuyên nói với tôi như vậy nhiều năm về trước! Xưa kia, anh tôi cũng đã từng nghiên cứu sâu sắc bộ môn Kinh Dịch và Tử vi, cũng từ đấy mà tôi đã ảnh hưởng bởi anh trai mình. Tôi nhận ra mình đã đi dưới cái bóng của anh suốt thời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành. Hơn 2/3 tư tưởng, sở thích của tôi là rập khuôn theo anh, 1/3 còn lại tôi không theo anh được vì không có đủ năng lực và trí tuệ như anh.

Tôi đến thăm anh lần đầu tiên khi nghe báo anh bệnh nặng là ngày thứ sáu 17/10. Sáng Chủ nhật có khá nhiều bạn hữu đến thăm, anh vẫn ngồi tiếp chuyện và nói hăng say. Tối đó anh mệt nhiều, hàm và các ngón tay có dấu hiệu co cứng. Sáng thứ ba chúng tôi đến khá đông đủ Chí, Hà, Hồng, Luân, và cũng trong buổi sáng hôm ấy chúng tôi hỏi ước nguyện của anh nếu như anh qua đời. Buổi trưa con rể Khoa chở anh đi làm xét nghiệm máu và siêu âm, nhìn dáng anh đi liêu xiêu, bước lên xe một cách khó khăn, tôi chạnh lòng… Trưa hôm đó anh mệt lả và không còn nói chuyện được nữa, anh cho các con treo bảng tạm nghỉ Phòng mạch. Ngày thứ tư 22/10 có kết quả thử máu, số virus gan B quá cao, tuy nhiên anh lại ăn uống có vẻ tốt hơn mấy hôm trước. Hôm ấy thùng sữa đặc biệt giành cho bệnh nhân gan có giá gần 8 triệu VND được chị Hà order từ Mỹ về đến nhà anh, mỗi tuần lễ chỉ được dùng 2 gói, và anh bắt đầu uống sáng hôm đó.

Trong 2 ngày 22 và 23/10 bụng anh chướng to hơn và các cơn đau cơ bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Sáng thứ sáu 24/10 chúng tôi đưa anh đi khám tại Viện Gan của BS. Đỗ Đại Hải là một đồng môn của anh. Khi về nhà anh gần như kiệt sức, nằm thiêm thiếp, mọi người phải massage cho anh liên tục ở phần lưng. Từ Viện Gan của Bs. Hải trở về, Thiên Lương mất tinh thần thấy rõ, cháu gọi điện thoại cho cô Vân ở California trong tiếng nức nở. Khi ấy tôi ý thức rằng anh chỉ còn không đến 5% cơ hội sống, nếu có thì điều đó chỉ có nghĩa là sự mầu nhiệm mà thôi. Anh kiểm tra tất cả toa thuốc của Bs. Hải và nói “Trước giờ anh chưa hề diệt 1 con virus nào cả. Đây là bọn ở trọ trong cơ thể anh mà bây giờ chúng nó quậy phá quá. Lần này ông Hải dội bom tụi nó!”. Chúng tôi bắt đầu truyền Albumin cho anh dưới sự hướng dẫn của anh, chuẩn bị sẵn thuốc chống shock. Anh ngủ không yên vì đau, có lúc complain “Cả nhà chẳng đứa nào biết massage ra trò…!”. Chúng tôi điện thoại cho Sơn, thằng em cận út, sang đấm bóp cho anh. Anh có vẻ hài lòng. Mệt, đuối sức lắm nhưng anh vẫn lâu lâu thò tay tự điều chỉnh mức độ truyền dịch, giống như anh đang chăm sóc cho bệnh nhân của mình, và anh yêu cầu đi mua cho anh chiếc xe lăn vì anh cảm thấy không thể tự di chuyển được nữa. Xế chiều, BS. Thông gọi điện thuyết phục anh nhập viện BV. Đại học Y Dược.  Khuya hôm ấy chúng tôi phải cắt thêm người ngủ lại với anh. 12 giờ khuya anh thức dậy và tự mình xuống bếp đun nước pha cà phê!

Sáng ngày thứ bảy 25/10 anh có vẻ tỉnh táo và khỏe hơn. Gia đình 6 người đưa anh vào viện. Đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng anh ngồi trên xe lăn để di chuyển trong bệnh viện. Suốt ngày thứ bảy và CN anh tuy mệt nhiều nhưng không có dấu hiệu quá tệ, đặc biệt anh rất ít ngủ, ăn càng ngày càng kém… Chiều ngày CN có bạn hữu vào thăm, anh trao đổi khá nhiều và cười thật tươi. Thật sự ít có ai nghĩ rằng anh đang bệnh rất nặng trừ những người trong gia đình và các bác sĩ điều trị. Tối hôm đó anh đột nhiên bị lạnh và đến khuya thì khó thở gần như ngất xỉu. 23h30 ngày CN 26/10 tôi nhận điện thoại của cháu Thiên Lương từ BV… tôi thật sự hoảng hốt đến mức mất bình tĩnh, khóc nức nở trên ĐT gọi cho anh em, bạn bè, những người mà tôi tin rằng có năng lực trong việc cầu nguyện. Lúc ấy tôi chỉ biết cầu nguyện sao cho anh đừng ra đi trong đêm, khi bên cạnh chỉ có 1 đứa con gái yếu đuối… Cuối cùng thì anh cũng được bình an qua hết đêm nhưng đã phải thở oxy. Theo lịch điều trị, sáng hôm sau tức thứ hai 27/10 anh sẽ được nội soi thực quản và làm các xét nghiệm, siêu âm cần thiết. Thấy anh yếu nhiều, tôi hỏi “Anh Luyện có chịu nổi nội soi không?”, anh gật đầu Ok. Nhưng phải nói rằng anh gần như bất tỉnh lúc nội soi vì đau đớn. Khi trở về phòng, anh nói thật nhỏ nhưng rõ ràng “ Không ai có thể vừa hít lại vừa le, hay vừa phùng lại vừa há. Ngáng họng không cho ngậm lại mà yêu cầu người ta nuốt, thật là dốt và vô lý! Phải cho 1 thằng nằm xuống rồi thằng kia nhét vào thì tụi nó mới hiểu được bệnh nhân phải chịu đựng như thế nào”. Chúng tôi cười trước sự hài hước mà rất thật của anh. Bây giờ ngồi đây viết lại những dòng này, tôi hy vọng có không ít người trong ngành Y đọc thấy và thông cảm. Bản thân tôi đã tìm hiểu và biết rằng ở bên Mỹ và các nước tiến bộ khác khi tiến hành nội soi thì bệnh nhân được gây mê. Riêng ở VN, có lẽ do phẩm chất “dũng cảm từ ngàn xưa của nhân dân ta” nên ngành Y không nghiên cứu việc gây mê trong quá trình nội soi.

Trưa ngày thứ hai 27/10 Giáo sư BS Lê Minh đến thăm nhưng anh vào toilet quá lâu, BS. Lê Minh chậc lưỡi, hiện tượng đi vệ sinh một cách khó khăn như thế này cũng đáng lo ngại. Lúc ấy anh vẫn có thể tự kiểm soát và không cần sự giúp đỡ của chúng tôi. Chờ anh không được, BS. LM phải đi vì đến giờ giảng. Anh trở về giường mệt lả. Đêm hôm đó kíp điều trị cho thực hiện rất nhiều các xét nghiệm cấp tốc và tăng cường thuốc đặc trị.

Trong 2 ngày thứ hai và thứ ba, cân lượng anh tiếp tục tăng do anh không thải nước ra khỏi cơ thể được. Do có dấu hiệu nhiễm trùng nên anh phải truyền kháng sinh ổ bụng và tăng cường Albumin lên 2 chai/ngày.  Anh kêu mệt tim, trống ngực mạnh, và có BS từ khoa Tim mạch sang thăm khám. Lúc này các cơn đau cấp tập hơn và chúng tôi không ngừng xoa bóp cho anh toàn thân. Hầu như lúc nào cũng có 4 người chăm sóc. Anh không ăn uống gì được nữa, chỉ có dùng sữa đặc biệt mà thôi. Tuy nhiên anh vẫn tự di chuyển vào toilet, chỉ cần người dìu, không cần xe lăn, và có thể ngồi ghế trong vòng 5-10 phút.

Sáng ngày thứ tư 29/10 tôi được báo anh bị xuất huyết nhãn cầu, chân răng và khạc ra máu. Linh tính rằng anh gặp chuyện chẳng lành, tôi hộc tốc vào BV. Trông anh thật thảm thương với đôi mắt 2 màu vàng và đỏ ! BS quyết định truyền huyết tương cho anh. GS. Lê Minh vào thăm, khám và nghe mạch cho anh, rất ân cần và trìu mến. Tôi nhận ra sự xúc động và lo lắng trong ánh nhìn của anh Lê Minh. Tôi ở BV đến khoảng 13g, lúc ấy anh vẫn tỉnh táo, nói chuyện được bình thường dù khá yếu. Cùng lúc đó BS. Thông vào thăm, trấn an chúng tôi, rằng anh vẫn có hy vọng điều trị có kết quả.  Khoảng hơn 6g chiều anh đi tiêu tại chỗ, rất nhiều, và bị tuột oxy, bất tỉnh phải cấp cứu. Trước lúc chuyển vào Phòng Hồi sức Cấp cứu anh còn bảo bóp lưng cho anh và hoàn toàn tỉnh táo. Trên đường vào Phòng Hồi sức, chị Hà niệm kinh A Di Đà, anh khoát tay bảo “Chưa đến lúc!”. 20g cả gia đình 14 người có mặt tại phòng đợi trước cửa Phòng HSCC nhưng được yêu cầu ra về. Kể từ lúc ấy anh bị cách ly với người thân, và chúng tôi vẫn hy vọng rằng anh được chăm sóc một cách tốt nhất, chuyên nghiệp nhất. Mọi người ra về sau khi gởi vào cho anh tả giấy và khăn ướt, cũng như để lại 2 số ĐT liên hệ. Đêm hôm ấy cả gia đình thao thức vì lo lắng. Riêng tôi vẫn bị ám ảnh bởi ngày 30/10 DL là ngày rất xấu đối với anh.

Sáng sớm 6g ngày thứ năm 30/10/2014, vợ, con gái, và em trai út vào thăm anh, lúc này anh đang được đặt ống dẫn dịch từ bao tử vì đã bị xuất huyết bao tử. Anh nói với em trai “Cơ bản là đau cái lưng!” và nói với con gái đưa anh ra khỏi Phòng HSCC trở về phòng ngoài. Nhưng yêu cầu của anh không được chấp thuận vì lý do SK của anh.

 07g, sau khi mọi người vừa ra về thì BV báo cho người nhà trở lại hội ý, họ thông báo anh bị suy hô hấp nặng và đề xuất đặt ống thở cho anh, nếu đồng ý thì người nhà ký tên chấp thuận. Chúng tôi hội ý với nhau, đồng thời hỏi ý kiến của chính anh, tất cả đều “say No”. Khi vừa nhìn thấy con gái, anh chụp lấy bàn tay con một cách vội vã và mừng rỡ, anh nói “Đi về!”. Ánh mắt của anh đã thể hiện sự cô đơn trong đau đớn và tuyệt vọng của anh như thế nào trong suốt một đêm tại Phòng hồi sức… Thế là chúng tôi đã hiểu và chấp nhận sự chia tay đau xót với người mà chúng tôi yêu thương. Từ 7g sáng chúng tôi phải chờ Bác sĩ đến 9.30g để được ký y lệnh cho xuất viện. Tôi tự hỏi, tại sao Phòng HSCC mà lại phải chờ đợi bác sĩ như vậy? Thế rồi cuối cùng BS cũng đến, Ok vấn đề xuất viện, nhưng chúng tôi lại phải chờ đợi thủ tục xuất viện. Thủ tục này chẳng qua là việc tính toán viện phí mà thôi. Tôi thật sự không hiểu nổi tại cái BV hiện đại nhất Sài gòn này phần mềm quản lý được cài đặt thế nào mà để bệnh nhân sắp chết phải chờ đợi đến gần 2 tiếng đồng hồ mới ra được cái hóa đơn viện phí. Chúng tôi là những người khỏe mạnh mà còn đuối sức và thiếu kiên nhẫn khi phải chờ đợi, huống chi anh tôi đang ngáp không nổi, sự sống chỉ còn tính bằng giây và đang mong chờ gặp mặt người thân lần cuối. Một điều rất ư buồn cười (cười trong nước mắt) là hóa đơn còn tính thừa 2 chai Albumin trị giá gần 2 triệu!!! Nếu không kiểm tra lại cả 4-5 trang bảng kê dài dằng dặc đó thì không biết khoản chênh lệch này sẽ đi về đâu…? Cháu tôi xuống đóng viện phí, xếp hàng dài rồng rắn… 15 phút trôi qua, cuối cùng BV đồng ý cho anh tôi xuất viện trước khi đóng tiền. Có lẽ đó là “nghĩa cử” giành cho “người nhà bác sĩ” chăng?

Khoảng 11.45 anh được đẩy từ Phòng HSCC ra, chúng tôi 3 đứa – tôi, em trai út và con gái anh, đón lấy anh như đón lấy một ân huệ cuối cùng mà cuộc sống giành cho anh em chúng tôi. Mặt anh đã chuyển sang màu nâu tím và khô quắt lại, 2 chân đã chết từ đầu gối trở xuống, lạnh ngắt và xanh như tàu lá. Vừa nhìn thấy chúng tôi anh giật phăng tất cả các dây nhợ ràng rịt trên miệng, nhân viên BV cản lại nhưng chúng tôi quyết định làm theo anh, chúng tôi hiểu anh muốn nói. Anh nói bằng giọng thều thào và méo lệch “Hôn ba đi.. Hôn anh đi..!!!”. Cả 3 đứa nhào đến anh trong tiếng gào khóc thất thanh. Tôi đặt môi mình trên đôi má lạnh ngắt của anh. Trái tim tôi như có mũi dao lách vào thật sâu. Tôi ý thức rằng cái giờ phút đáng sợ ấy đã sắp đến. Trên thang máy tôi nói vào tai anh lắp bắp …“Bác sĩ Luyện, bác sĩ Luyện, anh can đảm lắm mà, anh luôn luôn can đảm mà, cố lên anh, mình sắp về đến nhà rồi…”. Tôi sợ anh không thể giữ nổi hơi thở để về trong vòng tay của người thân. Tôi hoảng loạn gọi ĐT cho người nhà, dặn tất cả hãy có mặt vì anh suy kiệt lắm rồi. Mạng sống của anh đang treo trên đầu sợi tóc!  Trên xe Ambulance họ phải bóp bóng để giữ hơi thở cho anh. Thế nhưng anh vẫn còn đủ sức dùng tay rút hết sợi dây dẫn dịch và máu từ mũi ra. Tôi khóc ngất sờ bàn chân anh, sự sống chỉ còn ở phần trên bụng.

Xe về đến nhà 12 giờ trưa. Mọi người vội vã đưa anh vào đặt anh nằm trên chiếc giường vẫn dùng cho bệnh nhân của anh. Cả nhà gần 10 con người nhào đến ôm anh, anh còn ra dấu cho biết hãy dang ra cho anh thở. Người của BV định đặt oxy trở lại nhưng anh dứt khoát từ chối. Thế rồi anh bảo đỡ anh ngồi dậy. Tôi thấy anh thật vững vàng,  dõng dạc ra lệnh “bảo người ngoài bước ra hết, chỉ người nhà thôi!”, một hai người của BV vẫn còn chưa kịp bước ra, anh nói “Vẫn còn người lạ, bảo tụi nó đi ra”. Rồi anh nói 1 cách rất khó khăn nhưng cũng rất rõ ràng “…là một cái tổ quỷ, vào rồi không có ai ra được!”. (Vì lý do tế nhị, tôi không thể viết đầy đủ câu nói của anh, tất cả mọi người thân máu mủ của anh đều nghe câu nói này, và như thế chúng tôi đã hiểu ra rằng anh mình bị đối xử như thế nào ở cái nơi được gọi là hồi sức hay chăm sóc đặc biệt của BV). Sau đó anh chỉ tay lên trời “Bây giờ anh đi đây!”. Cả gia đình gào khóc thê thảm. Tôi nắm tay vợ anh kéo đến sát bên cạnh anh, anh đưa bàn tay vuốt tóc vợ, cài sâu những ngón tay vào mái tóc chị, anh xoa đầu con gái, nắm tay từng đứa em một. Thằng con rể đóng tiền cho BV vừa kịp chạy về bên anh, anh đưa tay vuốt má đứa con rể đầy thương yêu. Thằng bé cháu nội trai duy nhất của gia đình tôi chạy vào hôn lên má anh, anh gật đầu trong giọng nói nức nở của thằng em út, thằng em mà anh đã đỡ nó lọt ra từ lòng mẹ lúc anh còn là SV Y3 đang thực tập tại BV Từ Dũ, “anh Luyện, em sẽ cho thằng Bush học Bác sĩ như anh”. Tôi thấy tai mình như ù đi bởi tiếng khóc của Thiên Lương “Ba ơi, con thương ba nhất trên đời, ba ơi…!”. Đột nhiên anh cất tiếng thật lớn “Om…Om…”. Tôi nhìn vào kẽ răng anh đỏ lòm màu máu, đôi môi khô nứt đang cố gắng hé ra… Tất cả chúng tôi đều đọc “Om” theo anh, cả nhà như vọng vang lên tiếng chuông chùa. Có lẽ một năng lực siêu nhiên nào đó đang nương theo âm thanh của mật ngữ “AUM” này mà đến với anh. Đôi mắt anh vẫn mở nhưng khuôn mặt đang từ từ biến dạng, anh gồng mình, vặn vẹo… cố phát ra tiếng OM một cách khó khăn. Đôi mắt bắt đầu trợn ngược là lúc anh không còn nói được nữa, hai đồng tử di chuyển thành vòng tròn như đảo khắp xung quanh, rồi dừng lại, nở tròn… Tôi nghĩ anh đã ra đi nên nói Thiên Lương vuốt mắt cho anh. Bất ngờ anh lại phát ra một lần cuối cùng tiếng “OM!”, máu và chất nhờn trong cổ họng tống ra một lần chót, lưỡi anh đẩy ra ngoài. Khoảng gần 10 giây sau thì mạch hoàn toàn ngưng đập. Đồng hồ chỉ 12h22p. Vậy là anh chính thức ra đi sau khoảng 7 phút niệm chú và sau 7 giây thốt lên tiếng “AUM” cuối cùng. Chúng tôi tiếp tục niệm AUM. Một vài người trong gia đình niệm A Di Đà. Trong nỗi đau khôn xiết, tất cả chúng tôi cúi đầu ngưỡng mộ trước sự bản lĩnh đến hơi thở cuối cùng của người anh, người cha, người chồng tuyệt vời của gia đình Phạm Doãn. Tôi nghe có tiếng khóc cất lên “Anh Luyện là người anh tuyệt vời, kiếp sau xin cho em được làm em của anh Luyện lần nữa!”…

Thế là anh đã thực sự rời bỏ chúng tôi vào giờ Canh Ngọ, ngày Giáp Tuất, tháng Giáp Tuất, năm Giáp Ngọ.

Tháng 10 mùa thu nhưng Sài gòn trời đầy nắng. Nắng như thêu lên cuộc đời anh sợi chỉ vàng huyền nhiệm. Nắng như nét bút tài hoa đầy trí lực và bản lĩnh mà anh muốn vẽ vào cuộc sống này. Nhưng em biết rằng anh thực sự vẫn còn tiếc nuối vì chưa hoàn thành bức tranh ấy. Bánh xe của sự sống đã dừng lại để anh được chuyển nghiệp, thay đổi thân xác hư hao này như anh đã từng lập đi lập lại trong những ngày cuối đời “Anh muốn thay chiếc áo mới, khỏe mạnh hơn, tốt đẹp hơn”. Có lẽ năng lực siêu nhiên nào đấy đã nhanh chóng trao cho anh một nhiệm vụ mới, trọng trách mới. Tất cả những gì mà anh làm được, em tin rằng vẫn còn nguyên vẹn trong thần thức, được lưu giữ lại dưới dạng những data và được copy sang một cơ thể sống khác, kế tục những gì anh đang còn dang dở hôm nay!

Ngày tiễn anh đi hỏa táng, thành phố này cũng vẫn rực rỡ nắng vàng. Sáng hôm ấy trời rất đẹp. Chúng tôi ngồi trên xe tang cùng với linh cữu anh kính yêu, rải xuống lòng phố những đóa hoa lan trắng tím, như lời chia tay của anh với nơi anh đã trưởng thành và sinh sống. Những cánh hoa nhẹ bay trong nắng, khép lại những hẹn hò với đời trần tục, từ giã một kiếp nhân sinh. Tôi thì thầm với anh:
 “Rằng thôi một kiếp sa mưa
Lìa thân huyễn tượng hoa đưa cuối trời”
Đây là 2 câu thơ em viết cho chính em, nhưng thôi anh đi trước thì em giành tặng cho anh vậy!

Rồi ngày nào đó, mỗi khi dạo bước trên một vạt cỏ xanh, em lại nhìn thấy nụ cười của anh Luyện, cho dù lúc ấy một giọt nước mắt thật ấm có tràn qua mi thì em vẫn nhận ra lòng mình thanh thản, bởi em tin rằng anh Luyện đã đến được nơi mà anh mong muốn!
(Trích từ FB Rose Pham)

**TP.PA**