Sun, 02May2010.
Như thông lệ từ 3 năm nay, hằng chiều Chủ Nhật, tại chùa Thiền Lâm (Nguyên Thủy), tp Huế, Vietnam, nhóm Thiền Tứ Niệm Xứ (Mindfulness Meditation - Satipaṭṭhāna Bhāvanā) sinh hoạt; bao gồm nghe Pháp, hành thiền, dưới sự hướng dẫn của Thầy Giới Đức - Minh Đức Triều Tâm Ảnh.
Chương trình bắt đầu lúc 15 giờ, đầu tiên là phần thuyết Pháp của Thầy thiền sư, khoảng 45 phút; kế đến là hành thiền khoảng 1 tiếng đồng hồ; cuối cùng là vấn Pháp hoặc trình Pháp. Đề Mục hành thiền mà Thầy hướng dẫn cho thiền sinh chủ yếu dựa vào bài kinh Tứ Niệm Xứ (Satipaṭṭhānasutta) thuộc Tam Tạng Pāli (Pāḷi Tipiṭaka) của Đức Phật Gotama; ví như niệm hơi thở, niệm phồng xẹp ở bụng, niệm tâm từ,...
Hành thiền ở đây bao gồm Thiền Định (Concentration Meditation - Samatha Bhāvanā) và Thiền Tuệ (Insight Meditation - Vipassanā Bhāvanā). Cốt tủy của Thiền Định là hành giả tinh tấn gom tâm vào đề mục chính và quen thuộc nhất để làm sinh khởi các Thiền chi là Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất tâm. Khi năm Triền Cái (Pháp ngăn che, Pháp che lấp công phu tu tập) là Dục, Sân, Hôn trầm - Thụy miên, Trạo cử - Hối quá, Nghi vắng mặt hay tạm thời bị đè nén và năm Thiền chi được làm cho vững mạnh thì tâm hành giả có thể chuyên nhất với đề mục, an trú trên đề mục hành thiền để đi vào nhập định (Cận định và An chỉ định). Cốt tủy của Thiền Tuệ (còn gọi là Thiền Quán) là hành giả dùng trí tuệ soi chiếu, quán sát, thẩm thấu các đề mục hành thiền để làm phát sinh trí tuệ thẩm thấu Tam Tướng (Vô thường, Bất toại nguyện và Vô ngã - Anicca, Dukkha, Anatta) của thân tâm và tất cả các pháp, nhằm làm suy yếu và diệt tận Phiền não (Defilements - Kilesa), mục đích là diệt Khổ.
Bắt đầu từ năm 2010 này, sự hành thiền đi vào qui củ, nề nếp hơn. Thiền sinh được trình Pháp riêng biệt với Thiền sư, để được hướng dẫn kỹ hơn, căn cơ hơn. Nhóm thiền cũng sẽ tổ chức các thời hành thiền tích cực một ngày, hai ngày, năm ngày, một tuần, mười ngày,... tại chùa Huyền Không Sơn Thượng.
Bài Pháp ngày hôm nay của Thầy nói về công dụng của sự ngồi yên lặng để thở. Tức chỉ ngồi yên lặng và quan sát hơi thở mà thôi. Theo tôi pháp hành này nếu ta cẩn thận và khôn khéo thì ta có cả Định lẫn Tuệ; chú tâm vào tướng hơi thở là Định và quan sát tướng hơi thở là Tuệ. Sau thời Pháp của Thầy, anh chị em ngồi hành thiền. Xong thời ngồi thiền là vấn đạo (hỏi đáp về Pháp). Có một câu hỏi thú vị là một chị tín nữ hỏi rằng nếu ở đời vì công này việc nọ mà nhấp nhấp một hai ly bia rượu thì đúng hay sai. Thầy trả lời bằng cách nêu ra hai tích chuyện trong Tam Tạng: một là nhân một vị Tăng trẻ Thánh nhân Tu-Đà-Hườn thời Đức Phật say rượu nằm quay chân hướng về phía Đức Phật nên Ngài chế Giới cấm uống rượu và chất say; hai là nhân cả hai vị thiện nam tín nữ có giới sai lệch nhưng sau khi chết cùng tái sanh về Cung trời Đao-lợi, Ngài Xá-lợi-phất giải rộng ra là có 5 pháp cùng tu tập trong Giáo Pháp của Đức Phật như Tín, Giới, Văn, Thí và Tuệ cùng bổ trợ cho nhau, dù 5 pháp ấy không nhuần nhuyễn tròn đủ nhưng người Phật-tử cũng phải biết tự chủ (self-control) để tu tập; câu chuyện thứ ba là tại kỳ Kết tập Tam Tạng Pāli lần thứ 6, tất cả 2500 vị Đại-đức-Tăng đều không đồng ý cho phép bất kỳ một vị Tăng nào được phép uống rượu dù chỉ để trị bệnh hay chống chọi với thời tiết hàn lạnh.
Thuận Pháp - Phan Anh.
No comments:
Post a Comment