Monday, December 31, 2012

Tiến sĩ Ambedkar và Đạo Phật


Thế giới Phật Giáo hướng mắt nhìn về Ấn Độ với sự trông chờ sự hồi sinh của Phật Giáo ngay chính mảnh đất đã sinh ra Phật Giáo hơn 25 thế kỷ trước. Vào thế kỷ 20, Phật Giáo được phát triển mạnh mẽ trên hầu hết các nước trên thế giới, nhưng tại quê hương của nó, Đạo Phật là sự mờ nhạt của quá khứ sáng chói nào đó. Người Ấn Độ không còn được biết đến Đức Phật và đạo Phật như thế nào. Họ chỉ biết là Đức Phật (Lord Buddha) là hiện thân của thần Vishnu trong đạo Hindu như huyền thoại như sự tuyên truyền của các giáo sĩ Hindu mà thôi, đồng nghĩa với việc Đức Phật là một vị thần của Bà La Môn giáo. Len lỏi ở đâu đó xa xôi hẻo lánh, Phật Giáo vẫn còn phảng phất hình bóng mờ nhạt nào đó.
Với sự hồi sinh mạnh mẽ, Đạo Phật ở Ấn Độ đã trở mình thức dậy như một chú sư tử rống lên sau một  giấc ngủ dài. Tiến sĩ Ambedkar, một danh hiệu được giới Phật tử biết đến như là một sự hiện thân của một vị Bồ Tát, ngài đã dóng lên tiếng chuông chánh pháp và khởi nguồn cho sự hồi sinh của Đạo Phật ở Ấn Độ. Những đóng góp của ngài cho Phật Giáo Ấn Độ là vô cùng vĩ đại nhất từ thời vua Ashoka. Cho nên, Ambedkar được xem là Ashoka hiện đại[1].
Tiến sĩ Ambekar là một người đã khởi xướng việc phục hưng Phật Giáo Ấn Độ ở thập niên 30-60 của thế kỷ 20. Ngài đã đem Phật Giáo trở về Ấn Độ sau một thời gian dài Phật Giáo vắng bóng trong xã hội Ấn Độ từ thế kỷ 12 vì sự triệt hạ của Đạo Hồi. Ngài là luật sư, lãnh đạo chính trị, hoạt động Phật Giáo, triết gia, nhà tư tưởng, nhân chủng học, sử gia, nhà hùng biện, nhà văn, kinh tế gia, học giả, nhà phục hưng Phật Giáo Ấn Độ,… Câu nói thời danh của Ngài: “Con người nên luôn nuôi dưỡng hoài bão đóng góp gì đó cho cuộc đời. Họ sẽ vượt lên như những gì họ phấn đấu”[2]. Ngài được giới Phật Giáo Ấn Độ tôn trọng và thờ phụng như là một Bồ Tát mặc dù chưa bao giờ Ngài nghĩ đến điều đó.
Ngài tên là Bhimrao Ramji Ambedkar (14/04/1891 - 06/12/1956), viết tắt là B. R. Ambebkar. Ngài sinh ra trong gia đình theo truyền thống Đạo Hindu (Bà La Môn cách tân), thuộc giai cấp thấp. Ngài sinh tại làng Mhow, tỉnh Central Province, Ấn Anh (nay là bang Madhya Pradesh).
Cảm nhận được sự khổ đau của sự đối xử phân biệt giai cấp gắt rao của xã hội Ấn Độ, Ngài dùng cả cuộc đời mình để chống lại và chuyển hoá sự phân biệt đối xử đó. Bản thân Ngài sinh ra trong gia đình thuộc giai cấp cùng đinh, đó là giai cấp Dalit, một giai cấp thấp. Mặc dù, thời Đức Phật tại thế, Ngài đã không mệt mỏi để truyền bá tư tưởng “Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn, trong máu cùng đỏ”, nhưng sự phân biệt giai cấp mà đạo Bà La Môn đặt ra vẫn còn rõ nét trong trái tim của người Ấn Độ. Chế độ giai cấp của đạo Hindu vẫn còn khắt khe, bốn giai cấp vẫn còn hiện diện với nguyên đặc tính phân biệt trong đối xử xã hội. Theo chủ thuyết Chaturvarnya đã phân ra bốn giai cấp như: Brahmin (Brahmaṇa, giáo sĩ), Kshatriya (Khattiya, vua chúa), Vaishya (Vessa, thương gia), và Shudra (Sudda, người hầu, nô lệ)[3]. Còn có một lớp người ngoài và dưới bốn giai cấp, đó là Dalit, là tiện dân, nô lệ, không được chạm đến vì sự dơ bẩn của họ (untouchable). Dalits bao gồm những người như công nhân da, người quét đường, thợ thuộc da, người đánh giày, người lao động nông nghiệp, vận động viên thể dục, người đánh trống, nhạc sĩ dân gian và những người thủ công mỹ nghệ trên đường phố,…
Chính sự phân biệt đó làm niềm vui cho những giai cấp trên và là sự khổ đau truyền miên của những giai cấp thấp. Những quyền lợi cơ bản về mặt xã hội như: giáo dục, giao thông, lễ bái, nước,… bị hạn chế tối đa. Họ, giai cấp thấp, bị khinh rẻ và đối xử bất công, số phận của họ dính liền với sự nghèo cùng, đói khát, dơ bẩn, bịnh tật truyền miên từ mấy chục ngàn thế hệ. Chính việc không được hưởng sự giáo dục nên họ không thể phát triển tri thức, đó là lý do mà muôn đời họ không thể đạt được sự hiểu biết căn bản của xã hội, nên họ mãi là người ngu dốt. Họ chỉ biết sử dụng sự hoạt động của chân tay mà nuôi bản thân và gia đình, nên họ mãi là người nô lệ cho giai cấp trên từ nhiều ngàn đời với biết bao thế hệ. 
Chứng kiến và cảm nhận sự đối xử bất công và bị tước đi những quyền lợi dân chủ và dân sự đó, chính bản thân ngài cũng nằm trong hoàn cảnh đó. Bản thân là đại học giả, ngài đọc nhiều sách vở nên biết được khi xưa Đức Phật đã từng bác bỏ giai cấp rồi. Vì thế, ngài áp dụng tinh thần của Phật Giáo vào việc kêu gọi cách mạng giai cấp và làm sống dậy Phật Giáo Ấn Độ đã ngủ yên khá lâu.  Từ tinh thần này, ngài đã làm sống dậy Phật Giáo Ấn Độ và thổi vào xã hội Ấn Độ luồng gió mát an lành của Phật Giáo.
Bắt đầu năm 1907, Ambedkar đã vượt qua kỳ thi tuyển của Đại Học Bombai (nay là Mumbai) và trở thành sinh viên tiện dân đầu tiên bước vào cấp Đại Học. Sự thành công này đã kích động Ngài trình bày về tiểu sử của Đức Phật trong một buổi lễ cộng đồng. Đây là sự khởi đầu tiếp cận Phật Giáo của Ngài.
Năm 1913, Ambedkar nhận được học bổng du học tại Khoa Chính Trị Học, Đại học Columbia, New York, Hoa Kỳ. Ngài đã hoàn thành và được trao bằng Tiến sĩ tại đại học này. Ngài là người giai cấp thấp đầu tiên được nhận học bổng du học. Chỉ một năm sau khi nhận học vị tiến sĩ, Ambedkar trở thành giáo sư của trường Cao Đẳng Kinh Tế Thương Mại Sydenham, Bombai (1918).
Năm 1919, như một học giả hàng đầu Ấn Độ, Ambedkar đã được mời để làm chứng trước Uỷ Ban Chuẩn Bị Luật Pháp cho Chính phủ Ấn Độ trong thời gian đòi quyền độc lập từ sự cai trị của Anh Quốc. Tại buổi điều trần này, Ambedkar lập luận cho việc bầu cử dành cho giai cấp Dalit và cộng đồng tôn giáo khác.
Năm 1920-1923, Ngài sang London và hoàn tất luận án tiến sĩ thứ 2 tại đây.
Ngày 15/08/1947, Chính phủ Ấn Độ độc lập đã mời Ambedkar làm bộ trưởng Tư Pháp đầu tiên và Ngài đã chấp nhận.
Ngày 29/08/1947, Ambedkar được bổ nhiệm làm Chủ tịch Uỷ Ban Soạn Thảo Hiến Pháp. Lúc này, Ấn Độ mới được độc lập. Với cương vị này, ngài đã sử dụng cách nghị sự và biểu quyết trong tăng đoàn thời Phật Giáo Nguyên Thuỷ đưa vào sinh hoạt Quốc Hội.
Ngài đã đưa vào trong việc soạn thảo hiến pháp những quyền tự do dân sự với công dân bao gồm quyền tự do tôn giáo, bãi bỏ phân biệt đối xử giai cấp, quyền bình đẳng cho phụ nữ,... Hiến pháp này đã được quốc hội lập hiến thông qua ngày 26/11/1949.                          
Lúc biên soạn bộ luật Hindu Code Bill, ngài đã trình bày trước quốc hội rằng: Đức Phật đã tuyên bố về sự công bằng và Đức Phật là người mạnh mẽ chống lại chế độ giai cấp[4]. Ngài muốn đưa sự bình đẳng xã hội vào bộ luật này. Tuy nhiên, bộ luật này đã không được thông qua theo như ý nguyện của ngài. Đó cũng là lý do mà ngài không muốn tiếp tục làm việc trong chính phủ của thủ tướng Nehru (thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ độc lập). Dù không còn là thành viên, nhưng ngài vẫn có sự ảnh hưởng lớn đến những quyết định của chính phủ.
Với mong muốn hiểu sâu về những gì Đức Phật đã thuyết giảng, cuối thập niên 40 Ambedkar học thông thạo tiếng Pali để tìm hiểu Phật Giáo thông qua kinh tạng Nikaya[5].
Phát biểu về định hướng cuộc đời mình, ngài nói: “Tôi sinh ra trong Hindu nhưng không chết trong Hindu”. Ngài đã tạo ra phong trào cải đạo vĩ đại từ Hindu sang Phật Giáo. Từ năm 1930 đến khi qua đời, ngài đã diễn ra rất nhiều cuộc cải đạo với qui mô lớn khoảng vài chục ngàn người tham gia mỗi lần.
Trong những năm 1950, Ambedkar đã đến Tích Lan để tham dự hội nghị Phật Giáo Thế Giới. Tại đây Ngài đã kêu gọi giai cấp thấp bản xứ nên cải đạo sang Phật Giáo.
Trong bài viết của mình là "Đức Phật và tương lai của Tôn giáo của Ngài" xuất bản năm 1950 trong tạp chí Society Mahabodhi, Ambedkar đã tóm tắt quan điểm của ông về tôn giáo và Phật Giáo theo cách thức sau đây:
1. Xã hội phải có trừng phạt pháp luật hoặc trừng phạt của đạo đức để giữ nó lại với nhau. Nếu không có như vậy, xã hội tất bị xé ra manh mún.
2. Tôn giáo tồn tại với sự kết hợp của lý trí. Đó là tên khác của khoa học.
3.  Thật là thiếu xót nếu tôn giáo đề cập đến đạo đức cơ bản, nhưng đạo đức cơ bản phải thừa nhận những điều cơ bản của tự do, bình đẳng và tình thân.
4. Tôn giáo không phải là thánh hóa hoặc thực hiện một đức tính thoát nghèo. [6]
Năm 1954, Ambedkar đã 2 lần đến Miến Điện dự Hội Nghị Tình Đoàn Kết Phật Tử Thế giới Rangoon.
Năm 1955, Ambedkar thành lập Hiệp Hội Phật Giáo Ấn Độ (Bharatiya Bauddha Mahasabha). Ngài đã dựng một tượng Phật trong ngôi đền ở đại lộ Dehru, gần thành phố Pune [7] (Poona).
Năm 1956, tháng Năm, một cuộc nói chuyện của Ambedkar có tiêu đề "Tại sao tôi thích Phật Giáo và làm thế nào mang lại hữu ích cho thế giới trong hoàn cảnh hiện tại" đã được phát sóng từ British Broadcasting Corporation, London. Trong buổi nói chuyện Ambedkar nói: “Tôi thích Phật Giáo bởi vì Phật Giáo có ba nguyên tắc kết hợp, mà không có tôn giáo nào khác có được. Đạo Phật dạy Prajna (Trí Tuệ: sự hiểu biết để giải trừ mê tín và chủ nghĩa siêu tự nhiên), Karuna (từ bi), và Samata (bình đẳng). Đây là những gì mà con người mong muốn để có được cuộc sống đẹp và hạnh phúc. Ngay cả Thượng Đế cũng không có thể làm gì được cho con nguơì”. [8]
“Tôn giáo của Đức Phật là đạo đức. Phật Giáo bao trùm lấy đạo đức. Phật Giáo không có nghĩa gì nếu không có đạo đức. Chắc chắn rằng Phật Giáo không tôn thờ Thượng Đế. Thượng Đế ngự trị trong đạo đức. Những đạo đức gì Thượng Đế để vào trong các tôn giáo khác là Phật Giáo”[9]. Ngay nhận định này, ngài đã đặt Phật Giáo vào một vị trí như là yếu tố cốt lõi của các tôn giáo khác, đó là đạo đức tôn giáo. Phật Giáo không có Thượng Đế quyền uy sáng tạo, hoạch định và lèo láy số phận của con người. Phật Giáo là đạo đức.
Ngày 14/10/1956,  tại Nagpur, Ambedkar đã tổ chức buổi lễ Quy y Tam Bảo cho Ngài và 380.000 người[10]. Tại buổi lễ Ngài đã phát nguyện 22 điều thệ nguyện của Ngài, trong đó có: Con không tin vào sự hiện thân của Thượng Đế, con không tin Đức Phật là hiện thân của Thần Vishnu vì đó là sự tuyên truyền không đúng, con không vi phạm những nguyên tắc và lời dạy của Đức Phật, con không cho phép thực hiện bất cứ nghi lễ của những người Bà La Môn, con tin vào sự bình đẳng của con người, con nổ lực để thiếp lập sự bình đằng, con thực hành Bát Chánh Đạo của Đức Phật, con thực hành 10 Ba La Mật được truyền dạy từ Đức Phật, con long trọng tuyên bố từ đây con hướng cuộc đời con theo giới luật của Đức Phât và giáo pháp của Ngài,… [11]. Những điều này thể hiện niềm tin vững chắc vào Phật Pháp và cũng thể hiện sự quyết tâm hành trì một cách mạnh mẽ. Đây cũng thể hiện sự sáng tạo và cải cách trong lễ quy y của đạo Phật.
Để có được ngày này, đó là một sự chuẩn bị rất kỷ lưỡng và chu đáo. Hàng ngàn người theo lời kêu gọi của Ngài mà từ khắp nơi trở về Nagpur từ nhiều ngày trước. Họ tổ chức diễu hành, múa hát để tỏ sự mừng vui như được sinh lại lần nữa. Họ sáng tác ra bài hát dành cho ngày này và đồng ca với nhau bất tận ngày và đêm. Nhiều biểu ngữ được dương lên và treo khắp các đường phố thành phố Nagpur như: “Đức Phật chiến thắng. Cha hiền Ambebkar chiến thắng”, “Cuộc sống mới đã bắt đầu”, “Cha lành kêu gọi mọi người hãy trở về với Đạo Phật”,…[12]
Ngày hôm sau (15/10/1956), những người đến thành phố Nagpur quá trể, không tham dự được lễ Quy Y hôm trước, con số này quá lớn, đến 100.000 người già trẻ[13]. Ngài Ambedkar phải tổ chức thêm một lễ Quy Y Tam Bảo nữa cho họ và cầu thỉnh chư Tăng truyền Tam Quy Ngũ Giới cho những người này. Như vậy, tổng cộng là 460.000 người đã phát nguyện trở thành Phật tử trong thời gian này.
Sau ngày Quy Y, ngài Ambedkar sang Kathmandu tham dự Hội nghị Phật Giáo Thế giới, tại Nepal. Tại đây ngài đã thuyết trình chủ đề “Đức Phật và Karl Marx”.
Như lời đã hứa (năm 1951) là viết một quyển sách diễn giải về Phật Pháp một cách dễ hiểu cho đại đa số quần chúng, lúc cuối đời ngài đã làm việc cực lực để hoàn thành quyển sách đó. Tác phẩm đó có tên là Đức Phật và Giáo Pháp của Ngài (Buddha and His Dhamma). Ngài hoàn thành quyển sách ấy trong đêm 5/12. Người ta phát hiện ra ngài đã qua đời sáng ngày 6/12/1956 tại tư gia ở New Delhi (thủ đô Ấn Độ), hưởng thọ 64 tuổi[14]. Tác phẩm này được xuất bản vào kỷ niệm 2500 năm ngày Phật nhập Niết Bàn (Mahaparinirvana) năm 1957 [15].
Sau khi qua đời, ngài được chính phủ Ấn Độ dành sự thương tiếc và ghi nhớ công lao của Ngài như: Một đài tưởng niệm được thành lập trong nhà của mình tại Delhi, 26 Alipur Road.
Ngài được truy tặng danh dự cao nhất của Ấn Độ dân sự, các Ratna Bharat năm 1990. Nhiều tổ chức công cộng được đặt tên để vinh danh Ngài, như Đại Học Mở Tiến Sĩ Babasaheb Ambedkar ở Hyderabad, Đai Học Tiến sĩ B. R Ambedkar ở Andhra Pradesh, Đại Học B. R Ambedkar ở Bihar , Viện Công Nghệ Quốc Gia Muzaffarpur Dr.B.R Ambedkar ở Jalandhar, sân bay quốc tế Tiến Sĩ Babasaheb Ambedkar ở Nagpur. Một bức chân dung chính thức của Ambedkar lớn được trưng bày trong tòa nhà Quốc hội Ấn Độ. Ngày kỷ niệm ngày sinh của Ngài (ngày 14 tháng tư) và cái chết (06 tháng 12) và ngày Quy Y Tam Bảo (14 tháng 10), ít nhất là nửa triệu người tụ tập để tỏ lòng kính trọng với người ở đài tưởng niệm của Ngài ở Mumbai.  Đặc biệt ngày sinh nhật của Ngài được chính phủ Ấn Độ công nhận là ngày Quốc Lễ được biết đến như Ambedkar Jayanti hoặc Bhim Jayantivà toàn quốc được nghỉ lễ.
Ngài đi các nơi và diễn thuyết và kêu gọi bãi bỏ giai cấp và truyền bá Phật Giáo. Theo đó mà nhiều cuộc Quy y Tam Bảo quy mô lớn với ý nghĩa cải đạo từ Hindu sang Phật Giáo, với số lượng vài chục ngàn người mỗi lần được tổ chức trong nhiều nơi ở Ấn Độ thuở bấy giờ.
Bằng những hoạt động không mệt mỏi, ngài đã kêu gọi tiện dân Ấn Độ cải đạo sang Phật Giáo. Tính đến khi ngài qua đời, ¾ triệu người đã trở thành Phật tử, (tức là 750.000 người) và hàng tháng có hàng trăm, hàng ngàn người đã quy y[16]. Tính đến năm 1961, số Phật tử là 3,250,227 người[17]. hơn ¾ trong số đó sinh sống tại bang Maharashtra.
Từ sự khơi nguồn của Ngài, Phật Giáo Ấn Độ đã và đang từng bước trở mình và phát triển mạnh mẽ. Từng dòng người áo trắng (trang phục Phật tử ở đây) trong những lễ hội rất thân thương gợi nhớ về một thuở xa xôi nào đó trong quá khứ, những hình nầy từng quen thuộc trên mảnh đất đầy tâm linh này. Công đức đối với Phật Giáo của Ngài Ambedkar là vô hạn, Ngài được tôn thờ như một Bồ Tát vĩ đại. Ngài là danh nhân của thời đại, là đại hộ pháp, là Ashoka của thời nay. Phật tử Ambedkar sẽ bất tử trong lòng mọi người.
By Lệ Ngôn.
-o0o-

Chú thích:
[1] Sangharakshita, Ambebkar and Buddhism, Windhorse Publications, 1986, page 13.
[2] Ambedkar’s citation from Dr. Ambedkar: Life and Mission, trang 234.
[3] Sangharakshita, Ambebkar and Buddhism, Windhorse Publications, 1986, page 56.
[4] Sangharakshita, Ambebkar and Buddhism, Windhorse Publications, 1986, page 56.
[5] Bellwinkel-Schempp, Maren (2004). "Roots of Ambedkar Buddhism in Kanpur". in Jondhale, Surendra; Beltz, Johannes. Reconstructing the World: B.R. Ambedkar and Buddhism in India. New Delhi: OUP. tpage 221–244.
[6] Ambedkar’s citation from Dr. Ambedkar: Life and Mission, trang.49.
[7] Sangharakshita, Ambebkar and Buddhism, Windhorse Publications, 1986, tr.77
[8] R. M. Pal, Remembering Dr. Ambedkar ,tr. 2.
[9] Dr Baba Saheb Ambedkar, Writings and Speeches, vol.1 (Bombay 1979), tr.57
[10] Sangharakshita, Ambebkar and Buddhism, Motilal Banarsidass Publishers, New Delhi, 1986, tr.80
[11] This was Ambedkar’s own figure, as given in his letter to Devapriya  Valisinha dated 30 October 1956. The Maha Bodhi (Calcutta), vol. 65, trang 226
[12] Sangharakshita, Ambebkar and Buddhism, Motilal Banarsidass Publishers, New Delhi, 1986, page 80
[13] Sangharakshita, Ambebkar and Buddhism, Motilal Banarsidass Publishers, New Delhi, 1986,  page 80
[14] Sangharakshita, Ambebkar and Buddhism, Motilal Banarsidass Publishers, New Delhi, 1986, page 12.
[15] Sdd, trang 59.
[16] Sdd, trang 13.
[17] Sdd, trang 13.

No comments:

Post a Comment