Friday, March 1, 2013

"Xứng đôi" trong kinh Phật

Xứng đôi, vừa lứa là niềm mong mỏi và hạnh phúc của loài người từ xưa đến nay. Có nhiều cách lựa chọn sự xứng đôi, theo phong tục tập quán; theo truyền thống gia đình và xã hội; theo hạnh nguyện, hạnh sở của từng cá nhân,... Xứng đôi có được là điều may mắn, và giữ được lâu dài càng khó hơn. Tuy nhiên có những hạng chúng sanh (loài người và loài trời) còn mong ước sự xứng đôi tinh tế và đặc biệt hơn, cùng sánh bước nhau trong luân hồi sinh tử bằng niềm tin vào nghiệp và quả của nghiệp, bằng giới hạnh, bằng phước thiện và bằng cái biết vượt thế gian của mình.

"Xứng đôi" nhưng không biết trôi lăn về đâu trong luân hồi sinh tử đưa đến "ái biệt ly, khổ":

"... Chỉ còn gần em một giây nữa thôi
Một giây nữa thôi là xa nhau rồi
Nhìn theo cánh chim về nơi cuối trời
Em ơi nơi này nhớ thương nào nguôi." (Lời bài hát Phút Cuối)

"Xứng đôi" nhưng "lạt lẽo", vẫn mang mãi một mối tình xưa cũ:

"...Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim một bóng người." (Hai sắc hoa Tigôn, T.T.Kh)

"Xứng đôi" nhưng lỡ bước, đợi chờ như vô tình:

"Có khi nào trên đường đời tấp nập
Ta vô tình đi lướt qua nhau
Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất
Một tâm hồn ta đã đợi từ lâu." (Có khi nào, Bùi Minh Quốc)

Cũng là "xứng đôi" nhưng có nguyện ước, tin nhân quả, tin tội phước và cần sự hỗ trợ để thực hành bồi bổ hạnh Ba-la-mật nhằm hướng đến giải thoát "khổ luân hồi" như trong kinh Phật:

"Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Bhagga tại núi Sumsumàra, rừng hesakalà, ở vườn Nai. Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ gia chủ cha Nakulà, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi gia chủ cha Nakulà và nữ gia chủ mẹ Nakulà đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, gia chủ cha Nakulà bạch Thế Tôn:
- Từ khi nữ gia chủ mẹ Nakulà được đem về đây cho con khi con còn trẻ tuổi, con không bao giờ biết con có điều gì xâm phạm đến vợ con, cho đến ý nghĩ cũng không, chớ đừng nói gì đến thân. Vì rằng bạch Thế Tôn, chúng con muốn thấy mặt nhau trong đời này, mà còn muốn thấy mặt nhau trong đời sau nữa.
Nữ gia chủ mẹ Nakulà bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, từ khi con được đem về đây cho gia chủ cha Nakulà, khi con còn trẻ tuổi, con không bao giờ biết con có điều gì xâm phạm đến gia chủ cha Nakulà, cho đến ý nghĩ cũng không, chớ đừng nói gì đến thân. Vì rằng bạch Thế Tôn, chúng con muốn thấy mặt nhau, trong đời này, mà còn muốn thấy mặt nhau trong đời sau nữa.
- Vậy này các Gia chủ, khi cả hai vợ và chồng muốn thấy mặt nhau trong đời này, và cũng muốn thấy mặt nhau trong đời sau nữa, và cả hai người là đồng tín, đồng giới, đồng thí, đồng trí tuệ, thời trong đời hiện tại, các người được thấy mặt nhau, và trong đời sau, các người cũng được thấy mặt nhau.
Cả hai, tín, bố thí,
Sống chế ngự, chánh mạng,
Cả hai vợ chồng ấy,
Nói lời thân ái nhau,
Ðời sống nhiều hạnh phúc,
Chờ đợi hai người ấy.
Kẻ thù không thích ý,
Cả hai giới hạnh lành,
Ở đây sống theo Pháp,
Giữ cấm giới đồng đẳng,
Cả hai giới hạnh lành,
Sống hoan hỷ Thiên giới,
Hân hoan được thỏa mãn,
Ðúng với điều sở cầu."
(Kinh Tăng Chi Bộ, Chương Bốn Pháp, Phẩm Nguồn Sanh Phước, Phần Xứng Đôi - HT. Minh Châu dịch Việt).

Tóm lại, điều kiện để "xứng đôi" xứng đáng và thù thắng, được bậc trí khen ngợi, được bậc trí nhìn thấy bằng "tuệ nhãn" như thực là đồng tín, đồng giới, đồng thí, đồng trí tuệ, được thành tựu do cùng phát nguyện sau khi có các tâm đại thiện khởi sinh.

***Thuận Pháp tổng hợp***

No comments:

Post a Comment