Tuesday, August 7, 2012

GHI ÂM VÀ PHÁT ÂM (LIÊN QUAN ĐẾN VẤN ĐỀ SANDHI Ở VĂN TỰ PALI)

I. NGHE ÂM RỒI VIẾT THÀNH CHỮ, ĐỌC CHỮ RỒI PHÁT RA ÂM.

- Tiếp theo đề tài HỎI VỀ CÁCH PHÁT ÂM ENGLISH, cần phải trình bày thêm một số khái niệm như sau: Sự phát ra âm thanh (articulation) ở miệng có liên quan đến các bộ phận phát âm (articulators) chủ yếu là lưỡi, răng, môi, rồi tính thêm mũi, cổ họng, nóc họng, bụng, v.v... Ví như ống sáo, hoặc cây kèn, bấm vào nốt nào rồi thổi hơi gió vào thì sẽ có âm thanh tương ứng phát ra, thì việc phát âm ở miệng cũng vậy, tùy thuộc vị thế của răng lưỡi, v.v... và hơi gió mạnh yếu mà có âm thanh của cái từ ngữ mà mình muốn đọc; nghĩa là muốn đọc âm này nhưng các bộ phận phát âm đặt không đúng chỗ thì không có âm thanh chính xác được. Dạy trẻ em nói chớt cũng vậy, phải lắng nghe và phát hiện cho ra điểm sai của các em lúc phát âm mà chỉ dạy, còn cứ cho ăn đòn lúc đọc sai thì không có hiệu quả. Do đó, để phát âm đúng cách thì phải học cách phát âm, còn nghe âm thanh rồi bắt chước phát lại thì khó đạt được kết quả hoàn hảo, lấy thí dụ các từ world, girl, v.v... Điều muốn đề cập ở đây  là: Các ngài thời xưa nghe rồi ghi lại âm thành văn tự, và chúng ta căn cứ theo cái văn tự đó mà tái tạo lại âm thanh thì cái âm thanh thời xưa và cái âm thanh của chúng ta tái tạo lại ngày hôm nay đương nhiên có nhiều sai biệt. Viết đến đây thì cũng cần nói rõ là quý vị đừng đòi hỏi cái gì TUYỆT ĐỐI ở bài viết này, vì việc đó không phải dễ dàng. 

- Ngôn ngữ có trước các quy luật về văn phạm, nghĩa là văn phạm tổng kết lại các trường hợp xảy ra ở ngôn ngữ thành các quy luật, và từ các quy luật đó ảnh hưởng ngược lại cách viết và cách nói của cái ngôn ngữ đó. Vì vậy, người bản xứ học ngôn ngữ mà không cần phải học văn phạm. Nhưng đối với những người học ngôn ngữ thứ hai hoặc thứ ba, nhất là hạng lớn tuổi, thì đi theo quy trình ngược lại, nghĩa là học ngôn ngữ qua cấu trúc văn phạm  là chủ yếu. Sở dĩ đề cập đến vấn đề này vì việc viết lại văn tự chịu ảnh hưởng của văn phạm rất nhiều.

 II. SỰ LIÊN HỆ ÂM THANH GIỮA CÁC NGUYÊN ÂM - SARASANDHI.

Nhắc lại: Pali gồm có 8 nguyên âm: a, ā, i, ī, u, ū, e, o.
Cách phát âm cũng tựa như tiếng Việt.
Giờ chỉ trình bày về a, i, u, e, o (ā, ī, ū cũng tương tợ như a, i, u).

- Giờ bạn hãy đọc nguyên âm a rồi nguyên âm i theo lối tiếng Việt trong cùng một hơi thì bạn sẽ nghe rằng: a + i => ai (cái này chính là sandhi). Còn Pali thì sao? Bạn hãy đọc lại nguyên âm a rồi nguyên âm i một lần nữa, hơi chậm một tí. Bạn cảm nhận điều gì? Bạn có nghe được cái âm của nguyên âm e không? Bạn có nhớ điều đã trình bày trước đây: Do vị thế của các bộ phận phát âm như răng, lưỡi, v.v... mà có các âm thanh tương ứng phát ra, không phải do ước muốn của bạn. Giờ bạn hãy đọc lại nguyên âm a rồi nguyên âm i một lần nữa đi, trong quá trình phát âm a rồi i, các bộ phận phát âm sẽ di chuyển qua vị thế của nguyên âm e, nên âm e được tạo thành.
Do đó, sandhi của Pali sẽ là: a + i => e => ai.

- Tương tợ, bạn phát âm a rồi u theo tiếng Việt thì âm thanh được tạo ra sẽ là au:
a + u => au
Còn Pali thì sao? Trước khi thành âm au, thì sẽ có âm o phát ra, nên sẽ được viết như sau:
a + u => o => au.

TRƯỜNG HỢP NGƯỢC LẠI:
- Theo cách đánh vần của tiếng Việt
- i + a => ia.
- u + a => ua.

- Còn Pali thì sao? Bạn hãy phát âm và lắng nghe, đọc từ từ chậm rãi,
iii rồi aaa trong cùng một hơi thì âm tạo ra sẽ nghe như là ya.
uuuu rồi aaaa trong cùng một hơi thì âm tạo ra sẽ nghe như là va/wa
- i + a => ya (được giải thích là i => y).
- u + a => va (được giải thích là u => v).

TỔNG KẾT:
- Tiếng Việt:
- a + i => ai; a + u => au.
- i + a => ia; u + a => ua.

- Tiếng Pali:
- a + i => e => ai; a + u => o => au.
- i + a => ya; u + a => va.

Bạn đang ở level 2 của chương trình Pali. Bởi vì bài học về Sandhi được trình bày ở tập 2 theo tài liệu của Ngài A. P. Buddhadatta (chỉ trình bày chứ không có giải thích).

***
Hỏi: Vì sao trong Pali lại có hình thức thu gọn lại là: o = ava ; e = aya. Đây có phải do chuyện phát âm không? hay là do mục đích làm thơ kệ trọng Pali.
Đáp: a + u => o => au + a => (av + a) => ava
Âm o kéo dài thêm a thì thành ava. Âm e kéo dài thêm a thì thành aya. Việc rút ngắn hay kéo dài âm thanh đều được áp dụng ở kệ ngôn. 
Ví dụ: gāravo ca nivāto ca / santutthi ca kataññutā (Maṅgalasuttaṃ)
gāravo từ chữ garu (a => ā, u => ava). 
Hoặc bhoti and bhavati, neti and nayati, v.v...
Nên nhớ là văn phạm đi theo sau để giải thích ngôn ngữ. Ví dụ như nổi hứng rồi xuất khẩu thành thơ thì khác, còn ngồi tính vần điệu để mà làm thơ thì 2 bài thơ đó có giá trị khác nhau. Một điểm đáng lưu ý là đọc Pali của Chánh Tạng và Pali của Atthakatha có âm hưởng khác nhau bởi vì Pali Chánh Tạng là ngôn ngữ tự nhiên, còn giai đoạn về sau là ngôn ngữ của sự tính toán theo văn phạm nên không còn cái âm điệu nữa. Sư có thể đọc lại mấy câu Pali mà Sư đã làm từ bài tập dịch từ tiếng Việt (hay tiếng Anh) sang tiếng Pali thì sẽ cảm nhận được ngay. Ngay cả mấy câu Pali mà các tác giả tự đặt ra cho phần bài tập dịch từ Pali sang Việt (hay Anh) cũng vậy.

By Bhik. Indacanda.
Nguồn từ FB Group: Pali-Chuyên đề.

No comments:

Post a Comment