Thursday, May 13, 2010

KINH NGHIỆM HÀNH THIỀN - 002

Nhóm Thiền TNX - Huế
Sun, 9 May 2010.

Ngày Chủ nhật, 9 tháng 5 năm 2010, Nhóm Thiền TNX-Huế hành thiền tích cực một ngày tại chùa Huyền Không Sơn Thượng - Huế, thời gian từ 8h00 đến 17h00. Khoảng gần 20 anh chị em Phật tử cư sĩ cùng Thầy và một số quí Sư cùng hành thiền với nhau tại Ngọa Nguyệt Am (Am Trăng Ngủ). Ngày hành thiền bao gồm ngồi thiền 45 phút xen kẻ đi kinh hành khoảng 15 phút. Có tất cả 5 thời ngồi thiền (thiền tọa) trong ngày. Thật là một ngày đầy ý nghĩa và khó quên nhưng cũng không kém phần vất vả vì ngày trời oi bức nóng nực khoảng 38 - 39 độ Celsius. Thời hành thiền bắt đầu với vài lời lưu ý của Thầy, trọng tâm gồm 3 điều: thiền sinh có thể niệm hơi thở, phồng xẹp, niệm Phật "Buddho", có thể hành Thiền Quán; Giữ im lặng cả ngày, không nói chuyện, kể cả lúc dùng ngọ; Không suy nghĩ lầm thầm trong tâm. Tức là cố gắng thực hiện 3 điều đó trừ lúc cần thiết mới nói và suy nghĩ việc cần.
Thời hành thiền đầu tiên, có lẽ nhiệt độ không khí cao cộng thêm vật thực buổi sáng của tôi không tốt (bánh chưng) (theo Đông-y, quá dương) nên khi tôi quá chú tâm vào hơi thở dẫn đến nhiệt bốc lên đầu, cơ thể toát nhiều mồ hôi, "Tâm đi đâu khí theo đó". Vì vậy tôi phải thả lỏng thân tâm, đưa về trạng thái quân bình, thỉnh thoảng theo dõi phồng xẹp để dẫn nhiệt (khí) xuống bụng (có thể tốt cho việc tiêu hóa thức ăn!!!). Tiếp theo sau là đi kinh hành. Thời hành thiền lần 2 tôi thấy bình thường cả thân lẫn tâm. Các thời ngồi thiền buổi chiều (bắt đầu lúc 13h) tôi chỉ thấy hơi đau nơi chân; có thể do đây là lần đầu tiên ngồi thiền nhiều lần liên tục; cũng có thể do không có một miếng thảm mỏng mềm dùng làm tọa cụ, chỉ ngồi trên chiếu trúc theo tư thế kiết già (thế ngồi hoa sen), nên làm cho các mao mạch máu và dây thần kinh xúc giác bị cản trở tạo cảm giác đau (khổ thọ). Tóm lại, qua khóa thiền tích cực 1 ngày, tôi thực sự có được kinh nghiệm khác mà lâu nay chưa có được, khác so với hàng ngày ngồi thiền khoảng 1 tiếng đồng hồ, thọ lạc và thọ khổ trở nên mạnh mẽ hơn, tư kiến có thay đổi khác trước. Hy vọng tôi sẽ tinh tấn hành thiền tích cực nhiều hơn để có được những chứng nghiệm tâm linh sâu sắc hơn.
... Cuối ngày hành thiền, Thầy nói chuyện về lợi ích của sự hành thiền tích cực. Đó là sự khác nhau giữa khổ và vui (thọ khổ và thọ lạc) của người hành thiền và người không hành thiền, giữa người tu tập tâm linh và người đời. Cảm thọ khổ mà chúng ta tu thiền hôm nay là nhân để chúng ta hướng đến sự giải thoát giác ngộ Niết-bàn rốt ráo, đó là lạc thọ cao thượng nhất; lạc thọ của người đời là nhân dẫn dắt con người ta trầm luân mãi trong sanh tử luân hồi, khổ hoài khổ mãi không biết bao giờ chấm dứt. Hành thiền tích cực một ngày là chúng ta đã xuất gia gieo duyên một ngày. Chúng ta sống một đời sống xuất gia thực sự, chúng ta thọ Bát-quan-trai giới, không ăn vật thực sau ngọ, giữ chánh niệm tỉnh giác suốt ngày. Tu tập như vậy Thầy nói rằng chúng ta thực hành gần như đầy đủ 10 pháp Ba-la-mật (Thập-độ Ba-la-mật, pāramī): Chúng ta có Bố thí (cúng dường hương hoa đăng và vật thực lên Tam Bảo); có Trì giới; có Xuất gia (Xuất gia gieo duyên); có Trí tuệ (nghe Pháp của Đức Phật, hành thiền Định và thiền Tuệ nhằm làm sinh khởi tuệ giải thoát giác ngộ); có Tinh tấn (đương nhiên rồi vì chúng ta đang hành thiền tích cực cùng Chư Tăng mà); có Nhẫn nại (vì chúng ta đang đối diện trực tiếp với các cảm thọ đau lúc ngồi thiền, chẳng lẽ ai mới hành thiền mà không có, trừ khi bị liệt thân); có Chân thật (ở đây chúng ta giữ không nói chuyện phù phiếm vô ích, không để tâm buông lung suy nghĩ vẫn vơ, chỉ ghi nhận các tiến trình của thân tâm, thọ khổ thọ lạc, và cố gắng kinh nghiệm thật tướng của thân tâm là Vô thường, Bất toại nguyện và Vô ngã mà thôi, không ai bị đánh lừa thực tại ở đây cả); có Quyết định (quyết tâm hành thiền tích cực một ngày); cũng như vậy, chúng ta sẽ có Tâm từ và Tâm xả để hội đủ 10 pháp Ba-la-mật. Không chỉ có vậy, Thầy cũng nói rằng nếu khôn khéo hơn chúng ta có đầy đủ Bát-Chánh-Đạo, và rộng hơn nữa là bâm bảy Pháp-Trợ-Đạo (37 Bồ-Đề-Phần).
Nguyện cho Thầy cùng quý Sư sức khỏe!
Nguyện cho tất cả Thầy tổ của con được sức khỏe, sống lâu!
Nguyện cho đại chúng lớp thiền TNX-Huế sức khỏe, an vui, tấn hóa trong pháp hành Tứ-Niệm-Xứ của Đức Phật Gotama.

Thuận Pháp - Phan Anh

Tuesday, May 4, 2010

KINH NGHIỆM HÀNH THIỀN - 001

Nhóm thiền TNX - Huế.
Sun, 02May2010.

Như thông lệ từ 3 năm nay, hằng chiều Chủ Nhật, tại chùa Thiền Lâm (Nguyên Thủy), tp Huế, Vietnam, nhóm Thiền Tứ Niệm Xứ (Mindfulness Meditation - Satipaṭṭhāna Bhāvanā) sinh hoạt; bao gồm nghe Pháp, hành thiền, dưới sự hướng dẫn của Thầy Giới Đức - Minh Đức Triều Tâm Ảnh.
Chương trình bắt đầu lúc 15 giờ, đầu tiên là phần thuyết Pháp của Thầy thiền sư, khoảng 45 phút; kế đến là hành thiền khoảng 1 tiếng đồng hồ; cuối cùng là vấn Pháp hoặc trình Pháp. Đề Mục hành thiền mà Thầy hướng dẫn cho thiền sinh chủ yếu dựa vào bài kinh Tứ Niệm Xứ (Satipaṭṭhānasutta) thuộc Tam Tạng Pāli (Pāḷi Tipiṭaka) của Đức Phật Gotama; ví như niệm hơi thở, niệm phồng xẹp ở bụng, niệm tâm từ,... 
Hành thiền ở đây bao gồm Thiền Định (Concentration Meditation - Samatha Bhāvanā) và Thiền Tuệ (Insight Meditation - Vipassanā Bhāvanā). Cốt tủy của Thiền Định là hành giả tinh tấn gom tâm vào đề mục chính và quen thuộc nhất để làm sinh khởi các Thiền chi là Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất tâm. Khi năm Triền Cái (Pháp ngăn che, Pháp che lấp công phu tu tập) là Dục, Sân, Hôn trầm - Thụy miên, Trạo cử - Hối quá, Nghi vắng mặt hay tạm thời bị đè nén và năm Thiền chi được làm cho vững mạnh thì tâm hành giả có thể chuyên nhất với đề mục, an trú trên đề mục hành thiền để đi vào nhập định (Cận định và An chỉ định). Cốt tủy của Thiền Tuệ (còn gọi là Thiền Quán) là hành giả dùng trí tuệ soi chiếu, quán sát, thẩm thấu các đề mục hành thiền để làm phát sinh trí tuệ thẩm thấu Tam Tướng (Vô thường, Bất toại nguyện và Vô ngã - Anicca, Dukkha, Anatta) của thân tâm và tất cả các pháp, nhằm làm suy yếu và diệt tận Phiền não (Defilements - Kilesa), mục đích là diệt Khổ.
Bắt đầu từ năm 2010 này, sự hành thiền đi vào qui củ, nề nếp hơn. Thiền sinh được trình Pháp riêng biệt với Thiền sư, để được hướng dẫn kỹ hơn, căn cơ hơn. Nhóm thiền cũng sẽ tổ chức các thời hành thiền tích cực một ngày, hai ngày, năm ngày, một tuần, mười ngày,... tại chùa Huyền Không Sơn Thượng.
Bài Pháp ngày hôm nay của Thầy nói về công dụng của sự ngồi yên lặng để thở. Tức chỉ ngồi yên lặng và quan sát hơi thở mà thôi. Theo tôi pháp hành này nếu ta cẩn thận và khôn khéo thì ta có cả Định lẫn Tuệ; chú tâm vào tướng hơi thở là Định và quan sát tướng hơi thở là Tuệ. Sau thời Pháp của Thầy, anh chị em ngồi hành thiền. Xong thời ngồi thiền là vấn đạo (hỏi đáp về Pháp). Có một câu hỏi thú vị là một chị tín nữ hỏi rằng nếu ở đời vì công này việc nọ mà nhấp nhấp một hai ly bia rượu thì đúng hay sai. Thầy trả lời bằng cách nêu ra hai tích chuyện trong Tam Tạng: một là nhân một vị Tăng trẻ Thánh nhân Tu-Đà-Hườn thời Đức Phật say rượu nằm quay chân hướng về phía Đức Phật nên Ngài chế Giới cấm uống rượu và chất say; hai là nhân cả hai vị thiện nam tín nữ có giới sai lệch nhưng sau khi chết cùng tái sanh về Cung trời Đao-lợi, Ngài Xá-lợi-phất giải rộng ra là có 5 pháp cùng tu tập trong Giáo Pháp của Đức Phật như Tín, Giới, Văn, Thí và Tuệ cùng bổ trợ cho nhau, dù 5 pháp ấy không nhuần nhuyễn tròn đủ nhưng người Phật-tử cũng phải biết tự chủ (self-control) để tu tập; câu chuyện thứ ba là tại kỳ Kết tập Tam Tạng Pāli lần thứ 6, tất cả 2500 vị Đại-đức-Tăng đều không đồng ý cho phép bất kỳ một vị Tăng nào được phép uống rượu dù chỉ để trị bệnh hay chống chọi với thời tiết hàn lạnh.


Thuận Pháp - Phan Anh.

Tuesday, March 9, 2010

Ngài Tam-Tạng Thứ X Ashin Sundara thăm Tp. Huế, Vietnam.

Một số Hình-ảnh ghi-lại chuyến viếng-thăm Phật-tử xứ Huế của Ngài Tam-Tạng thứ X, Ashin Sundara.
Tháng 4 năm 2009.














Kỷ niệm,
Dhammiko - Phan Anh.

Saturday, March 6, 2010

Ngài Tăng-Thống Tích-Lan Bhante. Davuldena Gnanissara đến thăm Tp. Huế, Vietnam.

Một số hình-ảnh, phim tư-liệu ghi-lại Chuyến Viếng-thăm Phật-tử nguyên-thủy xứ Huế của Ngài Tăng-Thống Tích-Lan Bhante. Davuldena Gnanissara.
Tháng 1 năm 2010.
YouTube - Broadcast Yourself.















Kỷ niệm, 
Dhammiko - Phan Anh.

Monday, January 25, 2010

CÁI DỤNG CỦA CHÁNH NIỆM

Hết phiền não hết Khổ
Khổ thật có, Chân lý!
Làm sao dứt phiền não
Hãy nhìn vào chính nó
Khiến nó tự hổ thẹn
Lặng lẽ nó rút lui,
Chánh niệm vào thế chỗ
Phiền não sẽ tiêu tan
Khổ lìa dứt từ đây.

Huế, ngày 180608.
Thuận Pháp - Phan Anh.