Wednesday, October 30, 2013

CHUYỆN LẠ TRONG THẠCH ĐỘNG SARIKA


Đại đức Ācariya Mun ở trong động Sarika trong vòng ba năm liền, và trong thời gian ấy có nhiều chuyện lạ đáng kể và không thể quên. Theo trí nhớ không lầm của tôi, tác giả, thì lúc đầu ngài tới làng Ban Gluay ở gần thạch động, mà không xa lắm cho việc đi khất thực. Vì là người mới tới khu vực nầy, nên đại đức ngõ lời nhờ dân làng hướng dẫn lên tới thạch động trên núi. Nhưng dân làng tỏ ra rất e ngại, không muốn đưa đi. Họ thuật cho ngài nghe sự tích của thạch động mà họ cho là ghê gớm lắm. Nhiều vị Tỳ khưu đã lên đó trước đại đức, được biết là mắc phải một chứng bịnh rất nặng khiến cho các vị ấy rút lui, bỏ đi nơi khác. Có mấy vị mất mạng ở tại đó nữa. Người ta tin rằng thạch động đã bị một đại ác thần có quyền lực ghê gớm chiếm cứ rồi. Và vị thần đó sử dụng phép lạ chống đối lại bất kỳ ai lên ở trong động của mình, và làm kẻ xâm phạm bỏ mạng tại đó nữa. Hình như ác thần ưa khiêu khích bất kỳ vị Tỳ khưu nào dám xâm nhập lãnh vực của mình, dầu cho họ có tài phép bùa chú giỏi bậc nào đi nữa, và kết cuộc thường là vị Tỳ khưu ấy thọ bịnh và chết cấp kỳ. Chính vì sự kiện nầy, mà dân làng không muốn đưa đại đức tới thạch động. Sợ rằng đại đức lại sẽ vong mạng như mấy vị trước đó. Nghe tới đây, đại đức bèn hỏi con quỷ lớn ở thạch động làm cách nào cho người ta biết nó? Họ đáp rằng: Chỉ nội đêm đầu, người khách lạ sẽ chiêm bao thấy một con quỷ đen, cao lớn hiện đến, cặp mắt dữ tợn dễ sợ và lăm le muốn hạ sát kẻ lạ. Con quỷ tự xưng là chủ và là thần trấn thủ thạch động, có độc quyền ngự trị trọn cả vùng nầy, nó không dung tha cho kẻ đột nhập phi pháp, và sẽ lôi kéo tống cổ đuổi đi lập tức bất cứ kẻ nào dám xâm phạm vương quốc của nó. Và trong phần nhiều trường hợp ấy vị khách không thể trú ngụ lâu ngày tại đó. Vài vị được biết là đã xuống núi sau đêm đầu tiên, với nét mặt kinh sợ và thề rằng sẽ không bao giờ trở lại nữa. Rồi có mấy người khác đã lên mà không thấy trở xuống, chắc có lẽ đã chết trên đó. Gần đây nhất là trường hợp, có bốn vị Tỳ khưu vừa mới chết cách đó không lâu. Lúc mới tới khu vực nầy họ được dân làng khuyên không nên ở cái hang động đó, tuy nhiên một trong số họ khoe là có bùa phép oai lực, đủ để tự bảo vệ họ. Nhưng sau khi lên tới đó thì họ bị bệnh, phải trở xuống làng với triệu chứng nhức đầu và sốt cao, và bị đau bụng dữ dội, và cuối cùng thì bỏ xác tại làng. Họ không chắc là cái chết của các vị Tỳ khưu đó là do con quỷ làm chết hay là vì lý do khác, nhưng có một điều là họ biết chắc có một oai lực hiện hữu tại hang động đó. Sự tích cái hang động thật là khiếp sợ, do đó dân làng khuyên nhà sư hay khách lạ, những ai vì có lẽ muốn tìm kiếm oai lực, hay bùa chú đặc biệt gì tại đó, thì không nên tới. Dù rằng chưa tận mắt thấy, nhưng dân làng đã chứng kiến những hiện tượng lạ xảy ra.

Tuy nghe câu chuyện rùng rợn của dân làng, nhưng đại đức vẫn không thối chí mà quyết định lên đó ở xem hư thực ra sao, và đại đức nghĩ rằng đây là dịp may thử thách phát triển chánh niệm và nhờ đó phát hiện ra vài bài học quí giá trong việc hành thiền. Ngài đã có một tâm bất thối và vô úy trong việc chân chính trên đường giải thoát. Đại đức khiêm tốn thuyết phục dân làng dù rằng câu chuyện thật sự đáng sợ, nhưng đại đức vẫn còn muốn lên ở đó, và trấn an dân chúng rằng khi ngài thấy có một dấu hiệu nguy hiểm nào tới tánh mạng thì ngài lập tức rời hang xuống núi. Thấy không thể ngăn cản được ngài họ đành thuận theo mà chỉ đường lên hang cho ngài.

Những ngày đầu ở trong thạch động, đại đức không thấy xảy ra chuyện chi lạ. Thân tâm đại đức được thảnh thơi vui thú nhờ nơi phong cảnh tịch mịch quạnh hiu. Lâu lâu mới nghe tiếng la hú ồn ào của loài dã thú đi lang thang trong vùng ấy. Nhưng những đêm sau đó, thì chứng đau dạ dày lúc trước thỉnh thoảng làm khổ ngài, bây giờ phát trở lại, và kỳ nầy nó có vẻ dây dưa trầm trọng lắm. Có khi đại đức đi tiêu ra máu, và bộ tiêu hóa hình như bị tê liệt không hoạt động nữa, ăn món gì thì đi tiêu ra cũng thấy còn nguyên. Đại đức nhớ tới lời cảnh cáo của dân làng rằng đã có bốn vị Tỳ khưa đã chết gần đây. Đại đức nghĩ: Có thể mình sẽ là nạn nhân thứ năm, nếu cơn bệnh cứ tiếp tục như thế! Một buổi sáng, sau khi có vài người dân làng lên thăm đại đức, ngài nhờ dân làng kiếm thuốc làm bằng vài thứ lá cây và từ rễ cây, mà trước kia ngài đã dùng thấy công hiệu. Nhưng rồi, tất cả thuốc men đều vô hiệu. Bịnh càng ngày càng nặng thêm. Thân thể của đại đức suy nhược, mặc dầu tinh thần ngài không bị ảnh hưởng nhiều nhưng cũng giảm sút. Ngày kia khi đang uống thuốc, ngài tự kiểm xét rằng: “Ta đã uống thuốc đã nhiều ngày, nếu thật sự thuốc công hiệu thì bệnh ta giờ nầy đã thuyên giảm rồi. Mà càng ngày bệnh càng nặng, đó là vì thuốc không công hiệu cho bệnh trạng của ta giờ nầy nữa. Vậy thì ta còn ỷ lại nơi thuốc men làm chi nữa”. Nghĩ vậy, ngài ngưng dùng thứ y dược chế hóa thông thường, mà chỉ nương cậy vào hiệu năng trị liệu của Pháp (Dhamma), nếu như Pháp dược không thể chữa nỗi xác thân nầy, thì hãy để cho nó chết tại đây, trong cái hang động nầy. Đại đức tự nhủ lấy mình rằng: “Ta là Phật tử, đã tiến hành khá xa, đủ để biết chắc con đường dẫn tới đạo (Magga), quả (Phala) và Niết bàn (Nibbāna). Tại sao ta lại thối chí ngã lòng vì chút nỗi khổ đau nầy? Nếu như ta chịu thua bấy nhiêu đau khổ ở giai đoạn nầy, thì ta còn hy vọng gì được nữa, khi trận chiến đấu quyết định bộc phát vào lúc xác thân tan rã, khi mà nỗi đau đớn dồn dập bủa đến, không nương tay thì ta còn sức đâu mà tỉnh thức mà chuyển hóa tâm thức, giải thoát khỏi tử sanh”. Tự khuyến cáo như thế, đại đức nghỉ uống thuốc và khởi sự tham thiền để nương cậy nơi hiệu năng trị liệu của Pháp Phật mà thôi. Cái thân này được cái ý đeo níu vào mạng sống bị bỏ rơi. Ngài để xác thân theo cách tự nhiên của nó, chỉ dùng mọi nổ lực mà quán tâm. Niệm và tuệ sánh đôi với tín và tấn bám sát theo cái tâm không chết nhưng cứ luôn luôn sợ chết. Con mắt giải phẫu của tuệ được nhắm ngay đến cảm thọ (Vedanā) hay cảm giác đau khổ với những uẩn khác bị phân tích một cách vô tư. Thế là xác thân hay sắc (Rūpa) bị đau đớn, cảm giác hay cảm thọ (Vedanā) sự đau đớn, trí ghi nhớ hay tưởng (Saññā) biết đây là đau đớn, và hành (Sakhāra) cùng quá trình mà biết thân thể bị đau là thức (Viññāṇa), tất cả đều bị minh sát bởi chánh niệm và tuệ. Cuộc chiến đấu ác liệt sôi động từ mờ sáng tới nửa đêm thì chấm dứt, lúc ấy thì ngài “hiểu rõ” bản chất của các uẩn, và cái đau dai dẵng đã tự biểu lộ hoàn toàn. Lúc ấy thì chứng bịnh mất dạng và ngài an trú trong định. Ở tại điểm ấy có cái tâm đoạn diệt: dứt khổ, dứt bịnh, và dứt cảm ứng của tâm. An trú một lúc lâu trong đại định, tâm ngài rút khỏi xuống mức độ cạn hơn, gọi là cận hành định. Thì bỗng nhiên xác thân chói ngời hào quang làm phát hiện một người đàn ông da đen, bề cao độ mười thước, tay cầm cây côn to như bắp đùi người lớn, và dài độ bốn thước. Người ấy đến gần đại đức hùng hổ dọa nạt rằng: Nếu đại đức không đi khỏi chỗ ấy thì hắn ta sẽ đập cho một côn là bỏ mạng. Cây côn to nầy có thể nện xuống một cái là voi cũng phải nát thây. Đại đức hướng tâm đến con quỷ và bèn hỏi con quỷ tại sao nó muốn hạ sát ngài, và rõ ràng là đại đức không có làm lỗi chi, và cũng không làm hại ai mà phải chịu hình phạt khốc liệt. Con quỷ nói rằng nó đã được quyền bảo toàn vùng núi nầy, từ lâu rồi, và sẽ không dung tha cho kẻ nào dám cả gan thách thức, hoặc có ý định lấn lướt nó.

“Nhưng ta không thách thức ai, mà cũng chẳng có ý định lấn lướt người nào cả”, đại đức nói, “Chính vì muốn thách thức và lấn lướt những phiền não ngự trị trong tâm ta mà ta phải đến đây. Ta xin hết lòng khuyên can nhà ngươi chớ mong hãm hại ta, là một vị Tỳ khưu, đệ tử của đức Phật thế tôn mà oai lực, từ bi bao trùm khắp cả tam giới”. Trong khi giảng đạo cho con quỷ nghe, đại đức hỏi nó có đủ quyền lực thắng được nghiệp (Karma) không? Thì con quỷ trả lời: “Dạ không!”. Bấy giờ đại đức mới tiếp lời rằng: “Đức Phật có đủ quyền lực loại trừ khỏi tâm ngài, cái dục vọng muốn xâm lấn và hãm hại kẻ khác”, vậy bây giờ đại đức hỏi con quỷ “Nhà ngươi có đủ quyền lực làm như vậy không?”. Một lần nữa, con quỷ nhận rằng: Nó không có. Nghe vậy đại đức mới khuyên con quỷ, chỉ cho nó biết quyền lực của nó, nếu có chỉ là thứ làm cho nó trở thành kẻ thô lỗ, dã man, mà việc tạo nghiệp dữ sẽ làm nó lãnh hậu quả xấu xa và nặng nề, không biết rằng là làm hại kẻ khác chính là hại chính mình. “Ta là một Tỳ khưu, hành theo Pháp Phật, ta tu để lợi mình và lợi người. Đó là nguyện vọng của ta. Thế mà nhà ngươi đến đây định đánh đập, sát hại ta mà không biết đến tội ác đó sẽ lôi nhà ngươi vào khổ cảnh của ác đạo. Ta không lo ngại về mạng sống của ta cho bằng ta thương hại cho nhà ngươi, bởi vì nhà ngươi sắp bị hại do chỗ mê lầm chấp trước quyền lực của chính nhà ngươi. Hãy thử nghĩ xem trên đời có thứ quyền lực nào có thể cản nỗi quả báo của cái nghiệp ác mà nhà ngươi sắp tạo hôm nay chăng? Có thứ quyền lực nào bao trùm miền sơn dã nầy của nhà ngươi, mà có thể sửa đổi được Pháp (Dhamma) và nghiệp (Karma) chăng? Nếu như có, thì bây giờ nhà ngươi có thể tùy ý muốn làm gì thì làm. Ta thì không sợ chết, vì thế nào rồi ta cũng sẽ phải chết khi đến hạn kỳ, dầu nhà ngươi có cố tâm giết ta hay không cũng vậy. Cõi đời là chỗ của muôn loài tử sanh, kể cả nhà ngươi là kẻ mê lầm vì mặc cảm quyền lực”.

Trong khi đại đức Mun Bhūridatta dùng tâm dạy bảo con quỷ chúa, thì nó đứng sừng sững như bị trời trồng, không cử động và nói năng chi được cả. Nếu là con người, có thể nói là nó sợ quá mất thở và hổ thẹn, nhưng nó là chúng sanh ở cảnh giới khác, chúng không thở như chúng ta. Tuy là nó cố giữ vẻ tự nhiên nhưng rõ ràng là nó lộ vẻ sợ hãi và hổ thẹn, đến nỗi không thể kiềm chế được. Khi đại đức dứt thời pháp, thì nó chịu phép đầu hàng, và vứt bỏ cây côn vác trên vai xuống. Rồi nó biến hình thành ra một thiện nam nhu mì mến đạo. Nó hạ mình xin đại đức hoan hỷ miễn thứ những cử chỉ thô bạo và ý định xấu xa của nó. Và sau đây là lời tự thú tội của nó, chứng tỏ rằng nó đã có đức tin và đã cải tà quy chánh nhờ nghe thời pháp cảnh tỉnh của ngài. “Con thật hết sức kinh ngạc, ngay lúc gặp đại đức, những ngày trước đây. Hình như là có một đạo hào quang mạnh mẽ phi thường từ nơi đại đức phóng ra và chiếu thẳng vào con, làm tay chân con rũ liệt. Con cảm thấy chán nản một cách lạ kỳ, không muốn làm hại đại đức một chút nào cả. Lúc con bị chụp trong cái vùng hào quang mãnh liệt ấy. Việc nầy, thật con không biết được nguyên nhân, bởi vì con chưa từng thấy bao giờ. Nhưng đại đức có thể tin chắc rằng: Những cách hăm dọa của con dầu bằng cử chỉ hay ngôn ngữ cũng chỉ là giả đò, chứ không thật sự. Con đã hăm dọa đại đức như thế, chẳng qua là vì mặc cảm tự tôn, là vì con đã được các quỷ thần chung quanh vùng nầy qui phục, coi con như là vị chúa tướng. Chúng con đã quen sử dụng quyền lực của mình một cách thô bạo, và con nhân danh quỷ chúa, con bị bắt buộc phải làm một việc ngoài ý muốn của con, để mà bảo toàn danh vị. Con không hề có ý định nào thật sự muốn làm hại, chỉ vì thói quen muốn bắt nạt kẻ khác khi mình nghĩ mình có quyền lực trong tay. Đó là điều mà ai cũng phạm phải khi mình có chút quyền lực trong tay. Cầu xin đại đức hoan hỷ từ bi cho con sám hối những nghiệp chẳng lành, là việc xúc phạm đến đại đức trong ngày hôm nay. Xin cho nghiệp ấy tiêu tan và không bao giờ còn đè nặng oằn vai con nữa. Ngay từ bây giờ, sự đau khổ mà con đã thấy hầu như quá sức của con rồi”. Đại đức bèn hỏi con quỷ chúa, lúc bấy giờ đã biến thành một thiện nam tử, tại sao nó lại nói nó khổ, trong khi nó có một xác thân bằng thanh khí không cồng càng, nặng nề như thân người. Ngoài ra, nó không phải nặng lo vì kế sinh nhai, hoặc khổ vì phải kiếm chỗ tránh mưa nắng như trong hoàn cảnh của con người. Nó đáp rằng: “Nhìn bề ngoài, thì loài thần, trời, với thân thể trong sáng có vẻ sung sướng hơn loài người với xác thân thô kệch. Nhưng chúng con cũng có nỗi khổ, sự sai biệt phần nhiều là ở mức độ hơn là chủng loại”. [Mức độ khổ não (Dukkha) thì chúng sanh nào cũng có không phân biệt chủng loại, cảnh giới khi còn ở trong tam giới. Ở đây ý nói sự khổ não của loài trời thần còn nặng nề, thô tháo hơn các bậc tu hành chân chính ở cõi người, làm họ phải kính nể và quy ngưỡng].

Cuộc đối thoại giữa đại đức và quỷ chúa về vấn đề huyền bí nầy rất sâu xa khó hiểu, đến nỗi tôi, tác giả, không thể ghi lại chi tiết nơi đây, xin đọc giả thông cảm về chỗ thiếu xót nầy. Khi cuộc thảo luận chấm dứt, vị nam tử, trước kia là đại ác quỷ, đã được thấm nhuần Phật Pháp, bèn quy y Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng, và cầu xin đại đức làm giới sư. Vị ấy phát nguyện làm hộ pháp và thỉnh cầu ngài ở mãi luôn ở thạch động. Và sẽ bảo vệ ngài không cho bất cứ ai quấy rầy sự tịnh tu của đại đức. Thật sự thì vị ấy không phải là hắc quỷ như đã xuất hiện, đó chỉ là hình dáng giả tạo mà thôi. Vị ấy chính là chúa của những thọ thần. Vị ấy có một đoàn tùy tùng rất đông, trong cả vùng rừng núi Nakhon Nayok và bao gồm nhiều tỉnh khác nữa. Ngài an trụ trong cận hành định và đàm thoại với vị khách thần cho tới 4 giờ khuya, ngài mới xuất định. Chứng bịnh hoành hành, lúc đại đức khởi sự tham thiền, bây giờ đã dứt hẳn, hoàn toàn nhờ Pháp dược. Đây là kinh nghiệm quý báu mà ngài gặt hái được. Thay vì nghỉ mệt, ngài lại gia công gắng sức tham thiền cho tới sáng, mà thân thể không thấy gì mỏi mệt, trái lại tràn đầy sinh lực, sau một đêm nhiều biến cố: Ngài đã thấy Pháp Phật cảm hóa được một thần hữu tình thô bạo, kiêu ngạo thành một hữa tình có tín tâm vào Tam Bảo. Ngài đã an trụ trong đại định hàng giờ, trạng thái tịnh lạc cao siêu mà ngài kinh nghiệm được từ đại định, chứng bịnh kinh niên nay hoàn toàn khỏi hẳn, giờ đây tâm ngài đã có sự vững chắc, mà ngài có thể tin tưởng vào để biết đâu là pháp đúng đâu là pháp sai, và nhìn thấu rõ Sự Thật của mọi việc, mà lúc trước chưa đạt tới. Nhờ đó mà trừ được cấu uế của tâm và đạt được những phẩm chất cao quí mà tạo cho ngài một cá tánh đặc biệt. Trong những tháng kế, việc tham thiền của ngài tiến triển một cách dễ dàng và không còn trở ngại, và sự tịnh lạc có được thì không lời nào có thể diễn tả được điều an lạc đó. Thỉnh thoảng, về đêm ngài tiếp kiến các vị thọ thần, thổ địa, từ các vùng chung quanh, họ đến viếng thăm ngài do vị chủ thần vùng đó hướng dẫn. Khi không tiếp khách thì ngài an vui trong thiền định.

** Những mẫu chuyện về Ācariya Mun (Ajahn Mun) - Tác giả Ācariya Boowa (Ajahn Boowa) **

Friday, October 25, 2013

Cảm hứng!

Người Xưa nói rằng: Niết-bàn là an lạc tuyệt đối, mặc dù không tạo tác gì ở đó cả. Nghe cũng lạ tai, không làm gì cả mà cũng thưởng thức được sự hỷ lạc một cách sung mãn!
Trong khi mắt không thấy cảnh đẹp, tai không nghe tiếng hay, mũi không ngửi được hương thơm, miệng không thưởng thức các món ngon,... nhưng một người sau một giấc ngủ say lại cảm thấy rất là "ngon"! Một giấc ngủ say và ngon có thể phục hồi sức khỏe, khôi phục năng lực, đầu óc sáng suốt, minh mẫn,... Trong Abhidhamma, giấc ngủ say được biết với tên gọi Dòng hữu phần - bhavaṅga đang duy trì, là người đó đang thụ hưởng những tâm quả thiện (tâm quả dẫn tới việc tái sanh tốt là cõi trời người) nối tiếp nhau mà mình đã tạo trong kiếp trước đó, đây là thành quả tốt đẹp, thanh lương nên cảm thấy "ngon" hay "rất ngon"!
Hoặc một người ngồi trú niệm liên tục vào một đề mục trung tính, chưa tính tới việc trú thiền hay trú vào Niết-bàn an lạc tuyệt đối, thì nhiều lúc cũng cho quả tốt lành của việc làm này ngay sau đó, cảm nhận một sự an lạc mau hay lâu, không cần phải hưởng quả bhavaṅga của tiền kiếp (sợ hưởng hoài, ngủ hoài sẽ làm vơi cạn quả phước của mình đã tạo, nên tinh tấn gieo nhân tốt).
Do vậy, việc trú thiền hay trú vào Niết-bàn, mặc dù không cần lăng xăng tạo tác, ăn ngon mặc đẹp, vỗ béo cơ thể,... gì cả nhưng một người vẫn có được niềm hoan hỷ an lạc dài lâu như một người có được sau một giấc ngủ "rất sâu và rất ngon".

Huế, 0'0AM, 25/10/2013.
Thuận Pháp.

Saturday, October 19, 2013

Ý NGHĨA LỄ TỰ TỨ CỦA PHẬT GIÁO NAM TRUYỀN


Theo truyền thống Phật giáo Nam truyền (Theravāda), mùa an cư của chư Tăng bắt đầu từ ngày 16 tháng 6 âm lịch và kết thúc vào ngày rằm tháng 9 âm lịch. Sau ba tháng an cư mùa mưa, vào ngày kết thúc an cư mùa mưa, chư Tăng phải hội lại tại trú xứ mà mình nhập hạ để làm lễ tự tứ (pavāraṇā). Ngày Tự tứ có thể thực hiện vào ngày rằm tháng 9, cuối tháng 10 hoặc là trễ lắm là vào ngày rằm tháng 10 âm lịch, nghĩa là phải làm lễ tự tứ trong thời gian mùa mưa, không được quá mùa mưa[1].
Pavāraṇā thường được dịch là Tự tứ, và từ này đã được dùng phổ thông trong Phật giáo. Tuy nhiên, ý nghĩa chính thức và chủ yếu của từ Pavāraṇā có nghĩa là sự thỉnh cầu (pavāreti), sự yêu cầu, hay nói cách khác là sự thỉnh tội, tức là thỉnh cầu chư Tăng chỉ lỗi, nhắc nhở, khuyên bảo bằng tâm từ do thấy, do nghe, do nghi để vị Tỳ khưu đương sự thấy lỗi của mình mà sửa sai và hoàn thiện bản thân.
Đức Phật dạy trong Tạng Luật như sau:
Này các Tỳ khưu, đối với các tỳ khưu đã sống qua mùa mưa (an cư) ta cho phép thỉnh cầu dựa trên ba tình huống là do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ. Bằng cách ấy, các ngươi sẽ có được sự hòa thuận lẫn nhau, có được sự thoát ra khỏi tội, và có được sự hiểu rõ thêm về Luật.[2]
Theo tinh thần của Phật giáo, lễ Tự tứ hay thỉnh cầu vị khác chỉ lỗi của mình là một cách kiểm điểm lại bản thân mình, từ những hành động do thân, đến những lời nói phát ra từ khẩu, thậm chí là những suy nghĩ từ ý, nếu thấy những lời chỉ dạy đó là đúng sự thật, mình sẽ thành khẩn sám hối để được thanh tịnh. Nhờ vậy, mọi thành viên trong Tăng đoàn đều trở nên hoàn thiện, xứng đáng là bậc phước điền của nhân thiên.
Có lẽ nhiều người sẽ thấy rằng cách thức xây dựng như thế này hơi khác so với thế tục. Lẽ thường, chúng ta rất giàu lòng tự ái, sống mà chỉ biết chấp vào cái ngã của mình, không mấy ai muốn người khác biết khuyết điểm của mình, chứ đừng nói là có thể chấp nhận để cho họ nêu ra những lỗi lầm mà mình đã phạm. Giả sử có ai đó đụng đến tên tuổi, tự ngã của ta thì ta sẽ phản ứng lại bằng nhiều hình thức ăn miếng trả miếngngay lập tức, vì kẻ khác chạm đến nhược điểm của ta, đó là một sự xúc phạm tự ái không hề nhẹ, khó mà tha thứ được.
Học tập theo gương hạnh của đức Thế Tôn, chính Ngài, là bậc thầy của cả chư thiên và nhân loại, vậy mà Ngài vẫn đích thân làm lễ tự tứ với chúng Tỳ khưu Tăng. Đây sẽ là một bài học hữu ích về một vị Đạo Sư giản dị và bình thường như bao vị đạo sư khác mà không hề tầm thường.
Một thuở nọ, Thế Tôn trú ở Sāvatthi, tại Đông Viên, giảng đường Lộc Mẫu, cùng đại chúng khoảng năm trăm vị Tỳ khưu, tất cả đều chứng quả A-la-hán. Lúc bấy giờ, vào ngày lễ  Tự tứ của Tỳ khưu Tăng, Thế Tôn ngồi giữa đại chúng, sau khi nhìn quanh đại chúng im lặng, liền bảo các Tỳ khưu:
- Này các Tỳ khưu, Ta mời các ông nói lên, các ông có điều gì chỉ trích Ta hay không, về thân hay về lời nói?
Được nghe như vậy, Tôn giả Sāriputta từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, chúng con không có chỉ trích gì Thế Tôn về thân hay lời nói. Và bạch Thế Tôn, con xin mời Thế Tôn nói lên, Thế Tôn có điều gì chỉ trích con hay không, về thân hay về lời nói?
- Này Sāriputta, Ta không có gì chỉ trích ông về thân hay về lời nói.
- Bạch Thế Tôn, đối với năm trăm Tỳ khưu này, Thế Tôn có gì chỉ trích về thân và lời nói hay không?
- Này Sāriputta, đối với năm trăm Tỳ khưu này, ta không có gì chỉ trích về thân hay về lời nói.[3]
Trong xã hội của chúng ta, đa số mọi người chỉ mong cầu nghe những lời nói ngọt nào, đường mật để đưa họ lên đến dây điện lưới hay là nóc nhà, nhưng họ đâu biết rằng càng đưa lên cao thì họ sẽ càng té đau. Vì si mê, họ đâu biết điều đó mà chỉ lo đi tầm cầu cái tầm thường trong những cái quá bình thường mà họ không hề biết đến. Họ cho rằng“Người quân tử chỉ ca ngợi những đức hạnh của người, chứ không đề cập đến lỗi lầm của họ” [4]. Mới nghe qua thấy sao mà cao thượng quá, khiến ai cũng chạy theo răm rắp nhưng những kẻ a dua ăn hùa ấy đâu biết rằng họ đang sống theo một chủ nghĩa cầu an một cách đến tiêu cực, bởi vì những hành vi của họ chỉ muốn bảo đảm an toàn cho cá nhân mà không hề có một chút suy nghĩ gì đến việc xây dựng và phát triển của tập thể, của cộng đồng và xã hội.
Vượt ra ngoài thế gian phàm tục, đi ngược dòng đời, hàng xuất gia áp dụng phương thức thỉnh tội một cách tinh tế và đầy lòng vị tha. Tự tứ là nhằm mục đích xây dựng Tăng đoàn có một đời sống cao khiết, thanh tịnh và an lạc thực sự. Bởi vì, Tăng đoàn là một tập thể sống hòa hợp, vô ngã, theo đuổi một mục đích tối thượng là giác ngộ và giải thoát. Mà muốn thực sự giải thoát giác ngộ thì nỗ lực đoạn diệt những phiền não kiết sử như là thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân, ái sắc, ái vô sắc, mạn, trạo cử, vô minh[5]. Vì những kiết sử này vốn là những thế lực chủ yếu của ma vương, tay sai của luân hồi để cản trở chúng ta trên tiến trình hướng đến sự giác ngộ, vượt ra khỏi ma lực của tử thần.
Ye ca kho sammadakkhāte,
Dhamme dhammānuvattino;
Te janā pāramessanti,
Maccudheyyaṃ suduttaraṃ.
Những ai hành trì pháp, 
Theo chánh pháp khéo dạy,
Sẽ đến bờ bên kia, 
Vượt ma lực khó thoát.[6]
Trong đoàn thể chư Tỳ khưu Tăng, muốn cho được hoàn thiện, để đem lại đức tin đối với những người chưa có đức tin và làm tăng trưởng đức tin đối với những người đã có đức tin[7], nên Ðức Phật chế định cách hành Tăng sự Pavāraṇā của chư Tỳ khưu, từ vị Trưởng lão cho đến vị tân Tỳ khưu, mỗi vị đều thành tâm nghiêm chỉnh, tha thiết nói lên lời thỉnh mời chỉ rõ lỗi của mình, trong trường hợp do thấy, do nghe, hoặc do nghi ngờ. Khi nhận thấy đúng, vị ấy phải xin thành tâm sám hối và sửa chữa để trở nên thánh thiện, tốt đẹp. Tốt đẹp không chỉ riêng cho mình, mà còn chung cho đoàn thể chư Tỳ khưu Tăng. Ðó mới là ý nghĩa của việc hành Tăng sự Pavāraṇā (Lời thỉnh mời) đúng theo tinh thần giới luật cũng như là tinh thần của Phật giáo Nam truyền.

Posted on 12/10/2013  Tỳ khưu Định Phúc (Samādhipuñño)




[1] Thời tiết Ấn Độ chia thành 3 mùa trong năm là mùa nóng, mùa mưa và mùa lạnh.
[2] Luật Tạng, Đại Phẩm, Chương IV, Đoạn 14 (TK. Indacanda dịch Việt).
[3] Tương Ưng Bộ Kinh 1, Chương 8, Phần Tự Tứ (HT. Thích Minh Châu dịch Việt). (S.i.190)   
[4] Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác.
[5] Tăng Chi Bộ Kinh, Chương 10 Pháp, Phẩm Lợi Ích, Phần Các Kiết Sử (HT. Thích Minh Châu dịch Việt).
[6] Pháp Cú Kinh 86 (HT. Thích Minh Châu dịch Việt).
[7] Tạng Luật, Phân Tích Giới Tỳ Khưu, Chương I, Đoạn 40 (TK. Indacanda dịch Việt).

Tuesday, October 8, 2013

Những gánh quà sáng xứ Huế

Sao quên được những gánh quà sáng ở Huế, nó làm rộn ràng, huyên náo cả một góc ngã tư nhưng quá đỗi gần gũi, thân thuộc. Tự bao giờ đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần và ẩm thực nơi đây.

Khi còn nhỏ, sáng nào mẹ cũng ra đầu ngõ mua quà điểm tâm cho chúng tôi. Hồi đó phụ nữ không có thói quen ăn hàng ở vỉa hè như bây giờ. Tất cả đồ ăn làm sẵn được mua về ăn tại nhà, chứ con gái mới lớn cha mẹ không cho ăn vặt ở ngoài đường. Đầu ngõ nhà tôi hầu như là tập hợp của những gánh hàng quà đặc trưng nhất ở Huế. Tôi nhớ không lầm có đến gần chục món ăn được bày bán ở ngã tư Âm hồn, nội thành Huế.

Món quà sáng tôi ưa chuộng nhất thời đó là một tô cháo gạo đỏ thơm phức mùi lá dứa với một ít cá bống thệ kho rim hay có khi chỉ là một gói xôi nóng hổi bọc trong lá chuối với một nhúm muối mè. Nó giúp tôi ấm bụng vào những sớm mùa đông giá rét đi bộ đến trường. Thỉnh thoảng vào chủ nhật tôi mới có thì giờ thong thả để thưởng thức những món ngon khác như bún bò giò heo, bánh canh cua, xôi bắp. Nhìn vào gánh bún đã thấy hấp dẫn quá chừng với nồi nước bún nổi váng đỏ tươi gợi lên cảm giác cay xè vì có nhiều ớt.

Mỗi khi cô bán bún dùng cái vá để múc nước dùng vào tô, xăm xắp trong đó là những miếng chả cua béo ngậy, miếng giò búp săn chắc hay những lát thịt bò gân mềm mại, vừa húp nước bún nóng hổi vừa cắn một ít ớt hiểm cay xè thật là đã đời. Bên cạnh là gánh khoai sắn bốc khói nghi ngút, thơm lừng mà ai cũng muốn mua thêm để đến giữa buổi có cái lót dạ. Thỉnh thoảng tôi lại đổi món, ăn bánh canh Nam Phổ, nhìn nồi bột bốc khói thơm lừng, ở trên nổi tôm thịt vàng óng.

Tiết trời se lạnh, bưng trên tay tô bánh canh nóng hổi, vừa thổi vừa húp, vị ngọt của tôm tươi và gạch cua cứ đọng mãi trên đầu lưỡi. Ngồi ở cuối hàng là cô bán cơm hến lúc nào cũng có nhiều thực khách vây quanh. Gánh hàng nổi bật bởi nhiều màu sắc và hương vị, nồi nước luộc hến trắng ngà đang sôi sùng sục, từng xấp bánh tráng vàng ươm, giòn rụm, chén ớt chưng đỏ thắm, tô hành phi, đậu phụng rang mỡ màng.

Bắt mắt nhất là rổ rau sống với đầy đủ loại rau tươi rói như rau thơm, rau muống chẻ, rau tía tô, bắp chuối bào. Vị mặn mòi của ruốc biển, ngọt bùi của những con hến bé xíu, vị béo của tóp mỡ, cái giòn của đậu phụng và bánh tráng, cái mát lạnh của mớ rau sống ăn kèm và độc đáo nhất là miếng cơm nguội làm dịu đi vị cay xé lưỡi của ớt. Tất cả giao hòa với nhau làm nên hương vị tuyệt hảo của món ăn bình dân, đầy màu sắc và âm thanh, kích thích tất cả giác quan trong cơ thể.

Số ít người không thích dùng món cơm hến, có thể là do vị nồng của ruốc, vị cay tận óc của ớt hiểm, nhưng cảm giác ngắm nhìn người khác vừa ăn cơm hến vừa hít hà, chảy nước mắt nước mũi, toát mồ hôi cũng thú vị lắm. Nói không ngoa, cơm hến là món ăn “quốc hồn quốc túy” của người Huế.

Đầu xuân, tôi thường nhắc mẹ mua cho những trái bắp ở cồn Hến nóng hổi và ngọt lịm. Đó là thứ quà sáng giản dị mà tiện lợi nhất, đã đi khắp nơi nhưng chưa ở đâu tôi lại thấy bắp mềm mại, dẻo, bùi và thơm như bắp trồng ở bãi cồn này. Mùa bắp đi qua vẫn còn món xôi bắp cho những ai ghiền và nhớ món này. Xôi bắp được nấu rất công phu, bắp khô được ngâm trong nước vôi trong, sau đó chà thật kỹ, hầm nhiều giờ cho thật mềm sau đó hong lên với nếp. Tôi thích được ngắm nhìn cô bán hàng xới một ít xôi bắp ra dĩa bằng cái chén sành con con, rồi bào từng lát đậu xanh tơi bột lên trên, sau đó mới cho đậu đường và một ít dầu béo khử hành là xong.

Hai bàn tay cô nhanh thoăn thoắt, như đang múa trên gánh hàng. Còn nhiều món quà hấp dẫn khác tôi hay được ăn như bánh bột lọc bọc tôm thịt, bánh bèo, bánh nậm, những món bánh dung dị mà thấm đẫm hương đồng gió nội, cái tinh túy của nắng mưa ở mảnh đất miền Trung khắc nghiệt này. Chỉ hình dung lại thôi đã thấy bồi hồi, nhớ nhung, quay quắt trong lòng.

Sao quên được những gánh quà sáng ở Huế, nó làm rộn ràng, huyên náo cả một góc ngã tư nhưng quá đỗi gần gũi, thân thuộc, tự bao giờ đã trở thành một phần không thể thiếu được trong đời sống tinh thần và ẩm thực nơi đây. Trong câu chuyện của những người con xa xứ bên ly cà phê, hầu như không quên đề cập đến những món ăn yêu thích xưa, có thể để vơi đi nỗi nhớ và tìm đồng minh cho câu chuyện của mình.

Trải qua bao biến thiên, bộn bề lo toan trong cuộc sống, từng nếm trải hầu hết mùi vị đắng cay ngọt bùi, nhưng trong tiềm thức của tôi chỉ còn đọng lại hương vị tuyệt vời của những món ăn giản dị ở quê nhà. Ước ao sau này nghỉ hưu, tôi lại về sống ở Huế những ngày tháng êm đềm bên bạn bè, người thân yêu để được hàn huyên, tâm sự, thưởng thức những món quà quê thân thiết, đậm đà.

Hàn Linh

Theo Vnexpress.net

P/s: Đọc bài này làm tôi nhớ những ngày tháng học trò của mình năm xưa quá! Nhớ những bữa sáng ăn vội trước lúc đến trường, nhớ những ngõ hẻm phố nhỏ cong queo, nhớ con đường “phượng bay” mỗi trưa đạp xe đi học. Xin cám ơn tác giả bài viết!