Friday, February 27, 2015

CHIẾC LỒNG CỦA ĐỨC CHIẾN THẮNG


Jinapañjara Gāthā là bài kệ kinh phổ biến trong các nghi lễ quan trọng, du nhập từ Sri Lanka. Các Phật tử người Thái cho rằng tụng bài kinh này thường xuyên sẽ tránh được điều xấu và kẻ thù.
Nội dung bài kệ cho thấy khắp thân thể và không gian xung quanh hành giả được bảo hộ bởi Phật, Pháp và Tăng. “Pañjara” thường được dịch ra là chiếc lồng, bộ khung, bộ giáp, ngôi nhà, khung lưới,… Cho nên tựa bài kệ được dịch Việt là CHIẾC LỒNG CỦA ĐỨC CHIẾN THẮNG (JINAPAÑJARA GĀTHĀ).
Sau đây là bản dịch tiếng Việt theo phiên bản của Thái Lan do Tống Phước Khải dịch và được Tk. Indacanda hiệu chỉnh.

Bản dịch tiếng Việt:
Các Đức Phật, các bậc thánh thiện đã uống cam lồ của Tứ Thánh Đế, sau khi đã đánh bại Māra cùng thành lũy của hắn: đã đi đến chiếc ghế của sự chiến thắng, Các Đức Phật này – 28 vị thượng thủ, các hiền giả tối cao khởi đầu là Taṇhaṅkara – tất cả được an vị trên đỉnh đầu của tôi.
Phật được an vị trong đầu của tôi,
Pháp được an vị trong hai mắt,
Tăng, đức hạnh vô lượng, được an vị trong ngực của tôi.
Anuruddha (A Nậu Lâu Đà) an vị trong tim tôi,
Sārīputta (Xá Lợi Phất) bên phải tôi,
Koṇḍañña (Kiều Trần Như) phía sau tôi và
Moggallāna (Mục Kiền Liên) bên trái tôi,
Ānanda (A Nan) và Rāhula (La Hầu La) trong tai phải tôi,
Kassapa (Ca Diếp) và Mahānāma (Đại Danh) cả hai đều trong tai trái.
Sobhita, bậc hiền thánh, có vinh quang tột đỉnh, chiếu sáng như mặt trời, ngự ở khắp mái tóc sau đầu của tôi.
Trưởng lão Kumārakassapa (Đồng Tử Ca Diếp), hiền giả vĩ đại, bậc diễn thuyết chói sáng, đức hạnh vô lượng, lúc nào cũng ngự trong miệng của tôi.
Năm vị trưởng lão: Puṇṇa, Aṅgulimāla, Upālī, Nanda, Sīvalī– biểu tượng cho sự cát tường, hiện lên giữa trán tôi.
80 Đại Trưởng Lão còn lại – các bậc đã chiến thắng, đệ tử của Đức Chiến Thắng, 80 Đại Trưởng Lão này, các bậc có sự chiến thắng, những người con của Đức Chiến Thắng, đức hạnh tỏa sáng uy nghi – được an vị khắp phần trên cơ thể của tôi.
Kinh Châu Báu ở trước mặt,
Kinh Tâm Từ ở bên phải,
Kinh Ngọn Cờ ở phía sau,
Hộ chú Vô Não ở bên trái,
Hộ chú Uẩn, hộ chú Khổng Tước và kinh A Sá Nang Chi lập thành mái che trên hư không,
Những kinh còn lại được thiết lập như một thành lũy.
Được kết bởi sức mạnh và quyền năng của Đức Chiến Thắng,
Bảy lớp thành lũy chống đỡ,
Tất cả điều gây hại bên trong và bên ngoài đã được sanh khởi như gió, mật…
Đều bị tiêu diệt không còn vết tích
Bởi uy lực bất tận của Đức Chiến Thắng.
Trong khi tôi sống với công việc của tôi,
Luôn luôn ở trong chiếc lồng của Đức Chánh Biến Tri,
Ở trong chiếc lồng của những Đức Chiến Thắng,
Mong rằng tất cả các Bậc Đại Thánh Thiện
Hãy luôn luôn hộ trì cho tôi trong khi tôi cư ngụ ở mặt đất,
Do vậy, tôi hoàn toàn được che chắn hoàn hảo, được bảo vệ hoàn hảo.
Do nhờ năng lực của Đức Chiến Thắng, điều tai hại bị dẹp tan.
Do nhờ năng lực của Giáo Pháp, tập thể quân thù bị xua tan.
Do nhờ năng lực của Tăng, điều nguy hiểm bị xua tan.
Được bảo vệ bởi năng lực của Chánh Pháp,
Tôi sống ở trong chiếc lồng của Đức Chiến Thắng.

Nguyên bản Pāli:
Jay’āsan’āgatāBuddhā
Jetvā Māraṃsavāhanaṃ
Catu-saccāsabhaṃrasaṃ
Ye piviṅsu narāsabhā
Taṇhaṅkar’ādayo Buddhā
Aṭṭha-vīsati nāyakā
Sabbe patiṭṭhitāmayhaṃ
Matthake te munissarā
Sīse patiṭṭhito mayhaṃ
Buddho dhammo dvilocane
Saṅgho patiṭṭhito mayhaṃ
Ure sabba-guṇākaro
Hadaye me Anuruddho
Sārīputto ca dakkhiṇe
Koṇḍañño piṭṭhi-bhāgasmiṃ
Moggallāno ca vāmake
Dakkhiṇe savane mayhaṃ
Āsuṃ Ānanda-Rāhulo
Kassapo ca Mahānāmo
Ubh’āsuṃvāma-sotake
Kesante piṭṭhi-bhāgasmiṃ
Suriyova pabhaṅkaro
Nisinno siri-sampanno
Sobhito muni-puṅgavo
Kumāra-kassapo thero
Mahesīcitta-vādako
So mayhaṃvadane niccaṃ
Patiṭṭhāsi guṇākaro
Puṇṇo Aṅgulimālo ca
UpālīNanda-Sīvalī
Therāpañca ime jātā
Nalāṭe tilakāmama
Sesāsīti mahātherā
Vijitājina-sāvakā
Etesīti mahātherā
Jitavanto jinorasā
Jalantāsīla-tejena
Aṅgamaṅgesu saṇṭhitā
Ratanaṃpurato āsi
Dakkhiṇe Metta-suttakaṃ
Dhajaggaṃpacchato āsi
Vāme Aṅgulimālakaṃ
Khandha-Mora-parittañca
Āṭānāṭiya-suttakaṃ
Ākāse chadanaṃ āsi
Sesāpākāra-saṇṭhitā
Jināṇābala-saṃyuttā
Satta-pākāra-laṅkatā
Vāta-pitt’ādi-sañjātā
Bāhir’ajjhatt’upaddavā
Asesāvinayaṃyantu
Ananta-jina-tejasā
Vasato me sakiccena
SadāSambuddha-pañjare
Jina-pañjara-majjhamhi
Viharantaṃmahītale
Sadāpālentu maṃsabbe
Te mahā-purisāsabhā
Iccevamanto sugutto surakkho
Jinānubhāvena jit’upaddavo
Dhammānubhavena jitārisaṅgho
Saṅghānubhāvena jit’antarāyo
Saddhammānubhāva-pālito carāmi jina-pañjareti.

Nguồn tham khảo: https://kinhmatgiao.wordpress.com

Thursday, February 12, 2015

Triết Lý Sống Không Cần Tiền Và Lối Sống Nhà Phật

Một sự thật hiển nhiên là đâu đâu cũng có sự hiện diện và tác động của đồng tiền, phương tiện trao đổi có thể mang lại cho con người một số tiện nghi phục vụ đời sống (quần áo, nhà cửa, phương tiện đi lại, chữa bệnh, giáo dục, giải trí…), và thông thường nếu không có nó, sẽ gần như chắc chắn là sự khốn khổ. Cho nên cả đời con người ta xét cho cùng hầu như ai cũng chạy theo đồng tiền để giải quyết mọi nhu cầu cuộc sống hằng ngày của mình, tuy có thể bằng những cách thức và thái độ hơi khác nhau tùy theo nhân sinh quan và mục đích riêng của mỗi người.
Điều đáng nói là vì ai cũng muốn chiếm lấy cho thật nhiều tiền của mà sinh ra chiến tranh triền miên giành giật cái kho của cải hữu hạn của Trái đất. Tiền không chỉ mua được hàng hóa, dịch vụ mà còn tạo nên quyền uy và thế lực cho những người nắm giữ được nó trong tay. Các ngân hàng, các thế lực tài phiệt chi phối được tiền bạc thì hầu như cũng đồng nghĩa chi phối cả nền kinh tế-tài chính và đời sống chính trị-xã hội của cả nước. Cho nên hễ ai lệ thuộc kinh tế thì thường thường phải chịu cảnh lép vế về chính trị, xét ở mức độ nhỏ cá nhân hay quy mô lớn quốc gia cũng đều như thế cả.
Đồng tiền vốn hiện diện khắp nơi và chi phối mọi hoạt động của con người trên tất cả các mặt tốt cũng như xấu: tham nhũng cướp bóc vì tiền đã đành, không ít trường hợp anh em ruột thịt kiện tụng chém giết nhau cũng vì tiền… Sinh ra đủ thứ bệnh tật hết thuốc chữa, hay thậm chí tự tử vì phá sản vỡ nợ, nguyên nhân cũng ít khi ngoài chuyện tiền bạc… Nhưng để được sống hạnh phúc hơn, một số không ít người cũng có thể nhờ có tiền mà đạt được. Thế cho nên người ta mới nói tiền là tiên là Phật, động lực của tiến hóa, và thường khi phải có tiền mới có được lễ nghĩa (phú quý sinh lễ nghĩa)…
Hiện nay nhân loại đang đứng trước hai cuộc khủng hoảng lớn: khủng hoảng môi sinh và khủng hoảng tài chính. Cuộc khủng hoảng sau nói theo cách đơn giản hơn chính là cuộc khủng hoảng tiền, khiến cho bao nhiêu đầu óc tinh hoa của nhân loại phải họp chung nhau lại trong các cuộc hội nghị thượng đỉnh quốc tế tìm cách đối phó mà hiện vẫn chưa thấy được lối ra căn bản, nếu không muốn nói bế tắc. Nhưng giữa hai cuộc khủng hoảng (môi sinh và tài chính) là có quan hệ biện chứng với nhau: để tạo ra đồng tiền, người ta sản xuất và tiêu thụ, theo cái vòng luẩn quẩn đẩy mạnh tiêu thụ để duy trì và phát triển sản xuất, thế là tạo nên tình trạng ô nhiễm môi sinh vô phương cứu chữa, với nạn khí thải, nước thải, rác thải… không còn chỗ chứa hoặc tiêu hủy, dẫn đến hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu đe dọa ngày càng gắt gao hơn sự sinh tồn của loài người trên khắp cả hành tinh.
Đồng tiền quan trọng và thiết thân như vậy, nhưng trong thế giới hiện đại, được biết có một người dám chủ trương thực hành lối sống không cần tiền. Đó là bà Heidemarie Schwermer người Đức, sinh năm 1942, đã 15 năm nay quyết ý đoạn tuyệt với tiền. Bà là tác giả của trung tâm “Cho và nhận” sáng lập năm 1994, mô hình đầu tiên ở Đức về trao đổi hàng hóa, kỹ năng mà không có sự hiện diện của tiền. Heidemarie đã xuất bản hai cuốn sách, trong đó cuốn Cuộc đời không tiền của tôi đã được dịch sang các thứ tiếng Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hơn 20 quốc gia đã chiếu bộ phim tài liệu về cuộc sống không tiền của bà (có thể xem http://livingwithoutmoney.org/).
Bà này có “ngược đời” và gàn dở lắm không? Chắc là không. Trong bộ phim, có người gọi bà là “ăn bám” người khác, nhưng cũng có người gọi bà là nguồn cảm hứng lớn. Bộ phim nói về ảnh hưởng của tiền bạc tới cách nghĩ, cách sống, sức khỏe của con người và môi trường xung quanh, cho thấy chủ nghĩa vật chất cùng với sự tiêu thụ quá mức của con người hiện đại.
Theo nhà báo Khổng Loan, người thực hiện cuộc phỏng vấn bà Heidemarie qua mạng internet (đăng trên báo Tuổi Trẻ, 18.9.2011), trong thế giới mà giá trị vật chất trở thành tiêu chuẩn và làm cho con người điên lên thì bà Heidemarie không để tiền hiện hữu trong cuộc đời mình, kể cả dưới hình thức thẻ tín dụng hoặc séc. Trả lời câu hỏi không xài tiền thì sống cách nào, bà Heidemarie cho biết: “Tôi không mua gì cả. Tôi sống với những người khác, trông nom nhà cửa hay giúp đỡ họ để đổi lấy đồ ăn. Tôi cảm thấy mình rất giàu mà không cần tiền. Tiền lương hưu, tôi cho cả. Đồ ăn, quần áo và tất cả mọi thứ cần trong một ngày đều đến từ những người khác sau khi tôi và họ trao đổi với nhau… Tôi đã có được sự tự do vĩ đại vì tôi không phải chạy theo đồng tiền”.
Quả thật, bà Heidemarie không chút gàn dở. Trái lại, những gì được giải thích thêm như sau đây liên quan các vấn đề thuộc về lối sống và môi trường còn chứng tỏ chủ trương của bà hoàn toàn minh triết và cũng có thể không quá đáng nếu gọi bà là một bậc tiên tri: “Tôi sống không có tiền có nghĩa tôi phát hiện một cuộc sống có chất lượng mới mà tôi cảm nhận được thông qua sự quan tâm và chia sẻ với người khác. Tôi quan tâm tới mình, tới hàng xóm, tới xã hội. Tất cả dường như tạo nên sức bật mới, dâng hiến cho cuộc sống. Thay vì chạy theo một cách đau khổ những phú quý tiền tài, để mối quan tâm của cuộc đời vào vật chất, những gì tôi quan niệm hiện nay là từ bên trong. Theo cách này sẽ dẫn đến sự thay đổi các giá trị, sự thay đổi đó chính là cái mà chúng ta cần để bù đắp những đổ vỡ. Có sự khác nhau giữa người nghèo, người giàu, xảy ra thảm họa thiên nhiên và những điều xấu xa khác đều đến từ lòng tham về tiền bạc của con người”.
Sống như bà Heidemarie, mới thoạt trông thấy có vẻ như bất cận nhân tình, nhưng một khi người ta đã có đủ kinh nghiệm để hiểu ra rằng “nhà giàu cũng  khóc” (tên một bộ phim), và “… Tiền có thể mua được thuốc men nhưng không thể mua được sức khỏe. Tiền có thể mua được thực phẩm nhưng không thể mua được sự ngon miệng. Tiền có thể mua được các phương tiện hưởng lạc nhưng không thể mua được hạnh phúc” (lời Giáo sư-Pháp sư Tế Quần nói trong một bài viết về bảo vệ môi trường), thì người ta sẽ có thể bắt đầu thấy bà Heidemarie có lý.
Chủ trương sống không cần tiền, nếu muốn áp dụng vào đời sống thực tế hằng ngày thì hầu như là điều khó thể thi hành được cho số đông mọi người, kể cả đối với linh mục, nhà sư… Nhưng nó hoàn toàn hiện thực cho số ít người nào nhờ sự suy nghiệm sâu sắc riêng mà đồng thuận được với nó, như bà Heidemarie đã từng chứng tỏ một cách thành công. Tác dụng tốt đẹp của triết lý sống không cần tiền tối thiểu cũng nằm ở chỗ nó là loại triết lý mang tính vừa phản kháng vừa cách mạng để cảnh tỉnh loài người luôn phải ý thức về việc cần phải điều chỉnh lại lối sống của mình nếu muốn tránh được các xáo trộn xã hội và mối hiểm họa bị hủy diệt do tác động phá hủy của môi trường trong tương lai. Điều này còn nhắc nhở mọi quốc gia cần phải xem xét lại các chính sách phát triển cơ bản của mình, để không tiếp tục chạy theo đường lối phát triển ồ ạt bằng công nghiệp hóa hiện đại hóa một cách mù quáng thiếu cân nhắc mà kết quả chắc chắn chỉ là sự phá hủy môi trường sống của chính mình.
Một nước Nhật hay nước Mỹ chẳng hạn, giàu có nhờ khả năng phát triển thần tốc của khoa học-kỹ thuật và kinh tế với thu nhập đầu người tính bằng tiền rất cao nhưng trong đó con người bệnh tật cũng nhiều vì quá no đủ thừa mứa, lại luôn luôn phải tất bật căng thẳng trong cuộc sống liên tục bị dồn nén, để xảy ra nhiều trục trặc trong đời sống tâm lý khiến hạnh phúc bị giới hạn…, nếu xét kỹ, chưa chắc xứng đáng là mô hình gương mẫu của nền văn minh hiện đại để các nước noi theo. Trái lại, nhận xét như bà Heidemarie lại có vẻ thực tế hơn, “Đúng là hạnh phúc xuất phát từ bên trong con người. Bởi vậy, những nghiên cứu cho thấy con người sống ở nước nghèo lại hạnh phúc hơn người ở nước giàu”. Tất nhiên, nghèo nhưng đừng quá nghèo đến mức đói khổ gầy trơ xương như không ít người hiện nay ở châu Phi.
Sống nghèo nhưng được bình yên hạnh phúc hơn, đây là một thực tế có cơ sở chứng minh vững chắc chứ không phải lời nói vu khoát. Hình ảnh ngược lại với một số quốc gia phát triển theo hướng thiên trọng văn minh vật chất là các nước Lào, Campuchia, Myanmar (Miến Điện)… trước đây, theo truyền thống có lối sống dựa trên nền kinh tế chịu ảnh hưởng Phật giáo mà có được cuộc sống tương đối bình ổn. Nay do bị cuốn hút bởi trào lưu công nghiệp hóa hiện đại hóa, và bị các giới đặc quyền chính trị-kinh tế lợi dụng chi phối, dân tộc Lào và Campuchia đã không còn được sống bình yên như trước, phong tục tập quán tốt đẹp bị xáo trộn dữ dội và đang phải đứng trước những thách thức thật sự đáng lo ngại trong việc họ phải đối đầu với hiểm họa môi trường do các dự án xây dựng gây ra, khiến cho “cây đa cũng cụt, dòng sông cũng què”, ruộng đồng bị “bê tông hóa”, kèm theo là hiện tượng tiêu cực tham nhũng ngày một gia tăng. Trung Quốc, Việt Nam cũng đã và đang lâm vào tình hình tương tự nhưng còn nặng nề hơn, vì đi trước những nước kia một bước trên con đường “phát triển thần tốc”, ngoài ô nhiễm môi trường còn có nạn tham nhũng tràn lan vô phương cứu chữa, hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng sâu sắc, văn hóa-đạo đức xuống cấp thê thảm, các tệ đoan xã hội trong đó có nạn cướp của giết người dã man thừa cơ phát triển, khiến dân chúng phải sống trong tình trạng bị đe dọa thường trực, các nhà chức trách luôn điên đầu mà vẫn chưa tìm được giải pháp căn bản khả thi để ngăn chặn hiệu quả. Suy cho cùng, và nói đơn giản dễ hiểu, tất cả cũng chỉ vì xã hội nhắm mắt chạy theo đồng tiền!
Riêng tại Myanmar, tình trạng có lẽ khá hơn, đáng là hiện tượng để suy nghĩ, và có thể sẽ trở thành bài học tham khảo chung cho nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt cho những nước có trình độ phát triển tương tự nhưng đang quá hăng hái chạy đua theo con đường tiền của, vật chất mà bất chấp sự hủy hoại văn hóa-đạo đức cũng như môi sinh.
Như chúng ta đều biết, Myanmar là một nước nói chung rất nghèo, suốt hơn thế kỷ là thuộc địa của Anh (1825-1948), lại bị nạn quân phiệt đè ép trong 50 năm (1962-2010), nhưng bần cùng mà vẫn không sinh đạo tặc là nhờ giữ được nền văn hóa truyền thống cố hữu, biết “tri túc thiểu dục”, có nếp sống từ bi theo tinh thần Phật giáo, với 89% dân số theo đạo Phật (Tiểu thừa), phần lớn đều có thói quen thiền định mỗi ngày. Các nhà báo quốc tế khi đến Myanmar làm việc đều ghi nhận như vậy: người dân Myanmar tuy nghèo nhưng vẫn hiền lành, giàu lòng nhân ái, sự nghèo khó của họ không đồng nghĩa với sự xuống cấp về văn hóa-đạo đức. Từ thành thị xuống đến các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, người Myanmar không đánh lộn, không chửi thề, không phóng uế bừa bãi, không xả rác vô tội vạ, và đặc biệt là không có nạn trộm cắp, lừa đảo, hay dùng thủ đoạn ma mãnh để kiếm tiền bằng mọi giá!
Người Myanmar hiện đại lẽ tất nhiên không phải là một dân tộc “sống không cần tiền” như trong nền kinh tế “hoán vật” của loài người sơ khai, nhưng không phải vì tiền, vì nhắm mắt chạy đua theo của cải vật chất mà sinh ra nạn phá rừng vô tội vạ làm hủy hoại môi trường, hoặc trộm cướp bất lương. Trái lại, phần lớn họ chỉ “xin Phật cho con mỗi ngày dùng đủ”. Cho nên có thể nói, triết lý sống không cần tiền rất gần gũi với lối sống của nhà Phật.
Ảnh hưởng tốt đẹp của đạo Phật trong việc giúp thắng bớt tham vọng chạy đua vật chất quá đà của thế giới hiện nay, tích cực góp phần gìn giữ hòa bình và sự an lạc cho toàn cõi hành tinh của chúng ta, đã được chứng minh một cách hùng hồn qua thực tế Myanmar, một quốc gia lấy đạo Phật làm quốc giáo, ở đó “tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân”, hầu hết ai cũng muốn sống theo tinh thần từ bi, tri túc thiểu dục của nhà Phật.
Cả thế giới hiện nay đang cùng nhìn về nước Myanmar với cuộc cải cách lớn từ đầu năm 2011 theo hướng dân chủ hóa đời sống chính trị của đất nước. Nếu cuộc cải cách này thành công, mà vẫn giữ được truyền thống văn hóa Phật giáo, người ta có rất nhiều lý do để tin tưởng quốc gia này sẽ có một tương lai phát triển tốt đẹp và bền vững, nghĩa là phát triển cân bằng, không hủy hoại môi sinh và những mặt tích cực khác trong đời sống tâm linh theo truyền thống Phật giáo.  (TC. Văn Hóa Phật Giáo)

Trần Văn Chánh.

Wednesday, February 4, 2015

Dũng khí linh thiêng


       Cuộc đời có đó lại không
Trăm năm còn lại tấm lòng mà thôi.

Lúc một người ra đi từ biệt cõi trần, cái gì còn sống mãi trong lòng người ở lại? Tiền vàng bạc nén, lầu cao xe xịn ư? Không, chúng chỉ là phương tiện vật chất tạm dùng cho thân xác bên ngoài. Danh cao chức lớn, bằng cấp học vị ư? Càng không, chúng nhanh chóng tiêu tan như làn sóng trước bị làn sóng sau đánh đổ. Còn lại tấm lòng, câu thơ trên đã gợi ý như thế. Với tôi, tấm lòng ấy là toàn bộ nhân cách sống, lý tưởng sống và đức hạnh sống. Một trong những biểu hiện trầm mà hùng của nhân cách ấy, của lý tưởng ấy và của đạo hạnh ấy là dũng khí tu hành. Dũng khí này càng sống động mãnh liệt và càng linh thiêng hơn khi người ấy lìa trần trong niềm kính thương của hàng vạn trái tim. Tôi muốn nói đến dũng khí thiêng liêng trong cuộc đời tu hành của thầy Nguyên Thanh – Nguyễn Tư Trừng.

Khi thầy nằm xuống, ai đã từng một lần tiếp xúc với thầy cũng bùi ngùi thương xót. Tôi, chắc chắn các bạn cũng thế, không lạ với chuyện sanh ly tử biệt. Không lạ bởi đã chứng kiến nhiều, thậm chí đau thương hơn. Không lạ vì đó là chuyện đương nhiên phải đến, phải trải qua của thân phận người. Không lạ vì rồi đây chính mình cũng chạm trán đối đầu. Tuy vậy, không lạ nhưng bỗng dung trở thành rất lạ: bao nhiêu kỷ niệm với thầy tuôn về trong ký ức, rất nhiều hình ảnh thân thương về thầy chen chân hiện khởi, vô vàn câu chữ thân quen thầy viết thầy nói đua nhau vọng lại. Trong cảnh trạng tuôn về, đua nhau và chen chân như thế, biết chọn lọc sao đây để sắp xếp thành đoản văn cảm niệm ân thầy? Vì suy tư chọn lọc tôi đành lỗi hẹn với lời hứa soạn bài cảm niệm cho bạn bè đọc khi họ phúng điếu trước bát hương linh cửu thầy.

Tôi biết rất nhiều người đã viết, đang viết và sẽ viết, cảm nghĩ của họ về thầy. Ngay cả những ai chưa hoặc không viết, họ vẫn đang nhớ và thầm niệm ơn thầy. Tôi cũng đang làm việc đó, như là một lần nữa suy tư về thầy, một lần nữa cảm niệm công ơn thầy, một lần nữa nhắc nhở bản thân sống với cái dũng khí tu hành mà thầy đã thể hiện trong suốt cuộc đời mình. Tôi nói một lần nữa bởi khi thầy còn sinh tiền, thầy đã gợi cảm hứng cho tôi viết bài Duy ma xứ Huế.

Dũng khí linh thiêng toát ra từ ánh mắt thầy, dáng đi thầy, tiếng nói thầy, cử chỉ thầy. Nói chung là toàn bộ thân tâm thầy đều biểu hiện dũng khí ấy, cái khí chất dũng cảm vượt lên trên mọi dị biệt thị phi thường tục để thực hiện nhân cách, lý tưởng và đức hạnh của một người con Phật. Và cũng chính cái khí chất ấy khiến người có trí phải chú ý đến thầy. Họ kính trọng thầy vì dũng khí ấy. Họ thương mến thầy vì dũng khí ấy. Họ thấy đời họ ý nghĩa hơn vạn lần khi sống cuộc đời mà có dũng khí như thầy. Thầy khác người do thầy hâm nóng dũng khí đó. Thầy lạ lùng do thầy mang dũng khí đó. Thầy thâm sâu và cao sang cũng vì thầy thể hiện một cách hào hùng dũng khí đó. Ngay bây giờ đây, thầy xuất hiện nổi bật trong tâm trí chúng ta cũng bởi thầy là hiện thân của dũng khí đó. Dũng khí linh thiêng là những điều giản dị sau đây.

Người đời đa dục thì thầy thiểu dục. Thế gian háo danh thì thầy vô danh. Học trò thầy rượt đuổi lối sống bằng tâm vô yểm túc duy đắc đa cầu; thầy lại thực tập hạnh tri túc, an bần thủ đạo. Người ta lầu cao cửa rộng; thầy nương thân chốn nhà thấp vườn xanh. Ai kia xe ngựa dập dìu, còn thầy nâng nui “ô tô hai bánh” cũ mèm. Bạn bè thầy vui cảnh con đàn cháu đống; tôi thương thầy cảnh sớm tối đơn thân chiếc bóng. Nhìn người bên cạnh nhung gấm lụa là, tôi kính thầy thư thả với chiếc nhật bình nâu sờn bạc màu hương khói. Bậc học giả tri thức ăn trên ngồi trước nhưng thầy, cũng từng giáo sư, vẫn an nhiên ăn bần ngồi sau. Ở đời ai không bảo thưởng thức sơn hào hải vị là sang? Ngược lại, thầy nhấn mạnh rau cà dưa muối, khoai lang củ sắn mới sang. Người ta sống nhanh hưởng vội còn thầy sống chậm bao dung. Nương vào chút công lao phục vụ đoàn thể, biết bao người sống nhìn mặt đặt tên; với thầy ai một lần gặp cũng nhìn mặt là yêu thương, nghe tên liền tha thứ. Bao dân sĩ trí thức mai một dần tín tâm với Tam Bảo thời ngũ trược nhưng thầy trung kiên một lòng kính Phật trọng Tăng. Số đông chạy theo lối sống rượt đuổi ngũ dục bên ngoài, thầy chánh niệm tỉnh giác với đời sống ngũ quán nội tâm bên trong. Người ta phức tạp thì thầy đơn sơ. Người đời nông cạn, đấu đá, tỵ hiềm còn thầy sâu sắc, nhường nhịn, bao dung. Năng lực nào đã giúp thầy can đảm sống ngược đời thuận đạo như thế? Cái gì đã tiếp sức cho thầy dám thể hiện những hành động "khác người" đến thế? Tôi khẳng định đó là dũng khí tu hành.

Dũng khí ấy  đến từ đâu? Tôi đoan chắc dũng khí ấy  đến từ sự chánh tín, như pháp tự của thầy. Chính niềm tin chân chánh vạch đường cho lý tưởng cao đẹp. Dũng khí ấy ngày càng mạnh mẽ, vững chãi và tỏa sáng bằng chánh hạnh. Chính những hành vi cử chỉ nhẹ nhàng tự tại, chậm rãi của thầy xác định nhân - cách - sống thầy cao quý. Và rồi, niềm tin cộng thêm sự thực tập chánh pháp đã hun đúc thành một vị đức - hạnh - sống thanh tao, đúng như pháp danh Nguyên Thanh của thầy.

Tôi ý thức rằng không nên ca ngợi ai một trăm phần trăm, dù đó là thần tượng, là mẫu người lý tưởng, là người mình yêu thương. Điều này cho thấy, sống trong đời mấy ai hoàn hảo, toàn hảo. Mà tôi đâu có ca ngợi khống thầy. Tôi chỉ nêu những dẫn chứng tiêu biểu và cụ thể về thầy mà tôi, và chắc chắn các bạn cũng vây, thấy bằng mắt, tôi nghe bằng tai, tôi cảm bằng tâm hồn. Ai thì không biết, nhưng theo tôi, chính những công hạnh "ngược đời" nên trên là hành động xuất phát từ dũng khí tu hành. Những việc đó cần có lòng can đảm và niềm tin chân chánh mới có thể làm được, sống được. Lòng cam đảm ấy, thầy có, thậm chí có nhiều, và các bạn cũng có, nhưng không dễ nhận ra và thưởng thức.

Sống nghịch đời thuận đạo cần có một ý chí sắt  đá – dũng khí linh thiêng. Nhờ ý chí sắt đá này mà ta vững tâm bước qua mọi khen chê thị phi thế tục, thậm chí thị phi tông môn pháp phái. Nhờ dũng khí đó mà ta kiên định hơn trong lập trường tu thân và hành đạo. Nhờ lòng dũng cảm đó mà ta dám làm những gì cần phải làm cho bản thân và đạo pháp. Và cũng nhờ sự linh thiêng của dũng khó đó mà có thể thức tỉnh những hồn say đang lạc lối đường tơ. Thời gian mười năm học hỏi và thân cận với thầy đã nuôi dưỡng dũng khí ấy trong tôi.

Một lần nữa tôi lại thắp nén hương lòng cách nửa vòng trái đất kính viếng trước hương án thầy. Sống trong lòng mà chết cũng trong lòng. Ai bảo thầy từ biệt trần gian? Thầy vẫn còn sống một cách sinh động trong từng nếp suy tư, nơi từng cách tu hành của chúng ta. Thể xác thầy tan nhưng tinh anh thầy sáng. Chúng ta phải tiếp tục thắp sáng tinh anh ấy: dũng cảm sống theo chánh pháp trong đời ngũ trược.

Chùa Việt Nam, Boston 10.10.2012
Học trò Hoàng Châu Thành.

Duy ma xứ Huế

Với lòng trân trọng sâu sắc, thành kính gởi đến quý Thầy, Cô cư sĩ ở Huế.

Tám năm sống ở Huế giúp tôi gần gũi với một số cư sĩ Phật tử đặc biệt.

Nói đặc biệt không phải vì họ khác người, lập dị, điên khùng.

Họ, đặc biệt chẳng phải vì họ là những đại gia hào phú, càng không phải những người quyền cao thế trọng.

Họ đặc biệt vì họ là hiện thân của cư sĩ Duy-ma-cật trong bản kinh Đại thừa cùng tên. Tôi nói họ là hiện thân vì đời sống họ ẩn hiện nhiều nét tương đồng với hình ảnh cư sĩ Duy-ma.

Tôi sẽ chỉ ra cái đặc biệt của họ để chúng ta cùng: nhìn người để ngắm lại ta.

Họ, trước tiên, là những người trí thức, những giáo viên mẫu mực. Họ không những làu thông khối tri thức xã hội mà còn uyên thâm kho tàng giáo lý đạo Phật.

Có người từng làm Giáo sư Đại học Huế, từng du học Mỹ, cũng có người đang đứng lớp, có người cần mẫn bên những quyển sách trong thư viện, nhưng nét chung của họ là sống và làm việc theo tư tưởng Phật giáo.

Vì vậy, họ là những Phật tử thuần thành, trung kiên, tiêu biểu cho lực lượng Phật tử trí thức Huế. Thân xác họ có vẻ khô cằn, ốm yếu già nua nhưng tâm hồn họ tươi mát, mạnh mẽ.

Họ dũng cảm từ bỏ danh lợi hảo huyền thế gian để đầu tư và sống với gia đình xuất thế.

Từ nhà đến trường gần chục cây số nhưng họ đi xe đạp. Giáo viên, Giáo sư thời bây giờ đâu ai nghèo đến nỗi không sắm nổi Honda? Họ đi xe đạp hoặc xe ôm không phải họ nghèo, họ keo, họ lập dị.

Họ thích tự đi bằng đôi chân của mình vì họ giản dị, không đua đòi xa xỉ. Họ xem thường vật chất kỹ nghệ bởi họ quen với niềm vui tinh thần bên trong. Họ rèn luyện sức khỏe bằng cách sống chậm lại để thưởng thức an lạc hiện tại.

Giản dị là tinh hoa của cái đẹp. Sức khỏe là vàng. An trú hiện tại là Niết-bàn trần gian. Ai dám bảo họ tự làm khổ, tự hành xác mình?

Họ thích khoai sắn luộc, đậu bắp, đậu rồng, chao kho, tương dưa, cải muối đâu phải họ nông dân? Dưới con mắt họ, ăn chay mới sang. Càng giản đơn vật chất càng cao và sáng tinh thần.

Giết loài vật để thỏa mãn ba tấc lưỡi là “bần”. Đến nhà họ như bạn dạo vườn hoa. Hoa của họ không bị chăm sóc tăn măn tỉ mỉ đâu, vì họ vốn giản dị. Họ sợ cây cối đau, rỉ máu nên hạn chế cắt tỉa, uốn nắn. Họ chỉ bón phân cho lá xanh bông thắm, rất tự nhiên hệt như sự tự nhiên tâm hồn họ. Đào mận chín đỏ, không hái, tự rụng; hồng mọng trĩu cây, họ để nguyên, cấm trèo. Cỏ dại không sạc, chả bơm thuốc diệt, chỉ nhổ bằng tay, từng cọng thôi.

Chậu kiểng, họ không xịt bằng vòi mà múc từng gáo làm từ gáo dừa khô, tưới rất chậm rãi, khoan thai như chính bước chân của họ.

Họ yêu thiên nhiên, trân trọng từng bông hoa ngọn lá như yêu bản thân họ. Đời sống họ còn phảng phất hương thơm tư tưởng Lão Trang.

Thân họ nhỏ gọn nhưng tâm họ cao rộng. Rộng, vì họ sống không vị kỉ cho riêng bản thân, gia đình. Họ biết sắp xếp ổn thỏa mọi việc gia đình trước khi tham gia các công tác Phật sự.

Một vài người trong số họ không lập gia đình vì Phật giáo là nhà, chúng sinh là con, hoằng pháp là gia vụ, lợi sinh là sự nghiệp.

Cao, vì họ làm việc bằng cả tấm lòng chứ không phải đồng bạc. Cao, vì họ sống và làm việc trong sự hướng dẫn của chính pháp.

Họ đến với Phật giáo bằng lý trí chứ không phải bằng tình cảm, niềm tin hời hợt sáng nắng chiều mưa.

Họ mộ đạo bằng cách tự mình thực hành giáo lý. Từ đó họ có cái nhìn đúng đắn về nhân sinh thế thái. Họ cao vì họ vô tâm, vô sự, vô danh.

Trước đám đông, họ bao giờ cũng khiêm tốn, im lặng và thiện chí lắng nghe. Họ thích đi sau, ngồi cuối.

Cách hộ trì chính pháp của họ là chăm lo giáo dục chứ không phải từ thiện. Giáo dục con người quan trọng hơn bất cứ điều gì khác.

Ý thức điều đó, họ cực kỳ nhiệt tâm trong việc tham gia giảng dạy cho Tăng Ni sinh. Đôi khi chúng tôi thấy mình có lỗi vì một vài lần tỏ ra chưa trân trọng tấm lòng và công sức của họ.

Người biết nhiều thường ít nói nhưng kẻ biết ít lại nói nhiều. Họ thường ít nói. Dường như họ nhận thức rất rõ giới hạn của ngôn ngữ nên họ hạn chế tối đa.

Họ giao tiếp bằng ánh mắt, nụ cười, bàn tay hơn cái miệng. Quân tử nói bằng việc làm, tiểu nhân nói bằng ngọn lưỡi.

Hãy nhìn họ đi bạn mới thấy họ trầm tĩnh đến mức độ nào. Bạn có tin họ dắt xe đạp từ trong nhà ra khỏi cửa hết mười lăm phút không? Lớp trẻ thường có thái độ chán ngán khi đi sau họ. Họ mặc. Họ chỉ biết họ đang làm gì và cố gắng làm cho hoàn hảo nhất, chậm rãi nhất, khoan thai nhất. Dường như thế giới này chỉ có một mình họ.

Họ suy tư những điều mà không phải ai cũng có thể thấu hiểu được. Họ cảm thấy lo lắng khi Phật giáo Huế bùng nổ việc xây dựng chùa to Phật lớn. Phát triển ồ ạt hình thức bề ngoài là dấu hiệu suy tàn, trống rỗng nội dung bên trong.

Họ thương xót thấy đạo đức một số Tăng Ni học đường xuống dốc.

Họ than thở và đau buồn khi chứng kiến một số tu sĩ không có tài năng vẫn chạy đua bằng cấp, học vị.

Phật giáo không bao giờ dừng lại ở kiến thức nên tu sĩ chỉ học thôi vẫn chưa đủ.

Họ tâm sự, thời này đâu cần du học nước ngoài mới giỏi, ở Việt Nam mà chuyên tâm học một môn cũng giỏi. Họ là minh chứng.

Họ cười khi thấy Phật giáo Việt Nam có vị thế trên diễn đàn Phật giáo quốc tế nhưng họ cũng ôm ấp nhiều trăn trở về những tiêu cực của tình hình giáo dục Phật giáo hiện nay.

Con cháu họ đôi khi không hiểu nổi cha mình, thậm chí còn trách ngầm. Chúng trách họ vì tầm nhìn của chúng hẹp và cạn. Chúng chỉ thấy một điều trước mắt mà không biết những cái trên đầu, sau lưng và dưới gót.

Đôi lúc họ buồn vì ít ai hiểu họ. Cây cao thường đứng một mình. Họ cô liêu độc bộ nhưng tuyệt không cô đơn.

Chúng tôi, Tăng Ni học trò của họ, thường trầm trồ thán phục đạo phong cốt cách của họ. Mỗi khi đứng lớp, họ không chỉ trao truyền kiến thức; mà còn trút cả kinh nghiệm tu học của chính bản thân họ.

Họ dạy chúng tôi không chỉ bằng nét chữ, câu nói mà bằng cả tâm hồn. Thân giáo, khẩu giáo của họ đều đáng cho chúng tôi bắt chước.

Tiếp xúc với họ rồi mới thấy hổ thẹn. Chúng tôi tự biết kiến thức thế gian không bằng họ, trình độ Phật pháp chưa chắc thâm sâu hơn họ.

Hổ thẹn để tự sách tấn bản thân và trân quý và thân cận những vị đại thiện tri thức chứ không tự ty.

Vì niềm tôn trọng sâu xa, những khi đi trên đường tôi không dám qua mặt họ. Giảm ga, đạp thắng, tôi thâm nhập vào thế giới tâm linh chậm rãi, bình yên của họ.

Chúng tôi bao giờ cũng tôn trọng và gần gũi song, vì trẻ con, đôi lúc hay chọc họ.

Họ không tức giận mà còn tỏ ra cực kỳ nhẫn nhịn. Bất cứ Tăng Ni sinh ngoan nào cũng nhớ nhiều kỉ niệm đẹp khi có dịp tiếp xúc với họ.

Họ là ai? Đừng bảo tôi chỉ đích danh. Tôi không thích mà chắc họ cũng chẳng ưa. Tôi ghi lại đôi dòng về họ để chúng ta trân trọng, thân gần, học hỏi chứ không phải để sùng bái cá nhân.

Thân cận vị cư sĩ như họ để tu sĩ chúng ta nhìn lại đạo phong, đạo tâm, phong cách, tính cách, ngôn ngữ của mình.

Chúng ta so sánh không phải để hơn thua, cao thấp mà để thăng tiến trên bước đường tu học. Việc tu hành không phân biệt tu sĩ hay cư sĩ. Xuất gia chưa chắc đã giải thoát. Tại gia chưa hẳn ràng buộc.

Họ tôn kính chúng ta vì chiếc áo và cái đầu. Chúng ta, nhờ thiện nghiệp sâu dày, thoát khỏi sợi dây ân ái gia đình quấn thắt nên có nhiều điều kiện thuận lợi tu hành hơn họ.

Trong cảnh con là nợ vợ là oan gia, họ thật dũng mãnh mới có thể sống theo tinh thần thiểu dục tri túc. Chính công hạnh tu hành của họ làm họ cao, sáng và sang hơn người khác.

Sự thực hành giáo lý Phật dạy đã chắp cánh cho họ bay vào thế giới thanh bình, thong dong tự tại ngay khi họ cư trú tại cõi trần giả dối, chụp giựt, ràng buộc này.

Tôi muốn ghi lại một vài điều ý nghĩa nhỏ bé trong cuộc sống thênh thang của họ như một lời niệm ân chân thành nhất gởi đến họ. Vì mãi chăm lo học hành, đôi khi chúng ta quên cảm ơn quà tặng cuộc sống mà người khác âm thầm trao tặng cho ta hằng ngày.

Nay là lúc chúng ta thực hiện công việc ý nghĩa ấy.

Huế vẫn còn đó những người con rất Huế, dù trẻ già, nam nữ, đạo đời. Phật giáo Huế thời nào cũng có những cư sĩ hộ đạo trung thành và sáng suốt sát cánh bên các bậc Cao tăng thạc đức.

Họ hiện hữu ngay bên cạnh những kẻ phản diện nhưng không hề tranh cãi.

Họ không cố làm cho mình nổi bật trước đám đông nhưng luôn có địa vị cao và sang trong tâm trí chúng tôi.

Ngài Duy-ma xưa hẳn mỉm cười hoan hỷ khi thấy hình ảnh sống của mình hiện diện khắp nơi.

Mỗi khi nghĩ về Huế, tôi không thể không nhớ họ, thương họ và trân trọng những giây phút bên cạnh họ.

Lời cuối con muốn thưa với Thầy: quý Thầy không cô độc. Đâu đó, bên cạnh, sau lưng, vẫn âm thầm hiện hữu một vài tu sĩ hiểu tâm sự của quý Thầy, đồng cảm với những ưu tư của quý Thầy.

Họ đã ý thức được phải làm gì duy trì Phật giáo như quý Thầy. Tre già đừng buồn vì măng non không mọc. Lũy tre xanh Phật giáo luôn ẩn hiện những chồi măng mập, thẳng và cứng.

Cầu nguyện các vị tu sĩ ấy cố gắng hoàn thiện đức độ và trí tuệ để sống như và hơn họ.

**Xin trích đăng các bài viết này để tri ân những vị cư sĩ Phật tử rất đáng kính của tôi, TP.PA**