Tuesday, July 31, 2012

SỰ KHÁC NHAU GIỮA THIỀN ĐỊNH VÀ THIỀN TUỆ

Pháp thiền trong Phật giáo có hai loại, gọi chung là tham thiền (bhāvanā) đó là:
1) Thiền Định (Samathabhāvanā);
2) Thiền Tuệ (Vipasanābhāvanā).
Thiền Định là một pháp thiện làm cho tâm yên tịnh, mát mẻ, an lạc và có quả báo là tái sinh vào cõi Phạm thiên (Brahma). Tuy nhiên pháp thiện này cũng đang còn ở trong vòng sinh tử luân hồi, và con người đã từng tu tập được ngay trước thời Đức Phật ra đời.
Thiền Tuệ là pháp hành khác biệt với thiền định, là pháp thiện được tu tập để thoát khỏi luân hồi tử sinh. Pháp này chỉ có kể từ khi Đức Phật xuất hiện mà thôi và đây cũng là pháp mà Ngài mong muốn mọi chúng sanh, tứ chúng Phật tử đạt đến trí tuệ thiền tuệ này.
Nếu hành giả không thấu hiểu thì sẽ đem cả thiền tuệ và thiền định ra cùng thực hành hoặc sẽ nghĩ rằng cả hai loại này là cùng một pháp hành và cho kết quả như nhau. Do vậy thiền tuệ sẽ không thể phát sinh và sẽ không thoát khỏi khổ được, bởi vì thiền định chỉ làm cho tâm mát mẽ, yên tịnh, an lạc. Hành giả sẽ dính mắc vào an lạc, sống với an lạc, đấy là nhân làm cho trí tuệ không thể thấy được khổ theo phận sự của Thánh Đế được và sẽ làm cho hiểu nhầm rằng sự yên tịnh đã đạt được ấy là Niết-bàn.
Người nào quan tâm đến định thì cần hiểu các điểm này trước, định có ba loại là:
- Sát-na định: định trong chốc lát (hay phiến thời định).
- Cận hành định: định sắp đến trạng thái của thiền.
- An chỉ định: là trạng thái thiền định, tâm ổn cố, trụ vững trên một đối tượng trong thời gian dài.
Thực hành thiền tuệ sử dụng sát-na định, lúc mà đang nhận mỗi một đối tượng hiện tại, đang diễn ra. Hành giả đang nhận đối tượng hiện tiền có thể chuyển đối tượng được nhận theo cả sáu cửa (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý). Chẳng hạn lúc mắt đang theo dõi sắc (thân) ngồi, nếu nghe tiếng động lớn thì tâm tự động quay sang theo dõi ở tai, tức là danh (tâm) đang nghe,…
Sát-na định là nền tảng làm phát sinh thiền tuệ và nhiệm vụ của thiền tuệ là đoạn trừ phiền não, cấu uế tại những nơi mà chúng gá vào để sinh trưởng (sáu cửa: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) (nơi phát sinh thất tình lục dục).
Xin đừng hiểu nhầm về thiền định, hãy tự đọc và tự hiểu lấy, hiểu được rồi thì tự mình thực hành lấy, kiểm chứng lấy; sự thật nằm ở chính bản thân mình. Tâm ta thanh tịnh rồi thì quả sẽ tự có, nghe xong cần suy xét, đừng tin điều gì một cách dễ dàng mà không qua kiểm chứng. So sánh giữa thiền định và thiền tuệ, thử tìm hiểu, học hỏi hai pháp này để đừng nhầm lẫn nhau. Hãy nhìn rõ nhân và quả rồi tự mình quyết định lấy rằng sẽ muốn trở thành Phạm thiên để phải sinh tử luân hồi tiếp tục hay là đạt đến Niết-bàn thoát ly khổ não.
Để tránh khỏi bị đánh lừa, cần phải hiểu đúng và biết rõ, cần xác định cái đúng để tự quyết định. Đúng hay sai tùy thuộc vào trí tuệ của mình, không phải tin vào người khác, có tin thì cũng đem ra kiểm chứng trước đã rồi mới hẳn tin.
Thiền định có từ trước rồi, còn thiền tuệ thì ra đời kể từ khi Đức Chánh Đẳng Giác thành đạo. Hai pháp này khác nhau đến chín điểm, nhân tạo ra không giống nhau nên quả cũng không giống nhau:
Đặc điểm của pháp hành thiền định:
1) Thực tánh: Diễn tiến theo năng lực của định.
2) Đối tượng: Dùng đối tượng là pháp chế định (paññatti) làm nền tảng của thiền, ví dụ mười đề mục tùy niệm.
3) Tính chất: Không phóng dật (phóng tâm).
4) Nhiệm vụ: Diệt trừ các pháp chướng ngại (nivāraṇa).
5) Quả hiện hữu: Là sự không dao động trước đối tượng (đề mục), tâm trụ vững trên đối tượng, giống như ngọn đèn không bị gió làm lay động.
6) Nhân gần: Sự an lạc là nguyên nhân gần làm phát sinh định, bởi vì khi tâm an lạc rồi thì sẽ không dao động trước các dục trần nên tâm được tĩnh lặng.
7) Ích lợi: Dẫn đến các định (samāpatti), làm cho tâm mát mẻ, yên lành, an lạc, bởi lẽ lúc đó tâm thoát ly tham và sân, dễ dàng đắc ngũ thông, cho quả tái sinh vào các cõi trời Phạm thiên trong tương lai.
8) Pháp hành: Cần phải thực hành trên một đối tượng mà thôi bằng cách giữ tâm yên định trên đối tượng đó, thiền định chỉ sử dụng ba cửa giác quan là: thân môn, nhãn môn và ý môn.
9) Phân loại hành giả: Có sáu loại là Tham hành giả (hành giả có tánh tham), Sân hành giả, Si hành giả, Tín hành giả, Giác hành giả và Tầm hành giả. Do vậy người thực hành cần chọn đề mục thích hợp với tâm tánh của mình.
Đề mục của thiền định có tất cả 40 loại, nhưng chỉ có 30 loại đề mục mà hành giả đem ra thực hành là đưa đến đắc định, số còn lại (10 đề mục tùy niệm) chỉ đưa đến cận định mà thôi.
Đặc điểm của pháp hành thiền định chỉ có bấy nhiêu, phương pháp thực hành thì cũng nhiều, tùy theo người chỉ dạy sẽ bày cho cần làm gì. Nghĩ cho kỹ, xem kết quả của người bày cho mình làm trước rồi hãy tin, nói trống không chỉ là gió thoảng, ngôn ngữ chế định thì tin vào đâu được, lời Phật dạy đang còn hiện hữu đấy.
Đặc điểm của pháp hành thiền tuệ:
1) Thực tánh: Diễn tiến theo năng lực của tuệ.
2) Đối tượng: Dùng đối tượng là pháp chân nghĩa (paramattha) trong Tứ Niệm Xứ làm nền tảng của thiền minh sát tuệ.
3) Tính chất: Có trí tuệ thấy rõ như chân như thật của thực tánh vạn pháp.
4) Nhiệm vụ: Diệt trừ tham ái đã che lấp sự thật của thực tánh pháp.
5) Quả hiện hữu: Là sự không hiểu sai về thực tánh của vạn pháp.
6) Nhân gần: Thiền tuệ có định là nguyên nhân gần làm phát sinh, như trong kinh điển có ghi nhận rằng định là nền tảng làm phát sinh tuệ, ở đây chính là sát-na định làm nền tảng phát sinh tuệ (trí tuệ thiền tuệ).
7) Ích lợi: Dẫn đến Lậu tận trí (Āsavakkhayañāṇa) tức là diệt tận các lậu hoặc, đoạn trừ vĩnh viễn các phiền não, cấu uế đã dẫn dắt chúng sanh trong sinh tử luân hồi.
8) Pháp hành: Đối tượng của pháp hành diễn tiến qua cả sáu cửa giác quan, lấy Tứ Niệm Xứ làm đề mục bước đầu. Thiền tuệ không chú trọng đến đối tượng là vi tế hay thô tháp, chỉ quán sát ở sự sinh diệt của danh và sắc (vật chất và tâm), ngay cả các chướng ngại pháp (nivāraṇa) cũng đem ra làm đối tượng của pháp hành thiền tuệ được như đã thấy trong phần Quán Niệm Pháp (Dhammānupassanāsatipaṭṭhāna), mục Chướng Ngại (Nivāraṇapabba).
9) Phân loại hành giả: Có hai loại là Tham ái hành giả và Tà kiến hành giả, phân chia theo tâm tánh của từng người. Trong mỗi loại còn chia ra hai hạng nữa, ấy là hạng đa trí và hạng thiểu trí. Việc thực hành thiền tuệ cần phải lựa chọn đề mục cho phù hợp với tâm tánh của mình.
Các đặc điểm của thiền tuệ đã được nêu rõ ở trên, chúng ta cần phải lựa chọn bởi vì hiện tại mỗi chùa, mỗi một thiền viện đều nói là thực hành thiền tuệ cả. Vào đến nơi nào cần tìm xem cách thực hành của họ, thấy kết quả của họ, quan trọng là ở kết quả của bản thân họ, xem môi trường chung quanh cho thấy là “thiền tuệ chế định” (vipassanāpaññatti) hay “thiền tuệ chân nghĩa” (vipassanāparamattha). Nếu là “thiền tuệ chế định” thì ngay cả con người, trú xứ, môi trường chung quanh được tạo dựng nhằm mục đích kinh tế, lợi lộc, danh tiếng, địa vị, sung túc, đầy đủ bề thế cả nơi khuất lấp lẫn nơi dễ thấy, trước sau bất nhất (trừ những trung tâm đào tạo, giáo dục và quan hệ quốc tế). 
Lời giáo huấn đúng đắn là mỗi khi đã vào thực hành pháp hành thiền tuệ thì lợi, danh, quyền, lạc phải tận trừ. Ăn uống, sử dụng đồ vật chỉ nhằm mục đính giải trừ khổ mà thôi, nên có thể nói rằng: Ra sao cũng được, không dính mắc vào cái gì, mọi thứ chỉ để để diệt khổ mà thôi. Ngày ngày tích lũy phước thiện, giới hạnh trong sạch, hướng đến thanh tịnh, huân tập thiện pháp cho đời kiếp tương lai nhằm đoạn trừ sanh tử luân hồi.
Thiền tuệ chân nghĩa cho quả là diệt tận phiền não, cấu uế, là pháp đoạn trừ phiền não một cách trực tiếp. Công đoạn đầu tiên là diệt tận cái “ta”, cái “của ta” để không còn dính mắc. Chỉ có trí tuệ thiền tuệ mới đoạn trừ phiền não được thôi, thiền tuệ chỉ dành cho người có trí vậy!
 ** Tác giả: Archarn Nép**
(Sư Tường Nhân dịch từ tiếng Thái)

No comments:

Post a Comment