Wednesday, February 4, 2015

Dũng khí linh thiêng


       Cuộc đời có đó lại không
Trăm năm còn lại tấm lòng mà thôi.

Lúc một người ra đi từ biệt cõi trần, cái gì còn sống mãi trong lòng người ở lại? Tiền vàng bạc nén, lầu cao xe xịn ư? Không, chúng chỉ là phương tiện vật chất tạm dùng cho thân xác bên ngoài. Danh cao chức lớn, bằng cấp học vị ư? Càng không, chúng nhanh chóng tiêu tan như làn sóng trước bị làn sóng sau đánh đổ. Còn lại tấm lòng, câu thơ trên đã gợi ý như thế. Với tôi, tấm lòng ấy là toàn bộ nhân cách sống, lý tưởng sống và đức hạnh sống. Một trong những biểu hiện trầm mà hùng của nhân cách ấy, của lý tưởng ấy và của đạo hạnh ấy là dũng khí tu hành. Dũng khí này càng sống động mãnh liệt và càng linh thiêng hơn khi người ấy lìa trần trong niềm kính thương của hàng vạn trái tim. Tôi muốn nói đến dũng khí thiêng liêng trong cuộc đời tu hành của thầy Nguyên Thanh – Nguyễn Tư Trừng.

Khi thầy nằm xuống, ai đã từng một lần tiếp xúc với thầy cũng bùi ngùi thương xót. Tôi, chắc chắn các bạn cũng thế, không lạ với chuyện sanh ly tử biệt. Không lạ bởi đã chứng kiến nhiều, thậm chí đau thương hơn. Không lạ vì đó là chuyện đương nhiên phải đến, phải trải qua của thân phận người. Không lạ vì rồi đây chính mình cũng chạm trán đối đầu. Tuy vậy, không lạ nhưng bỗng dung trở thành rất lạ: bao nhiêu kỷ niệm với thầy tuôn về trong ký ức, rất nhiều hình ảnh thân thương về thầy chen chân hiện khởi, vô vàn câu chữ thân quen thầy viết thầy nói đua nhau vọng lại. Trong cảnh trạng tuôn về, đua nhau và chen chân như thế, biết chọn lọc sao đây để sắp xếp thành đoản văn cảm niệm ân thầy? Vì suy tư chọn lọc tôi đành lỗi hẹn với lời hứa soạn bài cảm niệm cho bạn bè đọc khi họ phúng điếu trước bát hương linh cửu thầy.

Tôi biết rất nhiều người đã viết, đang viết và sẽ viết, cảm nghĩ của họ về thầy. Ngay cả những ai chưa hoặc không viết, họ vẫn đang nhớ và thầm niệm ơn thầy. Tôi cũng đang làm việc đó, như là một lần nữa suy tư về thầy, một lần nữa cảm niệm công ơn thầy, một lần nữa nhắc nhở bản thân sống với cái dũng khí tu hành mà thầy đã thể hiện trong suốt cuộc đời mình. Tôi nói một lần nữa bởi khi thầy còn sinh tiền, thầy đã gợi cảm hứng cho tôi viết bài Duy ma xứ Huế.

Dũng khí linh thiêng toát ra từ ánh mắt thầy, dáng đi thầy, tiếng nói thầy, cử chỉ thầy. Nói chung là toàn bộ thân tâm thầy đều biểu hiện dũng khí ấy, cái khí chất dũng cảm vượt lên trên mọi dị biệt thị phi thường tục để thực hiện nhân cách, lý tưởng và đức hạnh của một người con Phật. Và cũng chính cái khí chất ấy khiến người có trí phải chú ý đến thầy. Họ kính trọng thầy vì dũng khí ấy. Họ thương mến thầy vì dũng khí ấy. Họ thấy đời họ ý nghĩa hơn vạn lần khi sống cuộc đời mà có dũng khí như thầy. Thầy khác người do thầy hâm nóng dũng khí đó. Thầy lạ lùng do thầy mang dũng khí đó. Thầy thâm sâu và cao sang cũng vì thầy thể hiện một cách hào hùng dũng khí đó. Ngay bây giờ đây, thầy xuất hiện nổi bật trong tâm trí chúng ta cũng bởi thầy là hiện thân của dũng khí đó. Dũng khí linh thiêng là những điều giản dị sau đây.

Người đời đa dục thì thầy thiểu dục. Thế gian háo danh thì thầy vô danh. Học trò thầy rượt đuổi lối sống bằng tâm vô yểm túc duy đắc đa cầu; thầy lại thực tập hạnh tri túc, an bần thủ đạo. Người ta lầu cao cửa rộng; thầy nương thân chốn nhà thấp vườn xanh. Ai kia xe ngựa dập dìu, còn thầy nâng nui “ô tô hai bánh” cũ mèm. Bạn bè thầy vui cảnh con đàn cháu đống; tôi thương thầy cảnh sớm tối đơn thân chiếc bóng. Nhìn người bên cạnh nhung gấm lụa là, tôi kính thầy thư thả với chiếc nhật bình nâu sờn bạc màu hương khói. Bậc học giả tri thức ăn trên ngồi trước nhưng thầy, cũng từng giáo sư, vẫn an nhiên ăn bần ngồi sau. Ở đời ai không bảo thưởng thức sơn hào hải vị là sang? Ngược lại, thầy nhấn mạnh rau cà dưa muối, khoai lang củ sắn mới sang. Người ta sống nhanh hưởng vội còn thầy sống chậm bao dung. Nương vào chút công lao phục vụ đoàn thể, biết bao người sống nhìn mặt đặt tên; với thầy ai một lần gặp cũng nhìn mặt là yêu thương, nghe tên liền tha thứ. Bao dân sĩ trí thức mai một dần tín tâm với Tam Bảo thời ngũ trược nhưng thầy trung kiên một lòng kính Phật trọng Tăng. Số đông chạy theo lối sống rượt đuổi ngũ dục bên ngoài, thầy chánh niệm tỉnh giác với đời sống ngũ quán nội tâm bên trong. Người ta phức tạp thì thầy đơn sơ. Người đời nông cạn, đấu đá, tỵ hiềm còn thầy sâu sắc, nhường nhịn, bao dung. Năng lực nào đã giúp thầy can đảm sống ngược đời thuận đạo như thế? Cái gì đã tiếp sức cho thầy dám thể hiện những hành động "khác người" đến thế? Tôi khẳng định đó là dũng khí tu hành.

Dũng khí ấy  đến từ đâu? Tôi đoan chắc dũng khí ấy  đến từ sự chánh tín, như pháp tự của thầy. Chính niềm tin chân chánh vạch đường cho lý tưởng cao đẹp. Dũng khí ấy ngày càng mạnh mẽ, vững chãi và tỏa sáng bằng chánh hạnh. Chính những hành vi cử chỉ nhẹ nhàng tự tại, chậm rãi của thầy xác định nhân - cách - sống thầy cao quý. Và rồi, niềm tin cộng thêm sự thực tập chánh pháp đã hun đúc thành một vị đức - hạnh - sống thanh tao, đúng như pháp danh Nguyên Thanh của thầy.

Tôi ý thức rằng không nên ca ngợi ai một trăm phần trăm, dù đó là thần tượng, là mẫu người lý tưởng, là người mình yêu thương. Điều này cho thấy, sống trong đời mấy ai hoàn hảo, toàn hảo. Mà tôi đâu có ca ngợi khống thầy. Tôi chỉ nêu những dẫn chứng tiêu biểu và cụ thể về thầy mà tôi, và chắc chắn các bạn cũng vây, thấy bằng mắt, tôi nghe bằng tai, tôi cảm bằng tâm hồn. Ai thì không biết, nhưng theo tôi, chính những công hạnh "ngược đời" nên trên là hành động xuất phát từ dũng khí tu hành. Những việc đó cần có lòng can đảm và niềm tin chân chánh mới có thể làm được, sống được. Lòng cam đảm ấy, thầy có, thậm chí có nhiều, và các bạn cũng có, nhưng không dễ nhận ra và thưởng thức.

Sống nghịch đời thuận đạo cần có một ý chí sắt  đá – dũng khí linh thiêng. Nhờ ý chí sắt đá này mà ta vững tâm bước qua mọi khen chê thị phi thế tục, thậm chí thị phi tông môn pháp phái. Nhờ dũng khí đó mà ta kiên định hơn trong lập trường tu thân và hành đạo. Nhờ lòng dũng cảm đó mà ta dám làm những gì cần phải làm cho bản thân và đạo pháp. Và cũng nhờ sự linh thiêng của dũng khó đó mà có thể thức tỉnh những hồn say đang lạc lối đường tơ. Thời gian mười năm học hỏi và thân cận với thầy đã nuôi dưỡng dũng khí ấy trong tôi.

Một lần nữa tôi lại thắp nén hương lòng cách nửa vòng trái đất kính viếng trước hương án thầy. Sống trong lòng mà chết cũng trong lòng. Ai bảo thầy từ biệt trần gian? Thầy vẫn còn sống một cách sinh động trong từng nếp suy tư, nơi từng cách tu hành của chúng ta. Thể xác thầy tan nhưng tinh anh thầy sáng. Chúng ta phải tiếp tục thắp sáng tinh anh ấy: dũng cảm sống theo chánh pháp trong đời ngũ trược.

Chùa Việt Nam, Boston 10.10.2012
Học trò Hoàng Châu Thành.

Duy ma xứ Huế

Với lòng trân trọng sâu sắc, thành kính gởi đến quý Thầy, Cô cư sĩ ở Huế.

Tám năm sống ở Huế giúp tôi gần gũi với một số cư sĩ Phật tử đặc biệt.

Nói đặc biệt không phải vì họ khác người, lập dị, điên khùng.

Họ, đặc biệt chẳng phải vì họ là những đại gia hào phú, càng không phải những người quyền cao thế trọng.

Họ đặc biệt vì họ là hiện thân của cư sĩ Duy-ma-cật trong bản kinh Đại thừa cùng tên. Tôi nói họ là hiện thân vì đời sống họ ẩn hiện nhiều nét tương đồng với hình ảnh cư sĩ Duy-ma.

Tôi sẽ chỉ ra cái đặc biệt của họ để chúng ta cùng: nhìn người để ngắm lại ta.

Họ, trước tiên, là những người trí thức, những giáo viên mẫu mực. Họ không những làu thông khối tri thức xã hội mà còn uyên thâm kho tàng giáo lý đạo Phật.

Có người từng làm Giáo sư Đại học Huế, từng du học Mỹ, cũng có người đang đứng lớp, có người cần mẫn bên những quyển sách trong thư viện, nhưng nét chung của họ là sống và làm việc theo tư tưởng Phật giáo.

Vì vậy, họ là những Phật tử thuần thành, trung kiên, tiêu biểu cho lực lượng Phật tử trí thức Huế. Thân xác họ có vẻ khô cằn, ốm yếu già nua nhưng tâm hồn họ tươi mát, mạnh mẽ.

Họ dũng cảm từ bỏ danh lợi hảo huyền thế gian để đầu tư và sống với gia đình xuất thế.

Từ nhà đến trường gần chục cây số nhưng họ đi xe đạp. Giáo viên, Giáo sư thời bây giờ đâu ai nghèo đến nỗi không sắm nổi Honda? Họ đi xe đạp hoặc xe ôm không phải họ nghèo, họ keo, họ lập dị.

Họ thích tự đi bằng đôi chân của mình vì họ giản dị, không đua đòi xa xỉ. Họ xem thường vật chất kỹ nghệ bởi họ quen với niềm vui tinh thần bên trong. Họ rèn luyện sức khỏe bằng cách sống chậm lại để thưởng thức an lạc hiện tại.

Giản dị là tinh hoa của cái đẹp. Sức khỏe là vàng. An trú hiện tại là Niết-bàn trần gian. Ai dám bảo họ tự làm khổ, tự hành xác mình?

Họ thích khoai sắn luộc, đậu bắp, đậu rồng, chao kho, tương dưa, cải muối đâu phải họ nông dân? Dưới con mắt họ, ăn chay mới sang. Càng giản đơn vật chất càng cao và sáng tinh thần.

Giết loài vật để thỏa mãn ba tấc lưỡi là “bần”. Đến nhà họ như bạn dạo vườn hoa. Hoa của họ không bị chăm sóc tăn măn tỉ mỉ đâu, vì họ vốn giản dị. Họ sợ cây cối đau, rỉ máu nên hạn chế cắt tỉa, uốn nắn. Họ chỉ bón phân cho lá xanh bông thắm, rất tự nhiên hệt như sự tự nhiên tâm hồn họ. Đào mận chín đỏ, không hái, tự rụng; hồng mọng trĩu cây, họ để nguyên, cấm trèo. Cỏ dại không sạc, chả bơm thuốc diệt, chỉ nhổ bằng tay, từng cọng thôi.

Chậu kiểng, họ không xịt bằng vòi mà múc từng gáo làm từ gáo dừa khô, tưới rất chậm rãi, khoan thai như chính bước chân của họ.

Họ yêu thiên nhiên, trân trọng từng bông hoa ngọn lá như yêu bản thân họ. Đời sống họ còn phảng phất hương thơm tư tưởng Lão Trang.

Thân họ nhỏ gọn nhưng tâm họ cao rộng. Rộng, vì họ sống không vị kỉ cho riêng bản thân, gia đình. Họ biết sắp xếp ổn thỏa mọi việc gia đình trước khi tham gia các công tác Phật sự.

Một vài người trong số họ không lập gia đình vì Phật giáo là nhà, chúng sinh là con, hoằng pháp là gia vụ, lợi sinh là sự nghiệp.

Cao, vì họ làm việc bằng cả tấm lòng chứ không phải đồng bạc. Cao, vì họ sống và làm việc trong sự hướng dẫn của chính pháp.

Họ đến với Phật giáo bằng lý trí chứ không phải bằng tình cảm, niềm tin hời hợt sáng nắng chiều mưa.

Họ mộ đạo bằng cách tự mình thực hành giáo lý. Từ đó họ có cái nhìn đúng đắn về nhân sinh thế thái. Họ cao vì họ vô tâm, vô sự, vô danh.

Trước đám đông, họ bao giờ cũng khiêm tốn, im lặng và thiện chí lắng nghe. Họ thích đi sau, ngồi cuối.

Cách hộ trì chính pháp của họ là chăm lo giáo dục chứ không phải từ thiện. Giáo dục con người quan trọng hơn bất cứ điều gì khác.

Ý thức điều đó, họ cực kỳ nhiệt tâm trong việc tham gia giảng dạy cho Tăng Ni sinh. Đôi khi chúng tôi thấy mình có lỗi vì một vài lần tỏ ra chưa trân trọng tấm lòng và công sức của họ.

Người biết nhiều thường ít nói nhưng kẻ biết ít lại nói nhiều. Họ thường ít nói. Dường như họ nhận thức rất rõ giới hạn của ngôn ngữ nên họ hạn chế tối đa.

Họ giao tiếp bằng ánh mắt, nụ cười, bàn tay hơn cái miệng. Quân tử nói bằng việc làm, tiểu nhân nói bằng ngọn lưỡi.

Hãy nhìn họ đi bạn mới thấy họ trầm tĩnh đến mức độ nào. Bạn có tin họ dắt xe đạp từ trong nhà ra khỏi cửa hết mười lăm phút không? Lớp trẻ thường có thái độ chán ngán khi đi sau họ. Họ mặc. Họ chỉ biết họ đang làm gì và cố gắng làm cho hoàn hảo nhất, chậm rãi nhất, khoan thai nhất. Dường như thế giới này chỉ có một mình họ.

Họ suy tư những điều mà không phải ai cũng có thể thấu hiểu được. Họ cảm thấy lo lắng khi Phật giáo Huế bùng nổ việc xây dựng chùa to Phật lớn. Phát triển ồ ạt hình thức bề ngoài là dấu hiệu suy tàn, trống rỗng nội dung bên trong.

Họ thương xót thấy đạo đức một số Tăng Ni học đường xuống dốc.

Họ than thở và đau buồn khi chứng kiến một số tu sĩ không có tài năng vẫn chạy đua bằng cấp, học vị.

Phật giáo không bao giờ dừng lại ở kiến thức nên tu sĩ chỉ học thôi vẫn chưa đủ.

Họ tâm sự, thời này đâu cần du học nước ngoài mới giỏi, ở Việt Nam mà chuyên tâm học một môn cũng giỏi. Họ là minh chứng.

Họ cười khi thấy Phật giáo Việt Nam có vị thế trên diễn đàn Phật giáo quốc tế nhưng họ cũng ôm ấp nhiều trăn trở về những tiêu cực của tình hình giáo dục Phật giáo hiện nay.

Con cháu họ đôi khi không hiểu nổi cha mình, thậm chí còn trách ngầm. Chúng trách họ vì tầm nhìn của chúng hẹp và cạn. Chúng chỉ thấy một điều trước mắt mà không biết những cái trên đầu, sau lưng và dưới gót.

Đôi lúc họ buồn vì ít ai hiểu họ. Cây cao thường đứng một mình. Họ cô liêu độc bộ nhưng tuyệt không cô đơn.

Chúng tôi, Tăng Ni học trò của họ, thường trầm trồ thán phục đạo phong cốt cách của họ. Mỗi khi đứng lớp, họ không chỉ trao truyền kiến thức; mà còn trút cả kinh nghiệm tu học của chính bản thân họ.

Họ dạy chúng tôi không chỉ bằng nét chữ, câu nói mà bằng cả tâm hồn. Thân giáo, khẩu giáo của họ đều đáng cho chúng tôi bắt chước.

Tiếp xúc với họ rồi mới thấy hổ thẹn. Chúng tôi tự biết kiến thức thế gian không bằng họ, trình độ Phật pháp chưa chắc thâm sâu hơn họ.

Hổ thẹn để tự sách tấn bản thân và trân quý và thân cận những vị đại thiện tri thức chứ không tự ty.

Vì niềm tôn trọng sâu xa, những khi đi trên đường tôi không dám qua mặt họ. Giảm ga, đạp thắng, tôi thâm nhập vào thế giới tâm linh chậm rãi, bình yên của họ.

Chúng tôi bao giờ cũng tôn trọng và gần gũi song, vì trẻ con, đôi lúc hay chọc họ.

Họ không tức giận mà còn tỏ ra cực kỳ nhẫn nhịn. Bất cứ Tăng Ni sinh ngoan nào cũng nhớ nhiều kỉ niệm đẹp khi có dịp tiếp xúc với họ.

Họ là ai? Đừng bảo tôi chỉ đích danh. Tôi không thích mà chắc họ cũng chẳng ưa. Tôi ghi lại đôi dòng về họ để chúng ta trân trọng, thân gần, học hỏi chứ không phải để sùng bái cá nhân.

Thân cận vị cư sĩ như họ để tu sĩ chúng ta nhìn lại đạo phong, đạo tâm, phong cách, tính cách, ngôn ngữ của mình.

Chúng ta so sánh không phải để hơn thua, cao thấp mà để thăng tiến trên bước đường tu học. Việc tu hành không phân biệt tu sĩ hay cư sĩ. Xuất gia chưa chắc đã giải thoát. Tại gia chưa hẳn ràng buộc.

Họ tôn kính chúng ta vì chiếc áo và cái đầu. Chúng ta, nhờ thiện nghiệp sâu dày, thoát khỏi sợi dây ân ái gia đình quấn thắt nên có nhiều điều kiện thuận lợi tu hành hơn họ.

Trong cảnh con là nợ vợ là oan gia, họ thật dũng mãnh mới có thể sống theo tinh thần thiểu dục tri túc. Chính công hạnh tu hành của họ làm họ cao, sáng và sang hơn người khác.

Sự thực hành giáo lý Phật dạy đã chắp cánh cho họ bay vào thế giới thanh bình, thong dong tự tại ngay khi họ cư trú tại cõi trần giả dối, chụp giựt, ràng buộc này.

Tôi muốn ghi lại một vài điều ý nghĩa nhỏ bé trong cuộc sống thênh thang của họ như một lời niệm ân chân thành nhất gởi đến họ. Vì mãi chăm lo học hành, đôi khi chúng ta quên cảm ơn quà tặng cuộc sống mà người khác âm thầm trao tặng cho ta hằng ngày.

Nay là lúc chúng ta thực hiện công việc ý nghĩa ấy.

Huế vẫn còn đó những người con rất Huế, dù trẻ già, nam nữ, đạo đời. Phật giáo Huế thời nào cũng có những cư sĩ hộ đạo trung thành và sáng suốt sát cánh bên các bậc Cao tăng thạc đức.

Họ hiện hữu ngay bên cạnh những kẻ phản diện nhưng không hề tranh cãi.

Họ không cố làm cho mình nổi bật trước đám đông nhưng luôn có địa vị cao và sang trong tâm trí chúng tôi.

Ngài Duy-ma xưa hẳn mỉm cười hoan hỷ khi thấy hình ảnh sống của mình hiện diện khắp nơi.

Mỗi khi nghĩ về Huế, tôi không thể không nhớ họ, thương họ và trân trọng những giây phút bên cạnh họ.

Lời cuối con muốn thưa với Thầy: quý Thầy không cô độc. Đâu đó, bên cạnh, sau lưng, vẫn âm thầm hiện hữu một vài tu sĩ hiểu tâm sự của quý Thầy, đồng cảm với những ưu tư của quý Thầy.

Họ đã ý thức được phải làm gì duy trì Phật giáo như quý Thầy. Tre già đừng buồn vì măng non không mọc. Lũy tre xanh Phật giáo luôn ẩn hiện những chồi măng mập, thẳng và cứng.

Cầu nguyện các vị tu sĩ ấy cố gắng hoàn thiện đức độ và trí tuệ để sống như và hơn họ.

**Xin trích đăng các bài viết này để tri ân những vị cư sĩ Phật tử rất đáng kính của tôi, TP.PA**

No comments:

Post a Comment