Sunday, February 19, 2012

CÕI TU

Tròn một tháng, L. rời xa cuộc sống của chúng tôi.
Anh em chúng tôi vô tình gặp gỡ trong cuộc đời này, để nếm trải những thuận lợi cũng như những khó khăn trong một vùng đất kỳ lạ. Huế - cố đô xưa, con người thời nay, lặng lẽ và trầm mặc. Cái trú xứ này hội tụ nhiều cặn bã tinh thần qua bao thế hệ, như phản phất nghe đâu đó "Kinh điển là cặn bã của Thánh nhân"!
Thế là đã ngót hơn chục năm, bốn anh em chúng tôi, gọi là đã trưởng thành và chững chạc, gặp nhau trong một lớp học ngoại khóa – lớp giáo lý Phật Pháp TBA. Học xong đại học, có một việc làm khá ổn định, nhưng nhận thấy kiến thức đạo đức tinh thần không có dạy trong nhà trường ở trường đời, tôi xin vào học lớp giáo lý Phật Pháp tại một ngôi chùa ở trung tâm thành phố. Chập chững những kiến thức khá mới mẻ và chưa từng được nghe trước đó, nhưng tôi cảm thấy như gần gũi, thân quen tự thuở nào, cái thời còn nhỏ hay ghé ngang ngôi chùa làng để lắng nghe âm thanh trầm bổng của các bài kinh tụng và lén lút đưa mắt ngắm nhìn nụ cười vi tiếu trên khuôn mặt ngôi tượng Phật. Cái lớp giáo lý này có điều đặc biệt là học viên đủ mọi thành phần và đủ mọi lứa tuổi, tôi là công chức, ba anh em kia là sinh viên luật, khoa học và nông lâm. Cái duyên học đạo của chúng tôi đều tình cờ, tự nguyện và thôi thúc; không như con nhà nòi, nhà thuần đạo, họ được tiếp xúc và được giáo dục Pháp từ khi còn nhỏ. Hải, sống cùng xóm với ông đạo sĩ cụt tay núi Hồng Lĩnh, vì cảm phục năng lực siêu nhiên của ông ấy mà đã tìm đến chùa tu tập khi vào Huế học đại học. Vĩnh, được ông cư sĩ Mật tông ẩn cư núi rừng Miền Tây Nam Bộ khai ấn truyền chú cho, nên cũng ưa thích cảnh chùa tĩnh mịch để tụng chú. L., tình cờ được chị gái cho đi học giáo lý một buổi rồi thích luôn mặc dù còn tuổi ăn tuổi chơi. Cái “Duyên” (Paccayo) trong nhà Phật nói là tự nhiên nhưng cũng cần có sự tác động ban đầu ấy! Cái lứa tuổi của chúng tôi đúng là gặp lúc chín muồi và rất nhạy cảm, Thầy dạy cho một nhưng muốn biết đến mười. Ngoài những nghi thức, những bài kinh căn bản của Phật Giáo Bắc Tông, chúng tôi tự tìm tòi đọc kinh sách của các tông phái và tôn giáo khác. Vào những dịp lễ hay cuối tuần, chúng tôi hay rủ nhau lên núi cao rừng thẳm để tự tu thiền (niệm hơi thở, yoga khí công và tụng mật chú) rất là tinh tấn, mặc dù Thầy của chúng tôi không dạy cho và còn không khuyến khích việc hành thiền nữa. Vì không được khuyến khích nên chúng tôi tự tìm tòi học hỏi lấy chứ biết làm sao bây giờ! Cái duyên tiền kiếp đưa đẩy chứ đâu phải chúng tôi tự nhiên sinh ra trên cõi đời này để làm mọi thứ từ đầu và rồi chết đi là hết một cách dửng dưng như cách nói của các triết thuyết tà kiến. Đối với chúng tôi, sự hành thiền mỗi ngày vẫn ổn. Vì truyền thống gia đình lương giáo – đạo thờ ông bà, nên niềm tin của chúng tôi rộng mở hơn, dung chứa hết các truyền thống của Đạo Phật. Vậy nên chúng tôi được học Giáo Pháp của Đạo Phật Bắc Tông, Nam Tông, Mật Tông, ... được học thiền theo truyền thống Nguyên Thủy - Theravàda. Đó là điều may mắn cho chúng tôi đến tận bây giờ! Nay, chúng tôi mỗi người một phương, những năm tháng cùng nhau tu học ấy, không bao giờ lặng mờ trong tâm thức mỗi người.
Gần đây, vẫn tinh thần khá ổn định, vẫn khá lạc quan trong lối sống và tu tập, chỉ gia cảnh có vấn đề (Phong thủy ngôi nhà quá xấu - Dân Việt ta quá nghèo, chỉ lo được một chỗ ở cho có lệ chứ không quan trọng đến thế đất thế khí của ngôi nhà và môi sinh. Nghe nói ở Phương Tây họ có nguyên một bộ phận lo về phong thủy và môi trường cho người dân trong ngành quản lý đô thị, còn xứ có truyền thống Đông Phương như ta lại coi thường xem nhẹ ngành khoa học này. Ăn bổng lộc của dân thì phải biết đền ơn, tạ ơn bằng cách tạo điều kiện thuận lợi và cuộc sống tốt cho họ, khi ấy đất nước mới giàu mạnh, phú cường và chính phủ cũng được quản trị an nhàn và tạo phước); khuất tất (Cái trú xứ có quá nhiều phi nhân bất hảo đeo bám - Có thể do quá nhiều oan trái trong quá khứ và cách cúng kiến vàng mã vô tội vạ không đúng cách của con người thời nay khiến sự thu hút cộng trú các chúng sanh này); môi trường xã hội khắc nghiệt (Vấn đề cơm-gạo-áo-tiền ngốn trọn thời gian của người nghèo, xoay họ như con chong chóng thì còn đâu thời gian dành cho tâm linh chơn chánh, nghỉ ngơi thư giản, du lịch thưởng ngoạn),... L. đã cố ý kết thúc mạng quyền của mình. Luật vô thường của Pháp, mạng sống con người đến đi thật bất ngờ!
Đôi dòng sót lại, lưu dấu chuyện xưa, tưởng niệm người bạn Pháp yểu mệnh.
**TP.PA**

No comments:

Post a Comment