Saturday, December 1, 2018

Trả Lại Thời Gian (Ns. Thanh Sơn)

Đây là bài hát của nhạc sĩ Thanh Sơn, được ông sáng tác giai đoạn trước năm 1975. Giai đoạn đó, hầu hết các sáng tác của Thanh Sơn đều là trữ tình lãng mạn. Nếu là người yêu thích nhạc của ông, chắc hẳn mọi người đều để ý được một đặc điểm rất nổi bật trong các bài hát do ông viết là ngoài phần nhạc không nói đến, phần ca từ bài hát rất thơ và nhiều lời ca cũng là một bài thơ trữ tình với những gieo vần nhuần nhuyễn. Trả lại thời gian cũng như vậy. Nếu chỉ xét phần lời, đây là một bài thơ hoàn chỉnh.

Thanh Sơn đã từng tâm sự rằng, bài hát là nỗi lòng của ông về một mối tình dang dở với một người con gái ông gặp ở Đà Lạt. Tuy là một mối tình ngắn ngủi nhưng lại là một mối tình để lại trong ông nhiều khắc khoải, tâm sự nhất, cũng là một mối tình mang biết bao day dứt, tuyệt vọng.

“Xin trả lại những kỷ niệm buồn vui
Ngày xanh đã theo thời gian qua mất rồi
Ngồi viết tâm sự nhớ ngược về quá khứ
Chợt lên nét suy tư
Bao năm thầm kín trót thương tà áo tím
Những đêm sương lạnh nghe trái sầu rớt vào tim…”

Phần đầu của bài hát nói về thời điểm hiện tại và sự hiện diện của nỗi nhớ về mối tình năm xưa cùng những ký ức về những kỷ niệm buồn vui đã trải qua. Đặc biệt là câu cuối của phần đầu: Những đêm sương lạnh nghe trái sầu rớt vào tim. Phải chăng là bởi vì nhạc sĩ gặp người con gái năm xưa đó trong chính màn sương lờ lững của xứ lạnh cho nên mỗi khi sương xuống, tim ông lại không thể ngăm được cơn sầu tựa như đổ xuống làm nghẹn ngào khắc khảo tâm can.

“Thương rất nhiều mái tóc xõa bờ vai
Tình khôn lớn nuôi chờ mong ôi quá dài
Lòng vẫn u hoài thấy chuyện tình đổi thay
Đời ai biết được ai
Chia ly là hết, xót xa nhiều cũng thế
Nếu mai sau gặp xin cúi mặt làm ngơ.”

Phần tiếp theo của bài hát, Thanh Sơn vẽ nên những nét tự sự về chuyện tình quá khứ. Người con gái với mái tóc dài ấy là hình ảnh kiều diễm dịu dàng đầy tính Việt Nam. “Mái tóc dài xõa bờ vai” để lại bao niềm thương nỗi nhớ. Nhưng chẳng phải đó là tình cảm hời hợt kiểu ong bướm si tình như ta thường thấy ở các nhạc sĩ. Đây là một thứ tình cảm bền chặt, thực tình hơn và chỉ với chữ THƯƠNG, ta biết được tác giả không chỉ là yêu đương thoảng qua mà thực tâm muốn gắn bó cuộc đời với người ấy. Chính câu hát tiếp theo nói rõ hơn về những ước đợi, chờ mong đến khi tình yêu chín muồi, “khôn lớn”. Tuy vậy, đời nào như mơ, chẳng biết vì điều gì, tình yêu đó rồi cũng đến lúc đổi thay mà chẳng ai biết rõ lý do. Đến lúc nhận ra thì nhạc sĩ phải bằng hoàng và u sầu rằng thứ tình cảm một thời đã không còn nữa. Cuộc đời là chốn vô thường mà, có thứ gì là tồn tại mãi được đâu. Tình yêu lại càng dễ thay đổi, lụy tàn. Cho dù có ai đó nỡ nặng tình rồi thì sau khi nói lời chia ly, mọi chuyện đã kết thúc. Có lẽ tác giả chính là người nặng tình đó, để rồi cho dù muốn hay không, người con gái ông thương cuối cùng cũng cất bước ra đi, cho dù có gặp lại cũng chỉ “cúi mặt làm ngơ”. “Cúi mặt làm ngơ” chẳng phải là hành động của cô gái ấy mà chính là điều mà tác giả tự dặn mình: cho dù còn vương vấn biết bao thì nếu có cơ may gặp lại, ông cũng sẽ cúi mặt làm ngơ để mọi dĩ vãng chôn vùi quá khứ. Ở trong câu này, có thể dùng nhiều từ thay thế như ngoảnh mặt làm ngơ, tuy nhiên, cúi mặt lại mang một sắc thái nói lên sự bất lực, cay đắng, ngậm ngùi. Chẳng phải là vô tình, chỉ là chẳng có đủ dũng cảm để đối diện lại với gương mặt người ta đã và đang thương nhớ nữa.

Cuộc đời dài rộng xa xăm, kiếp nhân sinh đầy khắc khoải. Thời gian thì chẳng bao giờ có thể ngừng lại, cũng như năm xưa khoảnh khắc yêu đương rồi cũng tan theo dòng chảy của tạo hóa. Những câu hát tiếp theo trong đoạn điệp khúc nói lên tình cảnh của một người yêu đơn phương người cũ. Giờ cô ấy đã trở thành “người nơi đó”, tình yêu thì cũng đã trở thành tình chia phôi. Ấy thế mà người ôm mộng chẳng thể quên đi, để nỗi nhớ thương vô vọng cứ dằn vặt ngày qua ngày. Tác giả nhiều lần tìm cách để quên đi lắm chứ, nhưng rồi đêm đến, tất cả mọi nỗ lực đều vô nghĩa, nỗi nhớ ấy chưa bao giờ vơi đi, lại sống lại sống động như chưa từng phôi pha. Đến mức tác giả vô vọng hỏi mình: “Biết cuộc đời mình ra sao?”. Biết sống làm sao khi cả đời sẽ ôm nặng một mối tuyệt tình này chứ?

Phần cuối cùng cũng là lời tạ từ của ông đối với dĩ vãng ấy:
“Ôm kỷ niệm chẳng nửa lời thở than
Một tâm khúc cho người thương, cho tiếng đàn
Đời đã không màng những gì mình mơ ước,
mà sao khó tìm quên?
Xa nhau thì nhớ lúc đến gần xao xuyến
Nhớ thương bây giờ xin trả lại thời gian.”

Tình yêu đâu phải là thử thách đâu mà nói đến chuyện đạt được hay không? Nó cũng chẳng phải một câu đố để tìm ra đáp án rõ ràng. Người ta biết rằng thật sự rất ngu khờ khi cứ ôm trọn mãi những kỷ niệm, ảo vọng quá khứ đó nhưng có tự nói với mình bao nhiêu lần hãy quên đi, người phụ tình, đời bạc bẽo ta cần chi phải níu kéo, ấy vậy mà có làm được đâu. “Đời đã không màng những gì mình mơ ước, mà sao khó tìm quên?”. Bóng người thương năm ấy giờ đã trở thành người dưng rồi ấy vậy mà ông vẫn cứ tương tư xa gần không thôi, cho dù chẳng thể giáp mặt, gặp nhau chỉ dám làm ngơ nhưng ông nào có thể lẫn bước đi được đâu, vẫn loanh quanh để nghe thấy trái tim mình còn xao xuyến nhiều lắm.

Câu hát cuối cùng là lời tạ từ với dĩ vãng mà dứt khoát lắm tác giả mới có thể nói ra. Ông nguyện xin gửi lại tất cả những nhớ thương, ký ức, niềm khổ đau tình yêu này lại cho thời gian. Ông nguyện sẽ không mang theo nói cho phần đời còn lại nữa. Nếu thời gian đã vô tình với tình yêu đến thế thì những dằn vặt này thời gian hãy giữ lấy đi, hãy giữ lấy đi để lòng người thanh thản. “Xin trả lại thời gian”

Một nhạc phẩm thật sâu lắng và khắc khoải.

(Theo Sơn Đoàn)

Như Quỳnh - Trả Lại Thời Gian (Thanh Sơn). Paris By Night 103 - Tình Sử Trong Âm Nhạc Việt Nam:
https://youtu.be/la_p7iSZb10

No comments:

Post a Comment