Friday, January 11, 2013

Truyền thống giữ gìn kinh điển Pāli qua từng thế hệ

Truyền thống gìn giữ kinh điển Pāli đã được nhắc tới trong tạng Kinh – Suttanikāya:

- ‘‘Yāvakīvañca, bhikkhave, bhikkhū apaññattaṃ na paññapessanti, paññattaṃ na samucchindissanti, yathāpaññattesu sikkhāpadesu samādāya vattissanti, vuddhiyeva, bhikkhave, bhikkhūnaṃ pāṭikaṅkhā, no parihāni.
[Dīghanikāya, Mahāparinibbānasuttaṃ, Bhikkhuaparihāniyadhammā]

Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với những học giới được ban hành, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
[Trường Bộ Kinh, 16. Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn - Ngài Minh Châu dịch]

Trong kỳ trùng tuyên kinh điển lần thứ nhất, Đại Trưởng lão Mahā Kassapa tuyên bố:

- Yato imesaṃ satthā parinibbuto, na dānime sikkhāpadesu sikkhantī’ti. Yadi saṅghassa pattakallaṃ, saṅgho appaññattaṃ nappaññapeyya, paññattaṃ na samucchindeyya, yathāpaññattesu sikkhāpadesu samādāya vatteyya. Esā ñatti.
[Vinaya Pitaka, Cullavagga, Pañcasatikakkhandhakaṃ]

Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng không nên quy định thêm điều chưa được quy định và không nên bỏ đi điều đã được quy định, hội chúng nên thọ trì và thực hành các điều học theo như đã được quy định. Đây là lời đề nghị.
[Tạng Luật, Tiểu Phẩm – Tk. Indacanda dịch]

- Saṅgho appaññattaṃ nappaññapeti, paññattaṃ na samucchindati, yathāpaññattesu sikkhāpadesu samādāya vattati. Yassāyasmato khamati appaññattassa appaññāpanā, paññattassa asamucchedo, yathāpaññattesu sikkhāpadesu samādāya vattanā, so tuṇhassa; yassa nakkhamati, so bhāseyya.
[Vinaya Pitaka, Cullavagga, Pañcasatikakkhandhakaṃ]

Hội chúng không quy định thêm điều chưa được quy định và không bỏ đi điều đã được quy định, hội chúng thọ trì và thực hành các điều học theo như đã được quy định. Đại đức nào đồng ý việc không quy định thêm điều chưa được quy định, việc không bỏ đi điều đã được quy định, việc thọ trì và thực hành các điều học theo như đã được quy định xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
[Tạng Luật, Tiểu Phẩm – Tk. Indacanda dịch]

- ‘‘Saṅgho appaññattaṃ nappaññapeti, paññattaṃ na samucchindati, yathāpaññattesu sikkhāpadesu samādāya vattati. Khamati saṅghassa, tasmā tuṇhī, evametaṃ dhārayāmī’’ti.
[Vinaya Pitaka, Cullavagga, Pañcasatikakkhandhakaṃ]

Hội chúng không quy định thêm điều chưa được quy định và không bỏ đi điều đã được quy định, hội chúng thọ trì và thực hành các điều học theo như đã được quy định. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.
[Tạng Luật, Tiểu Phẩm – Tk. Indacanda dịch]

Ai là người phá hoại Phật Pháp?

- ‘‘Na kho, kassapa, pathavīdhātu saddhammaṃ antaradhāpeti, na āpodhātu saddhammaṃ antaradhāpeti, na tejodhātu saddhammaṃ antaradhāpeti, na vāyodhātu saddhammaṃ antaradhāpeti; atha kho idheva te uppajjanti moghapurisā ye imaṃ saddhammaṃ antaradhāpenti.
[Samyuttanikāya, Kassapasaṃyutta, 13. Saddhammappatirūpakasuttaṃ]

Này Kassapa, địa giới không làm diệu pháp biến mất, thủy giới… hỏa giới… phong giới không làm diệu pháp biến mất. Ở đây, khi nào các người ngu có mặt, chính họ làm diệu pháp biến mất.
[Tương ưng bộ, Tương ưng Kassapa, Tượng Pháp - Ngài Minh Châu dịch]

Chúng ta thường thấy chữ moghapurisa trong Luật tạng khi đức Phật quở trách một vị tỷ-kheo phạm luật. Thí dụ:
- ‘‘Ananucchavikaṃ [ananucchaviyaṃ (sī.)], moghapurisa, ananulomikaṃ appaṭirūpaṃ assāmaṇakaṃ akappiyaṃ akaraṇīyaṃ.- Này kẻ rồ dại , thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp sa-môn, không được phép, không nên làm!
[Bhikkhuvibhanga I, Tk. Indacanda - Nguyệt Thiên dịch]

Còn trong Kinh tạng khi đức Phật quở trách những vị tỷ-kheo có sự hiểu biết lệch lạc đối với lời Phật dạy. Thí dụ:
- ‘‘Kassa kho nāma tvaṃ, moghapurisa, mayā evaṃ dhammaṃ desitaṃ ājānāsi? Nanu mayā, moghapurisa, anekapariyāyena antarāyikā dhammā antarāyikā vuttā? Alañca pana te paṭisevato antarāyāya. Appassādā kāmā vuttā mayā, bahudukkhā bahupāyāsā, ādīnavo ettha bhiyyo. - Này kẻ ngu si kia, sao Ông lại hiểu pháp Ta thuyết giảng như vậy? Này kẻ ngu si kia, có phải chăng, Ta đã dùng nhiều pháp môn thuyết chướng đạo pháp.
[Alagaddūpamasuttaṃ, Kinh ví dụ con rắn, MN22 – Ngài Minh Châu dịch]

Moghapurisa là một hợp từ do mogha + purisa; mogha là tỉnh từ có nghĩa: rỗng tếch, rỗng không, vô dụng, vô ích. Ngài Minh Châu dịch: ngu si và ngài Nguyệt Thiên dịch: rồ dại. Anh ngữ: empty, vain, useless. Khi nó bổ nghĩa cho purisa: người rỗng tếch, kẻ ngu si, kẻ rồ dại, kẻ thất học, kẻ vô văn hóa trong đạo. Để làm rõ nghĩa cho từ này, Chú giải dùng từ tucchapurisa có nghĩa tương đương với moghapurisa.
Moghapurisa để chỉ cho người xuất gia trong Tăng đoàn biếng nhác không trau dồi kinh luật, không tìm kiếm những minh sư chơn chánh, những chơn kinh đúng đắn để mở mang sự hiểu biết về Pháp và Luật. Cho nên dẫn đến không thông luật để mà hành, không hiểu nghĩa lý pháp để mà cải chính tri kiến. Một người "tu mù" như vậy nếu có hành động gì ắt sẽ hành động bậy. Người xuất gia có mặt trong Tăng đoàn như vậy được đức Phật gọi là người làm cho Diệu Pháp biến mất hay là kẻ phá hoại Phật Pháp.
Xin đừng đổ thừa cho những thế lực xâm lược, những người đang tâm muốn phá hoại Phật giáo đã, đang và sẽ làm cho Phật Pháp tiêu diệt hoàn toàn. Những kẻ xâm lược, những kẻ có dã tâm muốn phá hoại Phật giáo chỉ có thể đập chùa, phá tượng, giết Tăng, đốt kinh sách, v.v... tuyệt nhiên không thể làm biến mất dòng chảy của Phật giáo. Vì chùa có thể xây lại, tượng có thể đúc lại, Tăng đoàn có thể gầy dựng lại, kinh điển có thể viết lại. Phật Pháp không phải là sự biểu hiện của chùa to, Phật lớn, hội chúng đông đảo, kinh sách được in ấn hàng loạt,... mà là ở nơi tâm nguyện tu tập của mỗi người con Phật chân chánh. Thử hỏi có thế lực nào có thể tiêu diệt được hết tâm tu của những con người chân chánh - những người gìn giữ mạng mạch Phật Pháp!

Xin hãy tự hỏi mình là ai trong Giáo Pháp này?

Cổ đức có câu: “Sư tử trùng thực sư tử nhục”. Hiểu nôm na là những loài thú khác không thể giết hại con sư tử mà chỉ những loài sâu bọ trong cơ thể của nó tiêu diệt nó mà thôi!

Xin vô cùng tri ân vai trò của ngài Đại trưởng lão Kassapa trong kỳ trùng tuyên kinh điển lần thứ nhất, nếu không có Ngài thì ngày nay những hậu sinh xa lơ xa lắc như chúng ta sao còn thấy những lời dạy uyên nguyên của Bậc Đạo Sư. Những vị trưởng lão thế hệ sau vẫn không quên tôn chỉ như đã được các vị thánh nhân đặt nền móng ban đầu, tiếp tục giữ lửa và truyền lửa cho đến thế hệ chúng ta ngày nay. Thật tuyệt vời và tốt lành thay truyền thống ấy. Các vị đã khéo bày tỏ sự tôn trọng Bậc Đạo Sư của mình khi Ngài đã nằm xuống. Những vị trưởng lão tiền bối đã bỏ bao công sức để gìn giữ và truyền đến tay chúng ta ngày nay. Xin đừng để truyền thống ấy bị mai một. Xin hãy làm hết sức mình nếu có thể. Mong thay!

- Buddhasāsanaṃ ciraṃ tiṭṭhatu.
Nguyện cho Phật Pháp được trường tồn!

*** Post by Sư Từ Minh

Nguồn: FB Group Sudhamma Students.

No comments:

Post a Comment